Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTham vọng "siêu cường": TQ có nỗ lực phấn đấu, nhưng so...

Tham vọng “siêu cường”: TQ có nỗ lực phấn đấu, nhưng so với Mỹ vẫn còn kém xa!

Bài viết trên trang Bloomberg nhận định sẽ có ngày Trung Quốc trở thành siêu cường, nhưng chưa thể khẳng định Bắc Kinh sẽ có thể vượt mặt Mỹ trong mọi lĩnh vực.

Ảnh: Express.

Trong cuốn “Binh pháp Tôn Tử” được viết từ hơn 2.500 năm trước, Tôn Tử, nhà chiến lược gia kiệt xuất của Trung Quốc đã viết: “Muốn tranh đấu, thì trước hết cần tính đến cái giá phải trả”.

Là một siêu cường, hẳn nước Mỹ hiểu rất rõ rằng việc trở thành một siêu cường tốn kém đến nhường nào. Sự tốn kém ấy đến từ cái giá nước này phải bỏ ra để duy trì lực lượng quân đội hùng mạnh, dẫn đầu về ngoại giao, và để viện trợ cho các quốc gia khác nhằm ‘tạo quan hệ’.

Như vậy, nếu Trung Quốc càng mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, thì gánh nặng trên vai họ sẽ càng tăng lên.

Đúng là Bắc Kinh sở hữu nguồn ngân sách lớn, nhưng nước này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế và tài chính cả trong và ngoài nước. Và nếu những vấn đề trong nước vượt quá tầm kiểm soát, thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ khó lòng đạt được những tham vọng ‘siêu cường’ của mình.

Vậy Trung Quốc đang muốn trở thành siêu cường như thế nào? Một điều chắc chắn là Bắc Kinh muốn thống trị châu Á, và biến khu vực này thành sân sau của mình. Ở cấp độ khu vực như thế, thì tốc độ tăng trưởng về kinh tế, dân số và chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc hoàn toàn có khả năng vượt Mỹ vào năm 2030.

Tuy nhiên, trở thành một cường quốc trong khu vực không giống như trở thành một siêu cường trên quy mô toàn cầu.

Theo bà Alice Lyman Miller, học giả về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Hoover thuộc Đại học Stanford, định nghĩa “siêu cường” từng được đưa ra để miêu tả Đế quốc Anh, Liên Xô và Mỹ có nội dung như sau:

“Một quốc gia được gọi là ‘siêu cường’ có khả năng phô trương sức mạnh và ảnh hưởng tới bất cứ nơi nào trong phạm vi toàn thế giới, và có thể ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên thế giới trong cùng một thời điểm”.

Nghĩa là, một quốc gia cần có sức mạnh vượt trội hơn hẳn so với các nước khác trong cả lĩnh vực kinh tế, quân sự, và quyền lực mềm (chính trị và văn hóa).

Sức mạnh kinh tế

Trung Quốc hiện đã là một siêu cường về kinh tế. Xét về sức mua tương đương (PPP) – tỉ giá hối đoái giữa đơn vị tiền tệ của hai nước – thì Trung Quốc hiện nay đã vượt hẳn Mỹ. Trung Quốc sẽ còn nới rộng khoảng cách này, bởi họ có số lao động và số người tiêu dùng đông đảo hơn Mỹ. Có lẽ trong tương lai họ sẽ còn giàu hơn hiện tại.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu chỉ đánh giá quy mô của một nền kinh tế dựa vào sức mua trong nước. Không chỉ mua hàng hóa, các siêu cường còn phải phân bổ ngân sách để mua các căn cứ quân sự và ảnh hưởng ở nước ngoài.

Trong khi đó, số tiền Trung Quốc đầu tư vào các quốc gia khác trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường để kết nối với các thị trường nước ngoài chỉ là đồng USD, với sức mua tương đương như các quốc gia khác.

Tuy nhiên, nếu xét về mức tăng sức mua của Trung Quốc trên thị trường quốc tế thông qua tăng trưởng GDP hàng năm theo đồng USD, mà không điều chỉnh theo mức lạm phát hay PPP, thì Trung Quốc dường như đang thua kém Mỹ.

Từ trước đến nay, lực lượng lao động đông đảo của Trung Quốc đã là bí quyết phía sau thành công vượt bậc của nền kinh tế nước này. 

Tuy nhiên, do Bắc Kinh quyết định áp dụng chính sách một con, nên có thể nước này sẽ sớm mất đi “bí quyết” ấy. Theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, dân số 1,4 tỉ người của Trung Quốc như hiện nay sẽ bắt đầu giảm mạnh từ năm 2023.

Trước viễn cảnh ấy, Trung Quốc đang tích cực tìm cách thúc đẩy những mục tiêu dài hạn của nền kinh tế nước này và mở rộng ảnh hưởng trên thế giới, bằng sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) – dự án đầu tư nước ngoài được cho là tham vọng nhất trong lịch sử.

Theo đó, BRI đã bắt đầu nhiệm vụ kết nối thị trường lục địa Á-Phi-Âu thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất liền và trên biển.

Thông qua dự án này, Bắc Kinh đã có thêm được nhiều mối quan hệ, và những quốc gia phụ thuộc vào khoản vay của họ, mà nhiều chuyên gia gọi là “chính sách ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc. 

Tuy nhiên chính nhu cầu thúc đẩy các khoản đầu tư trải rộng này đã ngăn bước Trung Quốc trở thành siêu cường tiếp theo của thế giới trong tương lai gần.

Sức mạnh quân sự

Quân đội Trung Quốc đã có nhiều biến chuyển rõ rệt kể từ sau năm 1979. Họ đã được trang bị các loại vũ khí tiên tiến, và phát triển, sao chép hoặc mua các công nghệ chế tạo tên lửa và công nghệ tàng hình thiết yếu đối với một siêu cường của thế kỷ 21.

Hiện nay, ngân sách dành cho quốc phòng của Trung Quốc đang nhiều gấp 3 lần so với Nga, và nước này cũng đang dần thu hẹp khoảng cách về chi tiêu quốc phòng so với Mỹ.

Tuy Trung Quốc vẫn chưa sở hữu những đội tàu sân bay và những thiết bị giúp nước này phô trương sức mạnh ở mọi nơi trên thế giới, và vẫn chưa thể sản xuất động cơ phản lực tiên tiến nhất, nhưng sức mạnh quân sự của nước này trong khu vực đã khiến Mỹ bắt đầu thay đổi những tính toán của họ trên Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Đáng chú ý nhất là khả năng cân đối chi tiêu quốc phòng so với GDP của Trung Quốc, ngay cả khi khoản chi tiêu quốc phòng tăng lên gấp nhiều lần, từ 19 tỉ USD trong năm 1989 lên 228 tỉ USD trong năm 2016. 

Tuy nhiên, so với tổng GDP hàng năm, thì khoản chi tiêu này luôn ở mức dưới 2%. Xét về chi tiêu chính phủ thì gánh nặng này đã giảm đi còn 1/3 so với trước đây.

Trong một số lĩnh vực như việc sở hữu hoặc xuất khẩu các máy bay không người lái (UAV) hạng nặng, thì Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ. Lực lượng hải quân của Bắc Kinh cũng đang phát triển rất nhanh chóng. 

Bằng cách tập trung vào một số lĩnh vực như công nghệ tàu ngầm và tên lửa, Trung Quốc đã đạt được tương quan về lực lượng với Mỹ, và chỉ với chi phí khá thấp.

Tuy nhiên, xét về các loại khí tài quân sự hạng nặng như tàu sân bay, thì Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để đuổi kịp Mỹ. Nhưng Trung Quốc đang nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân và các công nghệ mới như tên lửa siêu thanh hay trí thông minh nhân tạo để trở thành đối thủ của Mỹ, và thậm chí cả Nga.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng bằng các căn cứ quân sự tại nước ngoài, cạnh tranh với nước Mỹ hiện có 516 cơ sở quân sự tại 41 quốc gia trên thế giới, trong đó có 42 căn cứ quy mô lớn hoặc trung bình. Năm ngoái, Trung Quốc đã thành lập căn cứ đầu tiên ở Djibouti – quốc gia châu Phi hiện đang mang nợ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ảnh hưởng chính của Trung Quốc vẫn chủ yếu là ở trong khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Bắc Kinh cũng đang nỗ lực tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương, nhưng có lẽ con đường tiến đến vị trí siêu cường của nước này vẫn còn khá xa.

Quyền lực mềm

Một yếu tố quyết định việc Mỹ là một siêu cường sau Chiến tranh Lạnh là mạng lưới đồng minh trên toàn thế giới của nước này. So với Mỹ, thì Trung Quốc có khá ít đồng minh chính thức, ngay cả trong ‘sân nhà’ châu Á.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tìm kiếm những con đường khác nhằm tăng cường ảnh hưởng của nước này trên thế giới. Từ một quốc gia hầu như mờ nhạt trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ) 20 năm trước, ngày nay Trung Quốc đã trở thành quốc gia có đóng góp lớn nhất về lực lượng trong nhiệm vụ này.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng mạnh tay đầu tư hơn 10% cho tổng ngân sách của LHQ, nhiều thứ 2 sau Mỹ (28,5%).

Bên cạnh đó, quyền lực mềm và quyền lực chính trị của một quốc gia còn phụ thuộc vào các hoạt động ngoại giao của quốc gia đó ở nước ngoài. Số nhân viên ngoại giao của Trung Quốc khá nhỏ, nhưng con số này đang tăng dần lên theo các năm. Ngân sách dành cho ngoại giao của Bắc Kinh sắp sửa gấp đôi so với thời điểm ông Tập trở thành lãnh đạo hồi năm 2013.

Mặc dù vậy, ngân sách 9,5 tỉ USD của Trung Quốc vẫn thấp hơn rất nhiều so với số tiền Mỹ bỏ ra cho các hoạt động này – dù chính quyền ông Trump đã cắt giảm khoản này xuống còn 37,8 tỉ USD vào năm 2019.

Văn hóa cũng là một yếu tố giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu. Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump vô hình chung đã nâng cao hình ảnh Trung Quốc trong vị thế của nhà lãnh đạo mới ủng hộ mở cửa biên giới và thương mại tự do. Thế nhưng Bắc Kinh vẫn thua kém Mỹ về ảnh hưởng văn hóa, kể cả trong khu vực láng giềng.

Nói đến công nghệ, Trung Quốc không hề giấu giếm ý định chiếm lĩnh ngôi vị bá chủ của Mỹ và trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới với sáng kiến “Made in China 2025”. Tương tự, Bắc Kinh cũng muốn soán ngôi Mỹ trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo vào năm 2030.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng phát biểu hồi năm ngoái: “Quốc gia nào đi đầu về trí thông minh nhân tạo sẽ trở thành bá chủ thế giới”. Điều đó hoàn toàn khả thi, đặc biệt là khi Trung Quốc đang vượt qua Mỹ trong lĩnh vực siêu máy tính.

Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh còn tiếp tục phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất chip máy tính của Mỹ thì tất nhiên là nước này vẫn chưa thể đạt được tham vọng của mình trong thời gian tới.

Chắc chắn sẽ có ngày Trung Quốc trở thành một siêu cường và có ảnh hưởng lớn tới việc định hình thế kỷ 21. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định Trung Quốc sẽ “vượt mặt” Mỹ trên mọi lĩnh vực.

Bắc Kinh vẫn còn phải vượt qua một con đường dài để đạt được tham vọng của mình, và họ không thể chỉ dựa vào sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ trong 20 năm qua. Dân số đang già hóa và suy giảm nhanh chóng có thể là nguy cơ lớn nhất đối với tham vọng của Trung Quốc.

Trước đây, khi Washington từng ở trong cùng hoàn cảnh như Bắc Kinh hiện nay, họ đã phải tìm cách gia tăng dân số lên gấp 3 lần để chiếm được ngôi vị bá chủ thế giới của Đế quốc Anh.

RELATED ARTICLES

Tin mới