Theo đuổi dự án tham vọng Vành đai con đường, Bắc Kinh tìm cách giành vị thế chi phối của Nhật tại cảng biển Sihanoukville.
Vùng đất thanh bình ven biển Sihanoukville phía tây nam Campuchia đã trở thành thiên đường cho các nhà đầu tư Trung Quốc trong những năm gần đây.
Sòng bạc, khách sạn, nhà hàng, tiệm massage, siêu thị được trang trí và mang biển hiệu Trung Quốc. Nhiều cao ốc đang mọc lên, các công trình được thúc đẩy xây dựng bởi dòng tiền và dòng người Trung Quốc đang đổ về không ngừng nghỉ.
Thành phố có tên vị vua cuối cùng của đất nước, cách thủ đô Phnom Penh 220 km đang trở thành tiền đồn của Trung Quốc. Tuy nhiên, đặc điểm chủ yếu khiến cho Sihanoukville trở nên lôi cuốn, bởi cảng biển nước sâu duy nhất của đất nước Chùa Tháp vẫn nằm ngoài tầm với của Bắc Kinh.
Quang cảnh nhìn từ trên cao một bãi biển tại bờ biển Sihanoukville. (Ảnh: cambodiatravel)
Trong bản tin ngày 27/1/2018 của tờ Asianews cho hay, sự hiện diện và đầu tư ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại cảng Campuchia và tỉnh Sihanoukville khiến gia tăng tỷ lệ tội phạm và sự mất ổn định trong khu vực, ông Yun Min, tỉnh trưởng địa phương cho biết trong một bức thư gửi tới chính phủ Campuchia.
Sòng bạc với tấm biển bằng tiếng Trung và tiếng Anh tại Campuchia. (Ảnh: Asia News)
Những khoản đầu tư bất thường từ các nhà đầu tư Trung Quốc
Nhà báo Anna Fifield của tờ Washington Post cho biết trong bản tin ngày 29/3/2018: Chính phủ Campuchia đã cho phép mức đầu tư bất thường từ các nhà đầu tư Trung Quốc, 30 sòng bạc đã xây xong, và hơn 70 sòng bạc đang xây tiếp.
Một dự án xây dựng rất lớn là khu tổ hợp sòng bạc và căn hộ cao cấp Blue Bay, được quảng cáo là “một trong những biểu tượng cho sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc”. Các căn hộ nhỏ nhất của tổ hợp Blue Bay với giá khởi điểm 143.000 USD, trong khi đó những căn hộ đắt giá nhất hơn 500.000 USD.
Số lượng du khách Trung Quốc tới thành phố 90.000 dân Sihanoukville đã tăng gấp đôi giai đoạn 2016-2017. Năm ngoái, khách Trung Quốc tới Sihanoukville đạt 120.000 người. Nhà hàng, ngân hàng, hiệu cầm đồ, cửa hàng miễn thuế, siêu thị, khách sạn mọc lên như nấm sau mưa và đều gắn những biển hiệu với chữ Trung Quốc nổi bật.
Tổ hợp Blue Bay là một khu nghỉ dưỡng của người Trung Quốc đang được xây dựng tại Sihanoukville, Campuchia. (Ảnh: Anna Fifield/The Washington Post)
Gần 20 năm qua, Nhật là nhà tài trợ chính cho cảng nước sâu Sihanoukville
Cảng tự quản Sihanoukville (PAS) đã được tài trợ chủ yếu bởi chính phủ Nhật Bản trong gần 2 thập kỷ. Cảng này xử lý trên 70% tải trọng hàng hóa vận tải đường biển của Campuchia, được mở rộng cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế nước này, đồng thời PAS là công ty niêm yết lớn nhất trên thị trường chứng khoán địa phương.
Cảng PAS cũng là biểu tượng thể hiện sự cạnh tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại đất nước Chùa Tháp, và hiện nay Bắc Kinh đang thất vọng trước quyết tâm mới của Tokyo nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ Nhật – Sihanoukville, nhận định của nhà báo Kenji Kawase trên tờ Nikkei cho biết trong bản tin đăng tải ngày 3/8.
Nhật Bản đã đầu tư vào xây dựng cảng Sihankouville từ khi Campuchia xảy ra nội chiến. (Ảnh: joc.com)
Nhật Bản đã hỗ trợ cảng nước sâu hàng trăm triệu USD
Ngày 25/6/2018, cảng PAS đã mở rộng phần mới nhất với sự hỗ trợ từ các quỹ Nhật Bản. Một nhà ga đa năng có cầu tàu cho độ sâu 13,5m sẽ giúp các tàu chở hàng lớn neo đậu. Một bến cảng khác được dành riêng cho cơ sở hậu cần khai thác dầu và khí đốt đầu tiên của đất nước.
Một mỏ dầu khí ngoài khơi, được phát hiện tại Vịnh Thái Lan, hiện đang được đầu tư khai thác bởi KrisEnergy, một công ty được niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore thuộc tập đoàn Keppel. Mỏ dầu dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2019. Ngoài ra Nhật tiếp tục xây dựng một cảng chứa container, với cầu tàu dài 350m và độ sâu 14,5m.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây trên tờ Nikkei, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Lou Kim Chhun cho biết mở rộng cảng biển sẽ “đủ cho tàu lớn đi vào”. Khi kế hoạch hoàn thành vào năm 2023, cảng có thể đáp ứng hơn 90% các tàu trong khu vực.
Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen hôm 25/7 đã khánh thành nhà ga đa năng tại cảng tự quản Sihanoukville Autonomous Port. (Ảnh: pressocm.gov.kh)
Nguồn tài trợ của Nhật Bản cho cảng được cung cấp bởi 2 cơ quan viện trợ JICA (Japan International Cooperation Agency) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC).
JBIC đã từng có dự án khẩn cấp, cung cấp khoản vay ban đầu cho cảng vào năm 1999 nhằm giúp Campuchia phục hồi sau cuộc nội chiến kéo dài. Cả JICA và JBIC đã cung cấp tổng cộng 411,3 triệu USD cho các khoản vay, trợ cấp và hỗ trợ kỹ thuật đối với cảng biển này.
Cảng tự trị Sihanoukville hiện là một trong những cảng phát triển nhanh nhất trong khu vực và đang được mở rộng theo viện trợ của Nhật Bản. (Ảnh: Akira Kodaka)
Chủ tịch công ty vận hành cảng từ năm 1998, ông Chhun, một kỹ sư được đào tạo tại Liên Xô đã không che giấu lòng biết ơn của ông đối với các gói hỗ trợ tài chính luân phiên của Nhật Bản. Ông cho biết, viện trợ đã “hiệu quả và có ích cho người dân Campuchia”.
Theo đuổi Vành đai Con đường, Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Campuchia
Tầm quan trọng chiến lược của cảng cũng gia tăng khi Trung Quốc theo đuổi Sáng kiến Vành đai Con đường, và Bắc Kinh tìm cách tiếp cận các cảng Âu Á, bao gồm Đông Nam Á.
Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản với vai trò là một nhà tài trợ lớn nhất cho Campuchia trong năm 2010, và viện trợ của Trung Quốc hiện nay gấp 3 lần Nhật Bản.
Khi cảng Sihanoukville được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia vào tháng 6/2017, JICA đã mua 13,5% cổ phần – cũng là lần đầu tiên tổ chức này có được vốn chủ sở hữu trong chính một dự án mà họ hỗ trợ. Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia sở hữu 75% cổ phần.
Sihanoukville đang nhanh chóng trở thành tiền đồn của Trung Quốc với nhiều dự án xây dựng đang được tiến hành. (Ảnh: Akira Kodaka)
Liên doanh Trung Quốc – Campuchia xây dựng cảng mới Kampot, cách đảo Phú Quốc 10km
Ông Chhun cho hay, “có nhiều khách Trung Quốc” đến gặp ông. Nhiều công ty Trung Quốc đã đưa ra đề nghị đầu tư vào cảng Sihanoukville, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả.
Và, Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu thiếu kiên nhẫn.
Ông Zhou Xiaoxi, Chủ tịch Tập đoàn Cảng quốc tế Vịnh Quảng Tây, đã ký một thỏa thuận với Phnom Penh hôm 24/4/2018 để xây dựng một cảng biển mới tại tỉnh Kampot, giáp với Sihanoukville.
“Chúng tôi quyết định tiếp tục dự án, sau khi nhận ra Campuchia hiện đang thiếu đầu tư cần thiết vào một cảng nước sâu”, phương tiện truyền thông trích dẫn phát biểu của ông Zhou.
Tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã hợp tác với Tập đoàn Try Pheap, với người đứng đầu là trùm ngành gỗ địa phương Try Pheap.
Không nhiều chi tiết về dự án cảng Kampot được tiết lộ, tuy nhiên cảng mới có thể tiếp nhận tàu công suất 30.000 tấn.
Tỉnh Kampot cách đảo Phú Quốc, Việt Nam hơn 10km.
Tập đoàn Try Pheap và Tập đoàn Guangxi Beibu Gulf International Port đã ký thoả thuận hợp tác xây dựng cảng Kampot giữa Campuchia và Trung Quốc. Cảng Kampot có thể tiếp nhận tàu trọng tải từ 10.000-30.000 tấn. (Ảnh: freshnewsasia)
Việc ký kết có sự tham dự của Phó Thủ tướng Campuchia Men Sam An và Thống đốc khu tự trị Quảng Tây, ông Chen Wu. Truyền thông địa phương và truyền thông Trung Quốc đều đưa tin Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ủng hộ dự án trong một cuộc họp với ông Chen Wu, và ông Hun Sen nhận lời mời tới thăm Quảng Tây vào tháng 9.
Dự án với mảnh đất thuê trong 99 năm đang im lìm
Về phía bắc Sihanoukville, tập đoàn Liên minh Phát triển có trụ sở tại Thiên Tân, Trung Quốc cho biết họ đang xây dựng một cảng nước sâu mới. Theo thông tin trên website của tập đoàn này, “hoạt động xây dựng cảng đa năng cơ bản đã hoàn thành, và sớm đưa vào sử dụng”. Cảng nước sâu mới này là một phần của đầu tư du lịch quy mô lớn, bao gồm dự án Khu nghỉ dưỡng Dara Sakor Seashore Resort trên 45.000 ha đất trong một công viên quốc gia tại tỉnh Koh Kong.
Mảnh đất đã được công ty Trung Quốc thuê trong 99 năm kể từ năm 2008, mặc dù chi tiết của việc phát triển không ai biết đến. Một nguồn tin tại Koh Kong tiết lộ với tờ Nikkei rằng cảng vẫn chưa được xây dựng. Công ty Liên minh Phát triển Thiên Tân im lìm với đề nghị phỏng vấn của tờ Nikkei.
Các dự án cảng mới của Trung Quốc chưa hẳn là mục tiêu, vì tiến độ thực tế và tính khả thi của những dự án này không rõ ràng. Nhưng người Trung Quốc có thể xúc tiến những dự án này nhắm vào mục tiêu chiến lược khác: Phá vỡ mối quan hệ Nhật Bản – Cảng Sihanoukville, tờ Nikkei nhận định.
Kampot cách Phú Quốc, Việt Nam 10km. (Ảnh: Nikkei)
Đặc khu kinh tế tại Sihanoukville
Đặc khu kinh tế tại Sihanoukville được thành lập năm 2008 bởi các nhà đầu tư Trung Quốc, do Tập đoàn Hongdou có trụ sở tại Wuxi, có 107 công ty hoạt động với 18 lĩnh vực khác nhau. Đặc khu kinh tế cách sân bay Sihanoukville 3km, và cách cảng biển nước sâu 12km.
Các công ty tại đây chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc, sản xuất hàng dệt may, túi xách, sản phẩm da, máy móc và sản phẩm gỗ với 21.000 công nhân.
Đặc khu kinh tế mới đây đã bắt tay vào một kế hoạch tăng gấp đôi quy mô dự kiến.
Sau khi hoàn thành giai đoạn phát triển ban đầu, Đặc khu Kinh tế Sihanoukville Campuchia (SSEZ) đang có kế hoạch chuyển mình thành “Thâm Quyến” của Campuchia trong tương lai. (Ảnh: construction-property)
Khi được hỏi về những rủi ro liên quan đến chính trị đối với cảng trước cuộc bầu cử, ông Chhun, người đã giành được một ghế tại Hội đồng nhân dân Sihanoukville, cho biết: “Đó là vấn đề ngoài khả năng dự đoán của tôi”.