Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiQuan chức cấp cao SOM ASEAN lo ngại căng thẳng ở Biển...

Quan chức cấp cao SOM ASEAN lo ngại căng thẳng ở Biển Đông

Từ 25 – 26/10, tại Manila, Philippines, các quan chức cấp cao (SOM) ASEAN – Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp lần thứ 16 về thực hiện Tuyên bố DOC. Tại cuộc họp, các bên liên quan đã bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông có nguy cơ dẫn đến xung đột trên biển.

Các quan chức Cấp cao (SOM) ASEAN-Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp lần thứ 16 về thực hiện Tuyên bố DOC tại Philippines

SOM ASEAN – Trung Quốc lần thứ 16 quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông

Tại cuộc họp, quan chức các nước bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng quân sự hóa, các hoạt động đơn phương và nhất là nguy cơ xảy ra va chạm giữa lực lượng vũ trang trên biển của các nước. Trong bối cảnh đó, hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông thông qua đối thoại và hợp tác, đẩy mạnh thực hiện đầy đủ DOC và nỗ lực hơn nữa trong xây dựng một COC thực chất, hiệu quả, có hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Nhân dịp này, SOM ASEAN-Trung Quốc nhất trí gia hạn Kế hoạch hành động thực hiện DOC (giai đoạn 2016-2021). Về xây dựng COC, các nước ghi nhận những nỗ lực của Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc trong đàm phán văn kiện này, nhất trí Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc cần duy trì đà trao đổi, tích cực thảo luận, tạo cơ sở tiếp tục đàm phán hiệu quả thời gian tới.

Trước đó, tại cuộc họp SOM ASEAN – Trung Quốc lần thứ 15 (27/6/2018) ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, Nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc cũng đã trao đổi về tình hình Biển Đông và đàm phán về văn kiện COC. Với ý nghĩa là hoạt động tiếp theo của Nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc về thực hiện DOC lần thứ 23 (Nha Trang, Việt Nam ), ASEAN và Trung Quốc đã bước đầu trao đổi về các nội dung cụ thể của văn kiện, xác định lại các nguyên tắc và bước đi tiếp theo của Nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc về thực hiện DOC. Theo đó, kết quả làm việc của Nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc về thực hiện DOC thường xuyên được báo cáo lên SOM-DOC và các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc tại cuộc họp thường niên ASEAN – Trung Quốc (PMC). Trong đó, SOM – DOC đã trao đổi về tiến trình thực hiện DOC, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả văn kiện này trong duy trì đối thoại hợp tác vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Các nước cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy và mở rộng các biện pháp xây dựng lòng tin trong khuôn khổ thực hiện DOC, kể cả trên thực địa lẫn trong triển khai các hoạt động hợp tác, coi đây là những đóng góp thực chất của cả hai bên cho khu vực. Các nước cũng xem xét và hoan nghênh kết quả của Nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc về thực hiện DOC, cho ý kiến chỉ đạo về các bước đi tiếp theo cũng như báo cáo các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN – Trung Quốc (8/2018) tại Singapore.

ASEAN đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Tuyên bố chính thức đầu tiên về vấn đề Biển Đông “Tuyên bố ASEAN về Biển Đông” năm 1992 là dấu mốc thể hiện sự quan tâm của ASEAN. Kể từ đó, vấn đề Biển Đông trở thành chủ đề trọng tâm trong các chương trình nghị sự của ASEAN như xây dựng quan niệm giá trị và chuẩn mực, an ninh trên biển, hợp tác quốc phòng và ngăn ngừa xung đột. Biển Đông cũng là chủ đề nóng được ASEAN triển khai đối thoại về vấn đề an ninh khu vực với các nước như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Vấn đề Biển Đông đã trở thành một phần quan trọng trong các cuộc đối thoại và tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc.         

Năm 2002, với sự cố gắng, nỗ lực giữa ASEAN và Trung Quốc, hai bên đã thống nhất ký “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC). Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Năm 2010, ASEAN đã đưa ra tuyên bố chung bao gồm 56 điểm trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, trong đó đề cập đến DOC.

Năm 2012, ASEAN đưa ra tuyên bố riêng 6 điểm về vấn đề Biển Đông, trong đó gồm: (1) Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông – DOC năm 2002; (2) Nguyên tắc chỉ đạo thực hiện DOC năm 2011; (3) Sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); (4) Tôn trọng hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); (5) Tất cả các bên tiếp tục tự kiềm chế và không sử dụng bạo lực; (6) Giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Năm 2017, vấn đề Biển Đông được đề cập trong tuyên bố chung của ASEAN dưới góc nhìn về tình hình quân sự hoá và cải tạo gia tăng tại khu vực này. Đồng thời, Chủ tịch ASEAN Phlippines cam kết, các tranh chấp hàng hải, việc phác thảo bộ khung cho COC sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh giữa các nước thành viên ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc. Đến cuối năm 2017, ASEAN và Trung Quốc thống nhất thông qua Khung COC.

Năm 2018, ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất một bản COC duy nhất tại cuộc gặp cấp cao về việc thực hiện DOC tổ chức ở Trường Sa, Hồ Nam – Trung Quốc.

Vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Trong những năm qua, ASEAN đã, đang nổ lực tham gia ngày càng tích cực trong việc giải quyết những căng thẳng tại Biển Đông, góp phần đảm bảo lợi ích chung của toàn khu vực, xây dựng đoàn kết, củng cố lòng tin lẫn nhau trong ASEAN. Vì vậy, ASEAN hiện được coi là một tổ chức trung gian tham gia giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN. Các thỏa thuận giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc bao gồm các cam kết thông báo cho nhau về bất kỳ động thái quân sự tại khu vực tranh chấp, và tránh xây dựng thêm công trình mới trên các đảo. Trung Quốc và ASEAN cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán tạo ra một quy tắc ứng xử nhằm giảm bớt căng thẳng đối với quần đảo tranh chấp, thống nhất DOC. ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Khung COC và đang tiến tới đàm phán để đạt được COC ràng buộc về pháp lý.

Tuy nhiên, vai trò của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông còn nhiều hạn chế, sự thiếu nhất quán từ quan điểm đến hành động của một số nước do vấn đề lợi ích quốc gia. Có nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động của ASEAN trên nguyên tắc đồng thuận và thương lượng không đối đầu đang là một điểm yếu chết người. Nguyên tắc này khiến ASEAN thời gian qua bị chia thành ba nhóm chính liên quan tới vấn đề Biển Đông, đó là: các nước tích cực phản đối Trung Quốc: Philippines và Việt Nam; các nước có thái độ trung lập hơn: Singapore, Malaysia và Indonesia và các nước có thái độ đồng thuận với Trung Quốc: Campuchia và Thái Lan. Không những vậy, một vài nước ASEAN vì lợi ích cá nhân vẫn công khai khẳng định “Biển Đông không phải là vấn đề của ASEAN, chỉ là vấn đề song phương” và bảo lưu rằng tranh chấp Biển Đông “nên do các bên liên quan tự dàn xếp”.

Để thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, ASEAN cần: (1) ASEAN phải tiếp tục tham vấn với Trung Quốc về COC. (2) Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường xây dựng công trình trên các đảo nhân tạo, ASEAN không nên chỉ giới hạn trong việc đàm phán COC mà cần thúc đẩy việc hình thành Cộng đồng  Chính trị – An ninh ASEAN, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác chiến lược của khối. (3) ASEAN đóng vai trò quan trọng to lớn trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Nhưng vai trò này chỉ có được khi có sự đoàn kết của các nước thành viên ASEAN trong thống nhất hành động trước thách thức từ phía Trung Quốc. Bởi, khi ASEAN đoàn kết đưa ra lập trường chung, thì tiếng nói của tổ chức khu vực này sẽ có trọng lượng, được lắng nghe, được xem trọng; và ngược lại, nếu ASEAN bị li gián và bị phân hóa, thì tiếng nói của ASEAN sẽ bị suy yếu, bị nước lớn chi phối. (4) ASEAN nhất thiết phải thống nhất hành động. Bởi với khả năng huy động, triệu tập lực lượng dưới lá cờ chung ASEAN, đồng thời dựa vào sự đồng bộ tương đối về lợi ích chính trị (cùng có chủ quyền trên Biển Đông), kinh tế (thế mạnh lúa gạo, nông sản…) và môi trường (sở hữu chung sông Mê Kông), ASEAN mới có thể xây dựng được sức mạnh tập thể nhằm giành lại “thế cân bằng” trước hành động ngang ngược cá lớn nuốt cá bé và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

COC tiếp tục là điểm nóng trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc

Các nước liên tục kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm thông qua COC: Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (6/8) đã kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc cần thúc đẩy và nhanh chóng thông qua COC ở Biển Đông nhằm duy trì ổn định trên biển và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, cụ thể là duy trì “tính trung lập, toàn diện và cởi mở”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cũng khẳng định Dự thảo duy nhất về nội dung đàm phán COC được đạt được nhất trí bởi Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc “sẽ là một văn kiện sống và tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán COC”. Xác nhận rằng các bên cũng đã nhất trí về “các phương thức then chốt” cho các cuộc đàm phán trong tương lai, ông cho rằng việc các bên nhất trí về Dự thảo duy nhất này không có nghĩa rằng các cuộc đàm phán đã kết thúc, hay các yêu sách lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông đã được giải quyết vì COC “không nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ”. Ông Balakrishnan cũng lưu ý rằng, sẽ là quá sớm để đặt ra thời hạn cho các cuộc đàm phán về COC bởi còn liên quan tới tình hình đang diễn biến nhanh chóng; và sẽ là tốt hơn nếu các bên “đảm bảo tính linh hoạt để các cuộc đàm phán không đi vào bế tắc”. Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho rằng việc Bắc Kinh xây dựng trái phép và triển khai vũ khí trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông khiến các nước ASEAN lo ngại; nhấn mạnh tất cả các bên cần tránh những bước đi khiêu khích, có thể gây căng thẳng trong lúc tự kiềm chế và tránh các hành động quân sự; đồng thời nhận định COC hiệu quả hơn DOC trong việc bảo đảm hòa bình tại vùng biển quan trọng với hoạt động thương mại toàn cầu này. Trước đó, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano (30/7) cho rằng các cuộc đàm phán về COC có thể được kết thúc trong năm nay hoặc năm tới. Trước đó, ông Saifuddin Abdullah cho biết Malaysia hy vọng COC phải thật sắc bén để giải quyết các tranh chấp ở khu vực này.

Tuy nhiên, giới chuyên gia, học giả quốc tế nhận định Trung Quốc và ASEAN có thể đạt được tiến triển thông qua đàm phán COC, song sẽ phải mất một thời gian dài để ký kết COC. Chuyên gia Koh Swee Lean Collin, Nghiên cứu viên tại Đại học Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhận định Trung Quốc và ASEAN đều có những lợi ích nhất định trong việc đạt được Dự thảo duy nhất về văn kiện đàm phán COC. Đối với Trung Quốc, vào thời điểm này Bắc Kinh cần khuyến khích những tiến triển trong đàm phán COC để tiếp tục củng cố hơn nữa những hoạt động xây dựng đảo cũng như những lợi ích của họ ở Biển Đông, nâng cao lập trường, xoa dịu những chỉ trích của báo chí, dư luận nhằm vào mình từ trước tới nay. Trong khi đó, ASEAN cũng được xem là có một số động cơ thúc đẩy để đạt được nhất trí với Trung Quốc về bản dự thảo, nhất là việc phải đối mặt với nguy cơ leo thang căng thẳng khu vực do Trung Quốc vẫn không ngừng quân sự hoá các vùng biển tranh chấp, đồng thời ASEAN cũng cần đảm bảo sự tham gia của mình vào tiến trình này và tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán tiếp theo mà vẫn có thể bảo toàn lập trường của mình. Tuy nhiên, vẫn chưa thể nói trước được điều gì về khả năng có thể đạt được văn kiện cuối cùng của COC bởi vẫn có nhiều thách thức đằng sau những ngôn từ và tinh thần của một văn bản cuối cùng mà tất cả các bên có thể cho là phù hợp và cùng nhất trí. Giáo sư Aileen S P Baviera, Đại học Philippines cho rằng, tuy vẫn chưa có sự rõ ràng về việc liệu văn kiện COC có thể mang tính “ràng buộc về mặt pháp lý” như ban đầu dự kiến hay không do khó khăn trong việc thiết lập các cơ chế xác minh và thực thi giữa các bên trong khi có sự bất đối xứng cao về năng lực của mỗi bên; COC chỉ giới hạn với các bên đàm phán là Trung Quốc và ASEAN trong khi vấn đề Biển Đông đã nổi lên từ đầu những năm 1990 trong một cuộc cạnh tranh chiến lược địa lý lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ, với ASEAN bị kẹt ở giữa, Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng những tiến triển về COC cũng có thể có lợi cho Trung Quốc, giúp nước này khẳng định mong muốn duy trì hòa bình và ổn định của mình nhưng đồng thời cũng nhằm loại bỏ sự can thiệp của các nước ngoài khu vực vào Biển Đông. Ông Greg Poling, Trưởng Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết việc dự thảo COC tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sẽ mang tính chất chính trị nhiều hơn là về nội dung thực chất vào thời điểm này và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động nhằm củng cố các yêu sách lãnh thổ phi lý mà nước này áp đặt lên gần như toàn bộ Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới