Thursday, December 19, 2024
Trang chủBiển nóngNhững hoạt động bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển...

Những hoạt động bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

Trong số các bên liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam là nước có đầy đủ chứng cứ pháp lý và căn cứ lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Để bảo vệ chủ quyền, Việt Nam đã thực thi đa dạng, tổng hòa nhiều biện pháp thiết thực góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Chủ trương của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DOC), Luật Biển Việt Nam. Yêu cầu chiến lược của Việt Nam là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước; giữ quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước khác. Chủ trương cụ thể là: (1) Trong xử lý vấn đề Biển Đông, cần giữ vững độc lập, tự chủ, gắn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia với giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. (2) Tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; kiên định bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế, tăng cường thực hiện và bảo vệ kinh tế biển, nhất là hoạt động dầu khí và đánh bắt cá trong phạm vi 200 hải lý; bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. (3) Duy trì nguyên trạng Biển Đông; bảo vệ quyền đánh bắt cá chính đáng của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông. Việt Nam cũng chủ động, tích cực cùng các bên liên quan đàm phán tìm giải pháp cơ bản lâu dài mà các bên có thể chấp nhận được đối với các khu vực tranh chấp. (4) Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác Việt – Trung và các nước có liên quan, phấn đấu không để xảy ra xung đột quân sự ở Biển Đông.

Những hoạt động cụ thể nhằm bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông của Việt Nam

Về mặt chiến lược: Việt Nam đã ban hành chiến lược biển đến năm 2020: Chiến lược Biển Việt Nam thể hiện rõ quan điểm hợp tác quốc tế về biển, góp phần xây dựng vùng biển hòa bình, hợp tác, hữu nghị, cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Hợp tác quốc tế về biển phải nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, khai thác biển có hiệu quả và phát triển bền vững biển; trong đó chú ý bảo đảm an ninh chung và giải quyết những tranh chấp trên biển.

Về pháp lý: (1) Việt Nam đã xây dựng và trình Liên Hợp quốc báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa khu vực phía Bắc, đồng thời phối hợp với Malaysia xây dựng và trình Liên Hợp quốc báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa phía Nam. (2) Năm 2003, ban hành Luật Biên giới quốc gia. (3) Năm 2012, ban hành Luật Biển Việt Nam. Luật Biển Việt Nam nêu rõ quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và các hiệp định, thỏa thuận quốc tế khác mà Việt Nam tham gia. Nhà nước phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế biển. Mọi cơ quan, tổ chức và công dân có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển. Nhà nước khuyến khích và bảo hộ hoạt động của ngư dân trên các vùng biển; đầu tư bảo đảm hoạt động của các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển. Luật Biển Việt Nam cũng quy định chủ trương của Nhà nước Việt Nam giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước láng giềng bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó nêu nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể về biển và đại dương. Nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định khác so với các quy định của Luật thì áp dụng các quy định của các điều ước quốc tế đó. Luật Biển Việt Nam quy định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Hiện nay nước ta đã có đường cơ sở từ đảo Cồn Cỏ đến đảo Thổ Chu vận dụng theo phương pháp đường cơ sở thẳng mà Công ước Luật Biển năm 1982 quy định. Một số khu vực khác hiện nay chưa có đường cơ sở như Vịnh Bắc Bộ và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Luật Biển Việt Nam quy định tàu thuyền của các nước được đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Tàu quân sự nước ngoài thông báo trước khi thực hiện quyền này. Luật cũng quy định quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không, quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cũng như quyền lắp đặt dây cáp, ống dẫn ngầm trên thềm lục địa Việt Nam. Các quyền này được thực hiện theo đúng các quy định của UNCLOS. Luật Biển Việt Nam quy định các lực lượng có thẩm quyền tuần tra, kiểm soát trên biển gồm các lực lượng của quân đội nhân dân, công an nhân dân và các lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành khác. Luật quy định các lực lượng này hoạt động theo nhiệm vụ được quy định cụ thể trong luật pháp Việt Nam và được trang bị cờ, sắc phục, phù hiệu có dấu hiệu đặc trưng. Khi cần thiết, các cơ quan có thẩm quyền sẽ huy động sự tham gia của các lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng bảo vệ của các cơ quan.

Về quản lý hành chính: Đã triển khai thành lập huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng; huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa; trong đó có thị trấn Trường Sa và 2 xã Song Tử Tây, Sinh Tồn; hiện có nhiều hộ gia đình sống; xây dựng nhà khách, nhà tưởng niệm Bác Hồ, dựng tượng Quốc công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, xây dựng chùa…; triển khai một số dự án quan trọng như nuôi trồng hải sản, chương trình năng lượng sạch và hệ thống chiếu sáng ở các đảo trên huyện đảo Trường Sa; đã phủ sóng truyền hình, đài phát thanh, điện thoại di động lên toàn bộ biển Đông. Nhiều đoàn trong cả nước thường xuyên ra thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sinh sống, làm việc trên quần đảo Trường Sa.

Về kinh tế: Việt Nam tập trung đầu tư nguồn lực thích đáng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, có thế mạnh ở các vùng ven biển, trên các đảo và quần đảo như: Khai thác, chế biến dầu khí; hệ thống cảng và dịch vụ vận tải biển; khai thác, chế biến hải sản, du lịch… Trong đó, ưu tiên xây dựng các trung tâm dịch vụ, thành lập các tập đoàn kinh tế mạnh có đủ khả năng vươn xa, kết hợp phát triển kinh tế với làm chủ biển, đảo; tập trung nguồn vốn, khoa học, công nghệ, nguồn lao động để khai thác có hiệu quả các tiềm năng của biển; ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh trên khu vực quần đảo Trường Sa và các đảo lớn xa bờ, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tốc độ sản xuất của nhân dân đang sinh sống trên các đảo và quần đảo. Hiện nay, các hoạt động về thăm dò, khai thác dầu khí của chúng ta đã và đang diễn ra bình thường, chúng ta đang tiếp tục duy trì hợp tác với các tập đoàn dầu khí lớn của Nga, Mỹ, Canada, Australia, Ấn độ, Nhật, Hàn Quốc trên vùng đặc quyền 200 hải lý và thềm lục địa… Các ngành chức năng và các địa phương cũng đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ đối với ngư dân khai thác trên biển. Ngư dân ta tiếp tục đánh bắt hải sản ở khu vực đảo Hoàng Sa, Trường Sa; sản lượng khai thác của khối tàu cá xa bờ chiếm 40% tổng sản lượng khai thác hải sản của cả nước.

Về quốc phòng, an ninh: Thành lập lực lượng Cảnh sát Biển, Vùng II Hải quân… Hải quân, không quân thường xuyên được nâng cao năng lực phòng thủ và tăng cường hoạt động tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Các lực lượng tuần tra, kiểm soát của bộ đội biên phòng, cảnh sát biển thường xuyên triển khai các công việc để quản lý các hoạt động trên biển, xua đuổi, xử lý hành chính các vụ việc tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển của Việt Nam. Trong đó xây dựng lực lượng kiểm ngư đủ mạnh để bảo vệ việc khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân trên biển, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển; đồng thời kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn các hành động khai thác hải sản trái phép của nước ngoài trên vùng biển của Việt Nam.

Về ngoại giao: Việt Nam kiên trì đấu tranh có lý, có tình ở các cấp khác nhau, song phương và đa phương, qua cả kênh chính thức và không chính thức; kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh dư luận và vận động quốc tế. Chúng ta đã chủ động vận động qua nhiều kênh, nhiều cấp khác nhau, kể cả cấp cao, làm rõ lập trường đúng đắn của chúng ta; phê phán yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc, ủng hộ thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DOC: Declaration on Conduct of the Parties in the East Sea), tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC: Code of Conduct for the East Sea) nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông… Tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng Quốc tế, tạo thêm sức mạnh cho Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Về công tác tuyên truyền chủ quyền biển đảo:

Công tác tuyên truyền biển, đảo của Việt Nam được tiến hành đồng bộ, nhất quán, có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các địa phương; có sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương tới cơ sở về nội dung và phương pháp tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền phải đa dạng và phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế, lồng ghép chặt chẽ giữa các hoạt động đối ngoại, chính trị, kinh tế, quân sự, quốc phòng… Qua đó, nhân dân Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế hiểu và nắm vững các vùng, khu vực thuộc chủ quyền lịch sử lâu đời của Việt Nam cũng như chủ quyền biển Việt Nam được xác lập trên cơ sở các điều khoản quy định trong UNCLOS. Tuyên truyền về các điều khoản và nghĩa vụ cần phải chấp hành các quy định của luật pháp Việt Nam khi hoạt động hoặc tham gia giao thông trong phạm vi lãnh hải, các vùng nội thuỷ, vùng đảo, quần đảo và khu vực đặc quyền kinh tế trên biển Việt Nam; về các quan điểm chủ đạo và nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thực thi quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo, quần đảo và các khu vực đặc quyền kinh tế biển. Đặc biệt, chú trọng nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, nhất là các cấp, ngành ở địa phương ven biển, nhận thức rõ tính chất phức tạp của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế; khẳng định, củng cố niềm tin cho nhân dân cả nước, cộng đồng quốc tế về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Qua đó phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh trong và ngoài nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Một số tồn tại, khó khăn: Trong quá trình thực hiện còn một số hạn chế: (1) Nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ; vẫn còn có những quan niệm khác nhau về kinh tế biển; chưa coi trọng tính liên kết giữa các mảng không gian kinh tế biển và các vùng kinh tế biển-ven biển-đảo. (2) Quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế; Công tác quy hoạch không gian biển, cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ nên hiệu quả sử dụng thấp, chưa góp phần tạo ra liên kết vùng trong phát triển: giữa các cảng biển, thiếu hệ thống đường bộ cao tốc chạy dọc ven biển để nối liền các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp và sân bay ven biển nhỏ bé thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn. (3) Hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học – công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… ở ven biển còn nhỏ bé, trang bị thô sơ, năng lực yếu kém; phân tán, nhiệm vụ chồng chéo và chỉ tập trung ở các thành phố lớn, chưa thực hiện đúng yêu cầu của chiến lược là cần thành lập ở các tỉnh/thành phố ven biển. Các hoạt động nghiên cứu biển chất lượng còn yếu, tập trung chủ yếu ở vùng ven biển và biển ven bờ, đặc biệt chưa chú ý nghiên cứu và chuyển giao công nghệ biển tiên tiến, hiện đại trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0. Nguồn nhân lực biển chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội vùng biển và ven biển, đặc biệt chưa chuẩn bị nguồn lực và trình độ công nghệ để sớm vươn ra đại đương – nơi quốc gia có biển và không có biển đều có quyền ra khai thác. (4) Tình hình khai thác, sử dụng biển và đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, thiếu/không tuân thủ quy hoạch biển, đảo, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích và xung đột không gian trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển, biển, đảo, gây lãng phí lớn tài nguyên biển. Phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu. Còn nghiêng về ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo, các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng, như: giá trị vị thế của các mảng không gian biển, ven biển và đảo; giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái; thậm chí các giá trị văn hóa biển. (5) Thiếu các luật cơ bản về biển để thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo. Điều này dẫn đến sự chồng chéo về quản lý giữa khoảng 15 bộ ngành về biển; chính sách và pháp luật về quản lý biển thiếu đồng bộ; trong các luật hiện có không ít điểm chồng chéo, hiệu lực thi hành thấp. (6) Công tác quốc phòng, an ninh trên biển còn có mặt hạn chế. Khả năng phối hợp giữa các lực lượng để tạo sức mạnh tổng hợp, tạo thế trận liên hoàn trên biển để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia trên Biển Đông; để quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển cần tiếp tục tăng cường một cách hiệu quả. (7) Đời sống của người dân ven biển và trên đảo, người lao động trên biển còn khó khăn.

Một số cơ quan quản lý biển đảo của Việt Nam

Việt Nam có khoảng 13 bộ, ngành cùng tham gia bảo vệ, quản lý biển đảo, cụ thể: (1) Cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp và thuỷ sản- Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ, thực hiên chức năng quản lý Nhà nước các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy  sản, thủy lợi tại các vùng biển, ven biển và hải đảo. (2) Cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản và dầu khí – Bộ tài nguyên và Môi trường, quản lý Nhà nước về khoảng sản; Bộ Công thương, quản lý Nhà nước về công nghiệp và thương mại lĩnh vực dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản; Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về vật liệu xây dựng. (3) Cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải biển: Bộ giao thông vận tải là cơ quan quản lý về giao thông vận tải, trong đó giao thông vận tải biển; gồm có Cục Hàng hải Việt Nam, Cục đường thuỷ nội địa, Cục hàng không Việt Nam, Cục đăng kiểm. (4) Cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch biển. (5) Cơ quan quản lý Nhà nước về ngoại giao và biên giới lãnh thổ quốc gia, không phân cấp cho chính quyền địa phương. Chức năng quản lý Nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia bao gồm: xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược chính sách về biên giới quốc gia trên biển, phân định cắm mốc, quản lý mốc biên giới, đàm phán ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến biên giới lãnh thổ quốc gia trên biển. (6) Cơ quan quản lý Nhà nước về quốc phòng trên biển – Bộ quốc phòng có mối quan hệ mật thiết với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Các lực lượng của Bộ quốc phòng luôn đóng vai trò nòng cốt trong thực thi pháp luật và phong thủ trên trên khu vực biên giới biển, đảo. Các đơn vị của Bộ quốc phòng có nhiệm vụ quan trọng liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng trên biển, bao gồm: điều hành chung các hoạt động tác chiến, trong đó các lực lượng chiến đấu trực tiếp là các đơn vị hải quân, quản lý vùng trời, hoạt động biên phòng, cảnh sát biển, tìm kiếm, cứu nạn… (7) Cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh vùng biển, ven biển – Bộ Công an là cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi cả nước…

Một số thành tựu khả quan trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông

Mặc dù tình hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp, nhưng công tác biển, đảo của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện: (1) Khẳng định rõ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển; giữ vững các vùng biển, đảo do Việt Nam quản lý; duy trì được hòa bình và ổn định ở Biển Đông. (2) Các hoạt động kinh tế, đặc biệt là dầu khí và nghề cá trên Biển Đông vẫn được triển khai thường xuyên; lợi ích quốc gia được giữ vững. (3) Giữ được cục diện quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc và các nước liên quan. (4) Việt Nam đã tuyên truyền để dư luận quốc tế ngày càng hiểu rõ hơn lập trường đúng đắn, chính nghĩa của Việt Nam trên Biển Đông; hiểu rõ tính phi lý trong yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. (5) Cơ bản tạo được sự đồng thuận trong xã hội, đa số cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, mọi người nhận thức rõ giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông là lâu dài và hết sức khó khăn, gian khổ, cần kiên trì, bền bỉ, không nóng vội; cần phối hợp đồng bộ, tổng hợp, nhiều kênh, nhiều biện pháp, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Phấn đấu bằng mọi cách xử lý vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tạo môi trường ổn định để phát triển đất nước. Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, giữ vững nguyên tắc, đồng thời linh hoạt, khôn khéo, xem xét vấn đề một cách khách quan, cố gắng cùng tìm giải pháp các bên có thể chấp nhận được. (6) Việt Nam đã phát triển lực lượng an ninh, quốc phòng đủ khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích của đất nước ở Biển Đông. Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; thực hiện chiến lược toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành trung ương và các địa phương; tăng cường công tác nghiên cứu dự báo, kịp thời đánh giá và đề xuất các biện pháp xử lý tình hình và diễn biến phức tạp ở Biển Đông, không để bị động, bất ngờ xảy ra. (7) Hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Đa phần cộng đồng quốc tế đã hiểu rõ bản chất tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và ủng hộ chủ trương, lập trường cũng như chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Để bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên Biển Đông, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các biện pháp:

Một là, định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội: Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển, phát triển khoa học – công nghệ biển; xây dựng kết cấu hạ tầng biển gắn với phát triển mạnh các ngành dịch vụ, phát triển giao thông biển…

Hai là, đến năm 2020, phát triển thành công có bước đi đột phá về kinh tế biển, ven biển, như: khai thác chế biến dầu khí; kinh tế hàng hải; khai thác và chế biến hải sản; du lịch biển và kinh tế hải đảo; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và các khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển…

Ba là, định hướng chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Nhiệm vụ cơ bản lâu dài là bảo vệ, quản lý vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trong các vùng biển, thềm lục địa, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền Việt Nam. Nhiệm vụ trước mắt là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lợi ích quốc gia trên các vùng biển, đảo, duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển: Phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, đảo Tổ quốc; Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ vùng biển, đảo Tổ quốc; Phát triển kinh tế biển phải gắn liền với quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; Xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên thiên nhiên biển; Sớm xây dựng chính sách đặc biệt để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biên của Tổ quốc…

Ngoài những định hướng chủ yếu nêu trên, Việt Nam cũng cần phát triển khoa học công nghệ biển; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; xây dựng kết cấu hạ tầng; chiến lược phát triển các khu vực biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới