Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiASEAN và bài toán Ấn Độ - Thái Bình Dương

ASEAN và bài toán Ấn Độ – Thái Bình Dương

Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương theo hòa bình kiểu Mỹ hoặc hòa bình kiểu Trung Quốc đều không bền vững và sẽ đối mặt sự phản đối.

Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Singapore hôm 15-11 Ảnh: ASEAN.OR

Các nước ASEAN vẫn đang thảo luận về tầm nhìn của mình dành cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đưa ra những sáng kiến đối lập tại khu vực này. 

Các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN mong muốn sự hợp tác diễn ra một cách cởi mở, minh bạch và bao trùm trong khi vẫn duy trì cách tiếp cận dựa trên luật lệ, trong đó nêu bật tính trung tâm của ASEAN.

Indonesia đang dẫn đầu nỗ lực tuyên bố tầm nhìn của hiệp hội về Ấn Độ – Thái Bình Dương. Thông báo của Bộ Ngoại giao Indonesia sau Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Singapore hôm 15-11 qua cho biết một tuyên bố chung sẽ sẵn sàng vào năm tới.

Đề xuất của Jakarta về Ấn Độ – Thái Bình Dương được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hồi tháng 1, phần lớn dựa trên những ý tưởng được Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi trình bày đầu năm nay. 

Quốc gia Đông Nam Á này muốn một “kiến trúc khu vực” Ấn Độ – Thái Bình Dương tương tự “hệ sinh thái hòa bình, ổn định và thịnh vượng” của ASEAN, sử dụng các cơ chế do ASEAN dẫn đầu và dựa trên các nguyên tắc bao trùm, xây dựng lòng tin và luật pháp quốc tế.

Những sáng kiến này được thể hiện trong văn kiện mang tên “Triển vọng Ấn Độ – Thái Bình Dương” do Indonesia soạn thảo và chuyển đến các nước thành viên khác để xem xét bổ sung. Dự thảo nêu bật tính trung tâm của ASEAN và kêu gọi củng cố các cơ chế hiện có trong kiến trúc khu vực đang không ngừng phát triển.

Các khuôn khổ khác khi đề cập đến Ấn Độ – Thái Bình Dương tập trung nhiều vào những giá trị chung, như các quy tắc dân chủ. Trong khi đó, văn kiện của Indonesia nhấn mạnh các lợi ích chung, bao gồm phát triển và thịnh vượng. Văn kiện còn đi xa hơn khi ưu tiên hợp tác trong các vấn đề hàng hải, kết nối khu vực và chinh phục các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu của Liên Hiệp Quốc.

Những mục tiêu được xác định trong văn kiện không quá xa lạ. ASEAN và các tổ chức khu vực khác đã nhấn mạnh các mục tiêu tương tự trong nhiều năm qua. Chúng cũng không thể bị phản đối và đi ngược lại những khái niệm đang tồn tại về Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, những mục tiêu đó có vẻ mang tính khát vọng và quy phạm hơn là chiến lược và thiết thực. Các mục tiêu này không có tác động tức thì và cũng không giải quyết được những thách thức chiến lược cấp bách.

Văn kiện khái niệm nói trên khó có thể thay đổi những toan tính của Bắc Kinh ở biển Đông cũng như không ngăn được Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực. 

Thay vào đó, “Triển vọng Ấn Độ – Thái Bình Dương” dường như được xây dựng với suy nghĩ thuyết phục tất cả các nước trong khu vực đồng thuận về một kiến trúc đa phương rộng lớn.

Khao khát này xuất phát từ những lo ngại rằng các lập trường hiện nay về Ấn Độ – Thái Bình Dương của các cường quốc đang loại trừ nhau và đe dọa phân chia khu vực thành các phe phái đối đầu – khơi lại những chia rẽ cũ mà các cơ chế do ASEAN dẫn đầu đã tìm cách ngăn chặn trong nhiều thập kỷ.

Các quan điểm cạnh tranh của Trung Quốc và Mỹ về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đã gây chú ý mạnh mẽ tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea mới đây. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phản bác những chỉ trích nhằm vào “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) – chương trình phát triển hạ tầng toàn cầu trị giá hàng ngàn tỉ USD của Bắc Kinh.

Đồng thời, ông bác bỏ cáo buộc cho rằng BRI tạo ra bẫy nợ đối với các quốc gia nghèo trong lúc nhấn mạnh tính minh bạch của chương trình và gọi đây là “nền tảng mở cho sự hợp tác”. Ngược lại, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence kêu gọi các chính phủ ở châu Á tham gia chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Washington, được Úc và Nhật Bản hậu thuẫn và những kế hoạch ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng tương tự Bắc Kinh.

Thế nhưng, một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương theo “hòa bình kiểu Mỹ” hoặc “hòa bình kiểu Trung Quốc” đều không bền vững và sẽ đối mặt sự phản đối. Sự chia rẽ đa cực và bất kỳ sự rạn nứt tiếp theo nào trong khu vực cũng đều không được hoan nghênh.

Do đó, “Triển vọng Ấn Độ – Thái Bình Dương” là một trật tự thay thế mới trong khu vực với hy vọng sẽ đáp ứng tất cả lợi ích ngay cả khi không thể giải quyết được vấn đề giữa các quốc gia. Theo văn kiện của Indonesia, các quốc gia trong khu vực nên tìm cách “củng cố và tối ưu hóa” EAS thành nền tảng toàn diện nhất về đối thoại chiến lược trong khu vực.

Là cuộc họp của các nhà lãnh đạo tại khu vực, EAS được xem là nơi đưa ra quyết định quan trọng về các vấn đề chiến lược liên quan đến Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong khi đó, các hội nghị khác như Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng theo đuổi hoặc thực hiện hóa các mối quan hệ hợp tác thực tiễn.

Tuy nhiên, hiện chưa có kế hoạch cụ thể để sớm chuyển sang mô hình như thế. Ngoài ra, vẫn còn hoài nghi về khả năng EAS có thể kiện toàn chương trình nghị sự Ấn Độ – Thái Bình Dương và bảo đảm việc thực hiện trong toàn bộ cơ chế của ASEAN trong trường hợp thiếu văn phòng thư ký chuyên trách hoặc hội đồng điều hành.

Triển vọng Ấn Độ – Thái Bình Dương mà ASEAN nhất trí khó có thể giải quyết những thách thức cấp bách nhất của khu vực trong ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, tầm nhìn này là bao trùm nhất và là một lựa chọn thay thế khả thi có khả năng ổn định cán cân quyền lực trong khu vực. Điều này càng đúng nếu ASEAN không chỉ tăng cường mà còn thể chế hóa được EAS.

RELATED ARTICLES

Tin mới