Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là sẽ ghi dấu ấn tại mùa thượng đỉnh “cao điểm” của châu Á năm nay.
Tổng thống Nga Putin bắt tay Tổng thống Mỹ Trump tại buổi lễ kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất ở Paris hôm 11-11. Ảnh: The New York Times
Trong đó, ông hẳn sẽ thu hút chú ý hơn cả khi xuất hiện tại Hội nghị EAS lần thứ 13 diễn ra giữa các thành viên ASEAN và đối tác tại Singapore trong 2 ngày 14 và 15-11.
Dù châu Á – Thái Bình Dương ngày càng giữ trị vị trí quan trọng chính sách đối ngoại của Nga nhưng đây là lần đầu tiên một lãnh đạo đứng đầu nước này tham dự hội nghị EAS kể từ khi Moscow làm thành viên chính thức của diễn đàn năm 2011.
Rất khó để đánh giá liệu động thái đặc biệt nói trên của ông chủ Điện Kremlin có nhằm phát đi tín hiệu cụ thể nào không. Song, dù lý do là gì thì sự vắng bóng của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng nghĩa ông Putin có thể là vị khách thuộc hàng “cao” nhất tại thượng đỉnh, bên cạnh những lãnh đạo khác như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Theo chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (Nga) Anton Tsvetov, điều này sẽ đưa Tổng thống Nga vào tâm điểm chú ý và cho phép ông chứng minh rằng “sự xoay trục sang châu Á” của Nga hướng tới xây dựng quan hệ tốt hơn với Nhật và Ấn Độ, cũng như hỗ trợ các cơ chế đa phương.
“Nếu suôn sẻ, chúng ta có thể chứng kiến sự quan tâm nhiều hơn nữa từ phía Nga với EAS và các sự kiện mà trung tâm là ASEAN, thêm vào đó có thể có thêm các chuyến thăm của tổng thống tới khu vực trong tương lai” – ông Tsvetov nhận định.
Cũng theo vị chuyên gia, hiện các sáng kiến chủ đạo của Nga tại EAS là đối thoại cấp công tác về một cấu trúc an ninh khu vực. Tuy nhiên, mục tiêu sau cùng và cũng mang nhiều tham vọng hơn là gói gọn và khơi thông xuyên suốt các cuộc đối thoại về chủ đề an ninh ở EAS, Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN.
Trong khi đó, với sự vắng mặt của ông Trump, Thủ tướng Úc Scott Morrison cùng ông Abe sẽ nắm vai trò trụ cột trong nhiệm vụ thuyết phục các lãnh đạo ASEAN rằng đối thoại bốn bên Mỹ – Nhật – Úc – Ấn Độ (bộ tứ) không chỉ không ảnh hướng tới nguyên tắc “ASEAN trung tâm”, mà còn mở rộng sang các nước Đông Nam Á thông qua quan hệ đối tác.