Trung Quốc đang lên kế hoạch để xây dựng một căn cứ khoa học và quân sự ngầm ở Biển Đông. Căn cứ này sẽ được vận hành bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Tàu ngầm Qianlong III của Trung Quốc. Các tàu ngầm tự động sẽ đóng vai trò quan trọng trong dự án này. Ảnh: Weibo.
Theo South China Morning Post (SCMP), dự án Hades vừa được lập tại Viện Khoa học Trung Quốc trong tháng 11, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm một viện nghiên cứu tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam.
Ông Tập đã khuyến khích những nhà khoa học và kỹ sư ở đây làm một điều chưa từng có. Các nhà khoa học tại dự án Hades dự định xây dựng một căn cứ tại vùng sâu nhất của đại dương, ở độ sâu từ 6.000-11.000 m.
Nguồn tin của SCMP cho hay ngân sách cho dự án này lên tới 1,1 tỷ NDT, tương đương 160 triệu USD. Ngân sách này tương đương một nửa ngân sách của FAST, kính thiên văn lớn nhất thế giới của TQ.
Căn cứ nằm sâu dưới biển này cũng sẽ có bến để kết nối với tàu ngầm. Những tàu ngầm robot sẽ được đưa xuống để thăm dò nền biển, ghi lại các sinh vật tồn tại ở biển và tìm khoáng thạch. Do không cần người vận hành, các mẫu vật sẽ được tự động phân tích và gửi dữ liệu về trung tâm.
Mặc dù trạm tàu ngầm này có kết nối với tàu trên mặt nước để lấy điện và truyền dữ liệu, những nhiệm vụ tìm kiếm, phân tích sẽ được vận hành tự động.
“Đây giống như thử thách xây dựng một căn cứ ở hành tinh khác cho robot và trí tuệ nhân tạo sử dụng”, một nhà khoa học tham gia dự án này cho biết.
Theo nhiều chuyên gia, thử thách lớn nhất là tìm ra được vật liệu có khả năng chống lại áp lực nước ở độ sâu hàng nghìn mét. Vật liệu này vừa phải cứng, vững chắc, vừa phải đủ độ linh hoạt để có thể kết nối với tàu điện ngầm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải tìm được một địa điểm đủ sâu để đặt căn cứ này.
Giáo sư Yan Pin của Đại học Khoa học Quảng Châu cho biết vùng duy nhất đạt độ sâu trên 5.000 m là rãnh Manila gần Philippines. Rãnh này có độ sâu 5.400 m. Đây là vùng biển thường xuyên gặp động đất, có núi lửa hoạt động. Rãnh này cũng nằm gần bãi cạn Scarborough, vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
Khoảng 99% thềm đại dương chưa được con người khám phá, tương đương với 70% diện tích bề mặt Trái Đất, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ. Vào năm 2016, Trung Quốc đã xây dựng một trung tâm nghiên cứu nằm ở độ sâu 3 km dưới Biển Đông.
Theo Tiến sĩ Du Qinghai, Đại học Hải dương Thượng Hải, đây là một thử thách rất lớn với ngành khoa học Trung Quốc.
“Dự án này khó hơn cả xây dựng một trạm vũ trụ. Chưa có quốc gia nào từng làm được điều tương tự. Nó sẽ biến Trung Quốc thành nước đi đầu ở nhiều lĩnh vực quan trọng”, ông Du Qinghai nói.
Cách đây ít tuần, Trung Quốc cũng gây ngạc nhiên khi tuyển học sinh giỏi để phát triển AI. 27 nam sinh và 4 nữ sinh, tất cả đều từ 18 tuổi trở xuống, đã được lựa chọn cho một chương trình 4 năm về “thí nghiệm lập trình cho hệ thống vũ khí trí tuệ nhân tạo” tại Đại học Công nghệ Bắc Kinh (BIT) từ hơn 5.000 ứng cử viên.
Chương trình mới này là bằng chứng cho thấy sự quan tâm của chính phủ Trung Quốc trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quân sự.Sau khi hoàn thành khóa học, các sinh viên sẽ được học tiếp PhD và trở thành các chuyên gia đầu ngành của Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển vũ khí trí tuệ nhân tạo.
Eleonore Pauwels, nghiên cứu sinh ngành công nghệ máy tính tại Viện Nghiên cứu Chính sách, thuộc Đại học của Liên Hợp Quốc tại New York cho biết cô rất lấy làm lo ngại về việc BIT triển khai chương trình này.
“Đây là chương trình đại học đầu tiên trên thế giới được thiết kế một cách hung hăng và có chiến lược rạch ròi nhằm khuyến khích giới trẻ suy nghĩ, thiết kế và phát triển trí tuệ nhân tạo cho mục đích quân sự”, cô nói.