Friday, December 20, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLo người TQ gom mua đất ven biển: Bộ Công an Việt...

Lo người TQ gom mua đất ven biển: Bộ Công an Việt Nam “trấn an”

Cử tri yêu cầu làm rõ thông tin dư luận hiện nay có nhiều người Trung Quốc mua đất dọc ven biển thông qua việc nhờ người Việt Nam đứng tên cũng như lo ngại dự án do Trung Quốc làm nhà thầu kéo dài tiến độ dẫn đến nhiều hệ luỵ.

Cử tri yêu cầu làm rõ thông tin dư luận hiện nay có nhiều người Trung Quốc mua đất dọc ven biển.

Lo người Trung Quốc mua đất ven biển

Cử tri TP Đà Nẵng phản ảnh, theo dư luận hiện nay có nhiều người Trung Quốc mua đất dọc ven biển nước ta thông qua việc nhờ người Việt Nam đứng tên hộ. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm tra lại thông tin nêu trên, có sự rà soát để đưa ra các biện pháp xử lý, chấn chỉnh (nếu có); đồng thời công khai cho người dân được biết.

Trả lời về vấn đề này, Bộ Công an khẳng định, nhằm quản lý chặt chẽ quỹ đất, bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Luật Đất đai và Nghị định quy định chi tiết thi hành đã có những quy định cụ thể.

Bộ Công an dẫn chứng Điều 126 Luật Đất đai quy định thời hạn giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (đối với nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài) là không quá 50 năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất là không quá 70 năm.

Trong khi đó, Khoản 2 Điều 58 Luật Đất đai quy định đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các Bộ, ngành có liên quan.

Quy định cụ thể nội dung nêu trên, Điều 13 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định đối với dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển không thuộc trường hợp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư thì trước khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đối với khu đất sử dụng tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới;

Đồng thời, xin ý kiến Bộ Quốc phòng đối với khu đất sử dụng tại xã, phường, thị trấn ven biển liền kề với khu đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, trừ trường hợp đã xác định khu vực cấm theo quy định; xin ý kiến Bộ Công an đối với khu đất sử dụng tại xã, phường, thị trấn ven biển liền kề với khu đất sử dụng vào mục đích an ninh.

Ngoài ra, Khoản 61 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ quy định: “Đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển không thuộc trường hợp do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày 01/7/2014 nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Luật Đất đai và Điều 13 của Nghị định này”.

“Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 27/7/2015 về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển”, Bộ Công an cho biết.

Dự án kéo dài dẫn đến nhiều hệ luỵ

Cử tri TP Đà Nẵng cũng phản ảnh, hiện nay các công trình công do các nhà thầu người Trung Quốc trúng thầu thực hiện rất chậm, không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian thi công sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là lao động người Trung Quốc vào cư trú, kết hôn với người Việt Nam sau đó sinh con, đẻ cháu đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh, chính trị tại Việt Nam. Cử tri kiến nghị cần xem xét, đánh giá toàn diện vấn đề này.

Bộ Công an cho biết, thời gian qua, nhiều dự án tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, thi công xây lắp) do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Trong quá trình thực hiện một số dự án đã phát sinh những vấn đề phức tạp như cử tri phản ánh.

Theo Bộ Công an, để nâng cao giải pháp trong quản lý trên lĩnh vực này, từ năm 2015, Chính phủ, các cơ quan chức năng đã có nhiều chủ trương, giải pháp chấn chỉnh công tác này như sửa đổi Luật đấu thầu và các văn bản có liên quan, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, hiện nay các sai phạm như đã nêu trên đã có chuyển biến tích cực.

Trong thời gian tới, các ngành tiếp tục xử lý các tồn tại, bất cập trong các quy định của pháp luật liên quan đến vay vốn ODA, tổng thầu EPC, hoạt động xuất nhập cảnh, việc cấp phép, quản lý hoạt động đối với nhà thầu, lao động người nước ngoài, trong đó có nhà thầu Trung Quốc.

“Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình lĩnh vực này, kiến nghị những vấn đề liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu, hạn chế các vi phạm xảy ra”, Bộ Công an cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới