Bản tin Biển Đông ngày 31/10/2018.
Philippines hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận về năng lượng trong chuyến thăm sắp tới của Tập Cận Bình
Ngày 30/10, Bloomberg đưa tin, trả lời phỏng vấn tại Singapore, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận về khai thác chung dầu khí tại Biển Đông khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Philippines vào tháng tới. Bộ trưởng Cusi cho biết các điều khoản của thỏa thuận có thể được thông qua trong chuyến thăm này. Chính phủ Philippines cũng đã thảo luận về việc gỡ bỏ lệnh cấm thăm dò tại vùng biển tranh chấp do người tiền nhiệm của Tổng thống Duterte đặt ra trước đó đã cản trở một hoạt động liên doanh tiềm năng giữa Tập đoàn PXP Energy và Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn PXP Energy Manuel Pangilinan không cho rằng lệnh cấm có thể được dỡ bỏ trong thời gian chuyến thăm của Tập Cận Bình vào tháng 11. Các cuộc đàm phán với CNOOC sẽ không thể được nối lại cho đến khi nào Philippines và Trung Quốc đạt được thỏa thuận song phương. Bộ trưởng Alfonso Cusi cho biết Philippines và Trung Quốc đang trao đổi để giải quyết vấn đề này, “đó là lĩnh vực ưu tiên cao của chúng tôi vì chúng tôi biết rằng trữ lượng còn nhiều mà chúng tôi có thể thăm dò và khai thác”.
Theo Bloomberg, bất cứ thỏa thuận nào về khai thác chung đạt được sẽ đánh dấu một chiến thắng lớn cho Trung Quốc khi nước này đã nỗ lực cả thập kỷ qua để ngăn các nước Đông Nam Á khai thác nguồn năng lượng tại các vùng biển tranh chấp.
Chuyên gia CSIS: hình dung về một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả
Ngày 31/10, The Diplomat đăng nội dung trả lời phỏng vấn giữa Biên tập viên Ankit Panda của The Diplomat và Greg Poling, Trưởng Nhóm chuyên gia về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Nội dung cuộc phỏng vấn xoay quanh kết quả nỗ lực của các chuyên gia về đề xuất biện pháp đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính thực tế và có thể thực hiện được.
Theo đó, Greg Poling cho rằng trong hai năm qua, tuy đã có nhiều thỏa thuận công khai về tính kỳ vọng của COC, nhưng chưa có sự khao khát mãnh liệt nào để giải quyết các vấn đề khó khăn. Khung COC năm 2017 có ít chi tiết hơn DOC năm 2002. Hiện nay, ngoài Philippines, không có bên tranh chấp nào tỏ dấu hiệu cho thấy sắp đạt được COC, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đều bày tỏ không hy vọng có được COC trong tương lai gần. Đáng lo ngại hơn nữa, bản dự thảo đàm phán đơn nhất lại chứa đầy các yếu tố có thể làm chệch hướng các cuộc đàm phán. Ví dụ, Trung Quốc đòi có quyền phủ quyết đối với hoạt động quân sự của các bên tranh chấp với một bên thứ ba hoặc các công ty bên ngoài khu vực sẽ không được tham gia vào các hoạt động liên quan đến dầu khí, chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng ý từ các bên khác. Ông Poling cho biết, từ khi nội dung Khung COC được tiết lộ vào cuối năm ngoái, Nhóm chuyên gia đã cho thấy rất dễ để chỉ ra những gì không phù hợp trong Khung COC cũng như trong tiến trình đàm phán COC suốt 2 thập kỷ qua. Các chuyên gia cho rằng, để một thỏa thuận vừa công bằng vừa khả thi thì nó phải phù hợp với luật pháp quốc tế và nội luật của tất cả các nước, trong đó có yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử. Theo ông Poling, COC cần phải quản lý các căng thẳng xung quanh các tranh chấp, chứ không phải giải quyết chung. Vấn đề chủ quyền lãnh thổ là khó thể hòa giải trong tương lai gần. Tuy nhiên, nếu các tranh chấp biển, đặc biệt là liên quan đến quyền khai thác thủy sản và tài nguyên, có thể được quản lý theo một cách công bằng và hiệu quả, thì khi đó các vấn đề về lãnh thổ có thể yên tâm để lại cho các thế hệ sau thông thái hơn giải quyết. Hạn chế của DOC chủ yếu là vì văn kiện này né tránh một số vấn đề bắt buộc phải giải quyết để quản lý hiệu quả các tranh chấp. DOC cũng không đề cập đến phạm vi địa lý của thỏa thuận, không chi tiết về việc quản lý tài nguyên sinh vật hay vi sinh vật, không có cơ chế giải quyết các tranh chấp không thể tránh khỏi khi triển khai. Trên cơ sở đó, Nhóm chuyên gia đã đề ra một cơ chế dàn xếp tranh chấp từng bước, rõ ràng trong cả ba bản Kế hoạch do Nhóm xây dựng. Cơ chế này không ràng buộc về mặt pháp lý nhưng mang tính bắt buộc, như ví dụ về quá trình hòa giải giữa Timor Leste và Australia đã chứng minh cực kỳ hiệu quả.