Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) được xem là một trong những giá trị pháp lý quan trọng nhất của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trong đó công nhận quyền của các quốc gia ven biển đối với nguồn tài nguyên trong một vùng biển cụ thể. Tuy nhiên, EZZ đã và đang bị Trung Quốc lợi dụng trong các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
EZZ theo Luật Quốc tế và yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
EEZ theo quy định của UNCLOS
Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) với phạm vi tối đa là 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để đo chiều rộng lãnh hải, được xem là một trong những giá trị pháp lý quan trọng nhất của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trong đó công nhận quyền của các quốc gia ven biển đối với nguồn tài nguyên trong một diện tích khoảng 38 triệu hải lý vuông của đại dương. Quy chế pháp lý đặc thù của vùng EEZ là một sự thỏa hiệp giữa chủ quyền của quốc gia ven biển và quyền tự do cho tất cả các quốc gia khác. Đây không phải là vùng chủ quyền quốc gia mà là một vùng mang chức năng chủ quyền. Nó không phải là một phần lãnh hải hay biển cả và cũng không thể gộp chung với vùng biển nào khác. Quyền tài phán của quốc gia ven biển cũng như quyền và quyền tự do của các quốc gia khác được điều chỉnh bởi các điều khoản liên quan của Công ước. Khi thực thi các quyền và nghĩa vụ của mình trong vùng EEZ, các quốc gia ven biển có trách nhiệm quan tâm thích đáng đến quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác và ngược lại.
Theo Điều 56 của UNCLOS, trong vùng EEZ, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như đối với những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế trong vùng này. Ngoài ra, quốc gia ven biển còn có quyền tài phán trong việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình, trong nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và giữ gìn môi trường biển cũng như các quyền và nghĩa vụ khác do Công ước quy định. Đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình, quốc gia ven biển có đặc quyền và quyền tài phán, bao gồm thẩm quyền đối với các luật và quy định về hải quan, thuế, sức khỏe, an toàn và nhập cư. Khi cần thiết, quốc gia ven biển có thể thiết lập các vùng an toàn quanh các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình nhưng không vượt qua phạm vi 500 m.
Cần lưu ý rằng các điều khoản của UNCLOS liên quan đến biển cả từ Điều 88 đến Điều 116 và các quy tắc liên quan khác của luật quốc tế tiếp tục được áp dụng với EEZ chừng nào chúng không trái với Công ước. Tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không trên biển cả, quyền tự do lắp đặt cáp ngầm, ống dẫn và các việc sử dụng biển hợp pháp khác liên quan đến các quyền trên, như việc vận hành tàu thuyền, máy bay, các tuyến cáp ngầm và ống dẫn trên cơ sở phù hợp với các điều khoản khác của Công ước. Các quốc gia ven biển có 2 loại quyền trong vùng EEZ,bao gồm: quyền chủ quyền liên quan trực tiếp đến tài nguyên và các quyền tài phán liên quan mật thiết đến việc thăm dò, khai thác và bảo vệ tài nguyên. Vì vậy, sẽ không hợp pháp nếu quốc gia ven biển hạn chế các quyền tự do đi lại trong vùng này, trừ khi các quyền đấy cản trở quyền thăm dò, khai thác và bảo vệ tài nguyên của quốc gia ven biển. Cần thấy rằng luật lệ của một số quốc gia thành viên hiện nay không phù hợp với quyền tự do hàng hải của tàu bè nước khác trong vùng EEZ; ví dụ, nhiều quốc gia đòi mở rộng phạm vi áp dụng tất cả các loại nội luật ra tận giới hạn vùng EEZ.
Theo Điều 73 của Công ước, trong vùng EEZ, quốc gia ven biển có quyền tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo việc tuân thủ luật pháp và các quy định mà quốc gia thông qua trên cơ sở phù hợp với Công ước. Những biện pháp này có thể bao gồm lên tàu, điều tra, bắt giữ và tiến hành tố tụng. Nhờ đó, điều khoản này cho phép quốc gia ven biển dừng và lục soát các tàu cá bị tình nghi vi phạm pháp luật nước mình về khai thác tài nguyên trong vùng EEZ. Dường như điều khoản này trao cho các quốc gia ven biển quyền yêu cầu các tàu cá nước ngoài tự nhận diện bản thân và giải thích ý định mỗi khi đi vào vùng EEZ, ngay cả khi tàu cá đấy chỉ quá cảnh để đến được ngư trường ngoài khơi. Công ước cũng trao cho quốc gia ven biển quyền lập pháp và thực thi pháp luật trong vùng EEZ để xử lý các hoạt động xả chất thải, các ô nhiễm do tàu bè gây ra và ô nhiễm từ các hoạt động tại đáy biển. Quyền hạn này dẫn đến câu hỏi là trong khi thực hiện chức năng của mình, quốc gia ven biển được phép can thiệp vào quyền tự do hàng hải đến mức độ nào? Trong trường hợp can thiệp thì nhiều khả năng sẽ xảy ra bất đồng trong việc vận chuyển các vật chất độc hại qua vùng EEZ. Dù sao đi nữa, Công ước không đưa ra bất cứ sự chỉ dẫn nào liên quan đến các hạn chế đối với quyền tự do hàng hải dựa trên tính chất hàng hóa của tàu bè.
Các hoạt động quân sự trong vùng EEZ tiếp tục là chủ đề tranh cãi trong thực tiễn quốc tế. Vấn đề căn bản nằm ở việc diễn giải các hoạt động quân sự có thuộc nhóm các quyền tự do hàng hải, tự do hàng không và các quyền sử dụng biển phù hợp với luật pháp quốc tế khác được quy định trong Công ước hay không? Một số quốc gia ven biển cho rằng các quốc gia khác không có quyền tiến hành các hoạt động quân sự trong hoặc trên bầu trời của vùng EEZ nếu không có sự đồng thuận của quốc gia ven biển và tìm cách áp đặt các giới hạn về hàng hải và hàng không đối với vùng EEZ điều không được các quốc gia khác chấp nhận. Quan điểm ngược lại, hiển nhiên đến từ các cường quốc biển, cho rằng quy chế của vùng EEZ không cho quốc gia ven biển quyền hạn chế các hoạt động truyền thống không liên quan đến tài nguyên và các hoạt động trên biển cả trong vùng này. Theo họ, các hoạt động trên biển cả đó bao gồm tập trận, các hoạt động bay, diễn tập quân sự, các hoạt động điện tử viễn thông và không gian, hoạt động tình báo và hải giám, thu thập dữ liệu biển, thí nghiệm và bắn thử vũ khí.
TQ lợi dụng quy định về EEZ để đưa ra các đòi hỏi chủ quyền phi lý
Các quy định về EEZ theo UNCLOS, luật pháp quốc tế và chứng cứ lịch sử vốn đang được các nước áp dụng, thực thi đã bị yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chà đạp, phá vỡ. Tháng 2/1948, bản đồ chính thức của Trung Quốc mang tên “Bản đồ khu vực hành chính của Trung Hoa dân quốc” ra đời. Trong đó đường chữ U có 11 đoạn đứt quãng bao quanh gần trọn Biển Đông. Tuy nhiên bản đồ này chỉ phát hành rất hạn chế ở Trung Quốc nên các nước châu Á không hề hay biết. Năm 1949, chính quyền Trung Hoa dân quốc bị đánh bại, phải chạy ra đảo Đài Loan, tấm bản đồ có đường chữ U (11 đoạn) rơi vào quên lãng. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời không hề bận tâm đến đường chữ U (11 đoạn). Ngày 4/12/1950, Đại diện chính phủ Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Chu Ân Lai tuyên bố đồng ý Bản tuyên ngôn Cai-rô được ký kết ngày 27/11/1943, trong đó 3 nước Anh, Mỹ và Trung Hoa (dân quốc) đã ký kết. Trong tuyên ngôn Cai-rô có đoạn liên quan đến lãnh thổ Trung Hoa như sau: “Nhật Bản phải bị loại ra khỏi tất cả các đảo đã cướp hoặc chiếm đóng từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914 và tất cả những lãnh thổ Nhật đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa”. Cũng cần nhắc lại thêm, thời điểm ký Tuyên ngôn Cai-rô năm 1943 thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị Nhật Bản chiếm đóng. Như vậy, Hoàng Sa và Hoàng Sa không liên quan gì đến lãnh thổ của Trung Quốc bị Nhật chiếm giữ. Đại diện chính phủ Trung Quốc, Bộ trưởng Chu Ân Lai hoàn toàn tán thành Tuyên bố này. Tuy nhiên đến năm 1953, chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa xem xét và phê duyệt lại đường chữ U, từ 11 đoạn xuống còn 9 đoạn. Nhưng ranh giới của đường chữ U (9 đoạn) tham lam hơn, tiến sát Việt Nam, Malaysia và Philippines hơn. Theo cách lập luận của Trung Quốc thì với đường chữ U mới (9 đoạn), các nước Việt Nam, Philippines và Malaysia đã “chiếm” diện tích biển của Trung Quốc nhiều hơn. Cũng giống như Trung Hoa dân quốc, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa công bố bản đồ đường chữ U (9 đoạn) mà không hề giải thích cơ sở pháp lý, cơ sở địa lý hay công khai trên trường quốc tế. Họ chỉ gọi chung chung là “vùng nước lịch sử”, “lãnh thổ lịch sử”, ai muốn hiểu thế nào thì tùy. Ngày 6/5/2009, Việt Nam và Malaysia nộp báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng khu vực phía Nam Biển Đông lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS). Ngay ngày hôm sau, 7/5/2009, Trung Quốc gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ phản đối, trong đó đính kèm bản đồ đường chữ U, tức đường 9 đoạn chiếm gần 80% diện tích Biển Đông. Sau khi kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam (25/6/2014), báo chí Trung Quốc lại công bố “bản đồ dọc” có đường chữ U, lần này là 10 đoạn, khiến dư luận khắp thế giới phản đối, chỉ trích và lên án.
Lợi dụng các điều khoản của UNCLOS quy định vùng lãnh hải, khu vực tiếp giáp và EEZ, Trung Quốc đã cố gắng diễn giải các điều khoản này bằng cách tuyên bố chủ quyền tùy tiện đối với các khu vực trên biển thông qua các đường cơ sở chặt chẽ quá mức, các đường cơ sở trái pháp luật quanh quần đảo và các quyền mơ hồ dựa trên các vùng nước lịch sử. Hay nói cách khác, Trung Quốc tìm cách chia tách các vùng biển cho quá trình phát triển kinh tế của riêng mình và tạo ra các khu vực phi quân sự hóa trên thực tế ở giữa Biển Đông cho các mục đích quân sự. Tuyên bố “đường 9 đoạn” gây tranh cãi của Trung Quốc chính là ví dụ điển hình cho một khu vực trên biển phi lý chủ yếu dựa trên các quyền đối với vùng nước lịch sử. Lý thuyết về quyền lịch sử liên quan tới một số ít tình huống, bao gồm điều chỉnh ranh giới trên biển dựa trên các thông lệ đánh bắt cá trong lịch sử, thiết lập một quốc gia đảo và đi qua các eo biển. Không có nền tảng pháp lý cho một tuyên bố về các quyền lịch sử đối với một EEZ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn khẳng định rằng Trung Quốc có bằng chứng mạnh mẽ để hỗ trợ các tuyên bố về quyền lịch sử của mình tại Biển Đông, nhưng lại cung cấp rất ít bằng chứng và những bằng chứng ít ỏi nước này cung cấp lại thiếu sự nhất quán và chính xác về lịch sử và địa lý. Hơn nữa, bằng chứng lịch sử được cung cấp bằng tài liệu cho thấy các vùng biển trong khu vực đã là các ngư trường và tuyến đường thương mại chung cho nhiều dân tộc trong khu vực, chứ không chỉ riêng người Trung Quốc.
TQ lợi dụng quy định về quy chế đảo để đòi lãnh hải và EEZ
Theo Điều 121 của UNCLOS, để trở thành một hòn đảo, một cấu trúc phải là một vùng đất được hình thành tự nhiên, được bao quanh bởi biển và nằm cao hơn mực nước khi thủy triều lên. Ngoài ra, một hòn đảo phải duy trì được sự cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế của riêng nó, nếu không cấu trúc chỉ được coi là đá chứ không phải đảo. Điểm quan trọng nằm ở chỗ một hòn đảo có quyền hưởng cả lãnh hải và EEZ, nhưng một đá chỉ được hưởng lãnh hải, một sự khác biệt đáng kể về diện tích bề mặt (400 dặm vuông so với 120.000 dặm vuông). Tuy vậy, bất chấp UNCLOS rằng một cấu trúc nằm dưới mực nước biển hoặc một cấu trúc nửa chìm nửa nổi không thể được biến thành một hòn đảo có quyền hưởng các khu vực trên biển, Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng nhiều cấu trúc địa hình của nước này là các đảo và tạo sự đã rồi trên thực địa để biến chúng thành các đảo, như trường hợp của nhiều phần đất mới nhô lên và các cải tạo hiện nay tại quần đảo Trường Sa. Tiêu chuẩn quốc tế cho quyền chủ quyền đối với các cấu trúc địa hình này đòi hỏi một quốc gia thể hiện sự chiếm đóng hiệu quả hay sự cai quản và kiểm soát liên tục. Các hành động của Trung Quốc cho tới nay đều hướng tới việc đáp ứng tiêu chuẩn này, và khi nước này có thể tiếp tục các hành động đó càng lâu, lập luận pháp lý cho chủ quyền của Trung Quốc càng trở nên mạnh hơn. Nói cách khác, lợi ích tốt nhất của Bắc Kinh nằm ở việc duy trì và kéo dài nguyên trạng đối với các cấu trúc nước này tuyên bố chủ quyền và kiểm soát. Các nỗ lực cải tạo đất đang diễn ra, sự chiếm đóng liên tục và các cuộc tuần tra trên biển đều đặn đều được thiết kế để củng cố tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Chính sách hai mặt của TQ về hoạt động quân sự trong EEZ
Một mặt, Trung Quốc cho rằng theo UNCLOS, các hoạt động quân sự tại vùng biển quốc tế và EEZ là phi pháp và một đòi hỏi từ hiệp ước đó rằng vùng biển quốc tế chỉ được sử dụng cho các mục đích hòa bình. Trung Quốc nêu ra điều này để bao biện cho việc nước này có quyền xuôi đuổi, ngăn cản các nước tiến hành các hoạt động quân sự, hàng hải vốn dĩ trên các vùng biển quốc tế song đã được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò”. Mặc dù, ngôn từ trong UNCLOS chỉ đề cập tới vùng biển quốc tế, song các học giả Trung Quốc khẳng định rằng các hoạt động quân sự trong EEZ cũng là bất hợp pháp. Lập luận của họ là nếu UNCLOS đòi hỏi các nước chỉ sử dụng vùng biển quốc tế vì mục đích hòa bình, thì các hoạt động của nước ngoài tại một EEZ cũng phải mang tính hòa bình và vì thế mâu thuẫn với các hoạt động quân sự, mà đương nhiên không mang tính hòa bình. Trong khi đó, theo UNCLOS được các nước thừa nhận hoạt động quân sự là một hoạt động hợp pháp được công nhận trên vùng biển quốc tế và trong một EEZ theo luật pháp quốc tế thông thường. Các hoạt động quân sự được thực hiện theo việc áp dụng quyền tự do hàng hải, được đảm bảo theo Điều 58.
Mặt khác, Trung Quốc lại phân loại nhiệm vụ của tàu khảo sát quân sự là nghiên cứu khoa học biển chứ không phải hoạt động khảo sát quân sự. Cách diễn giải này cũng là một cách hiểu mở rộng về quyền lực của quốc gia ven biển trong một EEZ. Theo UNCLOS, các quốc gia có quyền chủ quyền và quyền điều chỉnh đối với các tài nguyên sống trên biển và hoạt động bảo vệ môi trường, khác biệt so với nghiên cứu khoa học biển. Trung Quốc diễn giải sự khác biệt này có nghĩa là mọi hoạt động còn lại và những hoạt động không phải là phát triển nguồn lực, hình thành nên một phần của nghiên cứu khoa học biển, để bao gồm hoạt động khảo sát quân sự. Kết quả của cách diễn giải hẹp này là để cho phép quốc gia ven biển điều chỉnh mọi hoạt động bên trong EEZ của nước này. Cách diễn giải của Trung Quốc đã bỏ qua Điều 58 của UNCLOS quy định về quản lý quyền và nghĩa vụ của các nước khác trong EEZ. Điều 58 nêu rõ rằng quyền tự do hàng hải, cũng như quyền tự do tham gia các hoạt động sử dụng biển phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan tới hoạt động bay qua cũng như đặt đường ống và cáp dưới biển, cũng có hiệu lực trong EEZ của một quốc gia ven biển. Vì vậy, tuy ngôn từ của điều khoản này không nhắc tới hoạt động quân sự, nhưng người ta có thể kết luận rằng hoạt động khảo sát quân sự là một trong số các quyền tự do liên quan tới các hoạt động được cho phép nêu trên.
Tính hai mặt trong tuyên bố và hành động của Trung Quốc còn thể hiện ở chỗ trong khi ra sức hăm dọa tàu chiến nước ngoài hoạt động gần khu vực kiểm soát của mình theo đòi hỏi EEZ, hải quân Trung Quốc lại gia tăng các hoạt động “không được chào đón” ở khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Năm 2017, tàu do thám Trung Quốc đi vào EEZ của Australia để theo dõi cuộc tập trận của hải quân nước này với Mỹ. Tàu do thám Trung Quốc còn đi vào vùng EEZ của Mỹ quanh quần đảo Aleutian, dường như nhằm theo dõi việc thử nghiệm Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Cũng trong năm ngoái, hải quân và không quân Trung Quốc còn diễn tập trong khu vực EEZ của Nhật Bản. Đầu năm 2018, Trung Quốc cũng triển khai một tàu do thám tới theo dõi cuộc diễn tập hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) ở ngoài khơi Hawaii, sau khi Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc để phản đối hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Mỹ và các đồng minh đều không phản đối sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc trong khu vực EEZ của mình, coi đây là hành động được cho phép theo luật quốc tế. Một số nước đã viện dẫn sự xuất hiện của tàu Trung Quốc trong EEZ nước ngoài để tiến hành chiến dịch tương tự trong khu vực EEZ của Trung Quốc.
Không chỉ đối với các hoạt động quân sự, TQ còn lấn sang các hoạt động dân sự nhằm chiếm đoạt EEZ của các nước. Trong lĩnh vực nghề cá, Trung Quốc thường sử dụng chiêu bài và cụm từ “ngư trường truyền thống” để bao biện cho các sai trái của tàu cá nước này trong vùng EEZ của nước khác. Trung Quốc cũng thường xuyên tuyên bố các vùng biển ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và Vùng biển phía Tây Philippines là các “ngư trường truyền thống” của mình và ngư dân cũng như tàu thuyền Trung Quốc có quyền hoạt động, xuôi đuổi tàu thuyền các nước khác. Tình trạng tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền, xuôi đuổi và tấn công tàu cá các nước diễn ra ngay trong khu vực EEZ và thềm lục địa của các nước. Chính phủ và người dân Indonesia đã phản ứng mạnh mẽ khi Trung Quốc tuyên bố nước này có chủ quyền đối với “ngư trường truyền thống” ở quần đảo Natuna của Indonesia, vì vốn không phải một bên trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông, những Indonesia đã bị kéo vào cuộc, sau khi Trung Quốc tuyên bố EEZ của Indonesia là một phần trong “ngư trường truyền thống” của Trung Quốc và tàu cá Trung Quốc được tự do đánh bắt trong khu vực này. Không những vậy, hàng năm Trung Quốc đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Đối với Philippines, nước đang thúc đẩy hợp tác song phương với Trung Quốc và từng nhận được nhiều cam kết từ phía Trung Quốc, song trên thực tế tàu thuyền Trung Quốc cũng thường xuyên vi phạm ngư trường và đe nạt ngư dân của Philippines ngay trong EEZ.
Không chỉ tập trung đánh bắt ở Biển Đông, tàu cá Trung Quốc còn vươn xa đến tận vùng biển châu Phi và châu Mỹ. Theo nghiên cứu của Tổ chức Giám sát đánh cá toàn cầu (Global Fishing Watch), hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc vươn xa nhất thế giới và có quy mô rầm rộ nhất. Tàu cá Trung Quốc đã hoạt động khoảng 17 triệu giờ trong năm 2016, tập trung tại khu vực Biển Đông, đồng thời vươn xa đến cả châu Phi và châu Mỹ. Còn theo báo cáo của tổ chức môi trường “Hòa bình Xanh” (Green peace) thì Trung Quốc hiện có khoảng 2.500 tàu đánh bắt ở vùng biển xa và luôn luôn không được chào đón. Tình trạng tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm tại vùng biển các nước ngày càng phổ biến và mức độ chống trả lực lượng chức năng các nước của tàu này cũng ngày càng quyết liệt, liều lĩnh và nguy hiểm.
TQ đồi đắp, mở rộng đảo nhân tạo để hưởng quy chế EEZ và lãnh hải
Năm 2014, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên tiến hành cải tạo với quy mô lớn các thực thể là bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do nước này cưỡng chiếm. Từ đó, Trung Quốc đã nhiều lần công khai về hoạt động bồi đắp, xây dựng, quân sự hóa ồ ạt tại các đảo nhân tạo trên 7 bãi đá, gồm bãi đá Su Bi, Châu Viên, Chữ Thập, Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma và Vành Khăn. Tại Đá Su Bi, vốn là rạn san hô vòng thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc đã xây dựng một đường băng 3.250m x 55m, dài nhất trong các đường băng hiện có tại khu vực Biển Đông có thể cất hạ cánh các máy bay vận tải hạng trung và máy bay chiến đấu. Hiện Trung Quốc vẫn đang thường xuyên duy trì các tàu công trình lớn hoạt động tại lòng hồ phía bên trong đảo; thời điểm nhiều nhất có tới hơn 10 chiếc tiếp tục hút và phun cát để bồi đắp, mở rộng thêm diện tích. Tại đá Chữ Thập, Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy giai đoạn kế tiếp của việc xây dựng các hạ tầng cần thiết cho các căn cứ hải quân và không quân lớn hơn. Từ đầu năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống rađa ở phía Bắc đá Chữ Thập. Ý định của Trung Quốc muốn biến thực thể nhân tạo này thành một tiền đồn lưỡng dụng phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự như đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa. Tổng diện tích các công trình xây dựng trên Chữ Thập lên tới hơn 110.000m2, bao gồm các nhà chứa máy bay dọc đường băng chính. Trên đá Vành Khăn, Trung Quốc xây dựng một đảo nhân tạo lớn với đầy đủ các công trình như đá Subi. Trung Quốc còn xây thêm hầm chứa đạn, nhà chứa máy bay, hầm trú tên lửa và rađa. Thâm chí, mới đây, Trung Quốc cũng không ngại thừa nhận đưa chiến đấu cơ J-11 ra Biển Đông và trình làng một tàu nạo vét biển hiện đại. Trên Huy Gơ, Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở hạ tầng, công trình trên diện tích cải tạo khoảng 9,5 ha bao gồm nhà kiên cố, rada hàng hải, các thiết bị thông tin liên lạc, quan sát, bệ pháo, tháp viễn thông thu phát sóng 4G, bãi đáp trực thăng, cầu cảng. Tại Hoàng Sa, các hình ảnh vệ tinh đều cho thấy Trung Quốc đã và đang tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự đồ sộ, quy mô trên Đảo Bắc, Đảo Cây và đảo Phú Lâm. Tại Đảo Bắc, Trung Quốc đã triển khai san ủi mặt đất và có thể chuẩn bị xây một cảng biển mà các nhà chuyên môn tin là nó được sử dụng để yểm trợ cho các cơ sở quân sự. Đáng chú ý nhất là tại đảo Phú Lâm, hoạt động bồi đắp, xây dựng quy mô của Trung Quốc đang dần biến đảo này trở thành tiền đồn do thám và thu thập thông tin tình báo phục vụ tham vọng mở rộng các căn cứ quân sự của nước này gần đảo Hải Nam.
Kết luận: Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS ở The Hague, Hà Lan đã ra tuyên bố Philippines thắng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cũng như Trung Quốc không có “quyền lịch sử” với các vùng biển ở Biển Đông. Điều này cũng đồng nghĩa những tuyên bố, đòi hỏi về EEZ nói riêng và những tuyên bố và hành động của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông từ trước đến nay nói chung đều không có giá trị, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đi ngược với xu thế phát triển, cũng như lợi ích chung của người dân các nước và cần phải bị lên án.