Monday, May 20, 2024
Trang chủBiển nóngThông điệp quốc gia 2018 của Tổng thống Philippines không đề cập...

Thông điệp quốc gia 2018 của Tổng thống Philippines không đề cập đến vấn đề chủ quyền Biển Đông

Chiều 23/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã trình bày bản thông điệp quốc gia thường niên lần thứ 3 của ông kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 6/2016. Tuy nhiên, trái với mong đợi của người dân, bản thông điệp năm nay của Tổng thống Duterte đã không hề nhắc đến vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Tổng thống Philippines Duterte đọc Thông điệp quốc gia trước Quốc hội tại Manila ngày 23/7. Nguồn: AFP/TTXVN

Bản thông điệp quốc gia năm 2018 của Tổng thống Duterte tập trung đề cập đến vấn đề cải cách hiến pháp, cuộc chiến chống tham nhũng và tội phạm ma túy, hạn chế tác động của ngành khai thác mỏ đối với môi trường, bảo vệ lợi ích của lao động Phillippines ở nước ngoài và ưu tiên trong quan hệ đối ngoại. Cụ thể:

Thứ nhất, Tổng thống Duterte nhắc lại thời điểm cách đây 2 năm khi tuyên thệ nhậm chức, ông đã muốn sửa đổi Hiến pháp vì lợi ích của người dân Philippines. Một trong những cam kết trọng tâm của Tổng thống Duterte là đưa Philippines theo hướng chính phủ liên bang và cần một cuộc cải tổ toàn diện Hiến pháp nước này. Tháng 12/2016, ông Duterte đã ban hành Sắc lệnh Hành pháp số 10 để thành lập Ủy ban Cố vấn về cải cách hiến pháp với nhiệm vụ “nghiên cứu, tham vấn và xem xét lại các điều khoản của Hiến pháp 1987, toàn bộ các nội dung về cấu trúc và quyền hạn của chính quyền trung ương, địa phương và các chính sách kinh tế”. Tháng 1/2018, Hạ viện Philippines đã bắt đầu thảo luận về việc sửa đổi Hiến pháp. Theo dự thảo này, Tổng thống Philippines sẽ được cầm quyền hai nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp. Trong khi đó, Hiến pháp hiện nay quy định tổng thống chỉ được lãnh đạo một nhiệm kỳ 6 năm. Về mặt chính thức, mục đích của sửa đổi Hiến pháp là để chuyển sang hệ thống chính quyền liên bang, với quyền hành tăng thêm cho tổng thống, nhưng cũng trao quyền tự trị nhiều hơn cho người Hồi giáo ở miền Nam. Ngoài ra, Tổng thống Duterte cũng khẳng định ông sẵn sàng phê chuẩn Luật cơ bản về Bangsamoro, theo đó thay thế Vùng tự trị ở khu vực Mindanao Hồi giáo (thành lập năm 1989) bằng Vùng Bangsamoro mới ở miền Nam nước này, nếu luật được quốc hội thông qua.

Thứ hai, liên quan đến cuộc chiến chống tham nhũng, Tổng thống Duterte một lần nữa khẳng định quyết tâm dẹp bỏ nạn tham nhũng vốn từng làm cạn kiệt ngân quỹ quốc gia. Tổng thống Duterte cho biết ông đã sa thải một số quan chức cấp cao bị cáo buộc tham nhũng và sẽ tiếp tục duy trì động lực này. Cùng với cuộc chiến chống tham nhũng, ông Duterte cũng cam kết theo đuổi đến cùng cuộc chiến chống ma túy. Tổng thống Duterte nhấn mạnh cuộc chiến này sẽ “khốc liệt” tương tự như trước đây. Nhờ vào chiến dịch trấn áp tội phạm mạnh tay của ông, tình trạng phạm tội đã giảm, hàng nghìn kẻ buôn bán thuốc phiện phải ở sau song sắt, hàng triệu con nghiện đã đăng ký điều trị và thế hệ tương lai của Philippines được bảo vệ khỏi đại dịch thuốc phiện. Tuy nhiên, con số người chết trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, khi các nhà quan sát cho rằng con số thực sự còn lớn hơn nhiều mức 4.500 mà cảnh sát đưa ra. Cũng trong thông điệp quốc gia năm nay, Tổng thống Duterte nhắc lại chính phủ sẽ đưa ra luật mới đối với lĩnh vực khai khoáng và cân nhắc chấm dứt xuất khẩu khoáng sản. Ông khẳng định ngành khai thác mỏ không thể hủy hoại môi trường và bán rẻ tài nguyên của đất nước.

Thứ ba, về tình hình đảo Mindanao, Tổng thống Duterte khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh cho quân đội và cảnh sát trong chiến dịch chống lại các phần tử cực đoan trên đảo Mindanao, đồng thời bày tỏ mong muốn sớm ổn định khu vực này. Cuộc xung đột kéo dài tại Marawi, Mindanao (2017) đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và 500.000 người phải đi lánh nạn. Mặc dù Marawi đã được giải phóng, song quân đội Philippines cho rằng phiến quân Maute vẫn là mối đe dọa đối với khu vực vì các phần tử còn lẩn trốn vẫn đang tìm cách tuyển mộ các thành viên mới.

Thứ tư, về ưu tiên trong chính sách đối ngoại, Tổng thống Philippines khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các quốc gia láng giềng ASEAN, đồng thời đánh giá cao việc Indonesia và Malaysia cùng tham gia tuần tra chung trên biển nhằm chống lại hoạt động cướp biển và buôn lậu. Ông cũng nhấn mạnh Philippine đã tổ chức thành công lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 31 của tổ chức này với niềm tự hào dân tộc. Về mối quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Durtete cho rằng mối quan hệ với Trung Quốc đang được đẩy mạnh trong lĩnh vực phòng chống tội phạm và hai nước cũng đang hợp tác chặt chẽ trong việc ngăn chặn buôn bán ma túy và chống tội phạm tổ chức có nguồn gốc từ Philippines và Trung Quốc.

Thứ năm, về vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động Philippines ở nước ngoài cũng được đề cập trong bản thông điệp năm nay. Tổng thống khẳng định chính phủ sẽ bảo vệ quyền lợi của người lao động ở nước ngoài để họ trả lương xứng đáng và hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây được coi là một trong những chính sách đối ngoại ưu tiên, sau sự việc một nữ lao động trẻ người Philippines bị ngược đãi và bạo hành đến chết tại Kuwait, làm gióng lên hồi chuông báo động về tình cảnh của khoảng 10 triệu người Philippines đang làm việc ở nước ngoài.

Mặc dù bản thông điệp quốc gia năm nay của Tổng thống Duterte đề cập đến các vấn đề nóng, quan trọng hiện nay của Philippines, song điều đáng tiếc là trong số đó Tổng thống Philippines không hề đề cập đến vấn đề tranh chấp chủ quyền và các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Một vấn đề mà thời gian qua đang thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của dư luận người dân Philippines. Như những phân tích cảnh báo của giới học giả và chính trị gia Philippines rằng Chính quyền Tổng thống Duterte đang đánh đổi chủ quyền lấy lợi ích.

RELATED ARTICLES

Tin mới