Saturday, July 27, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ chứng minh sức mạnh vượt trội TQ

Mỹ chứng minh sức mạnh vượt trội TQ

Các nguồn lực thực của Mỹ lớn hơn gấp vài lần so với quy mô các nguồn lực thực của Trung Quốc và tăng lên hàng năm.

Ám ảnh mối đe dọa

Tạp chí Foreign Affairs mới đây có bài phân tích về Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung tiếp diễn căng thẳng trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật tâm lý “sợ” Trung Quốc của người Mỹ.

Có nhiều ý kiến lập luận rằng nếu Washington không làm nhiều hơn nữa để chống lại sự trỗi dậy của đối thủ lớn nhất của họ, nước này có thể sớm mất đi vị thế của mình với tư cách là cường quốc hàng đầu thế giới.

Theo sự đồng thuận mới xuất hiện này, nhiều thập kỷ đầu tư và những nhượng bộ ngoại giao của Mỹ đã tạo điều kiện để Trung Quốc vươn lên với sức mạnh kinh tế và một quân đội lớn nhất thế giới.

Tại Mỹ hiện có nhiều ý kiến thống nhất cho rằng để phản ứng lại, Mỹ phải tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á, đánh thuế đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới.

Một trong những dẫn chứng được trích dẫn điển hình cho sự trỗi dậy được cho là không thể tránh khỏi của Trung Quốc là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn, cùng với nhiều số liệu thống kê khác mà về cơ bản là các thành phần phụ của GDP, bao gồm sản lượng công nghiệp và sản xuất; dòng chảy thương mại và tài chính; và chi tiêu cho quân sự, nghiên cứu và phát triển (R&D) và cơ sở hạ tầng.

Tháng 1/2018, Lầu Năm Góc công bố chiến lược quốc phòng mới, trong đó chỉ rõ Nga và Trung Quốc là hai mối đe dọa hàng đầu với các lợi ích của Mỹ. Tuyên bố này đánh dấu một thay đổi quan trọng trong chính sách quốc phòng của Mỹ, vốn hơn một thập kỷ qua chủ yếu tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố.

Theo giới phân tích quốc tế, nếu Mỹ buộc phải chọn một “kẻ thù không đội trời chung”, nhiều khả năng đó sẽ là Trung Quốc. Tháng 7/2017, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo – khi đó là Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) – đã chỉ ra rằng Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất đối với sức mạnh Mỹ, rằng người Trung Quốc tự xem “họ là một cường quốc đối địch” và đang có nhiệm vụ “hạn chế quyền lực của Mỹ đối với đất nước mình”.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc toan tính âm mưu can thiệp vào chính trường Mỹ. Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tìm cách “can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2018 sắp tới của chúng tôi”, khẳng định chính quyền của ông trở thành mục tiêu bị tấn công bởi ông là “tổng thống đầu tiên dám thách thức Trung Quốc trong vấn đề thương mại”.

Ngày 4/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nhắc lại cáo buộc này, đồng thời đề cập tới vụ tàu chiến USS Decatur của Mỹ suýt va chạm với một tàu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông như một “hành động liều lĩnh” từ phía Bắc Kinh.

My chung minh suc manh vuot troi Trung Quoc
Một trong những hình ảnh điển hình cho sự trỗi dậy của Trung Quốc

Chính sách tái tập trung sức mạnh Mỹ để đối phó với tham vọng kinh tế của Trung Quốc mà Washington đưa ra đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cả hai chính đảng lớn tại Mỹ, thậm chí có thể so sánh với chính sách “xoay trục sang châu Á” dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Không chỉ người Mỹ mà trên thế giới hiện cũng có nhiều quan điểm cho rằng Trung Quốc ngày càng trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với địa vị thống trị của Mỹ. Chỉ riêng mình Trung Quốc, chứ không phải Nga, cũng đã có đủ quyền lực toàn diện để đối đầu với Mỹ, với nền tảng là một nền kinh tế năng động và lớn mạnh, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sức mạnh vượt trội

Tuy nhiên, tờ Foreign Affairs đã chỉ ra Trung Quốc không mạnh như những phân tích và cáo buộc nêu trên. Ngay cả con số về GDP và những chỉ số liên quan cũng không đong đếm chính xác sức mạnh của một quốc gia.

Trên thực tế, theo chính những thước đo này, Trung Quốc từng đứng đầu một lần trước đây: vào thế kỷ XIX, Trung Quốc có nền kinh tế lớn nhất thế giới và quân đội lớn nhất. Nước này cũng có thặng dư thương mại với các nước lớn khác.

Nhưng đây lại chính là giai đoạn không vẻ vang đối với người Trung Quốc khi đất nước họ bị mất các vùng lãnh thổ lớn và hầu hết các quyền chủ quyền của nước này rơi vào tay những đối thủ nhỏ hơn, đáng chú ý nhất là Anh và Nhật Bản.

Trong thế kỷ trước, Liên Xô đã vượt qua Mỹ theo phần lớn những thước đo về tổng tài nguyên, bao gồm sản lượng công nghiệp, chi tiêu cho quân sự và R&D, và số lượng binh lính, vũ khí hạt nhân, các nhà khoa học và kỹ sư.

Qua hai trường hợp điển hình trê, giới phân tích Mỹ cho rằng các chỉ số tổng như GDP và chi tiêu cho quân sự thổi phồng sức mạnh của các nước đông dân, bởi vì chúng tính đến những lợi ích của việc có lực lượng lao động lớn và quân đội lớn chứ không tính đến những chi phí phải bỏ ra để nuôi sống, giữ trật tự, bảo vệ và phục vụ nhiều người.

Một dân số lớn rõ ràng là một tài sản quan trọng nhưng không đảm bảo cho sức mạnh lớn, vì người dân vừa sản xuất vừa tiêu thụ các nguồn lực. Một tỷ nông dân sẽ tạo ra sản lượng rất lớn, nhưng họ cũng sẽ tiêu thụ phần lớn sản lượng đó tại chỗ, hầu như không để lại nguồn lực gì để triển khai sức mạnh ở nước ngoài.

 
Dân số áp đảo chưa hẳn là một lợi thế vượt trội của Trung Quốc

Sức mạnh của một quốc gia không bắt nguồn từ tổng các nguồn lực mà từ các nguồn lực ròng của nó – các nguồn lực còn lại sau khi trừ đi các chi phí tạo ra chúng. Trong khi đó, danh sách các chi phí này lại rất dài.

Trước hết, có chi phí sản xuất, trong đó có nguyên liệu thô được tiêu thụ để tạo ra của cải và các khả năng quân sự, cũng như bất kỳ sản phẩm phụ tiêu cực nào của quá trình đó (ví dụ như sự ô nhiễm).

Sau đó, cộng thêm chi phí phúc lợi – những chi phí mà một nước trả để giữ cho người dân, gồm có chi tiêu cho thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và an sinh xã hội.

Cuối cùng là chi phí chi cho an ninh: chính phủ phải giữ trật tự và bảo vệ công dân của mình khỏi những kẻ thù ở nước ngoài và trong nước. Những chi phí này đang tăng lên và trên thực tế, chúng thường ngốn hầu hết các nguồn lực của một quốc gia.

Những phân tích về nguồn lực ròng của một quốc gia trung vào 3 lĩnh vực: vốn sản xuất (các sản phẩm nhân tạo như máy móc, các tòa nhà, máy bay chiến đấu và phần mềm), vốn nhân lực (giáo dục, kỹ năng và tuổi làm việc) và vốn tự nhiên (các nguồn tài nguyên nước, năng lượng và đất canh tác) đều cho thấy các nguồn lực thực của Mỹ lớn hơn gấp vài lần so với quy mô các nguồn lực thực của Trung Quốc, và ưu thế của nước này đang tăng lên hàng năm, có thể là hàng nghìn tỉ USD.

 
Tàu sân bay – Một trong những biểu tượng sức mạnh Mỹ

Những nghiên cứu còn chưa tính tới sự “sai lệch” trong thống kê của Trung Quốc bởi giới nghiên cứu Mỹ cho rằng thống kê đã phóng đại sản lượng của Trung Quốc tới 30% và phớt lờ nhiều chi phí làm xói mòn của cải và các khả năng quân sự của nước này.

Ví dụ, các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng số vốn gấp gần hai lần và số lao động gấp 5 lần so với các công ty Mỹ để tạo ra cùng một mức sản lượng. Hơn 1/3 năng suất công nghiệp của Trung Quốc đang bị lãng phí…

Trung bình, các hệ thống vũ khí của Trung Quốc có năng lực chỉ gần bằng 1/2 so với Mỹ xét về tầm bắn, hỏa lực và độ chính xác. Binh lính, phi công và thủy thủ Trung Quốc thiếu kinh nghiệm chiến đấu và được huấn luyện chưa bằng một nửa so với những người đồng nhiệm Mỹ.

Phòng thủ biên giới và an ninh nội địa tiêu tốn ít nhất 35% ngân sách quân sự của Trung Quốc và “giữ chân” một nửa lực lượng thường trực của nước này, trong khi quân đội Mỹ có một nền tảng an ninh đảm bảo trong nước và có thể tập trung gần như hoàn toàn vào việc triển khai sức mạnh ở nước ngoài.

Cựu quan chức Lầu Năm Góc Michael Maloof nhận định việc gắn mác Trung Quốc là mối đe dọa về chính trị, kinh tế và quân sự là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể của Mỹ nhằm duy trì “vị thế bá quyền toàn cầu”.

Theo ông, chiến lược xoay trục về châu Á thực chất là nhằm phục vụ mục tiêu trực tiếp ở trong nước về việc “tăng xuất khẩu và sản lượng vũ khí”, hay nói cách khác là nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới