Tuesday, March 19, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 09/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 09/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 09/08/2018.

Ý kiến học giả: Philippines sẽ phải đối mặt với những thách thức về an ninh trong thoả thuận thăm dò chung với Trung Quốc ở Biển Đông

ABS-CBN cho biết, ngày 8/8, GS. Jay Batongbacal, Viện trưởng Viện các vấn đề biển và Luật Biển, Đại học Philippines cho rằng an ninh sẽ là mối lo ngại lớn nhất trong thoả thuận thăm dò năng lượng chung giữa Philippines và Trung Quốc bởi kế hoạch này có thể sẽ tạo cơ sở về mặt pháp lý để Trung Quốc điều thêm nhiều tàu tới các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Mặt khác, ông Batongbacal cũng cho biết tỷ lệ chia lợi nhuận 60 – 40 được Hiến pháp cho phép song nhấn mạnh rằng thực chất vấn đề nằm ở cách thức triển khai thoả thuận này. Cụ thể, ông nói: “điều quan trọng là Philippines không được công nhận rằng Trung Quốc có bất cứ quyền gì đối với các nguồn tài nguyên”, nhấn mạnh “thoả thuận này chỉ được triển khai một cách đơn thuần trong một dàn xếp về mặt chính trị và không có bất kỳ ảnh hưởng nào về mặt pháp lý”.

Tiền lệ ở Biển Đông: Bất ổn leo thang trong khuynh hướng “Xét lại”

Ngày 8/8, trang Eurasia Review đăng bài viết “Tiền lệ ở Biển Đông: Bất ổn leo thang trong khuynh hướng “Xét lại”” của Christopher Roberts, Giám đốc Trung tâm quốc gia về Nghiên cứu Châu Á (NASC), Viện Quản trị và Phân tích Chính sách, Đại học Canberra, Úc. Tác giả bài viết nhận định, sự đi xuống trong vai trò lãnh đạo của Mỹ và một trật tự dựa trên luật lệ đang bị suy yếu có “mối quan hệ hữu cơ” với cái gọi là “chủ nghĩa xét lại” và “sự hiếu chiến” ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Ông cũng cho rằng những diễn biến ở Biển Đông hiện nay cũng là một tiền lệ nguy hiểm đối với các điểm nóng quân sự khác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong bài viết, ông Roberts cho rằng tại khu vực, Trung Quốc đang lạm dụng ngày càng nhiều sự phụ thuộc vào kinh tế của các nước để “làm biến chất” các quan hệ quốc tế và thay đổi trật tự dựa trên luật lệ, củng cố các chính sách “Xét lại”, vi phạm luật quốc tế, chèn ép các quốc gia khác trong khu vực, khiến trật tự dựa trên luật lệ suy thoái. Trung Quốc đã nhiều lần vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) bằng các hoạt động xây dựng và quân sự hoá các đảo nhân tạo với quy mô lớn.

Mặc dù Mỹ và các đồng minh không đưa ra bất cứ sức ép nào trước những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông song Chính phủ Trung Quốc và các hãng thông tấn Nhà nước của nước này lại luôn rêu rao rằng Trung Quốc “là nạn nhân của các chính sách kiềm chế bất công của Mỹ và các nước đồng minh”, chỉ trích gay gắt các cuộc tuần tra hàng hải của Mỹ ở Biển Đông. Tác giả bài viết cho hay đã có một số quốc gia ASEAN lo ngại trước việc cộng đồng quốc tế không có hành động cương quyết nào để ngăn chặn hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Được thành lập vào cuối năm 2017, Nhóm “Bộ Tứ” gồm 04 siêu cường: Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ đã có những cuộc thảo luận về các vấn đề duy trì “trật tự dựa trên luật lệ”, “an ninh biển”, “tự do hàng hải và hàng không” nhưng chưa đạt đủ nhất trí để có thể ra được một thông cáo chung nào. Cho đến năm 2018, những thông điệp về cam kết của nhóm cũng như về việc kiềm chế những hành động vi phạm của Trung Quốc bắt đầu trở nên không còn được rõ ràng. Tác giả nhận định, dù hiện nay có những tranh luận xoay quanh vai trò và tương lai của nhóm “Bộ Tứ” nhưng nhóm này có thể sẽ “không gây được ảnh hưởng rõ rệt” đến “những tính toán về chi phí/lợi ích của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, ông Roberts cho rằng sự lưỡng lự của khu vực nhằm đối phó với các mối đe dọa cũng đang là nhân tố gây bất ổn định lớn, và điều này sẽ không thay đổi trừ phi có được một quan điểm thống nhất hơn về những mối đe doạ này. Ông cho biết đã có những tranh cãi cho rằng Biển Đông đã “rơi vào tay” Trung Quốc và hiện chưa có sự thay đổi đáng kể nào trong cách tiếp cận của khu vực về vấn đề này. Mặc dù vậy, nếu như khu vực có sự phối hợp chặt chẽ nhằm thay đổi những tính toán cơ hội/lợi ích của Trung Quốc thì tình hình khu vực có thể có được thay đổi tích cực. Tác giả bài viết cho rằng để đạt được điều này cần có Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhưng vẫn còn lo ngại về năng lực đàm phán của các nước ASEAN.

Ông Christopher Roberts nhận định, tiền lệ ở Biển Đông sẽ còn tiếp tục tạo điều kiện cho các quốc gia đi theo xu hướng “xét lại” tăng cường thêm các hành động cưỡng ép khi những nỗ lực ngoại giao không đạt được kết quả. Trong bối cảnh đó, ông cho rằng các quốc gia cần tăng cường các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) cũng như các cuộc tuần tra của lực lượng cảnh sát biển để bảo vệ tài nguyên ở các vùng biển không có tranh chấp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước trong khu vực. Ngoài ra, ông cho rằng cần tiến hành một cuộc đối thoại chiến lược giữa các quốc gia ủng hộ một trật tự dựa trên luật lệ nhằm giúp điều phối các hoạt động đa phương và làm cơ sở để truyền tải những thông điệp mạnh mẽ hơn tới Trung Quốc.

Ngoại trưởng Philippines: Chính phủ sẽ không trực tiếp đầu tư vào hoạt động thăm dò chung với Trung Quốc

Ngày 8/8, trang The Philippine Star đưa tin, tại một buổi họp báo ngày 7/8, khi được hỏi về mức đầu tư mà Chính phủ sẽ đưa vào hoạt động cùng phát triển với Trung Quốc trên Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano khẳng định Chính phủ Philippines sẽ không trực tiếp đầu tư vào hoạt động thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Cayetano cho hay dự án sẽ chỉ thực hiện giữa các thực thể tư nhân vì đó sẽ là một dự án thương mại. Ông cũng cho biết Chính phủ đang chuẩn bị xây dựng dự án dựa trên các hợp đồng sẵn có. Trước đó, ông nói rằng Philippines đang tìm kiếm một thoả thuận tương tự hoặc tốt hơn dự án tại mỏ dầu khí Malampaya. Ông Cayetano cũng tái khẳng định sự cấp thiết của việc xây dựng khuôn khổ cho hoạt động cùng phát triển với Bắc Kinh trong bối cảnh mỏ Malampaya sẽ cạn kiệt vào năm 2024. Ngoài ra, ông cũng lưu ý rằng khả năng chấp nhận của dư luận có thể sẽ là một thách thức đối với dự án hợp tác chung với phía Trung Quốc, và bất cứ thoả thuận nào cũng cần phải được Toà án Tối cao chấp thuận.

RELATED ARTICLES

2 COMMENTS

Comments are closed.

Tin mới