Nga có thể đang xây dựng thế cân bằng thông qua việc tìm kiếm đối tác mới ở châu Á trong khi vẫn duy trì quan hệ hiện tại với phương Tây?
Trong những năm gầy đây, Nga trải qua thời kỳ được cho là khá khó khăn. Suy thoái kinh tế, giá dầu lao dốc và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã lấy đi lợi thế cạnh tranh của Moscow. Tất cả những điều này đẩy các nhà chiến lược của Điện Kremlin đến con đường lựa chọn chính sách thay thế nhập khẩu, tổ chức lại chuỗi cung ứng nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu và xoay trục sang châu Á.
Nga cho rằng châu Á là phương án thay thế nhanh chóng cho hệ thống quan hệ chính trị và kinh tế quốc tế của phương Tây. Hơn nữa, Điện Kremlin thấy rằng hệ thống này không phản ánh thực tế kinh tế và chính trị ngày nay. Đây là lý do tại sao Nga bắt đầu đầu tư nhiều hơn thời gian và công sức cho việc xây dựng và phát triển các mối quan hệ lâu dài dựa trên sự tôn trọng và quan tâm lẫn nhau với các đối tác ở châu Á.
Dù tình cảm với các đối tác phương Tây đã nhạt phai, Nga dường như vẫn đang cố gắng để có thể ngồi trên 2 chiếc ghế cùng một lúc. Moscow không đủ khả năng để xa lánh hoàn toàn châu Âu bởi “lục địa già” là đối tác kinh tế lớn của Nga (chiếm hơn 40% tổng kim ngạch thương mại) và cũng là nhà cung cấp công nghệ quan trọng. Đồng thời, Nga đang xây dựng và phát triển các cầu nối với châu Á, tìm kiếm đối tác và thị trường mới có tiềm năng nhằm mục đích đa dạng hóa các hoạt động kinh tế hiện tại của mình.
Từ năm 2015, Nga đã tổ chức “một bản sao” của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) ở Viễn Đông mang tên gọi Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) nhằm mở ra những cơ hội mới cho các công ty Nga ở phương Đông và cho các doanh nghiệp châu Á ở Nga. Chỉ cần nhìn vào hai diễn đàn này cùng các khách mời cũng có thể thấy rõ ai đang trở thành đối tác quan trọng hơn đối với Nga.
Năm 2018, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ đã tham gia vào EEF, trong khi SPIEF chỉ có sự tham dự của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Các hợp đồng ký kết trong khuôn khổ EEF gần đây nhất lên đến hơn 46 tỷ USD, trong khi giá trị của các hợp đồng tại SPIEF thấp hơn, đạt 38 tỷ USD.
Nhu cầu về hóa dầu
Thị trường hóa dầu toàn cầu được coi là phát triển nhanh nhất, và dự kiến sẽ tăng đáng kể trong 5 năm tới, tăng từ 1.464 triệu tấn mỗi năm (năm 2015) lên 1.708 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020 và 1.931,5 triệu tấn mỗi năm vào năm 2026.
Ngoài ra, theo triển vọng năng lượng năm 2018 của BP, hóa dầu được dự đoán sẽ là nguồn nhu cầu tăng trưởng nhanh nhất. Trong đó, châu Á sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng đó, với Trung Quốc dẫn đầu và là nước tiêu thụ hóa dầu lớn nhất.
Tại Nga, các sản phẩm hóa học chiếm 4,4% (19 tỷ USD) tổng kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu. Các sản phẩm của ngành công nghiệp hóa dầu đứng thứ 3 trong số những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Nga, sau khoáng sản và kim loại. Có vẻ như Moscow không muốn dừng lại ở đó và còn muốn tận dụng tốt hơn nữa tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp này.
Seyfeddin Roustamov, doanh nhân điều hành Metafrax – một trong ba nhà sản xuất nhựa tổng hợp hàng đầu ở châu Âu và là nhà sản xuất và xuất khẩu methanol lớn nhất ở Nga, cho biết công ty của ông đang có kế hoạch đầu tư hơn 950 triệu euro (1,1 tỷ USD) xây dựng của một khu phức hợp điều chế các sản phẩm hóa học ở Gubakha, vùng Perm.
Theo thiết kế, cơ sở này có thể sản xuất tới 575.000 tấn carbamide, 308.000 tấn amoniac và 41.000 tấn melamine mỗi năm. Dự án này là khoản đầu tư lớn nhất của công ty Metafrax trong nhiều thập kỷ qua.
Giằng xé Đông – Tây
Tháng 10/2017, Metafrax đã ký hợp đồng trị giá 388 triệu euro (447 triệu USD) với Swiss Casale SA (công ty hàng đầu thế giới trong việc chế tạo và cấp phép cho công nghệ sản xuất amoniac, methanol, carbamide và melamine). Bản hợp đồng này phần nào cho thấy sự phụ thuộc của sản phẩm Nga vào các nhà cung cấp công nghệ và cấp phép của châu Âu.
Theo thống kê, có 40% doanh thu của Metafrax là từ việc xuất khẩu sản phẩm sang Anh, Phần Lan, Áo, Đức, Thụy Sĩ và các nước khác. Các nước châu Âu chính là những đối tác tiêu dùng lớn nhất của các sản phẩm do Metafrax sản xuất.
Tháng 2/2018, công ty của ông Roustamov đã thành lập SamyangMeta – một công ty liên doanh của đối tác Sunghong Co., Ltd của Hàn Quốc, với tuyên bố để thúc đẩy hoạt động tiếp cận khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đáng chú ý là Metafrax cũng hy vọng sẽ cung cấp sản phẩm của mình cho thị trường châu Âu thông qua liên doanh này. Điều này giống như một nỗ lực để tìm biện pháp thay thế nhằm mục tiêu là tăng cường sự hiện diện của Metafrax ở châu Âu chứ không phải là ở thị trường châu Á.
Dù có thế nào đi chăng nữa, những nỗ lực của Moscow để mở rộng sang thị trường châu Á trong việc đa dạng hóa các sự lựa chọn đối tác kinh tế trên thực tế vẫn là một chính sách khá hợp lý cho triển vọng tăng trưởng của thị trường châu Á.
Những nỗ lực của Nga mặc dù rất hấp dẫn nhưng có vẻ như vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Nga đã đối phó thành công với những thách thức kinh tế mà nước này phải đối mặt nhưng Moscow vẫn thiếu những cải cách cơ cấu cần thiết để duy trì sự phát triển kinh tế lâu dài.
Chính sách “xay trục” sang châu Á tự bản thân nó không thể giải quyết được tất cả các vấn đề kinh tế của Nga và cũng không thể hóa giải thế đối đầu hiện nay của Moscow với phương Tây. Đây là lý do tại sao Điện Kremlin không “hy sinh” mối quan hệ phương Tây để đổi lấy “tình cảm” của châu Á. Nga đương nhiên hiểu rằng họ cần phải tìm đến “sự cân bằng lành mạnh” qua đó cho phép Moscow phát triển thành công thông qua việc tận dụng tốt các mối quan hệ Đông – Tây