Zhang Lin, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Unirule tại Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc đã phạm phải 2 sai lầm lớn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, đó là đánh giá sai về Tổng thống Trump và mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và EU. Điều này có thể khiến Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt.
SCMP ngày 30/7 dẫn lời chuyên gia kinh tế Zhang Lin cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã đánh giá không đúng về Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cho rằng ông chỉ là một doanh nhân và những đe dọa chiến tranh thương mại của ông chỉ là một cách thổi phồng trước các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Thực tế, Washington đã chỉ rõ trong báo cáo Chiến lược Quốc phòng được công bố vài tháng trước khi cuộc chiến thương mại bùng nổ rằng Mỹ không thể chấp nhận hiện trạng các hoạt động thương mại và kinh tế của Trung Quốc. Thông điệp mà Washington muốn đưa ra là Trung Quốc sẽ không thể kiếm tiền từ Mỹ chừng nào còn là một mối đe dọa với kinh tế số 1 thế giới.
Sai lầm thứ hai mà Bắc Kinh đã phạm phải là đánh giá sai mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), quá ảo tưởng khi cho rằng có thể hình thành liên minh thương mại với EU để đối phó với Washington.
Theo chuyên gia Zhang Lin, dù có nhiều bất đồng trong các mối quan hệ khu vực Đại Tây Dương như việc Anh cùng Pháp, Đức tham dự Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á do Trung Quốc dẫn đầu, các nước phương Tây vẫn có cùng một số giá trị chung cốt lõi.
Tuyên bố mới nhất của Mỹ và EU đã gửi đi một thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc, rằng Mỹ và EU sẽ “hợp tác chặt chẽ cùng nhau như những đối tác cùng chung chí hướng” để giải quyết một loạt vấn đề như “đánh cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp, sự lệch lạc của các công ty nhà nước và công suất dư thừa” của Trung Quốc. Đương nhiên, không khó để trả lời câu hỏi Trung Quốc có nằm trong số các “đối tác cùng chung chí hướng” này hay không.
Hai sai lầm trên có thể khiến Trung Quốc rơi vào bẫy thu nhập trung bình – là trạng thái một nền kinh tế đã vượt qua mốc thu nhập thấp để trở thành nước có thu nhập trung bình, nhưng bị mắc kẹt ở mức thu nhập này, không thể tiếp tục vươn lên thành nước có thu nhập cao.
Chuyên gia Zhang Lin cho rằng dù các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc và dòng chảy thương mại không dễ dàng đóng băng chỉ sau một đêm, nhưng “kỷ nguyên xuất khẩu vàng” kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001 đang trên đà kết thúc.
“Phép màu kinh tế” của Trung Quốc trong vòng 4 thập kỷ qua chủ yếu dựa vào hai yếu tố: khối kinh tế nhà nước hoạt động không hiệu quả mở đường cho kinh tế tư nhân nở rộ, bên cạnh đó là sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thông qua thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên, trong mô hình phát triển kinh tế do chính phủ điều hành, các doanh nghiệp nhà nước có nhiều ưu thế để phát triển trong khi khối tư nhân rút lui khiến một trong hai trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế bị phá hủy. Chiến tranh thương mại với Mỹ thông qua các chính sách thuế quan bùng nổ đang làm lung lay nốt trụ cột còn lại, đe dọa nghiêm trọng đến triển vọng phát triển của kinh tế Trung Quốc.
Hơn nữa, nếu Mỹ, EU và thậm chí Nhật Bản hình thành một khối tự do thương mại mới trong thời điểm kinh tế Trung Quốc đang chững lại, nước này sẽ càng khó khăn hơn để phục hồi tăng trưởng. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc thực tế đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại từ năm 2013.
Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định không sợ đối đầu với Washington trong một cuộc chiến thương mại, trong khi đó truyền thông Trung Quốc kêu gọi người dân chia sẻ gánh nặng với chính phủ. Tuy nhiên, theo chuyên gia Zhang Lin, những “biến dạng” do doanh nghiệp nhà nước gây ra chắc chắn không phải là trách nhiệm của người dân Trung Quốc và họ cũng không đáng phải nhận hậu quả từ bẫy thu nhập trung bình – nếu đó là kết quả từ những chính sách không hiệu quả của chính phủ.