Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ và TQ đang tàn phá lẫn nhau

Mỹ và TQ đang tàn phá lẫn nhau

Khoảng 85% các công ty Mỹ cho biết phải chịu thuế cả hai đầu, trong khi khoảng 70% đối tác Trung Quốc báo cáo về tình trạng tương tự.

Thâm hụt chứng tỏ Mỹ…mạnh hơn?

Một trong những mục tiêu của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi tiến hành cuộc chiến thương mại với Mỹ là xử lý vấn đề thâm hụt thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, có một nghịch lý là càng áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, tình trạng này càng gia tăng.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng không cần phải lo lắng về điều này. Thực ra, đối với ông Trump, thực trạng đó cho thấy những biện pháp đánh thuế và cứng rắn của ông nhằm vào Trung Quốc là một chiến lược hoàn toàn đúng đắn.

Còn đối với giới kinh tế, thâm hụt thương mại không phải là vấn đề quá quan trọng. Nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng, và các nền kinh tế tăng trưởng thường có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn.

Theo giới phân tích Ấn Độ, còn một lý do khác để thấy vì sao không nên quá chú trọng vào cán cân thương mại. Cán cân này chỉ phản ánh một phần mối quan hệ kinh tế lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc quá để tâm tới nó sẽ khiến người ta quên mất những yếu tố quan trọng nhất là sức cạnh tranh của các tập đoàn và lợi nhuận mà họ có được.

Một ví dụ được nêu ra liên quan đến hai loại hương vị bánh Oreo mới được giới thiệu. Nhà sản xuất đồ ăn vặt hàng đầu của Mỹ Mondelez mới công bố dòng sản phẩm mới là Oreo vị “cánh gà cay” và Oreo vị mù tạt, hai hương vị được xem là khá kỳ cục. Đối tượng được nhắm tới không phải là khách hàng đại trà. Bánh Oreo với hai hương vị này chỉ phân phối tại thị trường Trung Quốc.

Đây là sản phẩm của trung tâm nghiên cứu Mondelez ở Tô Châu và được sản xuất ngay tại các nhà máy đặt tại Trung Quốc. Dòng sản phẩm mới được phân phối qua nhà bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc JD.com (và theo Mondelez, đợt hàng đầu tiên bán hết chỉ trong 9 giờ đồng hồ).

Còn rất nhiều ví dụ về việc các doanh nghiệp Mỹ địa phương hóa hoạt động của mình để nhắm vào thị trường Trung Quốc. Hầu hết xe hơi được bán trên lãnh thổ Trung Quốc của Tập đoàn General Motors đều được sản xuất ngay tại chính quốc gia này.

General Motors thậm chí còn có một mẫu ô tô với thương hiệu Baojun chỉ nhắm vào các khách hàng người Trung Quốc.

Linh hoạt trong hoạt động và tự xác định phân khúc khách hàng địa phương là những dấu hiệu cho thấy nhiều doanh nghiệp Mỹ đã tính toán và có tầm nhìn toàn cầu hiệu quả như thế nào.

Với các thương hiệu đầy hấp dẫn và có tính chuyên môn cao, các doanh nghiệp Mỹ thường đầu tư và sản xuất ngay tại thị trường nước ngoài thay vì xuất khẩu sản phẩm từ Mỹ.

My va Trung Quoc dang tan pha lan nhau
Một mẫu xe SUV của GM dành riêng cho thị trường Trung Quốc

Trái lại, các doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như nhiều thị trường đang nổi khác, lại thiếu sức mạnh và uy tín thương hiệu cũng như kinh nghiệm để vận hành ở nước ngoài. Vì vậy họ tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ trong nước để sản xuất sản phẩm và xuất khẩu ra bên ngoài.

Điều này được phản ánh qua sự chênh lệch trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc. Từ năm 1990, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư nhiều gấp đôi so với các đối thủ từ Trung Quốc. Phần lớn các khoản đầu tư của Trung Quốc mới chỉ phát triển bùng nổ trong vòng 2 năm trở lại đây.

Như vậy, thâm hụt thương mại không phải là sự yếu thế của Mỹ mà thậm chí còn chứng tỏ sức mạnh của các tập đoàn Mỹ so với các đối thủ Trung Quốc.

Tàn phá lẫn nhau

Tuy nhiên, một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại Mỹ lại cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang khiến các công ty Mỹ gặp rất nhiều khó khăn và giảm doanh thu. Các công ty Trung Quốc cũng không nằm ngoài tầm tác động này.

Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở phía Nam Trung Quốc thực hiện với 219 công ty (1/3 số công ty sản xuất trong khu vực), nhiều doanh nghiệp cho rằng họ đang gặp nhiều khó khăn hơn từ cuộc chiến thương mại so với các công ty từ những nước khác.

Có tới 64% các công ty cho biết họ đang xem xét chuyển các dây chuyền sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc, nhưng chỉ 1% cho biết họ có kế hoạch mở cơ sở sản xuất ở Bắc Mỹ.

Báo cáo của AmCham có đoạn: “Trong khi hơn 70% các công ty Mỹ cân nhắc việc trì hoãn hoặc hủy bỏ đầu tư tại Trung Quốc, và di dời một phần hoặc tất cả dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, chỉ có một nửa số đối tác Trung Quốc chia sẻ cùng mối quan tâm đó”.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy chiến tranh thương mại đang chuyển dịch cả chuỗi cung ứng và các cụm công nghiệp, chủ yếu sang khu vực Đông Nam Á. Các công ty Mỹ cho biết họ gặp phải sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các đối thủ ở Việt Nam, Đức và Nhật Bản, trong khi các công ty Trung Quốc nói rằng họ đang phải đối mặt với sự ganh đua mạnh mẽ từ Việt Nam, Ấn Độ, Mỹ và Hàn Quốc.

Thương chiến nhấn chìm cả công ty Mỹ và Trung Quốc

Reuters dẫn lời ông Harley Seyedin, Chủ tịch AmCham Nam Trung Quốc cho biết nhiều khách hàng đã hoãn hoặc thậm chí là hủy đơn hàng. Ông nói: “Rất có thể các khách hàng sẽ ngừng việc đặt hàng cho đến khi tình hình ổn định một cách rõ ràng hơn, hoặc rất có thể là họ đang chuyển sang các đối thủ cạnh tranh khác sẵn sàng cung cấp hàng hóa giá rẻ hơn, thậm chí là giá lỗ, để chiếm thị phần. Một trong những điều khó khăn nhất khi bị mất thị phần là không thể giành lại được”.

Cuộc khảo sát cho thấy các công ty trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các khoản thuế của Mỹ, trong khi các doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp là “nạn nhân”chính từ các đòn trả đũa của Trung Quốc.

Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 21/9 đến ngày 10/10, không lâu sau khi Mỹ áp đặt các khoản thuế đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập từ Trung Quốc, và Bắc Kinh ngay lập tức trả đũa với các khoản thuế bổ sung, làm leo thang cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tổng thống Trump sử dụng thương chiến làm con bài mặc cả buộc Trung Quốc phải nhượng bộ về nhiều vấn đề?

Khoảng 85% các công ty Mỹ cho biết họ đã phải chịu thuế ở cả hai đầu, trong khi khoảng 70% các đối tác Trung Quốc báo cáo về tình trạng tương tự. Nhiều công ty nước ngoài khác cũng có chung nhận định.

Theo khảo sát, một phần ba các công ty ước tính tranh chấp thương mại khiến doanh thu của họ sụt giảm từ 1 triệu đến 50 triệu USD, trong khi gần 1/10 các nhà sản xuất báo cáo tổn thất kinh doanh là từ 250 triệu USD trở lên.

Gần một nửa các công ty được khảo sát cũng cho biết đã có sự gia tăng trong các rào cản phi thuế quan, bao gồm tình trạng quan liêu gia tăng và thông quan chậm hơn.

Các nhà phân tích đã cảnh báo về nguy cơ này đối với các công ty Mỹ khi Trung Quốc ngày càng không thể có các biện pháp trả đũa tương xứng với Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới