Tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản, tàu sân bay trực thăng Kaga, đã cập cảng Colombo của Sri Lanka vào cuối tuần qua.
Đây là sự kiện đánh dấu động thái mới nhất của Tokyo nhằm cạnh tranh ảnh hưởng trên mặt trận ngoại giao với Trung Quốc, nhắm vào vị trí dọc các tuyến đường biển thương mại quan trọng trong khu vực, theo Reuters.
Nhật Bản từ lâu đã cung cấp các khoản vay lãi suất thấp và viện trợ cho Sri Lanka, hỗ trợ chuyển đổi cảng Colombo thành một cổng chuyển tải, tập trung khai thác những tuyến giao thương trọng yếu của thế giới.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã chen chân vào mối quan hệ này và trở thành một đối thủ ngáng đường trong khu vực Nam Á, thậm chí tham vọng vươn xa hơn thế với Sáng kiến Vành Đai Con Đường.
Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đang phô diễn sức mạnh quân sự của mình.
Hải quân Trung Quốc đang ngày càng mạo hiểm vượt qua Tây Thái Bình Dương và xâm nhập vào Ấn Độ Dương, tham vọng xây dựng một hạm đội hải quân xứng tầm thế giới vào năm 2050. Cùng lúc, ngoại giao quân sự của Nhật Bản cũng đang hưng thịnh dưới thời thủ tướng Shinzo Abe.
“Chính phủ Nhật Bản đang xúc tiến một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, và châu Á Thái Bình Dương là một phần của chiến lược đó”, Chuẩn Đô đốc Tatsuya Fukuda, chỉ huy tàu Kaga và tàu khu trục hộ tống của Nhật Bản cho biết.
“An ninh và ổn định hàng hải giữ vai trò tối quan trọng” đối với một quốc đảo như Nhật Bản, ông Tatsuya Fukuda cho biết thêm.
Trên đường tới Sri Lanka, tàu chiến Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận quân sự ở Philippines, Indonesia và Anh trước khi cập cảng Colombo vào ngày 30/9 với 500 thủy thủ và 4 trực thăng săn tàu ngầm.
Chiến hạm Anh HMS Argyll (trước), tàu khu trục Inazuma (giữa) và tàu sân bay trực thăng Kaga tập trận hải quân ở Ấn Độ Dương ngày 26/9. (Ảnh: Reuters)
Chuyến thăm được thực hiện trên tinh thần hữu nghị, quân đoàn Kaga cũng mang theo các gói giấy origami đầy màu sắc cùng hoa giấy để tặng cho trẻ em địa phương đến xem tàu cập cảng.
Thông điệp gửi tới Trung Quốc
Mục đích của chuyến thăm lần này là để đảm bảo với Sri Lanka về sự sẵn sàng và khả năng triển khai lực lượng quân sự mạnh nhất của Nhật Bản đến Sri Lanka, một khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng, tờ Reuters nhận định.
“Sri Lanka, với vị trí trung tâm ở Ấn Độ Dương, cam kết duy trì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, hoan nghênh tàu hải quân từ tất cả các quốc gia đối tác đến giao lưu với Hải quân Sri Lanka”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Sri Lanka, Mahishini Colonne nói.
“Một số tàu hải quân từ các nước đối tác đã đến thăm Sri Lanka trong năm nay, và tàu Nhật Bản, một đối tác song phương gần gũi, cũng được chào đón trên tinh thần đó”, người này bổ sung.
Để giảm bớt gánh nặng nợ đã tích lũy với Bắc Kinh, Sri Lanka gần đây đã buộc phải đồng ý nhượng quyền kiểm soát cảng Hambantota trị giá 1,5 tỷ USD trên bờ biển phía nam của mình cho công ty Trung Quốc China Merchants Port Holdings
Hồi tháng Một, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật, ông Taro Kono đã trở thành quan chức ngoại giao hàng đầu đầu tiên của Nhật Bản đến thăm Sri Lanka trong 16 năm qua. Vào tháng Tám, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Itsunori Onodera cũng đã đến Sri Lanka và thăm cảng Hambantota.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono (trái) và Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena (phải) (Ảnh: Dailynews)
“Sri Lanka là một quốc gia chủ chốt trong khu vực và một phần cốt lõi trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Nhật Bản. Việc độc chiếm của bất kỳ nước nào tại cảng biển của Sri Lanka sẽ đi ngược điều đó”, ông Onodera phát biểu, từ chối không nêu chi tiết về quốc gia mà ông đề cập tới.
Vào tháng Ba, Tổng thống Sri Lanka, ông Maithripala Sirisena đã đến thăm Tokyo để thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Động thái này đã khiến Trung Quốc lo lắng, đây có thể sẽ là một vấn đề được đưa lên bàn đàm phán trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh sắp tới của ông Abe.
“Thông điệp gửi tới Trung Quốc là Nhật Bản cùng với Ấn Độ và Hoa Kỳ, và dĩ nhiên cả Sri Lanka có đủ khả năng trên mặt trận quân sự”, ông Nozomu Yoshitomi, giáo sư Đại học Nihon, Tokyo, và là một cựu thiếu tướng Lực lượng Phòng vệ mặt đất, cố vấn cho Nội các Nhật Bản tuyên bố.