Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngTừ du lịch đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông: Những bước...

Từ du lịch đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông: Những bước đi của TQ

Ngoài các hoạt động phi pháp trên thực địa, Trung Quốc đã, đang dùng hình thức thông qua các hoạt động du lịch của người dân để tuyền truyền, khẳng định “chủ quyền” của nước này ở Biển Đông. Hành động này của Bắc Kinh không chỉ bị các nước liên quan mà một bộ phận người dân Trung Quốc cũng cảm thấy khó xử và gặp rắc rối khi bị Chính quyền lợi dụng.

Khuyến khích, hậu thuẫn người dân tuyên truyền về vấn đề Biển Đông khi đi du lịch

Trong bối cảnh Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới, nên tiềm năng và nhu cầu đi thăm quan, du lịch của người dân là rất lớn. Cùng với đời sống người dân ngày càng được cải thiện, chính sách cấp thị thực nhập cảnh (visa) nới lỏng và giao thông thuận tiện khiến số người dân Trung Quốc đi du lịch ở nước ngoài càng tăng. Theo số liệu thống kế, du khách từ Trung Quốc đại lục đã có hơn 71,3 triệu chuyến đi nước ngoài trong nửa đầu năm 2018, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong năm 2017, có tổng cộng 130 triệu lượt người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài và con số này được dự báo sẽ tăng lên mức 160 triệu lượt trong năm nay. Theo số liệu từ Viện Du lịch Trung Quốc (CTA), một cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Văn hóa và Du lịch nước này, hầu hết người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài chọn điểm đến ở khu vực châu Á, như Hồng Công, Macau, Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam, Singapore, và Malaysia. Trung Quốc đã trở thành nguồn du khách nước ngoài lớn nhất cho nhiều quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Campuchia, Nga, Maldives, Indonesia, Hàn Quốc và Nam Phi.

Chính vì vậy, Trung Quốc đã tích cực tận dụng lợi thế này khi hậu thuẫn cho người dân tìm cách tuyên truyền về “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông khi đi du lịch. Vụ việc điển hình nhất là một nhóm du khách Trung Quốc (13/5/2018) khi đến Việt Nam mặc áo in bản đồ “đường lưỡi bò”. Trước vụ việc trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam Mai Tiến Dũng cho rằng đây là “những biểu hiện lợi dụng thông qua khách du lịch để tuyên truyền, quảng bá có ý đồ, có tổ chức, có sự chuẩn bị chứ không phải vô tình”. 

Theo Asia Times, du khách Trung Quốc đến Việt Nam đang ngày càng đông. Các số liệu thống kê cho thấy trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, đã có gần 1,8 triệu du khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng đến gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tờ New Delhi Times (22/05/2018) cũng đã có bài viết về vụ du khách Trung Quốc mặc áo thun in hình lưỡi bò, nhắc lại rằng ít nhất đây là vụ thứ tư liên quan đến các du khách Trung Quốc trong vòng hai năm trở lại đây. Theo tờ báo Ấn Độ, những vụ này cho thấy Bắc Kinh đang dùng “quyền lực mềm” để nhắc Việt Nam về tranh chấp Biển Đông và mỗi lần như thế thì công luận Việt Nam lại phẫn nộ. Giáo sư Alan Chong, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, được New Delhi Times trích dẫn cũng có cùng nhận xét: Trong lịch sử, Trung Quốc vẫn khuyến khích công dân nước họ quảng bá chính sách đối ngoại khi đi ra nước ngoài, và đặc biệt là sửa chữa những cái nhìn “sai lệch” của thế giới về Trung Quốc. Mọi hình thức hoạt động của người dân ở bên ngoài đều có thể được hướng vào mục đích tuyên truyền. Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận định, “nếu nhìn vào bức tranh rộng hơn, chúng ta có thể thấy là chính quyền Trung Quốc sử dụng ngày càng nhiều thường dân để quảng bá đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông, từ ngư dân quân cho đến các du khách”.

Hộ chiếu in hình “đường lưỡi bò” cho người dân khi ra nước ngoài

Đối với tất cả các nước, hộ chiếu là một trong những giấy tờ quan trọng nhất khi xuất cảnh ra nước ngoài. Nó vừa là một loại giấy tờ tùy thân để xuất nhập cảnh, vừa là “chứng minh thư quốc tế”, trong đó có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đặc điểm cá nhân, quốc tịch của người được cấp. Xuất phát từ vấn đề này, Trung Quốc đã chỉnh sửa, lồng ghép “đường lưỡi bò” vào trong hộ chiếu cấp cho người dân. Tất cả các hộ chiếu Trung Quốc phát hành sau năm 2012 đều có in hình “đường lưỡi bò” trên các trang 8, 24 và 46. Trong bản đồ này, ngoài “đường lưỡi bò”, còn có đảo Đài Loan và hai khu vực ở Ấn Độ đang do New Dehli kiểm soát mà Trung Quốc cho là lãnh thổ của mình. Hành động in hộ chiếu mới lồng ghép vấn đề chủ quyền là âm mưu ranh ma của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn thông qua hộ chiếu để buộc các nước có yêu sách chủ quyền thừa nhận yêu sách của Trung Quốc qua việc đóng dấu vào hộ chiếu mới; thông qua hộ chiếu để khẳng định dần dần về quyền quản hạt của Bắc Kinh đối với những khu vực trên. Tuy nhiên, hành động này của Bắc Kinh đã vấp phải sự chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước có liên quan tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Tất cả những nước này (Mỹ, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam, Đài Loan…) đều không công nhận hộ chiếu trên và từ chối đóng dấu thị vào hộ chiếu.

Trước sự phản ứng của cộng đồng quốc tế, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi biện minh rằng mọi người không nên quá chú mục vào vấn đề các tấm bản đồ trên hộ chiếu, hàm ý rằng các nước phản đối Bắc Kinh đã cố tình vạch lá tìm sâu. Theo ông Hồng Lỗi, “mục tiêu của hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc là tăng cường khả năng công nghệ của mình và tạo thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh của công dân Trung Quốc”. Trái ngược với tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, giới chuyên gia và truyền thông Trung Quốc nhận định đây là hành động ngu xuẩn, không có tác dụng của Bắc Kinh. Thẩm Đinh Lực, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán Trung Quốc cho rằng, bản đồ trên hộ chiếu mới là phản tác dụng với quan điểm của Trung Quốc. Trác Đào Hùng, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh nói, khó có thể lý giải được nguyên nhân thực sự khiến các nhà chức trách Trung Quốc quyết định in bản đồ lên hộ chiếu. “Chúng tôi có các cơ quan khác nhau, các cá nhân khác nhau”, ông khẳng định. “Một số người cho rằng việc này là rất tốt, nhưng trên thực tế có thể không phải luôn là như vậy”. Cùng quan điểm trên, Tờ South China Morning Post (Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam) có trụ sở ở Hồng Công nhận định, việc Trung Quốc in hình bản đồ có đường lưỡi bò phi lý vào hộ chiếu điện tử phổ thông mới của nước này là hành động “ngu ngốc” và “đi quá xa”. Theo tờ báo trên, những động thái nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với một loạt vùng lãnh thổ đang nằm trong tranh chấp với các nước láng giềng trong giai đoạn chuyển giao quyền lực đã “lạc ra ngoài những thông lệ ngoại giao có thể chấp nhận”. Không ngạc nhiên khi “cách thức khẳng định lập trường một cách om sòm đó của Trung Quốc đã khiến các chính phủ nổi giận và làm tồi tệ thêm những mối quan hệ căng thẳng” trong khu vực. “Về mặt chính trị, đó có thể là một cách sáng tạo để đưa ra quan điểm nhưng về mặt ngoại giao đó thực sự chỉ là một hành động ngu ngốc”, tờ South China Morning Post bình luận.

Hậu thuẫn cho hướng dẫn viên du lịch tuyên truyền sai sự thật về lịch sử

Song song với việc người dân Trung Quốc đi du lịch ngày càng tăng, đòi hỏi cần có một đội ngũ hướng dẫn viên đông đảo đi cùng. Trung Quốc đã ngầm ủng hộ hoặc gián tiếp cho phép hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc học tập, tiếp cận và tuyên truyền sai sự thật về lịch sử, chủ quyền của các nước. Tại Việt Nam, có một bộ phận hướng dẫn viên người Trung Quốc đến Việt Nam phân phát tài liệu tuyên truyền xuyên tạc lịch sử Việt Nam cho du khách Trung Quốc. Mục đích của Trung Quốc không ngoài việc xuyên tạc vấn đề chủ quyền, định hướng dư luận người dân và tìm cách “nâng cao tin thần dân tộc” của người dân. Ông Oh Ei Sun, giảng viên khoa nghiên cứu quốc tế của Đại học Nanyang ở Singapore nói: “Bởi vì người dân ở những nước này được giáo dục về những truyền thống dân tộc khác nhau, và do đó tất nhiên họ cho rằng lãnh thổ, lãnh hải có chủ quyền tranh chấp hiển nhiên thuộc về đất nước của họ, và tất cả những người khác đều là những kẻ xâm chiếm và cần phải đánh đuổi chúng đi”.

Tổ chức “du lịch yêu nước” trái phép đến quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Từ tháng 4/2013, Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc đã công bố Chương trình phát triển hàng hải quốc gia theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, trong đó đề cập đến việc phát triển du lịch ở Biển Đông. Đây là văn bản chính thức đầu tiên của Trung Quốc thể hiện chủ trương phát triển “du lịch yêu nước” ở Biển Đông của chính phủ Trung Quốc. Đến tháng 12/2016, Trung Quốc tiếp tục cho công bố “Chương trình phát triển du lịch” theo “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, nhằm định hướng phát triển du lịch trong giai đoạn 2016 – 2020, trong đó ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc là muốn phát triển du lịch tại Tam Sa, từng bước thúc đẩy mô hình du lịch biển hướng ra Biển Đông. Trên cơ sở đó, đến năm 2016, chính quyền tỉnh Hải Nam đã công bố “Quy hoạch phát triển du lịch tổng thể nhằm kết nối Hải Nam với Hoàng Sa. Với ngân sách từ tỉnh Hải Nam, chính quyền của “thành phố Tam Sa” đã xây dựng “Kế hoạch hành động thúc đẩy du lịch Tam Sa”, trong đó đề xuất mở cửa sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm cho các chuyến bay dân sự, phục vụ du lịch biển. Tháng 3/2017, chính quyền tỉnh Hải Nam tiếp tục công bố “Kế hoạch phát triển du lịch toàn vùng của tỉnh Hải Nam giai đoạn 2016 – 2020”, với ý đồ phát triển du lịch tàu thuyền để khai thác du lịch tại Tam Sa, qua đó thúc đẩy mô hình du lịch biển mới, ưu tiên các tour ra Hoàng Sa và hướng tới Trường Sa đến năm 2020.

Thực hiện chủ trương của chính quyền Trung Quốc, vào tháng 4/2013, Công ty Vận tải eo biển Nam Hải đã tổ chức chuyến du lịch đầu tiên đưa du khách từ đảo Hải Nam đến một số địa điểm ở Hoàng Sa. Theo thống kê của phía Trung Quốc, từ năm 2013 đến nay các doanh nghiệp Trung Quốc đã đưa khoảng 24.000 du khách đến Hoàng Sa. Số lượng khách “du lịch yêu nước” tăng nhanh cùng với quá trình phát triển cơ sở hạ tầng ở Hoàng Sa, nhất là sau khi Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển ra phán quyết về vụ kiện của Philippines (7/2016). Năm 2016, số khách Trung Quốc du lịch đến Hoàng Sa tăng gần 50%. Giới chức “thành phố Tam Sa” cho biết kể từ đầu năm 2017 đến nay đã có 59 đoàn du khách Trung Quốc ra tham quan quần đảo Hoàng Sa, tăng 20% cả về số đoàn và số du khách so với năm 2016. Tính từ năm 2013 khi tour du lịch biển đầu tiên được tổ chức đi Hoàng Sa, số du khách đến tham quan địa danh này đến nay tổng cộng hơn 39.000 người. Tháng 3/2017, tàu “công chúa Lạc Hồng” của Trung Quốc đã ngang ngược tiến hành chuyến đi đầu tiên tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Hãng Tân hoa xã của Trung Quốc dẫn lời một quan chức thuộc Công ty TNHH vận tải biển Eo biển Hải Nam cho biết, tàu “công chúa Lạc Hồng” thuộc quyền sở hữu của công ty này. Chiều 2/3, chiếc du thuyền đã khởi hành từ thành phố Tam Á với 308 du khách. Cũng theo quan chức trên, tàu “công chúa Lạc Hồng” được thiết kế với 82 buồng khách, có thể chở 499 người , tầm hoạt động lên đến 3.000 hải lý. Tàu này có thể cung cấp một số dịch vụ như ăn tối, giải trí, mua sắm, điều trị y tế và bưu chính trên tàu.

Theo các chuyên gia quốc tế, việc tổ chức hoạt động “du lịch yêu nước” nằm trong chính sách tổng thể của Trung Quốc nhằm thực thi “chủ quyền” ở Biển Đông. Trung Quốc muốn tăng cường khẳng định chủ quyền và quyền kiểm soát trên thực tế ở Biển Đông, không chỉ bao gồm phương diện hạ tầng, quân sự mà còn trên lĩnh vực dân sự và sự hiện diện của người dân. Phản bác các chỉ trích của các nước bên ngoài và cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay và hậu thuẫn cho các tuyên bố tuyên truyền của Trung Quốc rằng tình hình Biển Đông đang phát triển hòa bình, hợp tác. Về lâu dài, nếu các chủ thể quốc tế sử dụng các kết cấu hạ tầng dân sự và dịch vụ của Trung Quốc ở Biển Đông thì Trung Quốc có thể coi đó là cơ sở để khẳng định sự hiện diện hợp pháp, cũng như chủ quyền của họ tại khu vực này. Trung Quốc muốn tăng cường sự ủng hộ của người dân và tích cực tuyên truyền về chính sách của Nhà nước trong vấn đề biển đảo.

Hiện nay, một số doanh nghiệp của Trung Quốc rất quan tâm tới hoạt động “du lịch yêu nước” ở Biển Đông, muốn mở rộng các tuyến du lịch tới Hoàng Sa và từ Hoàng Sa đến các nước láng giềng theo hành trình “con đường tơ lụa trên biển” hiện đang được chính quyền Trung Quốc khuyến khích. Đài quốc tế Trung Quốc (3/7/2018) đưa tin đại diện của nhiều công ty tàu du lịch nổi tiếng và công ty cho thuê tàu biển của Trung Quốc đã đến Manila, Subic và Palawan của Philippines để tiến hành khảo sát về hợp tác du lịch, nhằm tận dụng các cảng biển, điều kiện thiên nhiên của Philippines để phát triển du lịch tàu biển. Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đang hối thúc chính quyền Philippines áp dụng chính sách thị thực tiện lợi hơn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành của Trung Quốc đầu tư, phát triển.

Ngày 19/4/2018, tỉnh Hải Nam thông báo miễn thị thực cho công dân của 59 quốc gia bắt đầu từ ngày 01/5/2018. Quy định mới cho phép du khách được miễn thị thực có thể đi riêng lẻ và ở lại Hải Nam trong thời gian lên tới 30 ngày, thay vì phải đi theo nhóm và không được ở quá 21 ngày như trước. Các nước được bổ sung vào danh sách miễn thị thực nhập cảnh vào Hải Nam mới là Bỉ, Brazil, Hy Lạp, Ba Lan và Qatar. Theo Tân hoa xã, quy định mới sẽ “mở rộng cửa hơn nữa ngành du lịch và thu hút thêm nhiều du khách quốc tế tới Hải Nam, đồng thời sẽ thúc đẩy phát triển ngành hàng không và phát triển kinh tế trên hòn đảo du lịch nổi tiếng”. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc miễn visa cho khách du lịch tới Hải Nam có thể lót đường cho một số du khách có tính hiếu kỳ tham quan các thực thể trong vùng biển đang tranh chấp với các nước khác.

Vừa qua, chính quyền tỉnh Hải Nam cũng kêu gọi, mời chào các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác, xây dựng phát triển tại các đảo không có người ở ở Biển Đông để phục vụ các mục đích khác nhau, trong đó quy định thời hạn đầu tư cho hoạt động nuôi trồng thủy sản là 15 năm, hoạt động du lịch giải trí là 25 năm, hoạt động khai thác khoáng sản là 30 năm, các dự án công trình phục vụ dân sinh là 40 năm và thậm chí nếu xây dựng cảng biển là 50 năm. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tăng cường số lượng tàu thuyền, thậm chí tính toán mở các chuyến bay dân sự đến Hoàng Sa phục vụ mục đích du lịch. Năm 2016, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm máy bay chở khách hạ cánh tại các sân bay mới xây dựng ở Trường Sa, dự kiến sẽ mở tour du lịch đầu tiên tới các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa trước năm 2020.

