Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngVai trò của Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN trong...

Vai trò của Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Ngày 31/12/2015, ASEAN đã đánh dấu bước tiến mang tính lịch sử với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN. Mặc dù luôn đóng vai trò hạt nhân của đối thoại và hợp tác vì hòa bình và ổn định trong khu vực, song cho đến nay các thành viên của khối vẫn chưa thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao, thậm chí một số còn có lợi ích kinh tế và chiến lược phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Chính điều này đã khiến vai trò của ASEAN trong giải quyết vấn đề khu vực, nhất là vấn đề Biển Đông còn hạn chế.

Tranh chấp Biển Đông đang là một thách thức lớn đối với sự hình thành và phát triển của Cộng đồng ASEAN. Nguồn: AFP/CNN

Sự hình thành và phát triển của Cộng đồng ASEAN

Tháng 10/2003, Lãnh đạo các nước ASEAN đã ký Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (hay còn gọi là Tuyên bố Ba-li II), nhất trí đề ra mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với ba trụ cột chính: Cộng đồng An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (ASCC); đồng thời khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác cùng có lợi ở khu vực. Để triển khai và kế tục Chương trình Hành động Hà Nội, ASEAN đã đề ra Chương trình Hành động Viên Chăn (VAP) cho giai đoạn 2004 – 2010 và các Kế hoạch hành động (KHHĐ) để xây dựng ba trụ cột Cộng đồng về chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội, trong đó có hợp phần quan trọng là thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) nhằm giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN với các kế hoạch hành động và các dự án cụ thể.

Để kịp thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực cũng như trên cơ sở những thành tựu của ASEAN trong 40 năm qua, nhất là kết quả thực hiện Chương trình Hành động Viên Chăn (VAP), Lãnh đạo các nước ASEAN tháng 1/2007 đã quyết tâm đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, nhất trí vì mục tiêu hình thành Cộng động ASEAN vào năm 2015 (thay vì vào năm 2020 như thỏa thuận trước đây). Theo đó, ASEAN đã khẩn trương xúc tiến xây dựng các Kế hoạch tổng thể (Blueprints) để xây dựng Cộng đồng Chính trị – An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (ASCC), trong đó đề ra mục tiêu và thời hạn hoàn thành đối với từng biện pháp/hoạt động cụ thể. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – 13 (tháng 11/2007), Lãnh đạo các nước đã ký Hiến chương ASEAN nhằm tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho gia tăng liên kết khu vực, trước mắt là hỗ trợ mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Hiến chương ASEAN đã chính thức có hiệu lực ngày 15/12/2008. Hội nghị Cấp cao ASEAN-14 (tháng 2/2009) đã thông qua Tuyên bố về Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN kèm theo 3 Kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch công tác về IAI giai đoạn 2 (2008 – 2015). Đây là một văn kiện quan trọng như một chương trình hành động tổng thể cho giai đoạn tiếp theo để tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, kế tục Chương trình Hành động Viên Chăn.

Vai trò còn hạn chế của Cộng đồng ASEAN đối với vấn đề Biển Đông

Không thể phủ nhận thực tế rằng ASEAN đang tiếp tục khẳng định vai trò là hạt nhân của đối thoại và hợp tác vì hòa bình và ổn định trong khu vực trên cơ sở nỗ lực củng cố đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình và trong ứng phó với những thách thức, vấn đề phức tạp mới nổi lên. Năm 2017, ASEAN đã thông qua Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49, trong đó phản ánh rõ lập trường chung về vấn đề Biển Đông, đề cao tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên (COC) ở Biển Đông.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể sự hình thành và phát triển của một Cộng đồng ASEAN trong những năm qua còn nhiều hạn chế, nhất hạn chế về vai trò của Cộng đồng ASEAN đối với vấn đề Biển Đông. Điều này do nhiều nguyên nhân cả về phía khách quan mang lại và cũng như từ chính nội tại của khối này, song có thể khái quát theo 2 nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, đó là sự chia rẽ, thiếu đoàn kết trong nội bộ ASEAN. Xu hướng này đã có trước khi ASEAN trở thành Cộng đồng. Điển hình là việc ASEAN không thể dàn xếp, thỏa hiệp để đưa ra được một thông cáo chung tại Hội nghị AMM lần thứ 45 hồi năm 2012 tổ chức tại Campuchia. Trong Hội nghị ASEAN lần thứ 20 tại Campuchia cũng vào năm 2012, Trung Quốc lại đưa ra một lập trường mới và yêu cầu phải có một ghế tham dự các cuộc đàm phám nội bộ của các nước ASEAN về COC. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN vào năm đó, Campuchia đã ủng hộ yêu cầu này, nhưng vấp phải phản đối mạnh mẽ từ Philippines và Việt Nam. Các bên cuối cùng cũng đạt được thỏa hiệp, theo đó các thành viên ASEAN soạn thảo COC riêng, mặt khác Campuchia sẽ liên tục cập nhật tình hình đàm phán cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, ASEAN cũng không thuyết phục được các đối tác bên ngoài để đưa ra một thông cáo chung tại Hội nghị AMM + tổ chức tại Malaysia hồi năm 2015, cũng như tránh đưa ra các tuyên bố chỉ trích việc Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông trong các Hội nghị ASEAN khác diễn ra trước năm 2016. Sự chia rẽ, thiếu đoàn kết trong nội bộ ASEAN trong năm 2016 và 2017 về vấn đề trên chưa có dấu hiệu cải thiện. Tại Tuyên bố chung trong Hội nghị cấp cao ASEN lần thứ 28, 29 tổ chức tại Lào năm 2016 cũng chỉ nêu chung chung các cụm từ như “ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến mới ở Biển Đông”, giống như những tuyên bố trước đó, nhưng không hề nhắc tới cái tên Trung Quốc. Trong khi đó, dư luận bên ngoài hết sức bức xúc về hoạt động quân sự hóa, cải tạo xây dựng đảo nhân tạo và các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Đặc biệt là sau khi Tòa Trọng tài quốc tế được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc (7/2016), trong đó bác bỏ hoàn toàn tuyên bố chủ quyền theo “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Tại Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao lần thứ 30 tại Philippines (4/2017) hoàn toàn không đề cập đến Phán quyết của Tòa Trọng tài và leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Điều này càng cho thấy sự chia rẽ, thiếu đoàn kết sâu sắc trong nội bộ ASEAN.

Thứ hai, đó là những tính toán lợi ích chiến lược của các nước lớn, nhất là tham vọng của Tung Quốc và quyết tâm duy trì lợi thế siêu cường của Mỹ. Mặc dù chấp nhận vai trò của ASEAN, song các nước thành viên thường tìm kiếm những lợi ích chiến lược riêng với từng nước lớn bên ngoài khu vực, chính điều này càng lam tăng sự chia rẽ, thiếu đoàn kết trong nội bộ ASEAN. Vì lợi ích cục bộ, một số nước ASEAN đã đi đến thỏa hiệp với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông mà điển hình là Philippines, nước đi đầu trong thúc đẩy hợp tác song phương, cùng khai thác với Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc ráo riết thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, liên tục quân sự hóa các thực thể chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông, triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ “Sáng kiến Vành đai, con đường” đang tao ra nhiều thách thức đối với Cộng đồng ASEAN nói chung, trong đó có vai trò của Cộng đồng ASEAN đối với vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới