Nửa cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump được dự báo sẽ đầy chông gai sau khi đảng Dân chủ giành lại Hạ viện dù đảng Cộng hòa vẫn giữ Thượng viện.
Ngày 7.11, Mỹ tiến hành kiểm phiếu và công bố kết quả cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ được chú ý nhất trong nhiều năm qua. Theo Reuters, dù vẫn còn một số bang chưa hoàn tất kiểm phiếu nhưng đảng Dân chủ đã lấy lại quyền kiểm soát Hạ viện lần đầu tiên kể từ năm 2011. Cụ thể, đảng này giành ít nhất 222/435 ghế dân biểu, còn đảng Cộng hòa có ít nhất 199 ghế. Ngược lại, phe Cộng hòa vẫn giữ thế thượng phong tại Thượng viện với ít nhất 51/100 ghế.
Cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay 2018 cũng chứng kiến những mốc lịch sử mới. Tính đến tối qua, ít nhất 89 phụ nữ đã giành được ghế tại Hạ viện, nhiều nhất từ trước đến nay. Trong số này, cô Alexandria Ocasio-Cortez, 29 tuổi, của đảng Dân chủ là người phụ nữ trẻ nhất trở thành dân biểu Mỹ với chiến thắng ở bang New York. Bên cạnh đó, tại Hạ viện lần đầu tiên xuất hiện 2 phụ nữ Hồi giáo là bà Rashida Tlaib (bang Michigan) và Ilhan Omar (bang Minnesota), đều là thành viên đảng Dân chủ.
Chiều qua, Tổng thống Donald Trump lên Twitter chúc mừng hạ nghị sĩ Dân chủ Nancy Pelosi, người gần như chắc chắn sẽ trở lại ghế Chủ tịch Hạ viện, cũng như các thượng nghị sĩ Cộng hòa. Reuters dẫn lời giới quan sát cảnh báo việc đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện sẽ gây rất nhiều khó khăn cho chủ nhân Nhà Trắng. Ngoài ngăn chặn những chính sách của Nhà Trắng, các dân biểu phe này sẽ tận dụng quyền kiểm soát các ủy ban để tiến hành hàng loạt cuộc điều tra về cáo buộc trốn thuế và thông đồng với Nga nhằm vào Tổng thống Trump. Dù có mang lại kết quả hay không thì các cuộc điều tra này cũng sẽ gây bất lợi đáng kể cho nỗ lực tái tranh cử của ông vào năm 2020. Bên cạnh đó, bình luận viên Aaron Blake của tờ The Washington Post nhận định chính trường Mỹ sẽ lâm vào bế tắc trong 2 năm tới và khó có đạo luật lớn nào được thông qua khi quốc hội bị chia đôi giữa 2 đảng.
Mặt khác, theo Đài NPR, cuộc bầu cử lần này được dư luận quốc tế quan tâm nhiều hơn so với những kỳ bỏ phiếu trước đó vì có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại và thương mại của Mỹ. Ngày 7.11, cả Đức lẫn Nhật Bản đều lên tiếng bày tỏ hy vọng về duy trì và phát triển quan hệ đồng minh với Mỹ sau bầu cử, trong khi người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói Nga chưa thấy dấu hiệu nào về viễn cảnh cải thiện quan hệ song phương, theo Reuters. Trong khi đó, xung đột thương mại với Trung Quốc sẽ khó có khả năng hạ nhiệt vì bản thân đảng Dân chủ cũng cho rằng Washington cần cứng rắn hơn với Bắc Kinh về nhiều vấn đề từ thương mại cho đến an ninh và ngoại giao.