Saturday, May 18, 2024
Trang chủBiển nóngTQ có dám khiêu khích “giới hạn đỏ” của các nước ở...

TQ có dám khiêu khích “giới hạn đỏ” của các nước ở Biển Đông

Từ năm 2013 trở lại đây, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, nguy hiểm và dễ dẫn đến bùng phát xung đột quân sự. Các nước có lợi ích ở Biển Đông đã đưa ra nhiều tuyên bố khẳng định sẽ có biện pháp cứng rắn, bao gồm cả biện pháp quân sự, nếu Trung Quốc dám đi quá “giới hạn đỏ” ở Biển Đông.

Giới hạn đỏ là gì?

Giới hạn đỏ hay lằn ranh đỏ (Red line) là thuật ngữ dùng để chỉ về một giới hạn, ranh giới vô hình được vạch ra nhằm cảnh báo việc không được phép vượt qua ranh giới này do nguy cơ phải đối diện với một sự trừng phạt hoặc hậu quả bất lợi. Đây là cụm từ có nguồn gốc từ tiếng Anh và bắt nguồn sâu xa từ tiếng Do Thái (קו אדום‎, Kav Adom), nó được nhắc đến qua một tường thuật của một nhà báo với tựa đề “Lằn ranh đỏ mong manh” trong một bài báo.

Hiện nay, thuật ngữ giới hạn đỏ mang nhiều tính chất chính trị và thể hiện sự áp đặt tiêu chuẩn của những quốc gia lớn đối với những quốc gia nhỏ hơn hoặc các quốc gia vạch ra ranh giới vô hình với nhau qua đó xác định giới hạn của cách hành xử quốc tế.

Nhiều nước đã vạch ra giới hạn đỏ đối với vấn đề Biển Đông

Philippines: (1) Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã vạch ra 3 “giới hạn đỏ” cho Trung Quốc ở Biển Đông, nếu Trung Quốc vượt qua thì sẽ đe dọa hòa giải giữa Bắc Kinh và Manila, đồng thời khiến cho quan hệ hai nước quay trở lại quỹ đạo đối đầu, thậm chí có khả năng nổ ra chiến tranh. Giới hạn đỏ thứ nhất: Bất cứ hành vi xây dựng nào của Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough của Philippines. Gần đây, Philippines và Mỹ cũng đã tiến hành tuần tra liên hợp ở lân cạn bãi cạn này để thách thức và ngăn chặn Trung Quốc chiếm đóng hoàn toàn. Giới hạn đỏ thứ hai: Trung Quốc triển khai hành động mang tính “cưỡng chế” đối với hoạt động đồn trú của một nhóm binh sĩ trên tàu đổ bộ ở bãi Cỏ Mây. Philippines đã triển khai một nhóm binh sĩ ở đây trong 20 năm qua. Giới hạn đỏ thứ ba: Trung quốc đơn phương tiến hành thăm dò tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu mỏ và khí đốt ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nơi mà Trung Quốc cũng đòi hỏi một phần “chủ quyền”. (2) Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano (5/2018) nhắc lại tuyên bố về “giới hạn đỏ” của Philippines do Tổng thống Duterte đưa ra, đồng thời nhấn mạnh Bộ Ngoại giao Philippines không hề thiếu các hành động ngoại giao đối với Trung Quốc, nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ sẵn sàng tuyên chiến với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của Philippines ở Biển Đông nếu Bắc Kinh đi quá giới hạn đỏ của Manila. (2) Quyền Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio (7/2018) cho rằng Manila cần yêu cầu Mỹ coi Scarborough là khu vục “giới hạn đỏ chính thức”, thừa nhận đây là lãnh thổ hợp pháp của Philippines theo Hiệp ước Phòng thủ chung, với điều kiện ràng buộc là phải hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công.

Trên thực tế, Philippines nắm quyền kiểm soát Bãi cạn Scaborough sau khi giành độc lập vào năm 1946. Tới năm 2012, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn này và ngăn các ngư dân Philippines tiến vào đầm phá phía trong. Việc Trung Quốc kiểm soát Bãi cạn Scaborough, chỉ cách đảo Luzon của Philippines 130 dặm (hơn 200 km) và cách đảo Hải Nam 400 dặm (gần 650 km), là mối lo ngại thường trực của cả Manila và Washington. Giới chuyên gia nhận định, với khoảng cách gần với đảo Luzon, “nếu Trung Quốc thiết lập hệ thống tên lửa phòng không và tên lửa đất đối đất tại đây (Bãi cạn Scaborough) như họ đã làm ở nhiều hòn đảo khác tại Biển Đông, họ hoàn toàn có thể tấn công Philippines”. Hơn thế nữa, sự hiện diện về mặt quân sự tại Bãi cạn Scaborough còn cho phép Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Biển Đông. Bãi cạn này sẽ trở thành một góc trong tam giác quyền lực với 2 đỉnh còn lại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, những nơi Trung Quốc đều đã thiết lập các tiền đồn quân sự. Trung Quốc có thể sẽ xây dựng hạ tầng tại Bãi cạn Scaborough và đặt hệ thống rađa tại đây để thiết lập một ADIZ, từ đó củng cố hơn tuyên bố rằng họ có quyền kiểm soát và giám sát toàn bộ Biển Đông. Tính đến thời điểm hiện tại, quân đội Trung Quốc đang tăng cường đáng kể sự hiện diện và hoạt động cải tạo trái phép ở bãi cạn Scarborough, nằm về phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, nhằm gửi thông điệp “rắn” tới Washington. Trước đây, chỉ có 2-3 tàu an ninh hàng hải của Trung Quốc hiện diện xung quanh bãi cạn Scarborough, tuy nhiên con số này đã tăng nhanh trong thời gian gần đây. Bên cạnh tàu an ninh, Bắc Kinh cũng sẽ cho phép hàng trăm tàu đánh cá đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển giàu có quanh bãi cạn Scarborough.

Mỹ: (1) Giới hạn đỏ của Mỹ ở Biển Đông Trung Quốc thông qua “đe dọa, uy hiếp hoặc tấn công xâm chiếm” để bành trướng lãnh thổ và ngăn cản năng lực tự do hành động đầy đủ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Vì vậy, Mỹ cần bảo vệ tự do đi lại trên Biển Đông của hải, không quân và tàu thuyền dân sự của Mỹ; ngăn chặn Trung Quốc thông qua đe dọa về quân sự và kinh tế, đơn phương xâm lấn (bành trướng) phi quân sự và xưng bá ở khu vực này. Mỹ có thể áp dụng một loạt hành động cả về pháp lý, dân sự và quân sự để bảo vệ giới hạn đỏ của mình. Ngoài ra, Mỹ có thể giúp Việt Nam, Philippines và các nước chủ trương chủ quyền khác khai thác và bảo vệ lãnh thổ của mình, có thể ủng hộ hợp tác khai thác tài nguyên thiên nhiên của khu vực này, có thể tăng cường tự do ở vùng biển ngoài lãnh hải.

Cựu Tổng thống Barack Obama (3/2016) cũng từng trực tiếp cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, “giới hạn đỏ” của Mỹ ở Biển Đông là Trung Quốc không được xây dựng bất kỳ đảo nhân tạo nào ở Scarborough. Giới quan sát nhân định, nếu Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Scarborough có thể đặt lực lượng quân sự Mỹ đồn trú luân phiên ở Philippines vào tình trạng nguy hiểm, trong trường hợp nổ ra xung đột. Việc phản ứng mạnh mẽ của Mỹ trong việc Trung Quốc tiến sâu hơn tới Philippines cho thấy động thái “thử thách” phản ứng của Mỹ khi Bắc Kinh động chạm tới lợi ích trực tiếp của Mỹ ở Biển Đông. Mỹ đặt ra mục tiêu ở Biển Đông là có chiến lược vĩ mô đối với Trung Quốc, tức là hoan nghênh Trung Quốc phát huy vai trò kinh tế và ngoại giao lớn hơn nhưng phải vạch ra giới hạn rõ ràng đối với việc Trung Quốc thông qua “đe dọa, uy hiếp hoặc tấn công xâm chiếm” để bành trướng lãnh thổ và ngăn cản tự do của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (5/6) tuyên bố nếu Trung Quốc vẫn ngang ngược thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, đó sẽ là một hành động khiêu khích và gây mất ổn định của Bắc Kinh. Đây được coi là “giới hạn đỏ” mà giới chức quốc phòng và ngoại giao Mỹ vạch ra cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trước đó, tại Đối thoại Shangri La tổ chức ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (4/6) nhắc lại “giới hạn đỏ” do cựu Tổng thống Obâm đưa ra, đồng thời cảnh báo Trung Quốc không được khởi động chương trình xây dựng đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham/Panatag), “nếu không sẽ dẫn tới việc Mỹ và các nước khác phải hành động, không chỉ dẫn tới hậu quả là làm leo thang căng thẳng mà còn làm Trung Quốc bị cô lập thêm”.

Trung Quốc: Trung Quốc đã vạch ra một “giới hạn đỏ” đối với Nhật Bản trên vấn đề Biển Đông. Đó là không nên cùng với Mỹ tham gia những cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa (6/2016) tuyên bố Tokyo sẽ vượt qua “một lằn ranh đỏ” nếu tham gia vào một “hành động quân sự chung với lực lượng Mỹ mà mục đích là loại Trung Quốc ra khỏi Biển Đông”; đe dọa là Trung Quốc “sẽ không nhượng bộ trên vấn đề chủ quyền và không sợ hành động khiêu khích quân sự”.

Việt Nam: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. “Giới hạn đỏ” của Việt Nam ở Biển Đông chính là việc các nước sử dụng vũ lực xâm chiếm các đảo, đá của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; sử dụng vũ lực xâm chiếm các giàn khoan cũng như tấn công ngư dân Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam.

Nhiều nước đang thách thức “giới hạn đỏ” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Phát biểu tại Diễn đàn lãnh đạo toàn cầu diễn ra ở Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada tuyên bố Nhật Bản sẽ tăng cường can dự vào Biển Đông, trong đó có việc tham gia huấn luyện tuần tra với Mỹ và diễn tập hải quân chung với các nước ở khu vực này; nhấn mạnh Tokyo ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động tự do hàng không, hàng hải của Hải quân Mỹ nhằm duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên nguyên tắc. Bà Inada cũng nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực phòng vệ cho các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông; đồng thời chỉ trích những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông và Hoa Đông gây quan ngại sâu sắc không chỉ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các hành động của Trung Quốc có thể coi là cố ý đơn phương thay đổi hiện trạng, biến mọi thứ thành sự đã rồi và thách thức các luật lệ. Nếu thế giới bỏ qua những hành động nhằm thay đổi quy tắc ở Biển Đông và Hoa Đông, cho phép các hành động bẻ cong luật pháp trong hải phận và không phận của mình, các hậu quả sẽ ở mức toàn cầu.

Mỹ liên tục cử máy bay, tàu chiến tiến hành tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Trong các hoạt động trên của Mỹ, nhiều lần nước này đã cử tàu chiến đi vào trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa. Hành động này của Mỹ được coi là thách thức “giới hạn đọ” và yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Chuyên gia Jeff M.Smith, Giám đốc chương trình Nam Á, thành viên Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ ở Washington cho rằng, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Hoa Đông đã vượt xa ranh giới khu vực, do đó, đã đến lúc Mỹ phải đặt ra “giới hạn đỏ” đối với Trung Quốc. Theo chuyên gia Jeff M. Smith, vấn đề chủ quyền hàng hải trong vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông bao gồm nhiều nội dung hơn chứ không chỉ đơn giản là tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Nó cũng liên quan đến một loạt bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong khu vực 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và đặc biệt là quyền của quân đội Mỹ tiến hành các hoạt động giám sát ở khu vực đó. Mỹ cần phải vạch ra “giới hạn đỏ” về những hành vi, thái độ không thể chấp nhận trong lĩnh vực hàng hải của Trung Quốc. Mỹ có lẽ là nước duy nhất có khả năng vạch ra và thực thi “giới hạn đỏ” với Trung Quốc, bởi chính quyền Bắc Kinh trong khi bắt nạt các nước láng giềng, nhưng vẫn phải thừa nhận và tôn trọng sức mạnh của Mỹ. Hơn nữa các đồng minh của Mỹ trong khu vực đang phụ thuộc vào Mỹ là một bức tường lửa chống lại sự xâm lược của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Biện pháp đáp trả của Trung Quốc đối với Mỹ và đồng minh

Đầu tiên, Trung Quốc tăng cường tuần tra, hiện diện ở quần đảo Điều Ngư/Senkaku nhằm đáp trả Nhật Bản. Tờ Đa Chiều cho rằng Trung Quốc “tấn công” Senkaku lần này thực chất là nhằm vào Mỹ. Trung Quốc gây sức ép với Nhật Bản chính là để gây sức ép với Mỹ. Trước đây, Mỹ lôi kéo Nhật Bản gây sức ép với Trung Quốc ở Biển Đông, hiện nay Trung Quốc “tấn công” đảo Senkaku chính là đang gây sức ép với Mỹ.

Thứ hai, Trung Quốc tiến hành tuần tra, tập trận phi pháp ở Biển Đông. Trung Quốc đã liên tục tiến hành tuần tra, tập trận phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough (chiếm từ tay Philippines vào năm 2012). Trung Quốc vừa tiến hành “tuần tra chiến đấu”, vừa tiến hành tập trận chiến đấu thực tế, cho thấy quân đội Trung Quốc có thể triển khai “chiến đấu” bất cứ lúc nào. Điều này thể hiện Trung Quốc quyết tâm kiểm soát bằng được vùng biển, vùng trời theo yêu sách “đường chín đoạn” vô lý, phi pháp ở Biển Đông.

Thứ ba, Trung Quốc tăng cường khả năng áp đặt yêu sách phi pháp ở Biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng, triển khai vũ khí tới các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Nếu tàu sân bay Mỹ không đến Biển Đông và các nước khác không “khiêu khích” thì Trung Quốc có thể sẽ không triển khai máy bay chiến đấu. Nhưng nếu Mỹ và các nước khác tiếp tục “khiêu khích” theo cáo buộc của Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ triển khai bất hợp pháp máy bay chiến đấu để tiến hành cái gọi là “bảo vệ quyền lợi quốc gia”.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng phóng vệ tinh Cao Phân-3 theo dõi, kiểm soát Biển Đông. Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên Trung Quốc đã sử dụng tên lửa đẩy Trường Chinh-4 phóng thành công vệ tinh Cao Phân-3. Tỷ lệ phân giải của vệ tinh Cao Phân-3 là từ 1 m đến 500 m, độ rộng là từ 10 km đến 650 km. Từ độ cao hơn 700 km so với mặt đất, vệ tinh này có thể nhìn thấy từng căn nhà của Cố Cung (Bắc Kinh, Trung Quốc), cũng có thể quan sát rõ diện mạo toàn bộ một tỉnh bất kỳ nào của Trung Quốc, việc quan sát các tàu trên biển cũng không có vấn đề. Đa Chiều coi đây là một “thiên nhãn” (mắt trời) mới của Trung Quốc.

Cuối cùng, Bắc Kinh cũng vạch “giới hạn đỏ” với Mỹ: Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên truyền rằng Trung Quốc và Nga tập trận có lợi cho tăng cường khả năng “cùng ứng phó với mối đe dọa an ninh trên biển”, đồng thời lên tiếng phê phán việc Mỹ gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, triển khai các hành động thực thi tự do hàng hải, coi việc này đã gây “khiêu khích chính trị và quân sự” đối với Trung Quốc, rất dễ gây ra sự kiện bất ngờ, phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”. Tuyên bố trên của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh “đã vạch ra giới hạn đỏ” cho Mỹ, muốn cho Mỹ biết rằng các hành vi của quân đội Mỹ đang giẫm lên “giới hạn đỏ” của Trung Quốc và rất dễ gây ra “xung đột bất ngờ”.

Truyền thông và chuyên gia Trung Quốc tìm cách chỉ trích các nước liên quan “giới hạn đỏ” ở Biển Đông

Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc lớn tiếng cho rằng, Băc Kinh có thể trắng trợn lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và tàu hải quân Nhật Bản sẽ trở thành mục tiêu lớn của Trung Quốc sau khi Tokyo tuyên bố sẽ tham gia tuần tra tự do hàng không, hàng hải cùng Mỹ ở Biển Đông. Thời báo Hoàn cầu lớn tiếng cảnh báo, Trung Quốc cũng sẽ tăng sức ép với Nhật Bản về vấn đề quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông và tăng cường các hoạt động tuần tra của tàu tuần duyên ở khu vực này. Trong khi đó, Tân Hoa xã cáo buộc Nhật Bản đã “vượt quá giới hạn” khi tuần tra tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông với Mỹ; cho rằng Nhật Bản đang có những động thái khuấy động các vùng biển tranh chấp.

Chuyên gia hải quân Trung Quốc Lý Kiệt (29/1) cho biết so với các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam là nước có khả năng quân sự tốt nhất. Mỹ mong muốn Việt Nam trở thành lực lượng mạnh nhất mà Washington có thể tin cậy để chống lại Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng Mỹ và Việt Nam không nên vượt “giới hạn đỏ” để khiêu khích Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và Bắc Kinh có khả năng chống lại bất kỳ động thái gây hấn nào. Trong khi đó, chuyên gia Thẩm Thế Thuận, Học viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho rằng Việt Nam cũng cần phải dựa vào ảnh hưởng của Mỹ để tăng cường tiếng nói trong cộng đồng quốc tế và kìm chế Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, hợp tác quân sự của hai nước ở Biển Đông không nên vượt quá lằn ranh đỏ để vi phạm lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, vì mối quan hệ của Việt Nam và Mỹ với Trung Quốc đang trên đà tích cực với sự tin tưởng ngày càng gia tăng.

Đáng chú ý, Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải kêu gọi Chính quyền không nên vượt qua “giới hạn đỏ” ở Biển Đông, trong đó bao gồm không công bố ADIZ, đảm bảo tự do hàng hải và thúc đẩy việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với ASEAN.

RELATED ARTICLES

Tin mới