Cố đô Lào là di sản văn hóa thế giới đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ của dự án đường sắt của Trung Quốc.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Kông, Trung Quốc) cho biết, tuyến đường sắt của nhà thầu Trung Quốc đầu tư vào Lào được quảng cáo là đòn bẩy để tăng thêm lượng du khách Trung Quốc đến thăm cảnh đẹp “đất nước triệu voi”.
Luang Prabang là cố đô của Lào đồng thời là di sản văn hóa thế giới UNESCO từ năm 1995.
Nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và hấp dẫn các du khách. Luang Prabang là một trong những địa điểm thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái và du lịch bền vững liên quan với văn hóa.
Làn sóng du khách Trung Quốc tới Lào đang ngày càng tăng lên.
Trong tổng số 3,86 triệu du khách đến Lào năm 2017, khách Trung Quốc chiếm 11%. Khách Trung Quốc thường đến Lào bằng đường bộ, họ lái xe thẳng từ thủ phủ tỉnh Vân Nam là Côn Minh tới Luang Prabang và Vang Vieng. Riêng năm 2017, có 210.133 du khách Trung Quốc chọn đường bộ để đến du lịch Lào.
Do đó, việc thúc đẩy một dự án giao thông bằng đường sắt trở nên rất phù hợp với Luang Prabang.
Tuyến đường sắt dài 414 km nối giữa thị trấn biên giới Boten tỉnh Luang Namtha (Lào) tới thủ đô Vientiane. Trong những điểm dừng trên tuyến đường sắt này có cố đô Luang Prabang và địa điểm du lịch mới nổi thu hút khách nước ngoài là Vang Vieng.
Tuyến đường sắt Lào- Trung Quốc được khởi công vào năm 2017, trị giá 6 tỷ USD dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 12/2021 với tàu thương mại đạt vận tốc 160km/h và tàu vận tải là 120km/h.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tốt đó, Luang Prabang cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn khi lượng du khách Trung Quốc khổng lồ ùn ùn kéo tới sau khi tuyến đường sắt hoàn thành.
Bên cạnh đó, một vấn đề đặc biệt chú ý đang xảy ra tại Luang Prabang là hiện tượng cư dân địa phương bán hoặc cho thuê nhà của họ để nhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc chuyển công năng sử dụng thành nhà nghỉ, khách sạn…
Nhiều chủ nhà hàng và nhà khách địa phương cũng chấp nhận cho nhà đầu tư nước ngoài thuê để kinh doanh vì họ không có lợi thế về ngôn ngữ và tiếp thị.
Do vậy, dự kiến khi tuyến đường sắt được hoàn thành, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc sẽ đổ về Luang Prabang và người kinh doanh địa phương sẽ có lựa chọn là học tiếng Quan Thoại hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đánh giá đây có thể là thiệt hại đối với Lào về lĩnh vực du lịch và văn hóa.
Ông Georgie Walsh, quản lý công ty du lịch Diethelm Travel tại Lào, còn đánh giá lượng khách Trung Quốc đổ về đông còn gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân Lào vốn có bản chất hiền lành, đơn giản. Ông Walsh cho biết người dân Lào thường lịch sự và nhường nhịn trong khi người Trung Quốc lại khá ồn ã và táo bạo.
Món nợ khổng lồ
Bên cạnh mối lo về dịch vụ, du lịch, văn hóa có thể thay đổi hoàn toàn sau khi tuyến đường sắt Lào – Trung Quốc hoàn thành, món nợ khổng lồ khi xây dựng dự án được cho là sẽ là khoan tiền mà Chính phủ Lào phải chấp nhận đánh đổi một số ưu tiên chiến lược của mình cho Trung Quốc.
Trung Quốc thúc đẩy dự án đường sắt với Lào. |
Dự án đường sắt này được phía Trung Quốc đầu tư 70% vốn và Lào chịu trách nhiệm 30%, tức 1,8 tỉ USD. Chính phủ Lào còn phải cam kết sử dụng 40% trong phần vốn góp của mình (tương đương 720 triệu USD) để trang trải chi phí xây dựng giai đoạn đầu, bao gồm tiền đền bù giải phóng mặt bằng, theo tờ The Laotian Times.
Để có thể giải ngân ngay số tiền này, phía Lào chi ngân sách 250 triệu USD và vay 470 triệu USD còn lại từ Ngân hàng Eximbank Trung Quốc với lãi suất 2,3%/năm, thời hạn tối đa 35 năm (điều chỉnh lãi suất 5 năm/lần).
Theo tờ Nikkei Asian Review, chính phủ Lào kỳ vọng tuyến đường sắt sẽ mang về doanh thu trong vòng 6 tháng sau khi hoàn tất. Thứ trưởng Giao thông và Công trình công cộng Lattanamany Khounnyvong cho biết doanh thu có thể được dùng để trả nợ trong vòng 30 năm, nhưng thừa nhận bản thân ông cũng còn mơ hồ về dự án. Hiện vẫn chưa rõ chính phủ Lào sẽ dùng nguồn thu nào để có 1,08 tỉ USD vốn góp còn lại.
Trang Asia Times dẫn lời một số quan chức ngân hàng giấu tên ở thủ đô Vientiane tiết lộ phần vốn này có thể được trả bằng các dự án giao đất hoặc khai thác khoáng sản.
Đến nay, hơn 80% trong tổng số 3.832 ha đất trong dự án đường sắt đã được bàn giao cho nhà thầu Trung Quốc, có 4.411 hộ gia đình tại nhiều tỉnh và thủ đô Vientiane phải di dời. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn chưa nhận được tiền đền bù khiến người dân bức xúc.