Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS) đã ra phán quyết cho vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Cho đến nay, Phán quyết đã có những tác động nhất định đến quyền lịch sử và hoạt động đánh bắt cá trong khu vực, nhất là đối với hoạt động đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc.
Phán quyết của Tòa trọng tài đã phủ nhận yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên thiên nhiên, đưa ra giải thích về quy chế đảo và đá và các vấn đề liên quan tới bãi nửa nổi nửa chìm và các quyền đánh bắt cá truyền thống của Philippines và Trung Quốc trong khu vực này. Bằng việc đưa ra những giải thích chặt chẽ, phán quyết đã giải thích phần lớn các khía cạnh của quyền lịch sử, chỉ ra rằng các quốc gia thành viên đã từ bỏ các quyền lịch sử khi họ phê chuẩn UNCLOS. Nhiều khía cạnh của quyền lịch sử có thể bao gồm các quyền đánh bắt cá, quyền đối với tài nguyên thiên nhiên, quyền qua lại và quyền đối với chủ quyền hạn chế… Tòa Trọng tài khẳng định các tranh cãi về quyền lịch sử không thể thắng thế các nghĩa vụ phát sinh từ UNCLOS. Hơn thế nữa, phán quyết cũng chỉ ra rằng các lập luận của Trung Quốc về quyền lịch sử chỉ bổ trợ cho các lập luận trên cơ sở luật quốc tế theo đó, các lập luận về quyền lịch sử và các lập luận tương tự như vậy chỉ là nguồn phụ bổ trợ cho các lý lẽ pháp lý trong hệ thống pháp lý của luật quốc tế.
Việc Tòa đưa giải thích hẹp về các “quyền lịch sử”, thông qua loại trừ các quyền đánh bắt cá đã thách thức yêu sách chủ quyền biển của Trung Quốc, yêu sách mà dường như coi thực tiễn đánh bắt cá là chứng cứ quan trọng cho thấy sự quản lý trong thời gian liên tiếp ở khu vực biển tranh chấp. Do vậy, các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị phản đối trực diện bằng các phản đối dành cho các luận điểm dựa trên các hoạt động đánh bắt cá liên tục theo thời gian của các ngư dân Trung Quốc trong vùng Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản đối thẩm quyền của Tòa trọng tài, từ chối hiệu lực của phán quyết. Trong tuyên bố ngày 12/7/2016 khi Phán quyết được công bố, Trung Quốc tiếp tục đưa ra các luận điểm ủng hộ các quyền lịch sử, được quốc gia này có ý đồ đưa vào ngay sau phần các tranh luận pháp lý dựa trên luật biển quốc tế. Giới quan sát cho rằng cần phải xem liệu đây có phải là thủ đoạn mang tính chiến lược của Trung Quốc trong luận điểm của nước này khi ưu tiên áp dụng các quyền và nghĩa vụ trong UNCLOS và luật quốc tế cho các luận điểm về các quyền lịch sử hay không.
Tuy nhiên, một điểm không thể bỏ qua đó là các quyền đánh bắt cá đang mất đi chức năng chứng minh chủ quyền và củng cố các yêu sách của các quốc gia. Hoạt động đánh bắt cá, một hoạt động then chốt trong việc phát triển tài nguyên hải sản, được coi như bằng chứng của thực hiện chủ quyền đối nội, hoặc chủ quyền quản lý nội bộ của các quốc gia có yêu sách. Hoạt động đánh bắt cá cung cấp sinh kế cho các cộng đồng dân cư, là một hoạt động kinh tế quan trọng đem đến sự phát triển và thịnh vượng cho quốc gia.
Cần phải lưu ý rằng, các thực tiễn liên quan tới hoạt động đánh bắt cá và nghĩa cơ bản của khái niệm đánh bắt cá có thể đã chuyển đổi bởi những thay đổi của hoàn cảnh. Không giống như cách hiểu truyền thống và thực tiễn hoạt động đánh bắt cá trong kỷ nguyên cận đại, các hoạt động đánh bắt cá ngày nay liên quan tới sự cân bằng giữa các hoạt động khai thác và bảo tồn. Bảo tồn các nguồn cá và môi trường biển cũng quan trọng như việc duy trì các hoạt động khai thác truyền thống. Hơn thế nữa, đánh bắt cá cũng được coi như là một yếu tố quan trọng đối với sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, là một khía cạnh khác của chủ quyền đối nội. Với sự phát triển của công nghệ, các tàu biển có đủ khả năng để đánh bắt cá xa bờ, có xu hướng vượt qua các biên giới và vào vùng biển tranh chấp. Đánh bắt cá do vậy trở thành một vấn đề toàn cầu hóa, đòi hỏi cần có những sáng kiến quốc tế, hợp tác liên quốc gia và các hoạt động tập thể. Kiểm soát hữu hiệu và quản lý các hoạt động đánh bắt cá xuyên biên giới chỉ chó thể thực hiện được nhờ những sáng kiến hợp tác liên quốc gia và các hoạt động tập thể. Thực tế cho thấy có một mối quan hệ tương tác giữa các hoạt động phát triển tài nguyên, như đánh bắt cá, với các yêu sách chủ quyền biển của quốc gia.
Hiện nay, một xu hướng đáng lo ngại đó là sự khẳng định của ngư dân Trung Quốc về chủ nghĩa quốc gia và chủ quyền nhằm biện minh cho các hoạt động của họ trong vùng biển tranh chấp. Đây là những hoạt động mang nhiều nguy cơ, dẫn đền việc gia tăng cạnh tranh về các nguồn tài nguyên và làm suy giảm tài nguyên môi trường. Các tranh chấp nghề cá có thể làm dấy lên bạo lực và các xung đột về quân sự bao trùm toàn bộ khu vực. Hàng năm, Trung Quốc đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá áp dụng trên toàn Biển Đông kéo dài từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6, đây vốn là thời điểm biển êm dịu nhất và là mùa thu hoạch lớn nhất của ngư dân các nước. Những năm trở lại đây, khu vực Biển Đông thường xuyên xảy ra các vụ va chạm, đụng độ giữa tàu thuyền các nước mà chủ yếu là giữa tàu Trung Quốc với tàu các nước (Việt Nam, Philippines, Indonesia) và chủ yếu do tàu Trung Quốc gây ra. Đáng chú ý, tình trạng tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền, xuôi đuổi và tấn công tàu cá các nước diễ ra ngay trong khu vực EEZ và thềm lục địa của các nước. Tàu cá Việt Nam thường xuyên bị tàu Trung Quốc xuôi đuổi và tấn công khi đánh bắt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Vụ việc xảy ra hôm 30/7/2017 tại địa điểm cách Đông Nam đảo Cù Lao Xanh, Bình Định 145 hải lý, tàu Bình Định số hiệu 96101 TS bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm vào mạn phải rồi bỏ chạy, làm một ngư dân bị thương nhẹ, tàu hư hỏng nặng. Hôm 21/4/2018, hai tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 đã đâm chìm tàu cá QNg 90332 TS của Việt Nam ở vùng biển cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về phía Đông Nam. Ngày 24/5/2018, khi đang đánh bắt tại vùng biển cách đá Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về hướng Tây Nam, tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg 96798 TS của Việt Nam đã bị chìm sau khi va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 31102.
Philippines cũng là nước xảy ra nhiều vụ tàu cá của người dân bị tàu Trung Quốc đe dọa và tấn công trên biển. Tháng 6/2012, một ngư dân Philippines đã thiệt mạng và bốn người mất tích khi tàu của họ bị một tàu Trung Quốc đâm chìm ngoài khơi tỉnh Pangasina. Năm 2014, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã phun vòi rồng để xuôi đuổi tàu cá Phillippines tại Bãi cạn Scarborough. Tháng 2/2015, Chính quyền Philippines tiếp tục tố cáo tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đâm hỏng ba tàu cá Philippines tại khu vực Bãi cạn Scarborough của Philippines. Gần đây nhất (5/2018), một nhóm phóng viên của hãng tin GMA News đã dùng điện thoại quay lại toàn bộ vụ việc hai cảnh sát biển Trung Quốc lên một tàu cá Philippines và lấy cá mà ngư dân Philippines đánh bắt ở Bãi cạn Scarborough.
Đối với Indonesia, vài năm trở lại đây, tàu cá và tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên xâm phạm, xuôi đuổi và tấn công tàu cá và lực lượng chấp pháp của Indonesia tại quần đảo Natuna (khu vực EEZ của Indonesia). Trung Quốc cũng đòi hỏi có chủ quyền trong khu vực này theo “đường lưỡi bò”. Tháng 3/2016, lực lượng tuần duyên Indonesia đã bắt giữ tàu cá Kway Fey của Trung Quốc cùng 8 thuyền viên đánh bắt trái phép ở vùng biển Natuna. Tuy nhiên, khi lực lượng chấp pháp Indonesia đang lai dắt tàu cá này, một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã can thiệp, đe dọa và yêu cầu tàu Indonesia thả tàu Kway Fey trong vòng 30 phút. Phía Chính phủ Indonesia sau đó đã ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc.