Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc khuất Trung Hoa"Nỗi sợ thầm kín" mà không quan chức TQ nào dám thừa...

“Nỗi sợ thầm kín” mà không quan chức TQ nào dám thừa nhận, nhưng tự tử hàng loạt

Chiến dịch chống tham nhũng và chỉnh đốn đảng Cộng sản Trung Quốc được ông Tập Cận Bình phát động không lâu sau khi lên nắm quyền vào tháng 11/2012.

(Ảnh: SCMP)

Số vụ quan chức tự sát gia tăng ở Trung Quốc

Kể từ khi hàng loạt chiến dịch chống tham nhũng và săn đuổi tội phạm tham nhũng trong/ngoài nước – với những cái tên như “đả hổ đập ruồi”, “săn cáo”, “lưới trời” – được tung ra, hầu như không có ngày nào truyền thông Trung Quốc không phát đi báo cáo về các quan chức trong đảng, chính quyền các cấp của nước này bị xử lý liên quan đến cáo buộc tham nhũng.

Với hơn 1 triệu quan chức bị trừng phạt, chủ tịch Tập Cận Bình cùng “cánh tay phải” Vương Kỳ Sơn – người phụ trách chính chiến dịch chống tham nhũng trong nhiệm kỳ đầu của ông Tập – đã đạt được những tiến triển mạnh mẽ trong kìm hãm tình trạng tham nhũng tràn lan, từ đó đạt được bước đầu trong 3 mục tiêu nhằm bảo đảm các quan chức “không dám, không thể, và không muốn tham nhũng”.

Chiến dịch trấn áp tham nhũng quy mô cũng sinh ra những tác dụng phụ, nổi bật là sự ngưng trệ trong bộ máy hành chính khổng lồ của Trung Quốc, khiến quá trình hoạch định và thực thi chính sách trở nên chậm chạp.

Hiện nay, một xu hướng đáng báo động hơn đang nổi lên. Trong vài năm qua, Trung Quốc ghi nhận ngày càng gia tăng số lượng các vụ “tử vong bất thường” của các quan chức từ trung ương đến địa phương, mà đa phần được cho là tự sát.

Riêng trong tháng 11, ít nhất 6 quan chức địa phương được đưa tin đã tự sát, gồm một cục trưởng phụ trách an ninh xã hội thành phố Wafangdian ở tỉnh Liêu Ninh (nhảy lầu từ văn phòng), một quan chức phụ trách tài chính của thành phố Shifang tỉnh Tứ Xuyên, một cựu quan chức phụ trách quản lý mạng ở tỉnh Hắc Long Giang, và một phó thị trưởng thành phố Hohhot – thủ phủ khu tự trị Nội Mông (tất cả đều chết do treo cổ).

Trước đó, ông Trịnh Hiểu Tùng, người đứng đầu văn phòng liên lạc của chính phủ Trung Quốc tại Macau – chức vụ tương tương với một bộ trưởng – cũng thiệt mạng do nhảy lầu từ căn hộ của mình.

Các báo cáo số liệu cụ thể không được công khai, nhưng truyền thông Trung Quốc cho biết trong giai đoạn 2009 đến 2016 có ít nhất 243 quan chức đã tự sát, và phần lớn các vụ tự tử xảy ra sau khi chiến dịch “đả hổ” được ông Tập phát động vào năm 2013.

Vấn đề tâm lý, trầm cảm thường được nêu là nguyên nhân chính dẫn đến những cái chết bất thường của quan chức, chiếm khoảng 50% – theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP). Dù vậy, báo giới Trung Quốc vẫn nêu ra những mối liên hệ rõ nét giữa các vụ tự tử với công cuộc chống tham nhũng.

Ở một số ít vụ việc, nguyên nhân cái chết được xác định đơn giản hơn bởi các quan chức Trung Quốc tự tử sau khi bị nhà chức trách tuyên bố điều tra hành vi tham nhũng. Trường hợp điển hình là vụ thắt cổ tự tử của cựu thượng tướng Trương Dương.

Trước khi tự sát tại nhà riêng vào tháng 11/2017, Trương từng là ủy viên Quân ủy trung ương Trung Quốc và đứng đầu Bộ công tác chính trị thuộc Quân ủy trung ương Trung Quốc. Ông này thậm chí còn dự một hội nghị cấp cao toàn quốc về chủ đề ngăn chặn hành vi tự sát trong quân đội.

Ngày 1/11, Lí Chí Bân – phó thị trưởng kiêm giám đốc Công an thành phố Hohhot, Nội Mông, đã treo cổ tại văn phòng, chỉ một ngày sau khi một phó giám đốc công an Nội Mông bị tạm giữ với cáo buộc tham nhũng.

Trầm cảm là nguyên nhân quan trọng

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng các quan chức tha hóa lựa chọn giải pháp tự tử nhằm bảo vệ khối tài sản phi pháp hay các thành viên gia đình.

Hiện tượng quan chức tự sát gia tăng là một báo động với nhà chức trách. Chính quyền các cấp đã đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng nhiều biện pháp ngăn ngừa tình trạng trên, bao gồm cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý.

Năm ngoái, một báo cáo nghiên cứu từ Đại học Hà Nam, Trung Quốc, cung cấp các số liệu về những vụ tự sát dựa trên báo cáo của truyền thông trong giai đoạn 2013-2015. 

Theo đó, trong 81 vụ được liệt kê, hầu hết quan chức tự tử nằm trong độ tuổi trung niên và có chức vụ ở tầm trung. Trong hơn 50% số vụ, các quan chức nhảy lầu từ văn phòng hoặc chung cư; 23.4% treo cổ và 7.4% tự sát theo cách nhảy sông.

Chỉ 55.6% báo cáo nêu ra lý do các vụ tự sát, 44.4% số vụ không đề cập nguyên nhân. Trong số lý do được cung cấp, trầm cảm chiếm tỉ lệ lớn với 33.3%, tiếp theo là do chiến dịch chống tham nhũng, chiếm 8.7%. Các nguyên nhân về sức khỏe chiếm 8.7%.

SCMP bình luận, trầm cảm được xem là một vấn đề mơ hồ tại Trung Quốc, thường không được báo cáo và điều trị đúng mức, giống như một số vấn đề tâm lý khác. Điều này thể hiện rõ nhất trong bộ máy chính quyền, bởi việc các quan chức thừa nhận có vấn đề về tâm thần có thể bị coi là dấu hiệu không bảo đảm sức khỏe công tác, từ đó gây trở ngại lớn cho quá trình thăng tiến.

Cho đến nay, nhà chức trách Trung Quốc chưa ghi nhận trường hợp quan chức nào chủ động báo cáo và nhờ đến dịch vụ tư vấn tâm lý để giải quyết tình trạng trầm cảm hoặc áp lực.

Thậm chí, việc các quan chức chịu đựng được sức ép công việc ghê gớm còn được truyền thông nhà nước tôn vinh và xem đó như bằng chứng về sự cống hiến hết mình cho công cuộc phát triển của đất nước.

Vào tháng trước, dư luận Trung Quốc từng xôn xao trước hình ảnh mái đầu bạc trắng và diện mạo “như đã ngoài 50” của ông Lý Trung Khải, sinh năm… 1980 – bí thư thị trấn Wanbi ở tỉnh Vân Nam.

Sau khi những nghi vấn “gian lận tuổi” được chứng minh là sai sự thật, ông Lý được ca ngợi như một tấm gương điển hình của quan chức địa phương tận tâm với công việc, đồng thời hé lộ khối lượng chỉ tiêu nặng nề và khó khăn mà ông phải hoàn thành để góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo hết sức gắt gao mà ông Tập Cận Bình đề ra.

Trầm cảm nhiều vì không quen “vượt sướng”?

Bản tin của Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hồi tháng trước đề cập các bệnh do stress – bao gồm trầm cảm – tương đối phổ biến trong giới quan chức bởi sức ép công việc và thời gian làm việc kéo dài.

Thực trạng công việc trong nhà nước ngày càng áp lực ở Trung Quốc không làm cho các vị trí kém thu hút chút nào. Hơn 1.2 triệu người đã tham dự kỳ thi tuyển công chức nhà nước trong năm nay để cạnh tranh vào 14.500 “ghế”, tỉ lệ chọi lên đến 1:85 (so với 1:58 trong năm 2017). 

Thực tế trên cho thấy sự ổn định trong công việc – như mức lương hưu hấp dẫn và bảo hiểm y tế tốt – vẫn có sức hút rất lớn đối với những cử nhân mới ra trường. Cho đến thập niên 1990, công việc trong các cơ quan nhà nước Trung Quốc vẫn được mô tả là thoải mái và dễ dàng, nơi các viên chức chỉ “uống trà, hút thuốc, đọc báo cho hết ngày”.

Khi nền kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn bùng nổ và tăng trưởng mạnh mẽ trong thập niên 2000, công việc nhà nước nhẹ nhàng dường như bị đảo lộn. Giới công chức ngập trong vô số các cuộc gặp mặt, tiếp khách và xử lý cả rừng tài liệu. Nhưng sức ép gia tăng lại nhận được “hồi báo” đáng kể, bởi các quan chức thu về những khoản hối lộ không thể đong đếm và sống xa hoa thông qua việc tiếp tay cho giới doanh nghiệp trong các hoạt động mờ ám.

Trong thời kỳ đỉnh cao “huy hoàng” đó, không khó để bắt gặp những quan chức ở khắp các địa phương Trung Quốc tham gia 2-3 buổi tiệc chiêu đãi mỗi ngày để xúc tiến những thương vụ làm ăn béo bở, cũng như để mua vui.

Các nỗ lực chống tham nhũng của cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào không thu được nhiều kết quả, thậm chí tình trạng tham nhũng lan rộng cả trong đảng, chính quyền và quân đội nước này trong suốt thập niên 2000.

Chiến dịch “đả hổ” của ông Tập đã ngăn chặn một cách hiệu quả con đường hưởng thụ xa hoa, còn các quan chức chính phủ dần bị đẩy trở lại với “núi giấy tờ và họp hành”. Giống như con nghiện bị đói thuốc, nhiều quan chức gặp phải những triệu chứng nghiêm trọng trong khi “cai nghiện”. Bên cạnh đó, không ít người mắc sai phạm trong quá trình công tác lo sợ sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của cơ quan chống tham nhũng.

Không khó hình dung tại sao có nhiều quan chức đến vậy trở nên trầm cảm và đi đến những biện pháp cực đoan – SCMP kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới