Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMẫu tên lửa Trung Quốc có thể xuyên thủng lá chắn tàu...

Mẫu tên lửa Trung Quốc có thể xuyên thủng lá chắn tàu sân bay Mỹ

Tên lửa CM-401 có quỹ đạo khác thường và tốc độ lớn khi lao tới mục tiêu, khiến đối phương rất khó đánh chặn.

Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học hàng không Trung Quốc (CASIC) hôm 6/11 ra mắt tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới mang tên CM-401 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2018. Loại vũ khí này có thể được trang bị cho các hệ thống tên lửa bờ và tàu khu trục hạng nặng Type-055, đặt ra thách thức lớn với Mỹ cùng các đồng minh, theo Drive.

Dựa trên kích thước tên lửa hành trình C-602 và bệ phóng phía sau, chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận định tên lửa CM-401 có đường kính tối đa khoảng 85 cm, hình dáng rất giống mẫu Iskander-M của Nga nhưng nhỏ hơn. Bảng thông số của CASIC cho thấy CM-401 có tầm bắn 15-290 km, khiến nó được xếp vào loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Đồ họa đi kèm với mô hình CM-401 cho thấy nó có quỹ đạo bay kiểu “lượn sóng”, trong đó đầu đạn liên tục thay đổi độ cao trong hành trình bay. Khi tới gần mục tiêu, đầu đạn CM-401 đột ngột bay vọt lên rồi lao thẳng xuống với vận tốc rất lớn.

Kiểu cơ động này dường như sẽ giúp tăng tầm cho tên lửa đạn đạo, nhưng cũng tạo ra quỹ đạo bay bất thường khiến đối phương gần như không thể ngăn chặn được.

Tốc độ trong pha cuối của CM-401 đạt 4.940-7.410 km/h. CASIC cho biết quả đạn có thể xuyên thủng mọi lá chắn trên tàu chiến hiện nay nhờ sự kết hợp giữa tốc độ cao và khả năng cơ động phức tạp. Mỗi bệ phóng CM-401 có thể khai hỏa hai quả đạn theo quỹ đạo khác nhau để tấn công tối đa hai mục tiêu cùng lúc, khiến đối phương càng khó chống đỡ.

Mô phỏng quỹ đạo bay của CM-401. Đồ họa: Sina.

Mô phỏng quỹ đạo bay của CM-401. Đồ họa: Sina.

CM-401 có thể tấn công mục tiêu cỡ lớn, di chuyển với tốc độ tương đối chậm như tàu sân bay, tàu hậu cần và chiến hạm mặt nước hạng nặng của hải quân Mỹ. Mẫu CM-401 trưng bày ở triển lãm Chu Hải dường như còn được lắp radar mảng pha ở mũi, cho thấy đầu đạn của nó có thể tự tìm mục tiêu trong pha cuối.

CASIC tiết lộ CM-401 còn có chức năng tấn công mặt đất để tận dụng khả năng cơ động xuyên thủng lưới phòng không đối phương. Nó sẽ đặc biệt hữu ích với phiên bản lắp trên tàu chiến nhờ độ linh hoạt cao hơn nhiều so với tên lửa hành trình diệt hạm và tấn công mặt đất trong biên chế Trung Quốc hiện nay.

Tấm bảng trưng bày tại triển lãm Chu Hải cho thấy CM-401 sẽ được trang bị cho tàu khu trục hạng nặng Type-055. Tuy nhiên, chưa rõ có bao nhiêu bệ phóng sẽ được lắp chiến hạm trên, cũng như khả năng tương thích với cụm ống phóng thẳng đứng (VLS) của chiếc Type-055.

Nhiều chuyên gia cũng hoài nghi về tầm bắn tối đa của tên lửa CM-401. Với kích cỡ lớn, hình dáng nhỏ gọn và quỹ đạo lượn sóng, mẫu tên lửa này có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách tới 1.000 km, thay vì chỉ hơn 290 km như CASIC tuyên bố.

Lý do khiến Trung Quốc hạ thấp tầm bắn có thể là để phù hợp với Hiệp ước Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTCR). Thỏa thuận này được 35 quốc gia ký kết nhằm cấm xuất khẩu các tên lửa đầu đạn trên 500 kg và tầm bắn hơn 300 km. Dù không phải nước tham gia ký MTCR, Trung Quốc từng nhiều lần tuyên bố sẽ tuân thủ điều khoản thỏa thuận này.

Đầu dò radar trên mô hình quả đạn CM-401. Ảnh: Livejournal.

Đầu dò radar trên mô hình quả đạn CM-401. Ảnh: Livejournal.

Nếu các thông số kỹ thuật được công bố là chính xác, việc Trung Quốc xuất khẩu tên lửa CM-401 sẽ không vi phạm thỏa thuận MTCR. Nhiều khả năng CASIC sẽ xuất khẩu phiên bản có tầm bắn 290 km, trong khi cung cấp biến thể CM-401 nội địa với tầm trên 300 km cho quân đội Trung Quốc.

Dù có tầm bắn ngắn hơn tên lửa hành trình diệt hạm YJ-12 và YJ-62, tốc độ cực nhanh trong pha cuối và khả năng chọc thủng lưới phòng thủ của CM-401 khiến nó là vũ khí lợi hại trong chiến lược phòng thủ chống hạm đa tầng của Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông.

Ngoài ra, việc bố trí CM-401 trên đất liền có thể giúp Trung Quốc tấn công các mục tiêu trên biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với Tokyo, cũng như nhằm vào đảo Đài Loan. Hiện có rất ít quốc gia sở hữu năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo trên biển, khiến CM-401 trở thành mối đe dọa không thể xem thường.

Sự xuất hiện của CM-401 cũng sẽ khiến Mỹ phải tính toán lại chiến lược phòng thủ tên lửa của mình. Hải quân Mỹ đang vận hành 92 tàu khu trục, tàu tuần dương có năng lực phòng không hạm đội, nhưng chỉ có 38 chiếc trong số đó được trang bị tên lửa SM-2, SM-3 và SM-6 có khả năng chống lại tên lửa đạn đạo.

Việc Trung Quốc sở hữu ngày càng nhiều loại tên lửa diệt hạm phức tạp hơn sẽ buộc Mỹ phải tăng cả số lượng tàu chiến lẫn năng lực phòng thủ của chúng. Hải quân Mỹ lên kế hoạch tăng số tàu chiến chống tên lửa đạn đạo lên 57 chiếc vào năm 2023 với tổng cộng 600 tên lửa đánh chặn các loại.

“Khi được trang bị cho khu trục hạm Type-055, tên lửa CM-401 sẽ đặt ra thách thức lớn với mọi đối thủ của Trung Quốc nếu chiến tranh nổ ra trên Thái Bình Dương”, chuyên gia Trevithick nhận xét.

RELATED ARTICLES

Tin mới