Monday, May 20, 2024
Trang chủBiển nóngBiển Đông tiếp tục được hâm nóng tại Hội nghị ADMM Plus

Biển Đông tiếp tục được hâm nóng tại Hội nghị ADMM Plus

Ngày 18-20/10/2018, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã diễn ra tại Singapore. Tại Hội nghị trên, vấn đề Biển Đông, nhất là các hành động phi pháp, khiêu khích của Trung Quốc trong vùng biển này tiếp tục là tâm điểm chú ý của các nước liên quan.

Bộ trưởng Quốc Phòng 10 nước ASEAN và các đối tác khu vực chụp hình khi tham dự cuộc họp ở Singapore ngày 20/10/2018.

Bộ Quy tắc tránh va trạm trên không

Tại Hội nghị ADMM Plus lần này, các nước đã đưa ra đề xuất thông qua Bộ Quy tắc tránh va trạm trên không, nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra va chạm quân sự ngoài ý muốn tại châu Á. Theo AFP, Bộ Quy tắc này xác định các tiêu chuẩn ứng xử đối với các phi công, như giữ khoảng cách an toàn, tránh hành động khinh suất, đề xuất đường dây liên lạc hai chiều… Văn kiện này được áp dụng trong không phận trên Biển Đông, bao gồm cả các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Bộ Quy tắc này được xây dựng trên căn bản thỏa hiệp năm 2014 được tất cả 21 nước đồng thuận về “Quy ước gặp không hẹn trên biển” gọi tắt là CUES (Code of Unplanned Encounters at Sea).

Giới truyền thông quốc tế nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông, khiến gia tăng căng thẳng trong khu vực và đẩy nguy cơ xảy ra đụng độ ngoài ý muốn giữa máy bay quân sự trong khu vực ngày càng cao. Trang South China Morning Post (19/10) cho biết Bộ Quy tắc này được các Bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN thông qua tại diễn đàn ADMM thường niên. Theo đánh giá của Bộ trưởng Quốc Phòng Singapore, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN, văn kiện trên có thể giúp giảm bớt các nguy cơ đụng độ trên không, dù không mang tính bắt buộc, “nhưng ít nhất cũng cung cấp một số biện pháp bảo vệ nhất định”. Đáng chú ý, Bản thông cáo chung của các Bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN cho biết Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ủng hộ bộ quy tắc mới. Ngoài ra, các nước đối tác khác của ASEAN, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand cũng thể hiện ủng hộ.

Mỹ tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn và chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (19/10) đã một lần nữa lên tiếng tái khẳng định lập trường cứng rắn của Mỹ ở Biển Đông, tuyên bố “không thể chấp nhận việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông”, đồng thời kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp với Mỹ để ngăn chặn viễn cảnh một cường quốc đơn lẻ thống trị vùng biển chiến lược này. Ông Mattis tuyên bố, “Mỹ, cùng với các đồng minh và đối tác, sẽ tiếp tục triển khai tàu và máy bay hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia của chúng tôi yêu cầu. Chúng tôi sẽ không để bị hăm dọa, và chúng tôi sẽ không lùi bước, vì chúng tôi không thể chấp nhận việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông hay bất kỳ hành động cưỡng ép nào trong khu vực”. Đây là lần thứ hai trong một tháng người đứng đầu Lầu Năm Góc có những phát ngôn cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Bài phát biểu trước đó của ông Mattis được đưa ra hồi đầu tháng sau khi Trung Quốc đưa tàu chiến áp sát “thiếu an toàn và không chuyên nghiệp” một tàu khu trục của Mỹ khi tàu này thực hiện chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.

Trước các hành động phi pháp ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ liên tục có các hoạt động tuần tra, tập trận nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Gần đây, Mỹ điều các tàu chiến đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa hơn một tàu chiến đến khu vực để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý và tham lam của Bắc Kinh ở Biển Đông. Sau Hải quân Mỹ, đến lượt Hải quân Anh và Hải quân Pháp cũng tuyên bố sẽ thẳng tiến vào Biển Đông, cụ thể là vào khu vực Trung Quốc đang đòi chủ quyền một cách phi lý, nhằm mục đích bác bỏ đòi hỏi của Bắc Kinh đồng thời khiến Bắc Kinh phải thay đổi cách hành xử trong khu vực.

Theo một số nhà phân tích, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ làm gia tăng lo ngại từ các nước thành viên ASEAN mà còn khuyến khích sự can dự và hợp tác mạnh hơn giữa các đồng minh của Mỹ, trong đó có Australia, Nhật Bản, New Zealand, Anh và Pháp. Elena Collinson, nghiên cứu viên tại Viện Quan hệ Australia – Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney, cho rằng “có thể hy vọng sẽ có những thảo luận mạnh mẽ hoặc thực chất hơn tại Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng sắp tới. Bất cứ quyết định nào cũng sẽ tính đến quan hệ của từng nước ASEAN không chỉ với Trung Quốc mà cả với các nước phương Tây”.

ASEAN lo ngại căng thẳng Mỹ – Trung trên Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (20/10) cho biết các nước thành viên ASEAN đã thể hiện sự lo ngại về căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt sau vụ tàu chiến 2 nước suýt va chạm. Được biết, tàu chiến của hải quân Trung Quốc (30/9) đã áp sát khu trục hạm Decatur Mỹ đang tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải trên Biển Đông ở cự ly 42m. Phía Washington cáo buộc đây là hoạt động tiếp cận không an toàn và thiếu chuyên nghiệp, trong khi Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để “bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”.

Trung Quốc vẫn ngang ngược cho rằng Bắc Kinh không quân sự hóa ở Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (16/10) bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc gần đây của Mỹ cho rằng nước này có những hành động “khiêu khích quân sự” trên Biển Đông; nhấn mạnh “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo và vùng biển lân cận ở Biển Đông và có quyền tiến hành các công trình xây cất vì mục đích hòa bình”; cho rằng “Trung Quốc đang thực hiện quyền chủ quyền và tự vệ để thực hiện các hoạt động vì mục đích hòa bình, bao gồm cả các phương tiện phòng thủ cần thiết, trên lãnh thổ riêng của mình, và điều này chẳng liên quan gì đến quân sự hóa”; đồng thời hối thúc Mỹ ngưng “gây rối” và đòi Mỹ dừng các hành vi mà “gây nguy hiểm cho chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”, trở thành nước giúp kiến tạo hòa bình và ổn định ở Biển Đông thay vì làm kẻ “phá bĩnh”.

RELATED ARTICLES

Tin mới