Friday, July 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBánh trung thu TQ tuồn vào Việt Nam, mận đóng mác SaPa

Bánh trung thu TQ tuồn vào Việt Nam, mận đóng mác SaPa

Bánh trung thu giá siêu rẻ, mận, đào đóng mác nông sản Sa Pa… đang được bày bán nhiều trên thị trường Việt Nam.

Bánh trung thu Trung Quốc tuồn vào Việt Nam

Ngày 1/9 tại TP Móng Cái, Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh) kiểm tra xe ô tô chạy hướng Móng Cái về Hải Phòng do Dương Ngọc Quang  (trú tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng), lái xe kiêm chủ hàng, phát hiện trên xe vận chuyển một số lượng lớn bánh dẻo, bánh nướng có nguồn gốc từ Trung Quốc sản xuất.

Toàn bộ bánh trung thu trên đều nhập lậu, giấu trong các thùng caton bên ngoài ghi rượu Thăng Long. Đội QLTT số 1 đã ra quyết định phạt vi phạm hành chính 8 triệu đồng đối với chủ hàng và thu giữ tiêu huỷ toàn bộ số bánh trên.

Cùng ngày, đội Quản lý thị trường số 24 (Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra và thu giữ lô hàng 10.000 bánh trung thu nhập lậu với mức giá siêu rẻ tại một cửa hàng buôn bán nông sản ở La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Toàn bộ lô hàng vi phạm với hơn 10.000 sản phẩm gồm bánh trứng, bánh nướng, bánh dẻo, tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Theo khai nhận, mỗi chiếc bánh nhập về có giá từ 2.000 – 3.000 đồng nhưng không có cơ quan nào kiểm tra, giám sát về chất lượng của lô hàng này

Chủ hàng cho biết đây là chuyến hàng thứ 3 trong nửa tháng qua. Hàng sau khi nhập về sẽ được rao bán công khai trên Zalo, facebook để kiếm lời.

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các dòng bánh trung thu giá siêu rẻ này được quảng cáo là bánh có xuất xứ nước ngoài được rao bán tràn ngập trên các trang mạng xã hội, với đủ các vị từ bánh nhân vị cam, vị dâu, vị khoai môn, vị đào, trứng muối, thập cẩm, đậu xanh.

Trước những thông tin này, Cục an toàn thực phẩm đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công thương) kiểm tra, xác minh, xử lý thông tin trên theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời cần tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với việc sản xuất, kinh doanh bánh trung thu.

Cơm tấm Kiều Giang được minh oan về việc dùng phụ gia lạ

Ngày 29/8, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã ra biên bản xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Kiều Giang (cơm tấm Kiều Giang).

Cụ thể, lực lượng chức năng đã xử phạt cơm tấm Kiều Giang về hành vi sử dụng khu vực chế biến không đảm bảo vệ sinh, có côn trùng gây hại. Cụ thể, có ruồi trong khu vực chế biến, sàn nhà khu vực chế biến bị bong tróc, vỡ gạch.

Banh trung thu TQ tuon vao Viet Nam, man dong mac SaPa
Hơn 1 tấn phụ gia thực phẩm tại cơm tấm Kiều Giang thực chất chỉ là đường, muối, hạt nêm.

Ngoài ra, cơm tấm Kiều Giang cũng bị xử phạt về việc sử dụng người lao động có mặc trang phục bảo hộ theo quy định nhưng không đầy đủ. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra có 5 nhân viên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang khẩu trang.

Như vậy, trong văn bản xử phạt không hề đề cập đến việc “phụ gia lạ” phát hiện tại cơm tấm Kiều Giang.

Ông Nguyễn Trung Phong, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Kiều Giang cho biết, việc một số đơn vị truyền thông gọi đường, muối, hạt nêm…tại quán cơm của ông là “phụ gia lạ” đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của công ty ông.

Doanh nghiệp của ông Phong đã cung cấp hồ sơ, giấy tờ, hóa đơn liên quan để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hơn 1 tấn đường, muối, hạt nêm đến Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM.

Mận, đào khổng lồ đóng mác nông sản Sa Pa

Hai loại trái cây này được bày bán khá phổ biến tại nhiều nơi ở Hà Nội , trên những gánh hàng rong và tại các sạp bán hoa quả trên trục đường Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Tố Hữu…

Được quảng cáo là “đào tiên”, một trái đào to có thể lên tới 600 – 700gr, ít lông, khi ăn có vị ngọt đậm. Giá bán từ 50.000 – 80.000 đồng/kg. Người bán cho biết, loại đào này có xuất xứ từ Sa Pa, mỗi năm chỉ vài tháng có trái nên ít khi xuất hiện trên thị trường. Khi mua về, nếu bảo quản trong tủ lạnh có thể giữ được 5-6 ngày mà không bị hỏng. Hình thức đẹp, ăn khá ngon lại có mác Sa Pa nên loại đào này đang bán rất chạy.

Một loại quả khác cũng đóng mác Sa Pa là mận tím, giá dao động từ 50.000 – 120.000 đồng/kg tùy theo lớn nhỏ, mẫu mã và độ tươi ngon.

Banh trung thu TQ tuon vao Viet Nam, man dong mac SaPa
Chủ xe đẩy bán đào khẳng định đây là nông sản Sa Pa. Ảnh: CAND

Để xác minh nguồn gốc của hai loại trái cây đang gây xôn xao nói trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai khẳng định, đào và mận Sa Pa đã hết mùa. Hơn nữa, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Lào Cai không phù hợp nên dù vào mùa cũng không đủ số lượng để cung cấp cho thị trường khác.

“Mùa đào ở Sa Pa thường bắt đầu từ cuối tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 7. Thời điểm này, các chủ vườn đã thu hoạch và bán xong trước đây nửa tháng. Hiện tại, đào của Lào Cai cũng đã hết vụ. Các loại đào và mận “khổng lồ” bán trên thị trường hiện nay chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc”, ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, không phải cứ trái cây Trung Quốc là không đảm bảo.

“Nhiều trường hợp, để nhập hoa quả về Việt Nam nhưng vẫn giữ được vị tươi ngon, chính thương lái người Việt lại sử dụng nhiều chất bảo quản khác nhau cho vào trái cây. Vì thế, người mua nên lựa chọn các cơ sở uy tín, có chứng nhận và cần phải tìm hiểu kỹ xuất xứ, nguồn gốc của mặt hàng”, ông Tuấn khuyến cáo.

RELATED ARTICLES

Tin mới