Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBầu cử Đài Loan: Thất bại của Đảng Dân Tiến và bài...

Bầu cử Đài Loan: Thất bại của Đảng Dân Tiến và bài học

Ngày 24.11 vừa qua, 19 triệu cử tri ở Đài Loan đã đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử gọi là “cửu hợp nhất” (9 trong 1) bầu ra những người đứng đầu các huyện, thị (huyện, thị trưởng), các nghị sĩ (dân biểu) cấp huyện, thị, các xã trưởng…ngoài ra còn trưng cầu dân ý về một loạt vấn đề, ví dụ như hôn nhân đồng tính hay việc đổi tên đoàn thể thao tham dự Đại hội Olimpic Tokyo 2020 tới đây…Kết quả bầu cử gây bất ngờ với thất bại nặng nề của Đảng Dân Tiến cầm quyền, gây xôn xao dư luận Đài Loan và quốc tế.

Sau thất bại nặng nề của Đảng Dân Tiến trong cuộc bầu cử địa phương, bà Thái Anh Văn tuyên bố từ chức Chủ tịch đảng

Thất bại choáng váng của Đảng Dân Tiến

Kết quả bầu cử được công bố hôm 25.11 cho thấy trong số 22 huyện, thị Quốc Dân Đảng (KMT) đối lập đã giành thắng lợi áp đảo, chiếm được 15/22 ghế huyện, thị trưởng tăng thêm 9 ghế; Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan (gọi tắt là Đảng Dân Tiến – DPP) cầm quyền của bà Thái Anh Văn chỉ còn giữ được 6 ghế so với 13 ghế trước đây, thậm chí còn mất cả quyền kiểm soát các thành phố Đài Trung, Cao Hùng và Nghi Lan – những nơi được coi là căn cứ địa của DPP từ xưa đến nay, đặc biệt Cao Hùng là nơi họ kiểm soát liên tục 20 năm qua. Riêng Thị trưởng Đài Bắc vẫn thuộc về ông Kha Văn Triết, một người không đảng phái. Tỉ lệ phiếu bầu cho đảng Dân Tiến giảm chỉ còn 39% so với 56% trong bầu cử tổng thống 2016, còn ủng hộ cho Quốc Dân Đảng tăng từ 31% lên tới 49%. Giới phân tích quốc tế cho rằng, kết quả cuộc bầu cử địa phương lần này có thể sẽ bất lợi đối với DPP trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020 tới đây.

Trong cuộc thăm dò dân ý, cử tri cũng bác bỏ đề xuất đổi tên đội Olympic từ “Trung Hoa Đài Bắc” thành “Đài Loan” và bác bỏ hôn nhân đồng giới. Bà Thái Anh Văn, khi tranh cử năm 2016, đã hứa hẹn bình đẳng trong hôn nhân. Tòa hiến pháp Đài Loan năm 2017 cũng đã phán quyết người đồng giới có quyền kết hôn; nhưng hôm 24.11, đa số cử tri Đài Loan lại ủng hộ định nghĩa hôn nhân phải là giữa nam và nữ, bác bỏ hôn nhân đồng tính.

Ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc chỉ ít giờ, bà Thái Anh Văn đã lập tức tuyên bố chịu trách nhiệm về thất bại của DPP và tuyên bố từ chức Chủ tịch DPP. Bà nói: “Là chủ tịch của đảng cầm quyền, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về kết quả các cuộc bầu cử địa phương hôm nay. Tôi từ chức chủ tịch đảng DPP. Những nỗ lực của chúng tôi là chưa đủ, đã gây thất vọng cho những người ủng hộ đã chiến đấu cùng chúng tôi. Tôi muốn gửi đến họ lời xin lỗi chân thành nhất”. Tổng thư ký Phủ Tổng thống Trần Cúc cũng công bố  quyết định xin từ chức trên Twitter; Viện trưởng Hành chính (Thủ tướng) Lại Thanh Đức cũng xin từ chức bằng miệng, nhưng bà Thái Anh Văn đã đề nghị ông ở lại. Bà tuyên bố: “Tiếp tục các cải cách, tự do và dân chủ, và bảo vệ chủ quyền của đất nước là sứ mệnh mà Đảng Dân Tiến sẽ không từ bỏ”.

Kết quả bầu cử và quan hệ Đài – Mỹ, Đài – Trung

Kết quả cuộc bầu cử với thất bại thuộc về DPP và thắng lợi của đảng KMT đối lập sẽ ảnh hưởng như thế nào tới mối quan hệ Đài – Mỹ và giữa hai bên bờ Eo biển là điều được dư luận quốc tế quan tâm rộng rãi.

Ông Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – một think tank độc lập nổi tiếng có trụ sở tại Washington hôm 25.11 cho rằng: nếu coi việc thất lợi của DPP là kết quả của việc họ không thừa nhận “Thỏa thuận chung 1992” giữa Đại Lục với Đài Loan thì đó là sai lầm. Ông cho rằng, cuộc bầu cử này chủ yếu tác động bởi các vấn đề, chính sách có tính địa phương như thu nhập thấp, cách biệt giàu nghèo, ô nhiễm môi trường… Bonnie Glaser không cho rằng bà Thái Anh Văn đang phải đương đầu với áp lực lớn, “vì tuyệt đại đa số người Đài Loan vẫn ủng hộ tình hình hiện nay”.

Ông Bonnie Glaser cho rằng, kết quả cuộc bầu cử này không gây nên bất cứ ảnh hưởng gì tới mối quan hệ Mỹ – Đài Loan. Nhiều người Mỹ cũng nhận thức như thế. Theo họ, trong xã hội dân chủ kiểu phương Tây, việc phe đối lập giành được sự ủng hộ trong một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là điều rất bình thường.

Tối ngày 24.11, Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT), cơ cấu ngoại giao không chính thức, đại diện cho chính phủ Mỹ ra tuyên bố “chúc mừng nhân dân Đài Loan một lần nữa thể hiện lực lượng của thể chế dân chủ”, coi đây là “mẫu mực về thể chế dân chủ của các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Trung Quốc hôm 25.11 đã lên tiếng hoan nghênh kết quả cuộc bầu cử. Ông Mã Hiểu Quang, người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố như trên thông qua hãng thông tấn Tân Hoa xã. Ông Mã nói kết quả của cuộc bầu cử phản ánh mong muốn mạnh mẽ của người Đài Loan hy vọng được chứng kiến sự phát triển hòa bình trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan; cũng phản ánh nguyện vọng của người dân Đài Loan muốn được cải thiện nền kinh tế và phúc lợi cho người dân.

Ngay trước bầu cử, chính phủ của bà Thái Anh Văn đã cảnh báo Trung Quốc đang cố gắng ảnh hưởng đến cuộc bầu cử bằng cách tung tin giả. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này. Quốc Dân Đảng được cho là có chính sách thân thiện với Bắc Kinh hơn so với DPP. KMT đã từng nắm quyền ở Trung Quốc trước khi bỏ chạy ra Đài Loan sau cuộc nội chiến năm 1949. Trung Quốc Đại Lục từ trước đến nay vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời chờ ngày được thống nhất và cũng chưa bao giờ từ bỏ ý định sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan.

Những nguyên nhân khiến DPP và bà Thái Anh Văn thất bại

Hai năm trước đây, DPP giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống. Trước biển người hò reo mừng thắng lợi ở quảng trường trước trụ sở đảng tại Hoa Sơn và tại lễ nhậm chức, bà Thái Anh Văn đưa ra danh sách cải cách dài dằng dặc, trở thành thần tượng chính trị của nhiều người dân Đài Loan, họ gửi gắm niềm tin vào bà. Vậy mà chỉ sau 2 năm, tình hình đã đột nhiên thay đổi. Điều gì đã dẫn tới tình trạng này? Trang tin Đa Chiều (DWNews) ngày 25.11 đã đăng bài phân tích, nêu lên những nguyên nhân chính khiến DPP và bà Thái Anh Văn thất bại:

Thứ nhất, xa rời dân ý. Năm 2016, với phong trào “Hoa Hướng dương”, bà Thái Anh Văn đã lợi dụng được sự bất mãn cao độ của dân chúng đối với KMT để thẳng tiến vào Phủ Tổng thống. Nguyên nhân rất đơn giản, dân chúng Đài Loan cho rằng KMT không làm tốt được việc tái phân phối tài nguyên, chính sách hòa dịu hai bên eo biển vì thế cũng mất đi sự tín nhiệm của xã hội. Dân chúng Đài Loan gửi gắm niềm tin vào DPP và bà Thái Anh Văn, hy vọng họ gánh vác trọng trách cải cách xã hội đưa xã hội Đài Loan đi theo con đường công bằng, chính nghĩa; thế nhưng chính phủ Thái Anh Văn đã không làm được điều này.

Thất bại của DPP lần này chủ yếu đến từ sự quay lưng của cử tri miền Trung và Nam, nơi được coi là căn cứ của họ. Đây là vùng nông nghiệp là chính, nhưng sau 2 năm DPP  cầm quyền, đời sống của nông dân không được cải thiện, thậm chí còn kém hơn cả thời kỳ KMT thống trị mà họ căm ghét. Chỉ sau thời gian ngắn ấn tượng truyền thống “Đảng Dân Tiến chăm lo nông dân” đã hoàn toàn bị thay đổi.

Một nguyên nhân căn bản nữa là giới trẻ và người lao động – những người đã đưa bà Thái Anh Văn lên ghế tổng thống, hoàn toàn thất vọng về bà. Họ cho là bà đã cúi đầu trước các tập đoàn tài phiệt, phản bội lại lý tưởng ban đầu về vấn đề xã hội bình quyền; những phát biểu khuynh Tả  đã bị bà quên khuấy, nên thất bại của DPP chính là kết quả của việc cử tri “dùng lá phiếu dạy cho bài học”.

Thứ hai, tâm thế ngạo mạn. Sự trỗi dậy của DPP trước đây hoàn toàn nhờ vào sự ủng hộ của tầng lớp bình dân ở dưới cơ sở mới có được sức mạnh chính trị để thách thức chính quyền KMT đang lũng đoạn xã hội Đài Loan. Năm 2000 DPP lần đầu tiên giành được chính quyền rồi lại để mất do chính phủ Trần Thủy Biển tham nhũng. Sau 8 năm chìm xuống, năm 2016 họ lại vùng đứng dậy được cho thấy dân chúng Đài Loan lại một lần nữa tin tưởng DPP. Tuy nhiên xã hội Đài Loan không còn tạo không gian rộng lớn để DPP rảnh tay như trước để mở ra cục diện, giúp xã hội đang đình trệ thoát khỏi cảnh khốn khó. DPP thì đặt lợi ích tự thân của đảng lên hàng đầu, không coi trọng nguyện vọng của dân chúng nữa, mà chỉ nhấn mạnh thắng bại của DPP chính là tiền đồ của Đài Loan. Hai năm trước, trong phát biểu sau khi thắng cử, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh “Khiêm tốn, khiêm tốn, khiêm tốn hơn nữa”; nhưng nay DPP đã tự cho rằng mình kiểm soát tương lai của Đài Loan, hoàn toàn xa rời nhu cầu của dân chúng, không nắm được mạch nguồn xã hội, khiến cử tri nổi giận “đập bàn, lật ghế”.

Thứ ba, biện pháp nắm quyền thô thiển. Bà Thái Anh Văn ngồi lên ghế Tổng thống với tư cách “nhà cải cách”,với lý tưởng cải cách xã hội, nắm chắc vấn đề, nhưng lại không có sách lược và bước đi phù hợp.

 Sau khi cầm quyền ít lâu, những chính sách xã hội mạnh tay của DPP đều gặp lực cản và phản ứng mạnh; đặc biệt là cải cách chế độ tiền lương do thiếu sự thông hiểu và không đồng bộ nên từ ý định tốt ban đầu đã trở thành nguyên nhân xé nát xã hội. Kết quả cuộc bầu cử lần này chính là thể hiện sự phẫn nộ của những người về hưu; oán khí mạnh mẽ đã lấn át khí thế của DPP.

Ngoài ra còn có những tranh cãi xung quanh việc sửa đổi luật lao động. Bà Thái Anh Văn sau khi nắm quyền đã đứng về phía giới chủ tư bản, phản bội lại những lời hứa khi trước; sau 2 năm cầm quyền không thực hiện được bất cứ cải cách nào khiến dân chúng hài lòng, ngoại trừ mấy cải cách mang tính trả thù KMT. Cộng thêm biện pháp chấp chính thô thiển, trong thời gian ngắn xảy ra nhiều vụ xung đột với dân chúng, khiến sự ủng hộ của dân chúng đi xuống lớn nhanh như quả cầu tuyết…

Thứ tư, tồn tại tư duy đấu tranh. Sau khi thắng cử, lên cầm quyền, DPP triển khai hai mặt trận “điều tra truy tìm tài sản đảng không chính đáng” (của KMT) và “thúc đẩy sự chuyển hình theo hướng chính nghĩa”, nhưng các biện pháp điều tra tài sản của KMT cùng cách làm “từ bỏ Trung Quốc hóa” mang màu sắc truy sát chính trị trần trụi, hoàn toàn đi ngược bản chất chính trị và văn hóa ôn hòa của xã hội Đài Loan.

Thứ năm, hình thái ý thức chính trị hoang đường. “Thân Mỹ xa Trung”là hình thái ý thức chính trị của DPP nhưng nó bị coi là hoang đường và không hợp thời. Thế giới quan cũ kỹ và khuynh hướng xung đột trong quan hệ hai bên bờ eo biển đã khiến Đài Loan nằm ngoài những biến đổi của cục diện khu vực. Chính sách dựa hẳn vào Mỹ, tăng cường hợp tác về chính trị, quân sự, nhấn mạnh “tình hữu nghị Đài – Mỹ”…không chỉ đưa Đài Loan đến bên bờ vực nguy hiểm mà còn không chiếm được sự tin tưởng của số đông…

Thứ sáu, bà Thái Anh Văn thiếu năng lực lãnh đạo. Là chủ tịch DPP, nhưng những nhược điểm của bà Thái Anh Văn bộc lộ rõ qua cuộc bầu cử địa phương lần này.Trong chiến dịch bầu cử Thị trưởng Đài Bắc, bà bị coi là không quyết đoán,  hoàn toàn bị các thế lực trong đảng khống chế, bị động và không dứt khoát trong quan hệ với ông Kha Văn Triết (nhân sỹ không đảng phái, đương kim thị trưởng), đánh mất lực lượng cử tri trung gian, khiến DPP hoàn toàn lâm vào thế bị động.

Lẽ ra, Chủ tịch DPP phải là vị trí cân bằng các thế lực trong đảng, nhưng bà Thái Anh Văn không quản được các phái đấu đá nhau. Việc mất đi các ghế thị trưởng, huyện trưởng quan trọng ở Nghi Lan, Vân Lâm và Cao Hùng đều bị coi là hậu quả của việc chia rẽ trong nội bộ DPP.

Ngoài ra, trong cải cách xã hội, sự lãnh đạo của Thái Anh Văn cũng không chịu được thử thách,hạng mục cải cách nào cũng bị mất kiểm soát; trong quan hệ với Trung Quốc Đại Lục, bà cũng bị coi là bị các thế lực đòi độc lập khống chế, không rõ rang trong vấn đề quan hệ hai bên eo biển, cuối cùng ngả hoàn toàn theo lập trường dựa hẳn vào Mỹ; là người lãnh đạo nhưng không nhìn thấy sự biến đổi của cục diện khu vực, gây nên tình hình nguy hiểm.

Bài viết của Đa Chiều kết luận: tổng kết 6 mặt trên đây cho thấy, kết quả cuộc bầu cử địa phương lần này là tín hiệu cảnh báo cho Đảng Dân Tiến “Nước làm thuyền nổi, nhưng cũng có thể lật thuyền”. DPP cần phải nhớ “lấy dân làm gốc”, coi phúc lợi của 23 triệu người dân Đài Loan là trách nhiệm của mình thì mới có được sự tín nhiệm xã hội, mới có cơ hội tiếp tục nắm quyền. Hiện nay bầu cử đã kết thúc, dù trách Đại Lục can thiệp, tung tin tức giả hay trách dân ý như dòng nước…đều không còn tác dụng. DPP sau khi bị thất bại ê chề cần phải nghiêm túc, triệt để suy nghĩ lại vì đâu nên nỗi…

RELATED ARTICLES

Tin mới