Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngLực lượng chấp pháp của Việt Nam trên Biển Đông: Đơn vị...

Lực lượng chấp pháp của Việt Nam trên Biển Đông: Đơn vị đầu sóng ngọn gió, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ 30 vĩ Bắc đến 260 vĩ Bắc và từ 1000 kinh Đông đến 1210 kinh Đông; là một trong những biển lớn nhất trên thế giới với 90% chu vi được bao bọc bởi đất liền. Có 9 nước tiếp giáp với Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và Đài Loan. Biển Đông đóng vai trò quan trọng là tuyến phòng thủ hướng đông của Việt Nam. Các đảo và quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại Biển Đông mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với Việt Nam.

Lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam

Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, là một phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ và sự quản lý, chỉ huy của Bộ Quốc phòng.

Quân chủng Hải quân là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; duy trì sự ổn định trên các vùng biển, đảo; giữ vững chủ quyền không để xảy ra xung đột, tạo điều kiện thuận lợi, yên tâm cho các lực lượng trên biển; phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng bảo vệ tốt việc thăm dò, khai thác dầu khí và các hoạt động kinh tế biển; tích cực, chủ động thực hiện tốt vai trò làm nòng cốt trong các hoạt động phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, nhất là trên các vùng biển xa; thực sự là chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho các hoạt động kinh tế biển.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam

Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân của Việt Nam, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ và sự quản lý chỉ huy của Bộ Quốc phòng. Bộ đội Biên phòng phụ trách bảo vệ an ninh, chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biên giới đất liền và trên biển. Căn cứ theo Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/3/1997, chức năng, nhiệm vụ chính của Bộ đội Biên phòng Việt Nam trên biển như sau: (1) Bộ đội Biên phòng trên biển hoạt động theo pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam và theo các điều ước quốc tế có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ tại các hải đảo, vùng biển mà nước CHXHCN Việt Nam ký kết tham gia; làm nòng cốt, chuyên trách quản lý bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ tại các hải đảo, vùng biển theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định và là một lực lượng thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ven biển. (2) Bộ đội Biên phòng trên biển có nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm phạm lãnh thổ, vượt biển, nhập cư trái phép, khai thác trộm tài nguyên và những hành vi khác xâm phạm đến chủ quyền, lợi ích quốc gia; gây hại đến môi trường trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; chủ trì phối hợp các ngành, địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ lãnh thổ tại các hải đảo, vùng biển Việt Nam. (3) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về biên giới quốc gia của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, các điều ước quốc tế có liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các hải đảo, vùng biển mà nước CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia. (4) Đấu tranh chống âm mưu và hành động của các thế lực thù địch, các lực lượng phản cách mạng, hải phỉ, các tội phạm khác xâm phạm lãnh thổ trên các hải đảo, vùng biển Việt Nam. (5) Phối hợp với các đơn vị khác của các lực lượng vũ trang nhân dân và dựa vào nhân dân xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ven biển vững mạnh; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống gây xung đột vũ trang và chiến tranh xâm lược. (6) Trực tiếp và phối hợp với các đơn vị khác của lực lượng vũ trang nhân dân, các ngành chức năng của Nhà nước đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất độc hại, ma tuý, văn hoá phẩm độc hại, hàng hoá cấm xuất khẩu nhập khẩu qua biên giới trên đất liền, các hải đảo, vùng biển theo quy định của pháp luật. (7) Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng cơ sở chính trị phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh trong thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở khu vực ven biển.

 Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam

Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam là một trong những lực lượng vũ trang nhân dân của nước CHXHCN Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ. Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam. Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam được quy định trong Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 03/2008/PL-UBTVQH12 ngày 26/01/2008như sau: (1) Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam. (2) Trên các vùng biển và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam, lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phòng, chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép và mua bán người, vận chuyển, mua bán trái phép hàng hoá, vũ khí, chất nổ, chất ma tuý, tiền chất và các hành vi vi phạm pháp luật khác. (3) Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên để góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, hòa bình và ổn định trên các vùng biển. (4) Thu thập tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời và thông báo cho cơ quan chức năng có liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên; tham gia tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục sự cố trên biển và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, tổ chức ứng phó sự cố môi trường biển. (5) Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân hoạt động trên biển; phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ tài sản của Nhà nước tính mạng, tài sản của người và phương tiện hoạt động hợp pháp trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam; phối hợp với các đơn vị khác của lực lượng vũ trang để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên các hải đảo, vùng biển thuộc lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam và quyền chủ quyền quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam.

Quyền hạn của Cảnh sát Biển Việt Nam được quy định tại Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 03/2008/PL-UBTVQH12 ngày 26/01/2008 năm như sau: (1) Khi phát hiện người và phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam có quyền kiềm tra, kiểm soát; nếu có hành vi vi phạm thì được xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, buộc người và phương tiện đó phải chấm dứt hành vi vi phạm, rời khỏi vùng nước đang hoạt động hoặc rời khỏi vùng biển Việt Nam; bắt, giữ người và phương tiện phạm pháp quả tang, lập biên bản xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. (2) Trong trường hợp người và phương tiện vi phạm pháp luật không chịu tuân theo hiệu lệnh, chống đối hoặc cố tình bỏ chạy thì lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam có quyền cưỡng chế, thực hiện quyền truy đuổi hoặc các quyền khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. (3) Trong tình thế cấp thiết phải đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn, ứng phó với sự cố môi trường nghiêm trọng thì lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam được quyền huy động người, phương tiện của cá nhân, tổ chức Việt Nam, nhưng phải hoàn trả ngay khi tình thế cấp thiết chấm dứt; trường hợp có thiệt hại về tài sản thì phải bồi thường. Người được huy động làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc bị chết thì được giải quyết theo chính sách của Nhà nước; trong trường hợp không có người, phương tiện của cá nhân, tổ chức Việt Nam để huy động hoặc đã huy động nhưng vẫn chưa giải quyết được tình thế cấp thiết, thì lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam có thể đề nghị người nước ngoài, phương tiện của cá nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam giúp đỡ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. (4) Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, người có thẩm quyền trong lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam được quyền trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức Việt Nam theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. (5) Khi thi hành nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam được nổ súng trong các trường hợp sau đây: Khi người vi phạm dùng vũ khí chống trả hoặc dùng biện pháp khác trực tiếp đe doạ tính mạng và an toàn phương tiện của Cảnh sát Biển Việt Nam; Khi truy đuổi người và phương tiện có hành vi vi phạm nghiêm trọng nếu không dùng vũ khí thì người và phương tiện đó có thể chạy thoát; Để bảo vệ công dân khi bị người khác trực tiếp đe dọa tính mạng.

Lực lượng kiểm ngư Việt Nam

Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm ngư gồm: (1) Tham mưu, đề xuất và tham gia xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật quy định về công tác kiểm ngư theo sự phân công, phân cấp. (2) Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật. (3) Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm pháp luật thủy sản của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam. (4) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản. (5) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về thủy sản; hướng dẫn ngư dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển thực hiện các quy định pháp luật về thủy sản. (6) Tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật. (7) Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về thủy sản theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. (8) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức có liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Kiểm ngư viên, công chức, viên chức và Thuyền viên tàu Kiểm ngư. (9) Thanh tra chuyên ngành và các nhiệm vụ khác được giao theo quy định của pháp luật.

Lập trường của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Song, Việt Nam đang phải đối mặt với những tranh chấp rất phức tạp về chủ quyền đối với các quần đảo này từ các quốc gia khác xung quanh Biển Đông. Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng hoàn toàn và tuyên bố chủ quyền đã phâm xạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam. Quần đảo Trường Sa bị tranh chấp chủ quyền và chiếm đóng của Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei. Riêng chỉ có Brunei đưa ra yêu sách chủ quyền đối với một số đảo nhưng không chiếm đóng. Những tranh chấp này là hết sức phức tạp được cộng đồng quốc tế quan tâm, hiện nay chế độ pháp lý của hai quần đảo chưa được xác định rõ.

Chính phủ Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền và quyền hợp pháp của mình đối với hai quần đảo. Việt Nam là nhà nước đầu tiên đã chiếm hữu thực sự và làm chủ hai quần đảo này từ thế kỷ XVII, từ đó đã liên tục thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo một cách hòa bình. Trong nhiều Tuyên bố và các đạo luật, Việt Nam luôn thể hiện quan điểm giải quyết các bất đồng trên biển thông qua thương lượng, sử dụng các công cụ luật pháp quốc tế, đồng thời, Việt Nam đã và đang có những hoạt động đối ngoại và những nhượng bộ nhất định để nhất quán quan điểm này.

Giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông là những vấn đề mang tính toàn cục. Giải quyết tranh chấp và xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong chính sách đối ngoại hoà bình, độc lập tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ của ta với các nước.

Chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hoà bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước Việt Nam – Trung Quốc (cửa Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa) thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến các bên khác (Trường Sa), liên quan đến tự do hàng hải thì cần có sự bàn bạc của các bên liên quan. Nếu các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải giải quyết bằng các phương thức khác như trung gian hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển và các tòa trọng tài. Trong khi chờ một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện DOC; nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Việt Nam hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước trong và ngoài khu vực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có những đóng góp xây dựng nhằm bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử đụng vũ lực, ủng hộ việc các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC và khuyến khích các bên xây dựng COC.

Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục khai thác và bảo vệ các lợi ích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, trong đó có các hoạt động của các công ty dầu khí. Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài có thực lực và kinh nghiệm tiến hành hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới