Tuyến đường sắt cao tốc Quảng Châu – Thâm Quyến – Hồng Kông, bắt đầu hoạt động ngày 23/9, nhằm kết nối trung tâm tài chính và thương mại Hồng Kông với các thành phố lớn ở đại lục.
Tuyến đường sắt cao tốc Quảng Châu – Thâm Quyến – Hồng Kông. Ảnh: China Daily.
Chính quyền địa phương gọi tuyến đường sắt này là một bước đột phá, sẽ tiết kiệm thời gian đi lại ít nhất một nửa, cho phép tiếp cận trực tiếp tới mạng lưới đường sắt cao tốc quốc gia rộng 25.000 km của Trung Quốc và thúc đẩy các lợi ích kinh tế như du lịch.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, tuyến đường sắt này có giá “đắt” hơn cả khoản chi phí 11 tỷ USD của dự án. Đó là làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của Hồng Kông.
“Thành thật mà nói, người Hồng Kông đã trả rất nhiều cho đường sắt cao tốc này”, nhà làm luật địa phương Tanya Chan, người gọi dự án này là một cuộc tấn công vào quyền tài phán của Hồng Kông. “Và tôi thực sự nghi ngờ lợi ích kinh tế của nó.”
Mối quan ngại của những người chỉ trích là bên trong Ga Tây Kowloon cho phía Trung Quốc thuê và có bố trí nhân viên cửa khẩu và hải quan Trung Quốc. Một số người coi đó là vi phạm Luật Cơ bản của Hồng Kông.
Theo Luật Cơ bản, Hồng Kông vẫn chịu trách nhiệm về nền kinh tế, tiền tệ và hệ thống pháp luật của mình nhưng là “vùng hành chính đặc biệt” của Trung Quốc. Bắc Kinh chịu trách nhiệm giám sát các vấn đề đối ngoại và quốc phòng và sẽ không thay đổi trong 50 năm.
Chan, một thành viên của Hội đồng lập pháp, cho biết cô đã yêu cầu chính phủ cho cô biết có bao nhiêu quan chức Trung Quốc sẽ làm việc tại nhà ga, nhưng chưa nhận được câu trả lời rõ ràng. Còn theo ước tính của giới truyền thông, con số có thể lên đến khoảng 800.
“Việc hàng trăm nhân viên thực thi pháp luật Trung Quốc hiện diện ở Tây Kowloon là đáng lo ngại”, cây bút bình luận Poon Siu-cho biết trên tờ Apple Daily.
Chính phủ cho biết hệ thống nhân viên trạm chỉ là để tối đa hóa sự tiện lợi cho hành khách khi thực hiện các thủ tục cần thiết của Hồng Kông và Trung Quốc tại một địa điểm. Hồng Kông đã thiết lập một sự sắp xếp tương tự trên biên giới.
Lo ngại không cần thiết?
Các quan chức địa phương cho rằng, sự hiện diện của nhân viên Trung Quốc tại nhà ga là hợp pháp. Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đã mô tả các ý kiến này là “nỗi sợ hãi và lo âu không cần thiết”.
Liên kết đường sắt chỉ là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn để thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa Hồng Kông, Macau và các thành phố chính của tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc trong một dự án được gọi là Vùng Vịnh Rộng lớn (Graeter Bay Area).
Chính phủ và các doanh nghiệp đã nhấn mạnh tác động kinh tế tích cực của tuyến đường sắt cao tốc đến Hồng Kông, nhưng không đưa ra bất kỳ nghiên cứu chi tiết nào về tác động.
Một phát ngôn viên của Ủy ban Du lịch Hồng Kông cho biết, rất khó để ước tính hiệu quả của tuyến đường sắt dựa trên lượng khách vì kết quả này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác nhau, bao gồm cả tỷ giá hối đoái.
Cục Giao thông vận tải và Nhà ở cho biết trong một báo cáo rằng hơn 90% lợi ích kinh tế trực tiếp sẽ đến từ việc người dân tiết kiệm thời gian đi lại, ước tính khoảng 11 tỷ USD trong 50 năm.