Trong nhiều năm qua, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là do các bên liên quan tranh chấp chưa thống nhất được lập trường, cũng như biện pháp giải quyết tranh chấp. Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng lớn đến tình hình khu vực, cũng như các hoạt động khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Vì vậy, trước khi các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết tranh chấp, thì việc hợp tác khai thác chung các nguồn tài nguyên ở Biển Đông có lẽ là một giải pháp phù hợp và khả thi nhất.
Khai thác chung không phải là ý tưởng mới trong giải quyết các tranh chấp biển trên thế giới. Việc khai thác chung là một thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan, nhằm chia sẻ tài nguyên trên các vùng biển chồng lấn. Cơ sở của các thỏa thuận này chính là chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của quốc gia theo quy định của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, thoả thuận về khai thác chung chỉ được coi là giải pháp tạm thời nhằm giảm xung đột giữa các bên tranh chấp và chỉ nhằm khai thác các nguồn tài nguyên. Những thỏa thuận khai thác chung không được làm ảnh hưởng tới yêu sách về chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước trên biển.
Về khía cạnh luật quốc tế:
Mô hình khai thác chung trên thế giới đã được thực hiện từ những năm 1920, điển hình là Hiệp ước Svalbard. Tính đến nay, có khoảng 20 điều ước quốc tế và gần 100 thỏa thuận hợp tác khai thác chung được ký kết giữa các nước liên quan.
Cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động hợp tác khai thác chung được quy định tại Điều 74, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 về hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau: “(1) Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diên nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng. (2) Nếu không đi tới được một thỏa thuận trong một thời gian hợp lý thì các quốc gia hữu quan sử dụng các thủ tục nêu ở phần XV. (3) Trong khi chờ ký kết thỏa thuận ở khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoán quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến hoạch định cuối cùng. (4) Khi một điều ước đang có hiệu lực giữa các quốc gia hữu quan, các vấn đề liên quan đến việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế được giải quyết theo đúng điều ước đó”.
Ngoài ra, trên thực tế đã có nhiều nước ký kết các Thỏa thuận khai thác chung và đã thu được nhiều kết quả khả quan như Thỏa thuận giữa Papua New Guinea và Australia năm 1978, Na uy và Anh ở biển Bắc, Arab Saudi và Sudan, Thailand và Malaysia, Australia và Indonesia, Việt Nam và Malaysia…
Hợp tác chung ở Biển Đông
Do yêu sách chủ quyền giữa các bên liên quan tranh chấp có nhiều khu vực chồng lấn, đan xen khiến việc tìm kiếm một biện pháp thiết thực để giải quyết tranh chấp gần như rơi vào thế bế tắc. Tại những khu vực này, nhiều nước đã ký kết các thỏa thuận hợp tác chung, song nó chỉ mang tính tạm thời và không thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Năm 1994, Philippines và Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận nghiên cứu khoa học chung trên biển Đông. Sau đó, vào năm 2005 Trung Quốc cũng được mời tham gia vào sự hợp tác nghiên cứu khoa học chung, với những hoạt động thăm dò địa chấn lòng biển được triển khai tại một vùng biển rộng đến gần 150.000 km2 ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đến năm 2008, thỏa thuận này bị dừng lại do vấp phải sự phản đối từ nhiều phía.
Trung Quốc là nước có yêu sách chủ quyền phi lý trong khu vực, với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Bắc Kinh cũng là một trong những nước đầu tiên kêu gọi “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở Biển Đông, nhưng cách mà Trung Quốc viện dẫn, cũng như hàm ý của việc “gác tranh chấp, cùng khai thác” lại hoàn toàn không giống như cách mà cộng đồng quốc tế đã, đang làm. Phía Trung Quốc cho rằng, tiền đề “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” vẫn là việc Bắc Kinh có “chủ quyền không thể tranh cãi” ở Biển Đông và khu vực hợp tác khai thác lại nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của các nước ven biển khác được hưởng một cách hợp pháp theo quy định của luật pháp quốc tế.
Đề xuất, kiến nghị của giới chuyên gia: Trong những năm gần đây, giới nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu của khu vực và thế giới đã đưa ra nhiều khuyến nghị đối với các nước liên quan trong việc hợp tác khai thác chung ở Biển Đông.
Một nhóm chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ xây dựng cho rằng các bên liên quan tranh chấp ở Biển Đông có thể tiến hành hợp tác chung khai thác dầu khí ở Biển Đông một cách công bằng, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như pháp luật các bên liên quan. Trong đó có một số điểm chính sau: Trung Quốc cần phải chấp nhận rằng việc bảo đảm một phần chia sẻ lợi nhuận từ các nguồn dầu khí ở Biển Đông sẽ là đủ để đáp ứng nhu cầu về “quyền lịch sử” của họ. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh phải chấp nhận một hệ thống mà trong đó, các bên tranh chấp khác thực thi quyền tài phán bằng cách cấp giấy phép thăm dò dầu khí miễn là có phần của Trung Quốc trong tổng lợi nhuận. Trong khi đó, tất cả các bên tranh chấp phải sẵn sàng từ bỏ việc khoan dầu khí dựa trên yêu sách các vùng biển tính từ các đảo, đá tranh chấp ở Biển Đông. Để làm được điều đó, các bên tranh chấp cần phải thống nhất về: (1) Thành lập liên doanh dưới hình thức một thực thể thương mại mới ở mỗi quốc gia ven Biển Đông, bao gồm công ty dầu khí quốc gia và các đối tác từ các bên tranh chấp khác nếu có mong muốn đầu tư. Mỗi doanh nghiệp đơn lẻ của liên doanh này sẽ được quyền thăm dò và khai thác nguồn khí đốt ở vùng biển ngoài khơi bờ biển quốc gia đó. (2) Trong khi chờ giải pháp phân định biển cuối cùng, tất cả các quốc gia ven Biển Đông có thể cấp phép thăm dò, khai thác dầu khí trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của mình. Tại các khu vực chồng lấn, trừ khi có thỏa thuận song phương trước đó, cần phải xác định một đường trung tuyến để quyết định quốc gia nào có quyền tạm thời trong việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác. (3) Không tiến hành thăm dò dầu khí tại các khu vực bảo tồn nghề cá gồm các rặng san hô quan trọng ở Biển Đông, trong đó có các khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bãi cạn Scarborough và bãi cạn Luconia, theo như đã được xác định bởi một tổ chức đa phương gồm các chuyên gia độc lập và các quan chức trong khu vực. (4) Giải pháp tạm thời là một hoặc nhiều tập đoàn tiến hành khảo sát chung dầu khí tại khu vực đáy biển ở giữa Biển Đông, ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển các quốc gia.
Trước đó, nhóm Mark J. Valencia của đại học Hawaii, Mỹ cũng đã đưa ra ý tưởng cho việc chia sẻ tài nguyên trong khu vực quần đảo Trường Sa. Theo họ, để hợp tác chung ở khu vực quần đảo Trường Sa cần có cơ chế hợp tác đa phương với nguyên tắc: các tuyên bố về chủ quyền Biển Đông đều được công nhận và giải pháp tạm thời không ảnh hưởng đến giải pháp cuối cùng, không có các hoạt động quân sự và tài nguyên thiên nhiên được khai thác và chia sẻ theo nguyên tắc bình đẳng và công bằng. Theo đó, các bên tranh chấp sẽ thiết lập một thể chế quản lý tài nguyên biển trong khu vực để tổ chức nghiên cứu, khảo sát đánh giá về tiềm năng dầu khí. Qua đó, các bên sẽ xác định khu vực và phương thức hợp tác chung thông qua một cơ chế đa phương điều hành hoạt động khai thác chung và phân chia các nguồn lợi. Thành viên bao gồm tất cả các bên tranh chấp và không có tranh chấp; cơ chế ra quyết định là đồng thuận và nguyên tắc phân bổ tài nguyên phụ thuộc vào tuyên bố đòi hỏi của các bên có tính đến yếu tố lịch sử. Tuy nhiên, việc quyết định phân chia tài nguyên hay quyết định về nhượng quyền khai thác sẽ được các bên tranh chấp trực tiếp thông qua.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bá Diễn từng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đối với Việt Nam khi tiến hành hợp tác khai thác chung ở Biển Đông. Giáo sư Nguyễn Bá Diễn cho rằng: (1) Việc đàm phán, ký kết và thực thi các thỏa thuận hợp tác cùng phát triển cần quán triệt nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với hai quân đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển, đảo khác theo quy định của pháp luật quốc tế; nhất là trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo UNCLOS. (2) Việc ký kết các thỏa thuận về hợp tác cùng phát triển cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là UNCLOS. (3) Nội dung hợp tác phát triển cần được quy định chi tiết, toàn diện về tất cả các vấn đề có liên quan đến vùng hợp tác cùng phát triển như: xác định phạm vi hợp tác, tỷ lệ phân chia lợi nhuận, mô hình quản lý, các quy định về quyền và nghĩa vụ, việc xây dựng và sử dụng các công trình thiết bị, trao đổi thông tin, bảo vệ môi trường biển…(4) Về quyền và nghĩa vụ của các bên, điều ước về hợp tác cùng phát triển nên quy định cụ thể, rõ ràng về các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong vùng hợp tác. Đối với lĩnh vực nghề cá, ngoài các quy chuẩn về đánh bắt như sản lượng đánh bắt thì cần quy định thêm số lượng tàu thuyền đánh bắt cá của mỗi bên hàng năm. (5) Đối với thầm quyền tài phán của các bên, thỏa thuận về hợp tác cùng phát triển cần có các quy định chi tiết, cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện thẩm quyền tài phán hành chính, hình sự, dân sự, khai thác tài nguyên… trên vùng hợp tác. Ngoài ra, thỏa thuận còn cần quy định về thẩm quyền của các quốc gia đối với vấn đề an ninh và an toàn hàng hải nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động hàng hải diễn ra an toàn, thuận lợi. (6) Về việc xây dựng mô hình quản lý khu vực hợp tác cùng phát triển , thỏa thuận có thể xây dựng theo mô hình “đồng quản lý” được áp dụng trong Hiệp định giữa Senegal và Guinea Bissau… (7) Về vấn đề tài chính, các điều khoản cần được quy định cụ thể, bởi mục tiêu chủ yếu của các nước khi tham gia hợp tác khai thác chung là kinh tế. Các bên khi ký kết thỏa thuận hợp tác chung phải dựa trên nguyên tắc công bằng đề chia sẻ các quyền lợi và nghĩa vụ của mình về tài chính. (8) Về vấn đề luật áp dụng và giải quyết tranh chấp sẽ do các bên liên quan thống nhất với nhau, song cần tuân thủ các nguyên tắc, quy định của luật quốc tế.
Việc tiến hành hợp tác khai thác chung ở Biển Đông gặp nhiều khó khăn, thách thức
Để đi đến việc ký kết các thỏa thuận hợp tác khai thác chung ở Biển Đông, các bên liên quan cần thống nhất và xác định được vùng tranh chấp tức vùng chồng lấn. Chỉ khi xác định được vùng chồng lấn như vậy thì mới có thể nói tới biện pháp hợp pháp tức là khai thác chung. Tuy nhiên, do mỗi nước đều có những quan điểm, lập trường khác nhau khiến việc xác định được vùng chồng lấn là vô cùng phức tạp. Đặc biệt là việc Trung Quốc vẫn giữ nguyên cái tuyên bố về chủ quyền theo “đường lưỡi bò” mà không hề đưa ra bất kỳ một vị trí tọa độ cũng không hề đưa ra bất kỳ cơ sở pháp lý nào khiến những đề xuất hợp tác khai thác chung rơi vào bế tắc.
Ngoài ra, Trung Quốc vẫn cố tình lồng ghép, sử dụng câu chữ khi tuyên truyền về “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” và giữ nguyên lập trường cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông”.
Tóm lại, hợp tác khai thác chung ở Biển Đông trên thực tế là một giải pháp phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế, có thể áp dụng để giảm căng thẳng trong khu vực và thúc đẩy hợp tác cùng phát triển đối với các nước liên quan. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế hợp tác khai thác chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Việt Nam là một bên liên quan tranh chấp, có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của nước ngoài liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không được phép của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị pháp lý. Chính vì vậy, Việt Nam sẽ chỉ tiến hành hợp tác khai thác chung trên cở sở Trung Quốc và các nước liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, thềm lục địa theo quy định của luật pháp quốc tế.