Saturday, December 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTàu chiến Mỹ tới Đài Loan: TQ chuẩn bị thống nhất Đài...

Tàu chiến Mỹ tới Đài Loan: TQ chuẩn bị thống nhất Đài Loan?

Theo Liberty Times Net, từ ngày 15-18/10, tàu nghiên cứu khoa học Thomas G. Thompson (T-AGOR-23) thuộc Văn phòng nghiên cứu hải quân Mỹ tới cảng Cao Hùng, Đài Loan. Theo giới phân tích, tàu hải quân Mỹ lựa chọn neo đậu tại Cao Hùng trong thời điểm nhạy cảm mang một ý nghĩa tượng trưng quan trọng. T-AGOR-23 là tàu nghiên cứu hải dương thuộc biên chế hải quân Mỹ nhưng không trang bị vũ khí, được vận hành bởi thủy thủ đoàn dân sự và có thể phục vụ tối đa 36 nhà khoa học.

Tàu nghiên cứu khoa học Thomas G. Thompson

Mục đích chuyến thăm của tàu T-AGOR-23:

Cơ quan phòng vệ Đài Loan (16/10) cho biết, T-AGOR-23 đã từng đến Đài Loan 3 lần trước đây, khẳng định chuyến thăm lần này là hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Văn phòng nghiên cứu hải quân Mỹ và Khoa khoa học khí quyển, Đại học Đài Loan, không liên quan đến hoạt động quân sự của quân đội Mỹ.

Ông Joseph Wu, quan chức ngoại giao Đài Loan cho biết, nhóm nghiên cứu trên tàu Thomas G Thompson đã làm việc với các viện nghiên cứu của Đài Loan và một số quốc gia khác để thu thập thông tin dữ liệu hàng hải trên những vùng biển gần Biển Đông; đồng thời ông phủ nhận thông tin nghi ngờ từ phía truyền thông về việc sự xuất hiện của tàu nghiên cứu Thomas G Thompson là nhằm kiểm chứng liệu cảng Cao Hùng có đủ điều kiện để làm nơi cư trú cho hàng loạt tàu chiến cỡ lớn nằm trong kế hoạch phô trương sức mạnh quân sự của hải quân Mỹ ở eo biển Đài Loan và Biển Đông trong tháng 11 tới.

Công ty Cao Hùng thuộc Tổng Công ty cảng Đài Loan tiết lộ, tàu nghiên cứu của hải quân Mỹ đã cập cảng Cao Hùng vào ngày 15/10, mục đích chỉ là để bổ sung nước ngọt, nhu yếu phẩm và thay thế thuyền viên.

Trong khi đó, Giáo sư Tùy Trung Hưng – Khoa khoa học khí quyển, Đại học Đài Loan cũng cho hay, nhiệm vụ của tàu Thomas G. Thompson (T-AGOR-23) hoàn toàn mang tính nghiên cứu khoa học, không liên quan tới quân đội Mỹ.

Trung Quốc đưa ra các tuyên bố cứng rắn đáp trả, đồng thời lên án hành động của Mỹ

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (17/10) bày tỏ mối quan ngại lớn về hành động của Mỹ; nhấn mạnh Trung Quốc phản đối tất cả các mối quan hệ quân sự và liên lạc giữa chính phủ Mỹ với Đài Loan; yêu cầu Mỹ cần chấm dứt tất cả hoạt động trao đổi chính thức và liên lạc quân sự với Đài Loan đồng thời có những biện pháp xử lý vấn đề Đài Loan một cách phù hợp.

Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cho biết, trước thông tin trên, bộ phận dư luận Đài Loan cho rằng, đây là bước chuẩn bị để quân đội Mỹ tiến hành cuộc diễn tập quân sự ở eo biển Đài Loan trong thời điểm nhạy cảm hoặc đây là “giấy đảm bảo” của quân đội Mỹ đối với chính quyền bà Thái Anh Văn về vấn đề ly khai. Thậm chí, có ý kiến lo ngại Mỹ sẽ biến Đài Loan thành Syria thứ hai sau những hành động tương tự. Tuy nhiên, bộ phận giới quan sát Trung Quốc cho rằng, đây là một dấu hiệu nguy hiểm khi Mỹ “lợi dụng danh nghĩa nghiên cứu khoa học” để thử nghiệm “đánh bóng ra biên” và không loại trừ khả năng Nhà Trắng sẽ thực hiện các hành động tương tự trong tương lai.

Một chuyên gia quân sự giấu tên nói với Hoàn cầu rằng, theo thông tin trên truyền thông thì tàu Thomas G. Thompson (T-AGOR-23) thuộc quản lý của Văn phòng nghiên cứu hải quân Mỹ nhưng từ số hiệu trên hình ảnh thì con tàu này phải thuộc về Bộ tư lệnh hải vận quân sự hải quân Mỹ. Theo ông này, bất luận T-AGOR-23 thuộc đơn vị nào của hải quân Mỹ nhưng khi thủy thủ trên tàu đều chỉ là nhân viên dân sự thì tính nhạy cảm tương đối thấp, tuy nhiên, đây không phải là con tàu mang nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đơn thuần mà đang chấp hành “nhiệm vụ đặc biệt”: thu thập thông tin hiện trường, chuẩn bị nền tảng cho tác chiến chống tàu ngầm của quân đội Mỹ; cho rằng tàu này thường xuyên ra vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, rất có thể nó coi Biển Đông, eo biển Đài Loan và Biển Hoa Đông là đối tượng quan trắc quan trọng; nhấn mạnh đây là hành động mang tính liên kết tương hỗ giữa chính quyền Mỹ và chính quyền Đài Loan sau khi Mỹ thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng liên tiếp hai năm 2017, 2018 cũng như sau khi hai bên tăng cường hợp tác quân sự.

Trong khi đó, ông Kim Dịch Tắc, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Đài Loan, Học viện khoa học xã hội Trung Quốc nhận định, hiện nay không có bằng chứng cho thấy tàu này thực hiện nhiệm vụ khoa học hay đang thi hành nhiệm vụ từ quân đội Mỹ nhưng có một chi tiết quan trọng là, đây là lần thứ 4 tàu này đến Đài Loan trong vòng 1 năm nay. Trong 4 lần tàu T-AGOR-23 cập cảng Cao Hùng thì chỉ có lần này chính quyền bà Thái Anh Văn mới “loan tin”, chứng tỏ chính quyền bà Thái Anh Văn muốn lợi dụng hoạt động này để giành lợi thế trong cuộc bầu cử tháng 11/2018.

Ông Chu Phong, Giáo sư Đại học Nam Kinh lại cho rằng, trong năm nay có hai tàu chiến Mỹ công khai đi qua eo biển Đài Loan, động thái này không xảy ra trong những năm trước đó. Sự việc tàu hải quân Mỹ cập cảng Cao Hùng lần này có hai điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, có khả năng Mỹ chuẩn bị cho cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn ở Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan trong thời gian tới. Thứ hai, trong những lần chạm trán gần đây, do bị tàu chiến Trung Quốc theo đuổi sát nên Lầu Năm Góc lần này cử tàu tới Đài Loan là để “khoe cơ bắp”, chứng minh sức mạnh quân đội Mỹ, điều này mang hàm ý khiêu khích Bắc Kinh rất lớn, đồng thời ám chỉ, sẽ không bị Trung Quốc đe dọa về các vấn đề trên biển.

Đáng chú ý, trước đây, Công sứ Trung Quốc tại Mỹ Lý Khắc Tân từng cảnh báo rằng “ngày chiến hạm Mỹ đến Cao Hùng sẽ là ngày Bắc Kinh thống nhất Đài Loan”.

Bất chấp cảnh báo của Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng

Phát biểu sau cuộc gặp với cựu tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho rằng các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc mang tính đe dọa và chuyến viếng thăm của Đô đốc Scott Swift “không chỉ cải thiện giao lưu quân sự mà còn thể hiện quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai bên”, đồng thời kêu gọi “bình thường hóa” việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và Chính phủ của bà muốn có thêm nhiều hoạt động trao đổi quân sự hơn giữa hai bên.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ (9/2018) cho biết Quốc hội Mỹ đã thông qua hợp đồng bán vũ khí, trị giá 330 triệu USD cho Đài Loan. Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp nhiều khí tài lớn cho Đài Loan bao gồm tiêm kích F-16 và vận tải cơ C-130. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng với mức ngân sách quốc phòng 716 tỷ đôla, gồm các điều khoản kêu gọi cải thiện năng lực phòng thủ cho Đài Loan nhằm đương đầu với việc phô trương sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời tăng cường trao đổi quân sự cấp cao giữa Mỹ và Đài Loan như mở rộng hợp tác về trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Ông Donald Trump cũng ký ban hành Đạo luật đi lại Đài Loan, một đạo luật mang lại cho Tổng thống vỏ bọc chính trị nhằm thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Theo đó, Đạo luật cho phép các quan chức Mỹ ở mọi cấp có thể tới Đài Loan để gặp những người đồng cấp Đài Loan của họ và các quan chức cấp cao Đài Loan tới Mỹ để “gặp các quan chức Mỹ, bao gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng”.

Kể từ khi Mỹ không công nhận Đài Loan và thiết lập quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) vào năm 1979, Washington đã chỉ duy trì quan hệ không chính thức với Chính phủ Đài Loan. Quan hệ Trung-Mỹ được củng cố bởi ba thông cáo báo chí chung (được nhất trí vào các năm 1972, 1979 và 1982), theo đó Mỹ đã “thừa nhận” nhưng không công khai chấp nhận lập trường của Trung Quốc rằng chỉ có một Trung Quốc và rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quan hệ không chính thức với “người dân Đài Loan”, trong đó có những người trong Chính phủ Đài Loan, thông qua Học viện Mỹ ở Đài Loan, một thực thể giống như sứ quán được thành lập thông qua Đạo luật quan hệ với Đài Loan vào năm 1979. Đạo luật này tuyên bố rằng quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc của Washington dựa trên sự mong đợi rằng tương lai của Đài Loan sẽ được định rõ bằng các biện pháp hòa bình. Nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình, Mỹ sẽ bán vũ khí mang tính chất phòng thủ cho Đài Loan và duy trì khả năng quân sự để chống lại sự ép buộc của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới