Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngTQ - Philippines tổ chức đối thoại lần 3 về Biển Đông

TQ – Philippines tổ chức đối thoại lần 3 về Biển Đông

Ngày 18/10/2018, Trung Quốc và Philippines đã tổ chức cuộc họp lần thứ 3 Cơ chế tham vấn song phương giữa hai nước (BCM). Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo dẫn đầu hai đoàn gồm đại diện các đơn vị quốc phòng, tài nguyên và môi trường, nghề cá, giao thông, năng lượng, cảnh sát biển của hai bên tham dự BCM. Tại cuộc họp lần này, hai bên đã trao đổi về tình hình hiện nay và các mối lo ngại ở Biển Đông cũng như thảo luận về vấn đề hợp tác biển, trong đó có khai thác chung dầu, khí.

Trung Quốc -Philippines lần đầu họp về cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông

Quan hệ hai nước trước khi diễn ra vòng đối thoại thứ 3

Philippines đang điều chỉnh quan hệ theo hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc

Chính quyền của Tổng thống Philippines Duterte đang bị phe đối lập và người dân trong nước chỉ trích vì hành động thiếu cương quyết trước Trung Quốc ở Biển Đông. Theo cuộc khảo sát được tiến hành hồi cuối tháng 6 bởi tổ chức nghiên cứu xã hội Social Weather Stations (Philippines) có sự tham gia của 1.200 người, gần 90% người tham gia nói rằng họ muốn Philippines khẳng định các tuyên bố chống lại Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi đó, nhiều quan chức Philippines cũng không hài lòng về chủ trương, chính sách của ông Duterte trong quan hệ với Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros nhận định đề xuất hợp tác khai thác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông là “phi lý và nguy hiểm” bởi nó đi ngược lại chiến thắng lịch sử của Philippines trong vụ kiện Trọng tài ở Biển Đông và làm từ bỏ chủ quyền của Philippines ở khu vực này. Bà Risa Hontiveros cho rằng Phán quyết của Toà Trọng tài ngày 12/7/2016 đã khẳng định rất rõ ràng rằng Philippines có quyền chủ quyền trong việc tiếp cận các mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi, bao gồm cả Bãi Cỏ Rong, trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, do đó Manila không thể chia sẻ quyền sở hữu ở Biển Đông với Trung Quốc; đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao Philippines cần xem xét rút lại dự án thăm dò chung với Trung Quốc và tập trung vào việc thực thi Phán quyết của Toà Trọng tài. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario (16/7) khẳng định các cuộc thảo luận song phương với Trung Quốc về việc giải quyết tranh chấp giữa hai bên sẽ không bao giờ có kết quả, thay vào đó cần tìm đến một cơ chế đa phương khác.

Chính quyền Tổng thống Duterte đang áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong lĩnh vực hàng hải. Vào tháng 5, Manila đưa ra “3 lằn ranh đỏ” cảnh báo Bắc Kinh nếu đơn phương thăm dò dầu khí ở vùng biển Philippines, cải tạo bãi cạn Scarborough và bất kỳ hoạt động nào chống lại quân đội Philippines ở Biển Đông. Vào tháng 8, ông Duterte công khai lên tiếng phản đối Trung Quốc, đồng thời nhắc lại rằng hành lang hàng hải được bảo đảm theo luật pháp quốc tế và quân đội Philippines không cần bất kỳ ai cho phép đi lại ngoài vùng biển quốc tế. Một tuần sau, ông Duterte đe dọa sẽ “chiến tranh với Trung Quốc” nếu họ đơn phương khai thác ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Philippines đang cải thiện quan hệ với Mỹ. Trong một thông báo ngày 20/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết: “Quan chức hai nước Mỹ, Philippines đã thảo luận việc hợp tác nhằm giải quyết các thách thức an ninh khu vực, trong đó có hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố, cũng như các nỗ lực đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên”. Ngoài ra, trong cuộc gặp ở Thủ đô Washington (Mỹ), ông Pompeo cũng bày tỏ thiện chí của Washington trong việc ủng hộ hơn nữa công cuộc hiện đại hóa của các lực lượng vũ trang Philippines. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước. Vài ngày sau, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, đã có chuyến thăm Manila và ký một thỏa thuận song phương cho phép mở rộng các cuộc tập trận quân sự thường niên giữa Mỹ và Philippines từ 261 lên 281. Manila và Washington cũng thảo luận về kế hoạch mở rộng việc cho Mỹ tiếp cận các địa điểm quân sự của Philippines, đặc biệt là sân bay Bautista ở Palawan.

Điều quan trọng, Manila ngày càng thất vọng trước việc Bắc Kinh không giữ lời hứa về các khoản đầu tư lớn trước đó. Trung Quốc cam kết sẽ đầu tư và cung cấp những khoản hỗ trợ tài chính ưu đãi lên đế hàng chục tỉ USD cho mục tiêu phát tiển nền kinh tế Philippines. Song đến nay nguồn vốn này vẫn chưa đổ về Philippines, cũng như chưa có bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng lớn nào được khởi công. Ngoài ra, những khoản đầu tư của Trung Quốc còn quá ít so với đầu tư của các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản tại Philippines. Trong chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (01/2017), chính phủ Nhật Bản đã cung cấp ngay gói hỗ trợ, đầu tư trị giá 8,7 tỉ USD cho Philippines. Đáng chú ý, gần đây, Trung Quốc tuyên bố họ sẽ chặn các khoản đầu tư lớn vào Philippines sau các bất đồng về thỏa thuận phát triển đáy biển chung tại vùng lãnh hải đang tranh chấp.

Trung Quốc vần lấn lướt, đe nạt Philippines ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila

Trung Quốc đã lợi dụng nghiên cứu khoa học để đòi hỏi chủ quyền. Theo thỏa thuận đạt được giữa Chính phủ hai nước hôm 15/2/2018, từ ngày 24/1-25/2/2018, Trung Quốc đã công khai việc đưa tàu nghiên cứu khoa học tới khu vực Benham Rise để cùng với các nhà khoa học Philippines tiến hành các hoạt động nghiên cứu, khảo sát đại dương tại bãi cạn Scarborough, vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Dư luận chính giới, các nhà khoa học và người dân Philippines đã phản ứng mạnh mẽ, cho rằng Trung Quốc đang sử dụng danh nghĩa hợp tác nghiên cứu khoa học để xoa dịu quan ngại của các nước về các hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, thông qua hoạt động này để giành vai trò dẫn dắt trong “hợp tác cùng khai thác” theo chủ trương của Trung Quốc, đồng thời tìm cách củng cố các bằng chứng đòi hỏi “chủ quyền” tại các vùng biển tranh chấp. Và đúng như vậy, chính Trung Quốc đã sử dụng những kết quả khảo sát này để phục vụ cho yêu sách chủ quyền. Hội đồng Bản đồ và Khoáng sản quốc gia Philippines (26/2/2018) đã phải đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines kiến nghị Tổ chức Thủy văn quốc tế hủy các tên gọi do Trung Quốc đặt cho 05 cấu trúc trong rãnh Benham mà Trung Quốc có được thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát. Trong khi rãnh Benham là khu vực nằm hoàn toàn trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines.

Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ trang để dọa nạt Philippines trên biển. Theo Bộ Quốc phòng Philippines, một biên đội hỗn hợp của Trung Quốc gồm tàu Hải cảnh mang số hiệu 3368 và tàu Hải quân mang số hiệu 549 (11/5/2018) đã tìm cách ngăn cản và đe dọa tàu BRP Benguet của Hải quân Philippines đang tiếp tế cho lính đồn trú ở bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa. Tờ Phil Star sau đó (01/6/2018) dẫn thông tin từ Nghị sĩ Gary Alejano (đại diện của đảng Magdalo) cho biết quân đội Philippines đã gửi thông báo cho Bộ Ngoại giao về sự việc này để phản đối hành động của phía Trung Quốc. Ngày 11/6/2018, hãng tin AFP của Pháp cho biết người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque đã xác nhận việc Cảnh sát biển của Trung Quốc (5/2018) đã tiếp tục ngăn cản và tịch thu toàn bộ cá đánh bắt của ngư dân Philippines tại vùng biển Scarborough nằm trong EEZ của Philippines. Trước đó, truyền thông Philippines đồng loạt đưa tin ngày 20/5/2018, một nhóm phóng viên của GMA News đã dùng điện thoại quay lại toàn bộ vụ việc hai cảnh sát biển Trung Quốc lên một tàu cá Philippines và lấy cá mà ngư dân Philippines đánh bắt ở bãi cạn Scarborough. Theo lời ngư dân Philippines “ngay khi họ (cảnh sát biển Trung Quốc) thấy cá, họ sẽ lấy bất cứ con nào mà họ muốn rồi bỏ vào túi nhựa. Thậm chí, họ còn lấy những con ngon nhất”.

Điểm lại hai lần tham vấn giữa Trung Quốc và Philippines

Cuộc tham vấn lần đầu diễn ra tại Quý Châu (Trung Quốc) vào tháng 5/2015, do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago L. Sta. Romana chủ trì. Tại vòng tham vấn này, hai bên đã đánh giá, trao đổi quan điểm liên quan vấn đề Biển Đông, thảo luận khả năng hợp tác hàng hải và việc thiết lập các nhóm công tác kỹ thuật liên quan, nhất trí các vòng tham vấn tiếp theo sẽ diễn ra luân phiên ở Trung Quốc và Philippines, trong khoảng thời gian 6 tháng một lần. Đại sứ Santa Romana cho biết hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến Biển Đông song chưa đạt được thỏa thuận nào đáng kể. Trung Quốc và Philippines nhất trí sẽ tổ chức các phiên tham với tần suất 2 lần/năm nhằm “tạo cơ hội để trao đổi quan điểm” về Biển Đông.

Cuộc tham vấn thứ hai ở Manila vào tháng 2/2018, do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique A. Manalo là đồng chủ tọa. Tại vòng tham vấn, hai bên đã trao đổi các sáng kiến chung liên quan vấn đề Biển Đông và đạt được thỏa thuận về việc triệu tập các nhóm công tác kỹ thuật trong những lĩnh vực như ngư nghiệp, dầu khí, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển và an ninh chính trị. Giới truyền thông cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc và Philippines đã đồng ý thiết lập một ủy ban đặc biệt để tìm ra cách cùng thăm dò dầu khí ở Biển Đông mà không thiên vị tuyên bố chủ quyền của bên nào trong khu vực.

Sau hai vòng đàm phán, Trung Quốc và Philippines vẫn chưa đạt được kết quả khả quan. Tính đến thời điểm hiện tại, các vòng tham vấn mới chỉ mang tính chất trao đổi quan điểm của hai nước về vấn đề Biển Đông và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực như ngư nghiệp, dầu khí, bảo vệ môi trường và tăng cường lòng tin chính trị giữa hai nước. Có lẽ thành quả lớn nhất trong hai vòng đàm phán vừa qua là các công ty của Trung Quốc và Philippines đang trao đổi thỏa thuận thăm dò dầu khí tại lô 57 và lô 72 (nằm trong vùng tranh chấp ở Bãi Cỏ Rong – Reed Bank) của Philippines. Song những thỏa thuận trên cũng đang rơi vào thế bế tắc do tồn tại bất đồng giữa hai bên. Đáng chú ý, có một số ý kiến cho rằng kế hoạch thăm dò dầu khí chung của doanh nghiệp Philippines với công ty nhà nước Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tính pháp lý của phán quyết do Tòa Trọng tài. Từ đó, Trung Quốc sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của các tuyên bố kêu gọi tuân thủ, thực thi phán quyết của Tòa và phản đối những hành động đơn phương, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vòng đàm phán thứ 3 sẽ khiến Philippines xích lại gần Trung Quốc?

Chen Xiangmiao, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc (16/10) cho biết, ông hy vọng vòng tham vấn thứ 3 giữa Trung Quốc và Philippines sẽ có tiến triển cụ thể về vấn đề khai thác chung dầu, khí, bao gồm xác định các khu vực biển và xây dựng mô hình hợp tác. Hai bên cũng sẽ tiếp tục trao đổi về việc quản lý tranh chấp, cùng triển khai các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và các vấn đề cùng quan tâm khác. Ông Chen cho rằng nếu Trung Quốc và Philippines đạt được thỏa thuận về một vài lĩnh vực, điều này sẽ tạo cơ sở cho việc đàm phán với các nước thành viên ASEAN khác.

Xuất phát từ quan hệ giữa hai nước gần đây cho thấy, vòng tham vấn sắp tới chủ yếu vẫn là trao đổi, thảo luận quan điểm song phương liên quan vấn đề Biển Đông, gia tăng lòng tin chính trị giữa hai nước và có chăng, hai nước cũng sẽ tìm cách hợp tác chung trong một số vấn đề ít nhạy cảm như môi trường sinh thái, an ninh hàng hải, tuần tra chống khủng bố. Khả năng Trung Quốc và Philippines đạt được đồng thuận về việc hợp tác chung trong lĩnh vực dầu khí ở Biển Đông trong bối cảnh hiện nay là không cao.

Trung Quốc tìm cách thúc đẩy vòng tham vấn thứ 3 với Philippines cũng chỉ là biện pháp đánh bóng chủ trương, chính sách của Bắc Kinh liên quan vấn đề Biển Đông. Đối với Trung Quốc, việc thúc đẩy Cơ chế tham vấn song phương là nhằm tuyên truyền và tái khẳng định việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông nên được thực hiện thông qua đàm phán và tham vấn giữa các nước liên quan trực tiếp; thông qua tham vấn để phản bác và chỉ trích Mỹ và một số nước can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông, nhấn mạnh rằng Trung Quốc và ASEAN có thể “tự giải quyết ổn thỏa” các tranh chấp mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài; củng cố quan điểm rằng các tranh chấp Biển Đông chỉ liên quan đến Trung Quốc và một số nước ASEAN; từng bước phản bác quán quyết của Tòa trọng tài.

RELATED ARTICLES

Tin mới