Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 28/09/2018

Bản tin Biển Đông ngày 28/09/2018

Bản tin Biển Đông ngày 28/09/2018.

ASEAN, Mỹ đồng thuận về vấn đề Biển Đông

Ngày 28/9, The Straits Times đưa tin, sau phiên họp cấp Bộ trưởng ASEAN – Mỹ bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan cho biết Mỹ cam kết toàn diện với quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN và thảo luận về cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở cửa với ASEANlà trung tâm, trong đó các quốc gia độc lập với nền văn hóa đa dạng và những khát vọng có thể cùng nhau phát triển trong tự do và hòa bình. Ông Sullivan cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc đề cao luật pháp quốc tế bao gồm quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sullivan cũng đã có một số cuộc gặp song phương với các nước thành viên ASEAN. Ông cho biết, “có sự đồng thuận, cam kết giữa ASEAN và Mỹ về luật pháp chứ không phải một hành động đơn phương của một quốc gia nhằm xây dựng các cấu trúc ở Biển Đông và thậm chí tệ hơn là quân sự hoá các cấu trúc này”.

Trung Quốc chỉ trích việc Mỹ đưa máy bay B52 qua Biển Đông

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 27/9, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Mỹ đưa máy bay ném bom B52 qua Biển Đông và biển Hoa Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Trung Quốc tôn trọng và đề cao quyền tự do hàng hải và hàng không của tất cả các quốc gia theo luật quốc tế, nhưng kiên quyết phản đối các nước liên quan làm phương hại đến chủ quyền và an ninh các nước ven biển, phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực dưới danh nghĩa tự do hàng hải và hàng không.

Ngày 27/9, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cũng lên tiếng, chỉ trích việc Mỹ đưa máy bay chiến đấu qua Biển Đông là hành động “khiêu khích”; Trung Quốc kiên quyết phản đối những hành động này và sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để đáp trả.

Theo Hoàn Cầu Thời báo ngày 27/9, sự việc được đăng tải trên các phương tiện truyền thông phương Tây, tuy nhiên các báo không đề cập liệu những máy bay này có bay gần các đảo của Trung Quốc hay không. Trung Quốc không phản đối các hoạt động này nếu được thực hiện tại các vùng biển quốc tế, nhưng Trung Quốc sẽ đưa ra lời cảnh cáo và xua đuổi nếu có sự vi phạm lãnh hải của Trung Quốc. Hoàn Cầu Thời báo cho rằng việc lần này Lầu Năm góc cố ý công bố thông tin về các chuyến bay B52 tại Biển Đông là nhằm thể hiện Mỹ đang thách thức chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Hoàn Cầu Thời báo thừa nhận việc Trung Quốc tiến hành xây dựng đảo tại Biển Đông đã khiến cho Mỹ phật ý; do vậy, Washington đã tiến hành các hoạt động quân sự nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh phải rút lui. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng điều này là vô ích, Mỹ có rất ít ảnh hưởng, Trung Quốc vẫn sẽ duy trì sáng kiến chiến lược tổng thể của mình ở Biển Đông. Bắc Kinh tự đắc rằng mình có nhiều quân bài hơn Mỹ đối với các vấn đề trên biển. Nếu Mỹ tiếp tục gia tăng các hoạt động quân sự tại khu vực và đe dọa an ninh các đảo, bãi của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ điều các trang thiết bị chiến đấu ra các đảo, bãi này. Nếu nhìn tổng thể hơn, Mỹ càng tiến hành các hoạt động khiêu khích quân sự chống lại Trung Quốc, Trung Quốc sẽ càng đầu tư nguồn lực xây dựng năng lực quân sự, kể cả năng lực hạt nhân tiên tiến, và khi đó chắc chắn sẽ khiến cho Mỹ thất vọng. Do vậy, theo Hoàn Cầu Thời báo, Mỹ tốt hơn hết là thực hiện kiềm chế, nếu không sẽ khó tránh khỏi căng thẳng.

Trung Quốc phản đối các nước ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề Biển Đông

Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 27/9, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhậm Quốc Cường đã trả lời các câu hỏi liên quan đến việc tàu chiến của Anh, Nhật xuất hiện ở Biển Đông. Ông Nhậm cho rằng nhờ nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN, tình hình Biển Đông đang ngày càng ổn định; điều đó cho thấy các nước trong khu vực đủ thông thái, khả năng và tự tin để giải quyết vấn đề Biển Đông. Ông Nhậm Quốc Cường cho rằng các nước ngoài khu vực như Anh, Pháp đã nhắm mắt làm ngơ trước sự ổn định tại Biển Đông, thay vào đó cố tìm cách thổi phồng ý tưởng sai lầm về tự do hàng hải, hàng không và gây ra rắc rối. Trung Quốc kịch liệt phản đối các hành động gây hấn do các nước ngoài khu vực tiến hành dưới danh nghĩa tự do hàng hải, hàng không; phản đối sự hiện diện của các nước này tại Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng chỉ trích các hành động quân sự của Nhật, cho rằng những hành động này khiến cho các nước láng giềng Châu Á của Nhật cũng như cộng đồng quốc tế lo ngại sâu sắc. Trung Quốc hy vọng Nhật đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông và cẩn trọng hơn với những lời nói và hành động về vấn đề Biển Đông.

Ngoài ra, trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng tiếp cận các cơ sở của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa vì mục đích dân sự, ví dụ như tìm kiếm cứu nạn, tránh trú bão và tiếp tế nghề cá, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại đổi giọng thân thiện, cho biết các cơ sở này là nhằm mục đích dân sự và hiện đã đi vào hoạt động. Với các chức năng dân sự như dịch vụ điều hướng, cứu nạn hàng hải, Trung Quốc sẽ có thể cung cấp các dịch vụ dân sự cho tàu thuyền các nước láng giềng nếu cần sự giúp đỡ.

Areas in which South China Sea claimants should have provisional rights to license hydrocarbon exploration and production, pending a final delimitation of claims.

RELATED ARTICLES

Tin mới