Theo chuyên gia Charlie Gao, tên lửa HQ-9 của Trung Quốc còn lâu mới đạt được khả năng như S-400 hay S-300PMU nên thực sự chúng chưa thể cạnh trang nổi với các hệ thống của Nga.
HQ-9 là loại tên lửa đất đối không tầm xa nội địa chủ chốt của Trung Quốc. Nhìn bề ngoài, nó rất giống với S-300 của Nga, cũng sử dụng các radar mặt phẳng, tiết diện rộng và tên lửa cỡ lớn bắn đi từ ống phóng thẳng đứng.
Tuy nhiên, khi quan hệ Trung – Xô đổ vỡ những năm 1950, Trung Quốc không còn nhận được sự trợ giúp của Liên Xô cho các chương trình phát triển tên lửa đất đối không (SAM) nữa. Vậy liệu có phải HQ-9 chẳng qua chỉ là một sản phẩm phát triển song song nhưng cuối cùng vẫn đạt được tính năng tương tự?
Trung Quốc “nhái” của Nga hay phát triển nội địa?
Thời điểm quan hệ Trung – Xô tan vỡ, loại tên lửa SAM tầm xa thực thụ duy nhất của Trung Quốc là S-75 (SA-2). Tất nhiên, Bắc Kinh vẫn thúc đẩy chế tạo nhiều phiên bản SAM tầm ngắn và tầm trung như HQ-61 và HQ-6.
Thế nhưng, khi Trung Quốc bắt tay vào tiến trình hiện đại hóa quân đội toàn diện những năm 1990 thì nước này vẫn thiếu một dòng tên lửa SAM cơ động tầm xa thực thụ như Patriot hay S-300 được Mỹ và Nga đưa vào biên chế những năm 1980.
Để thực hiện mục tiêu chế tạo tên lửa đất đối không tầm xa, các cơ quan nghiên cứu và phát triển Trung Quốc áp dụng 2 biện pháp.
Thứ nhất, các nguyên mẫu nội địa của hệ thống tên lửa HQ-9 bắt đầu phát triển từ những năm 1980 vẫn được Trung Quốc tiếp tục kéo dài qua những năm 1990. Thứ hai, trong thập kỷ 1990, Trung Quốc đã nhận thấy cơ hội mua các hệ thống S-300PMU-1 rất tiên tiến vào thời điểm đó từ Nga và đã đề nghị mua một số tổ hợp vào năm 1993.
Theo nhiều nguồn tin, những tên lửa này sau đó đã bị Trung Quốc giải mã và nghiên cứu ứng dụng cho HQ-9. Trong khi đó, phía truyền thông Trung Quốc cho rằng HQ-9 được phát triển nội địa nhờ công lao của các kỹ sư nước này.
Mặc dù tuyên bố trên có vẻ đúng ở giai đoạn đầu, nhưng việc Trung Quốc mua S-300 trước thời điểm ra mắt chiếc HQ-9 đầu tiên thì nó lại cho thấy điều ngược lại. Các nguồn tin phương Tây có xu hướng ủng hộ quan điểm của Nga rằng “dòng tên lửa HQ-9 rõ ràng được chuyển đổi từ hệ thống S-300PMU”.
HQ-9 đạt được khả năng hoạt động đầu tiên một thời gian sau đó (theo truyền thông Trung Quốc là năm 1995) và tiếp tục được hiện đại hóa. Các tên lửa S-300PMU-2 mà Trung Quốc mua từ Nga năm 2004 giúp Bắc Kinh có thêm nguồn lực để phát triển HQ-9.
Với việc hiện nay Trung Quốc sắp tiếp nhận đầy đủ các hệ thống S-400 thì nước này lại càng có thêm “nguyên liệu đầu vào” cho HQ-9.
Chiếm lĩnh thị phần tên lửa Nga: Giấc mơ còn xa!
Nhờ những diễn biến trên, rất nhiều biến thể HQ-9 nữa đã được Trung Quốc phát triển. HQ-9A chính là phiên bản nâng cấp lớn đầu tiên được bổ sung thêm khả năng chống tên lửa đạn đạo bằng việc cải tiến các thiết bị điện tử. Còn HQ-9B được cho là đã gia tăng tầm bắn, khoảng từ 250 km – 300 km.
Một điều đáng lo ngại là Trung Quốc rất sẵn lòng xuất khẩu các tên lửa tương đối uy lực HQ-9 trong khi giá thành, theo ước tính, lại rẻ hơn các phiên bản xuất khẩu của S-300.
Đánh giá một cách tổng thế, xu hướng Trung Quốc phát triển HQ-9 dường như cũng giống với cách thức nước này chế tạo “các máy bay Sukhoi” (Flanker) phiên bản nội địa.
Đầu tiên, trong những năm 1990, Trung Quốc chớp lấy cơ hội mua một số hệ thống tốt nhất do Liên Xô thiết kế, rồi sau đó tự giải mã chế tạo nội địa và lại mua thêm các phiên bản hiện đại hơn từ Nga để nâng cấp.
Bắc Kinh cũng đã cố gắng tích hợp một vài công nghệ tiên tiến hơn như thiết bị dò tìm radar chủ động cho HQ-9, tuy nhiên tình trạng thực tế của những cải tiến này như thế nào thì vẫn chưa được rõ.
Có một điều khá ngạc nhiên là Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu những tên lửa gần như hiện đại nhất cho Trung Quốc, chẳng hạn như S-400, trong khi rất nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ lại tìm cách cho ra lò phiên bản tiên tiến của HQ-9 để xuất khẩu cũng với các tính năng tương tự chỉ trong vài năm.
Điều này làm dấy lên lo ngại, Trung Quốc có khả năng sẽ chiếm lĩnh thị phần của Nga. Không giống với “các máy bay Sukhoi”, ngành công nghiệp chế tạo tên lửa nội địa của Trung Quốc thực sự không vướng một “nút thắt cổ chai” nào hoặc một bộ phận cụ thể nào tương đối kém so với sản phẩm của Nga.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Charlie Gao của Tạp chí National Interest, việc Nga dường như chẳng hề lo lắng gì về vấn đề này cho thấy HQ-9 của Trung Quốc còn lâu mới đạt được khả năng như S-400 hay S-300PMU nên thực sự chúng chưa thể cạnh trang nổi với các hệ thống của Nga.