Biển Đông là một trong những vấn đề Mỹ sẽ không nhượng bộ Trung Quốc dù Washington muốn duy trì hợp tác ngoại giao cấp cao với Bắc Kinh.
Đó là lời Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Patrick Murphy phát biểu tại Hongkong hôm 19/11 được tờ South China Morning Post dẫn lại.
Ông Murphy nói Washington sẽ vẫn tiếp tục duy trì hợp tác ngoại giao cấp cao với Trung Quốc trong khuôn khổ các cuộc đối thoại song phương và đa phương, bất chấp cuộc chiến thương mại giữa hai nước, tuy nhiên, Biển Đông là một trong những vấn đề có tính thách thức nhất đối với quan hệ Mỹ-Trung. Ông nhấn mạnh Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho việc làm phức tạp và khoét sâu tính nghiêm trọng của hai vấn đề này.
“Chúng tôi muốn đóng góp theo bất cứ cách nào có thể để đi đến thành công. Nhưng làm thế nào để có thể đối thoại khi một quốc gia đang xây dựng, cải tạo và quân sự hóa… làm xói mòn lòng tin”- nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh. Ông đề cập tới việc Trung Quốc bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo trên biển Đông, cũng như việc Bắc Kinh ngang nhiên quyết định triển khai binh sĩ và vũ khí lên các thực thể này.
“Lập trường của Mỹ luôn kiên định trong suốt nhiều thập niên qua, đó là nền tảng cho cả 2 vấn đề này, để hòa chung với các tiếng nói khác trong cộng đồng quốc tế để kêu gọi Trung Quốc không thay đổi hiện trạng. Bởi vì thay đổi hiện trạng sẽ gia tăng căng thẳng và đặt ra nhiều nghi vấn”, ông Murphy khẳng định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương một năm trước đây, một động thái được một số nhà quan sát xem như nỗ lực để kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Murphy cho rằng chiến lược này thực chất không nhắm mục tiêu tới sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và cũng không nhằm kiềm chế Bắc Kinh.
“Đây không phải chính sách nhằm vào Trung Quốc, chắc chắn không phải một chính sách nhằm nỗ lực kiềm chế Trung Quốc – điều mà Bắc Kinh đang cố gắng thực hiện. Tuy nhiên, có những bước tiếp cận của chúng tôi chắc chắn mang lại cơ hội cho các quốc gia với những nhu cầu hạ tầng cần thiết”, ông Murphy nói.
Về việc hình thành “Bộ tứ” do Mỹ dẫn đầu, gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, nhà ngoại giao Mỹ cho biết liên minh này không phải là cơ chế “tập trung vào các vấn đề quân sự”, mà chỉ là một cơ chế để chia sẻ các nền tảng và giá trị chung giữa 4 quốc gia.
Phát biểu của ông Murphy được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẩu chiến về thương mại ở hội nghị thượng đỉnh APEC tại Papua New Guinea – nơi các nhà lãnh đạo APEC lần đầu tiên không thể đưa ra được tuyên bố chung sau hội nghị.
Trong ngày 20/11, Chủ tịch Trung Quốc cũng bắt đầu chuyến thăm 2 ngày tới Philippines. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Philippines của một vị chủ tịch Trung Quốc trong 13 năm qua.
Tháng trước, Văn phòng Tổng thống Philippines cho hay hai bên đang hướng tới ký thỏa thuận khai thác dầu khí chung ở Biển Đông trong chuyến thăm của ông Tập. Một số chuyên gia quan ngại kế hoạch khai thác chung sẽ dễ dàng bị Bắc Kinh lợi dụng cho tham vọng bành trướng ở Biển Đông và khiến tình hình an ninh khu vực thêm phức tạp.