Truyền thông tham gia cổ súy hoạt động du lịch để tuyên truyền vấn đề chủ quyền

Thời báo Hoàn Cầu cho rằng việc hợp tác phát triển du lịch như một biện pháp giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Để cổ súy cho du lịch trái phép trên Biển Đông, thời báo Hoàn Cầu viết rằng việc phát triển du lịch biển còn giúp tránh được việc tàn phá sinh thái biển do hoạt động đánh bắt cá trái phép gây nên, giúp bảo vệ các rạn san hô và các nguồn tài nguyên khác khỏi sự tàn phá của con người. Sau khi dẫn giải dài dòng về những gì đã diễn ra và những “lợi ích” của hợp tác du lịch trên Biển Đông , cuối cùng báo Hoàn Cầu cũng lộ rõ chủ ý của bài báo là nhằm bao che cho việc mở rộng phát triển tuyến du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo báo Hoàn Cầu, việc mở cửa du lịch trên quần đảo Hoàng Sa và phát triển tài nguyên du lịch trên cái gọi là thành phố Tam Sa được đánh giá cao trong việc xây dựng đảo du lịch quốc tế. Báo Hoàn Cầu ngang nhiên viết rằng: phát triển du lịch trên quần đảo Hoàng Sa cũng là dịp để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cũng tích cực tán phát các thông tin liên quan và phát biểu của giới lãnh đạo liên quan vấn đề du lịch phi pháp ở Biển Đông. Nhân dân Nhật báo đưa tin rằng tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc 18, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Nam là ông La Bảo Minh cho biết tàu sẽ sớm đưa khách du lịch từ tỉnh này tới TP Tam Sa (thuộc Hoàng Sa của Việt Nam). Theo Tân Hoa xã, tàu có thể chở được 300 khách, với mức chi phí 10.000 NDT (hơn 32 triệu đồng) cho mỗi du khách. Ngoài việc trước đây tỉnh Hải Nam công bố sẽ sử dụng loại tàu biển chở khách mang tên Coconut Princess vào phục vụ tuyến du lịch Hoàng Sa, theo tờ Thương báo Thâm Quyến, Trung Quốc còn dự kiến sẽ sử dụng kết hợp với các loại tàu biển cao cấp, sang trọng hơn và máy bay trực thăng vào phục vụ tuyến du lịch này. Tuyến du lịch đường biển đến Hoàng Sa đã được tỉnh Hải Nam xác định, tức điểm xuất phát sẽ từ Hải Khẩu, Tam Á đến Bắc Tiêu (chính là Đá Bắc của Việt Nam) và các đảo phụ cận thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo giới thiệu, du khách có thể lên đảo tham quan trong khoảng thời gian ngắn. Ngoài ra, du khách có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ thuê tàu nhỏ ra thăm đảo Vĩnh Hưng (thực chất là đảo Phú Lâm của Việt Nam), tham quan các địa điểm du lịch thuộc các đảo xung quanh hoặc tham gia các hoạt động câu cá, lặn…

Hậu thuẫn cho doanh nghiệp nhà nước thúc đẩy các loại hình du lịch ở Biển Đông

Năm 2012, Công ty nhà nước Trung Quốc Hainan Strait Shipping, trụ sở ở thành phố Hải Khẩu, đảo Hải Nam, còn giới thiệu dịch vụ du lịch bằng tàu biển Coconut Fragrance Princess đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhất là tại hai đảo Ốc Hoa và Ba Ba. Ban đầu, dịch vụ du lịch bằng tàu biển này thua lỗ và được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh dần cải thiện sau khi điểm khởi hành ra Hoàng Sa ở cảng Tam Á, Hải Nam, đi vào hoạt động hồi tháng 9/2014 và bãi Xà Cừ được bổ sung vào danh sách các điểm đến.

Tháng 4/2016, Công ty Vận tải Hàng hải Cosco Trung Quốc hợp tác với hai công ty nhà nước khác gồm Tập đoàn Dịch vụ Lữ hành Trung Quốc và Công ty Xây dựng và Truyền thông Trung Quốc (CCCC) đã thành lập một công ty du lịch tàu biển mới. Cosco đang tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động từ Hoàng Sa đến đảo Đài Loan và những đảo khác ở các nước láng giềng như một phần trong tour khám phá văn hóa dọc theo Con đường Tơ lụa trên biển. Tại một cuộc triển lãm của Công ty Tàu du lịch biển Nam Hải Trung Quốc (China Nanhai Cruise), Bí thư đảng kiêm Giám đốc điều hành Công ty Vận tải Hàng hải Cosco Trung Quốc Xu Lirong khẳng định các tour du lịch đến Biển Đông là một phần trong kế hoạch phát triển của họ. Xu đồng thời nhấn mạnh kinh doanh dọc theo Con đường Tơ lụa trên biển là trách nhiệm thuộc về các công ty nhà nước Trung Quốc.

Ngoài việc phát triển một cảng tàu du lịch ở đảo Phượng Hoàng Tam Á, cách đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa 330 km, Công ty Xây dựng và Truyền thông Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái còn hợp tác với Tập đoàn Lữ hành Trung Quốc thành lập Công ty Phát triển Tàu du lịch biển Quốc tế Tam Á với sự hỗ trợ của chính quyền Tam Á.

Phản ứng của Việt Nam

Trước các hoạt động du lịch trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi, tại khu vực quần đảo Trường Sa hoặc tổ chức du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Những hành động phi pháp như vậy không thể thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này”. Cùng với các tuyên bố đó, Bộ ngoại giao Việt Nam cũng đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các các hoạt động sai trái và không để tái diễn các hành động tương tự, nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới