Những phát biểu gay gắt của ông Ngụy Phượng Hòa nhắm vào Hoa Kỳ đã bộc lộ trạng thái bất an, lo lắng về tương lai.
Diễn đàn Hương Sơn 2018 vừa diễn ra tại Bắc Kinh là một sự kiện quan trọng của năm 2018.
Bởi vì, diễn đàn này có thể được coi là sự tiếp nối những sinh hoạt chính trị, pháp lý đa phương, tập hợp tiếng nói, chính kiến của nhiều nhà khoa học, chính khách, chuyên gia quân sự, an ninh… của khu vực và quốc tế đang quan tâm đến một vấn đề rất nóng, nhạy cảm và rất hệ trọng liên quan đến sự trường tồn, phát triển của khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Một cộng đồng dân cư với hơn 1/2 dân số nhân loại, là khu vực có hơn một nửa trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và dự báo sẽ chiếm tỷ trọng gần 70% GDP toàn cầu vào năm 2050.
Tuy nhiên, kết quả của Diễn đàn lần này theo đánh giá của dư luận là không như mong đợi.
Tờ South China Morning Post ngày 27/10 cho biết, Diễn đàn Hương Sơn – Bắc Kinh dường như vẫn chưa phải nơi để xử lý các vấn đề an ninh nhạy cảm như tranh chấp Biển Đông hay cạnh tranh Trung – Mỹ.
Cho dù các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã quảng cáo rằng, Diễn đàn Hương Sơn lần này sẽ trở thành diễn đàn hàng đầu châu Á, vượt qua Diễn đàn thường niên Shangri-La, để thảo luận các vấn đề an ninh khu vực, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ 67 quốc gia, trong đó 21 nước cử Bộ trưởng Quốc phòng hoặc chỉ huy quân sự cao cấp tham dự Diễn đàn Hương Sơn.
Căn cứ vào chương trình nghị sự và các chủ đề của Diễn đàn, Giới quan sát cho rằng Diễn đàn Hương Sơn chỉ nhằm để Trung Quốc độc thoại, các đại biểu của các nước khác bị hạn chế bàn về tranh chấp Biển Đông.
Tranh chấp Biển Đông và quan hệ Trung – Mỹ chỉ được đề cập bởi 2 quan chức cấp cao Trung Quốc, gồm Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa.
Ông Lật Chiến Thư sử dụng bữa tiệc tối chào đón các đoàn đại biểu dự Diễn đàn Hương Sơn để chỉ trích Nhà Trắng “cố tình xây dựng liên minh chống Trung Quốc”.
Ngày hôm sau, phát biểu chính thức tại Diễn đàn Hương Sơn, ông Ngụy Phượng Hòa chỉ trích “một quan chức cấp cao Hoa Kỳ” đã cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc cố tình né tránh 2 vấn đề nhạy cảm nói trên và tập trung chỉ trích lập trường của Mỹ là vì những lý do như sau:
Thứ nhất, đó là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã bùng phát sau những cuộc đàm phán căng thẳng bất thành.
Đến nay, Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế lên hàng hóa của nhau, đồng thời đe dọa sẽ đánh thuế bổ sung thêm hàng trăm tỷ USD hàng hóa nữa.
Theo dự báo của giới chuyên gia kinh tế, thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc đã áp và đe dọa áp lên thêm hàng hóa của nhau có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh.
Một số ước tính cho rằng, xung đột thương mại Mỹ – Trung sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc mất 0,2 phần trăm trong năm nay và 0,3 phần trăm trong năm 2019.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cứ mỗi 100 tỷ USD hàng hóa bị áp thêm thuế quan, giá trị thương mại toàn cầu có thể giảm khoảng 0,5%.
Đà tăng trưởng kinh tế của khu vực và thúc đẩy tự do thương mại là những thách thức không nhỏ trong bối cảnh ngày càng nổi lên nhiều những quan điểm chống toàn cầu hóa và chống bảo hộ mậu dịch…
Đánh giá về kinh tế Trung Quốc hiện nay, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng áp lực giảm phát đang gia tăng và môi trường bên ngoài đang có “những thay đổi sâu sắc”.
Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc thể hiện mối quan tâm của mình trước công chúng về sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp kể từ khi nổ ra cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.
Trong phiên họp hôm 30/10/2018, 25 thành viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nhận định, đã có rất nhiều khó khăn với một số doanh nghiệp, các rủi ro đã xuất hiện và tích lũy trong một thời gian dài…
Thứ 2, khu vực châu Á trong thời gian tới được nhận định sẽ vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức về an ninh, quốc phòng:
Vấn đề hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, mối đe dọa từ các lực lượng nổi dậy Hồi giáo ở khu vực bị Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) truyền bá tư tưởng cực đoan; làn sóng tị nạn và chuyển giao chính trị.
Tranh chấp Biển Đông mà trung tâm chính là cuộc tranh chấp về địa – chính trị, địa – kinh tế, địa – chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã và đang diễn ra, chi phối tình trạng tranh chấp đan xen và hết sức phức tạp hiện nay trong Biển Đông…
Đa số dư luận đều nhận ra rằng những hoạt động sai trái của Trung Quốc trong thời gian qua trong Biển Đông chính là nguyên nhân của thực trạng đáng quan ngại đó là gì, nếu không phải là những hành xử thiếu trách nhiệm và thiếu thiện chí, chỉ mưu cầu lợi ích phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế của họ.
Vì vậy, tại Diễn đàn này Trung Quốc đã lợi dụng vai trò chủ nhà để sắp xếp chương trình nghị sự có thể né tránh những chỉ trích của các đại biểu tham dự Diễn đàn.
Thứ 3, Reuters ngày 25/10/2018 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu khai mạc Diễn đàn Hương Sơn – Bắc Kinh đã tuyên bố: Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ “một phần lãnh thổ của mình”, cho dù là đảo Đài Loan hay yêu sách trên Biển Đông.
Ông Ngụy Phượng Hòa tỏ ra rất bức xúc với các lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ với quân đội Trung Quốc, các diễn biến mới trên eo biển Đài Loan, cũng như phản ứng của Mỹ trước hành động ngày một hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Đài Loan là lợi ích “cốt lõi” của Trung Quốc và Bắc Kinh phản đối sức mạnh của “lực lượng bên ngoài” hiện diện trên Biển Đông.
Ông Ngụy Phượng Hòa nhắc lại lập trường của Bắc Kinh rằng, Đài Loan và Biển Đông liên quan đến “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Trung Quốc:
“Trung Quốc vẫn là nước lớn duy nhất trên thế giới chưa thống nhất lãnh thổ, quân đội Trung Quốc luôn luôn khắc cốt ghi tâm: lãnh thổ thiêng liêng của tổ tông để lại một tấc cũng không được để mất, cái gì của người khác một mẩu cũng không cần”.
Những phát biểu của ông Ngụy Phượng Hòa cho thấy, một là, tham vọng độc chiếm Biển Đông làm ao nhà của Trung Quốc vẫn không thay đổi; hai là, những phát biểu gay gắt của ông Ngụy Phượng Hòa nhắm vào Hoa Kỳ đã bộc lộ trạng thái bất an, lo lắng về tương lai của chiến lược đấu tranh cách mạng vì “một nước Trung Hoa thống nhất” đang đứng trước những thách thức to lớn bởi sự thay đổi lập trường của Mỹ và đồng minh trong quan hệ với Đài Loan.
Phải chăng vấn đề Đài Loan, Biển Đông và chiến tranh thương mại sẽ là những thứ vũ khí chủ yếu và có hiệu lực để ông Donald Trump gây sức ép nhằm hiệu chỉnh thái độ và hành vi ứng xử đầy tham vọng và bất chấp luật pháp quốc tế đang được Bắc Kinh triển khai trong khu vực và quốc tế?