Wednesday, May 1, 2024
Trang chủBiển nóngTQ kéo nhà máy điện hạt nhân nổi tới Biển Đông: “Sức...

TQ kéo nhà máy điện hạt nhân nổi tới Biển Đông: “Sức mạnh thật sự” hay chỉ là “đòn gió”

Câu trả lời cho vấn đề này nằm ở toan tính khi Trung Quốc tiến hành kéo nhà máy điện hạt nhân nổi tới Biển Đông và tính khả thi khi thực hiện dự án này.

Mô hình một nhà máy điện hạt nhân nổi (Ảnh: Chinapower)

Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn và luôn mang trong mình tư tưởng Đại Hán. Dù là nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai và được xếp vào nhóm các nước cường quốc trên thế giới nhưng Trung Quốc lại không hề hùng mạnh như tên gọi và ước muốn của họ cho đến những năm đầu thế kỷ này. Giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thức sâu sắc được điều đó và luôn muốn Thế giới thay đổi cách nhìn đối với họ. Bằng chứng rõ ràng nhất cho tham vọng đó là sự phát triển vượt trội về kinh tế của Trung Quốc lên vị trí số 2 thế giới; tư tưởng “giấu mình chờ thời” dưới thời Đặng Tiểu Bình đã được rũ bỏ và thay vào đó là tư tưởng “hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa” dưới thời Tập Cận Bình; đặc biệt là việc gia tăng chi tiêu cho quốc phòng, trang thiết bị quân sự nhằm khẳng định vị thế của cường quốc quân sự của Trung Quốc.

Trong lịch sử thế giới, hầu hết các cường quốc khi trỗi dậy đều vươn ra biển, khiến việc xây dựng sức mạnh trên biển đã trở thành quy luật phát triển của các cường quốc. Dường như không nằm ngoài quy luật đó, Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 3/2013 đã đề ra chiến lược xây dựng cường quốc hải dương, chính thức đưa vấn đề phát triển hải dương trở thành chiến lược quốc gia, nhấn mạnh việc xây dựng cường quốc biển là sự lựa chọn tất yếu để bảo vệ lợi ích quốc gia và thực hiện phục hưng dân tộc Trung Hoa. Phương hướng phát triển này được định vị bằng khái niệm “chiến lược hải dương xanh” mang hàm ý rằng lợi ích quốc gia của Trung Quốc đã mở rộng ra biển, và trở thành cường quốc biển là một bước trên con đường đạt tới địa vị cường quốc thế giới của Trung Quốc. Việc phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc trở nên đặc biệt đáng chú ý hơn trong bối cảnh hiện nay, khi Trung Quốc liên tục có những động thái hung hăng, xâm phạm chủ quyền và lợi ích của các nước khác nhằm hiện thực hóa ý đồ độc chiếm biển Đông.

Có vẻ như giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc bị ám ảnh bởi câu nói của một vị học giả vô danh: “muốn trở thành cường quốc thì phải làm chủ được biển cả” và phát triển sức mạnh biển với hải quân làm trung tâm theo tư tưởng của Alfred Mahan nên trong những năm qua, hoạt động chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc tăng đột biến, trong đó chú trọng vào trang bị cho Lực lượng Hải Quân. Lực lượng này được giới lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng sẽ làm chủ được các vùng biển mà Trung Quốc muốn áp đặt phạm vi ảnh hưởng và răn đe, khống chế các đối thủ cạnh tranh, tiềm tàng. Theo công bố sách trắng quốc phòng của Trung Quốc ngày 05/3/2018 thì mức chi ngân sách quốc phòng năm 2018 đạt mức 1,1 nghìn tỷ nhân dân tệ (174,5 tỷ USD). Mức chi tiêu này này tăng 8,1% so với 7% (năm 2017). Trong đó, Hải quân Trung Quốc được phát triển hoàn chỉnh với 5 binh chủng hiện đại: tàu ngầm, tàu mặt nước, Không quân Hải quân, Hải quân đánh bộ, tên lửa và pháo bờ biển; có rất nhiều vũ khí, trang thiết bị hiện đại đã được mua sắm, trang bị và biên chế cho Lực lượng Hải Quân như: Tàu hộ vệ săn ngầm lớp Hải Nam (Type 037), Tàu ngầm chiến lược lớp Hạ 092, Tàu khu trục lớp Lữ Đại, Lực lượng tàu đổ bộ lớp Quỳnh Sa và 072……

Với lược lượng quân đội đông đảo và trang thiết bị quân sự hiện tại, Trung Quốc là một cường quốc quân sự hùng mạnh vào bậc nhất ở khu vực Châu Á. Với lực lượng này, Trung Quốc đang hoàn toàn áp đảo về mặt quân sự trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Tuy nhiên, lực lượng và trang bị như trên chưa phản ánh đầy tham vọng của giới cầm quyền Trung Quốc. Gần đây, giới lãnh đạo Trung Quốc còn tham vọng kéo nhà máy điện hạt nhân nổi (Floating Nuclear Power Plant – FNPP) tới Biển Đông nhằm nâng cao sức mạnh hạt nhân và duy trì ảnh hưởng, xác lập chủ quyền lâu dài đối với vùng biển này. Theo trang tin Sohu của Trung Quốc, bản báo cáo “Diễn biến quân sự và an ninh liên quan tới Trung Quốc” đệ trình lên Quốc hội Mỹ hôm 16/8 của Lầu Năm Góc viết: “Vào năm 2017, Trung Quốc nói rõ đang tiến hành một kế hoạch phát triển xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi di động cỡ nhỏ để cung cấp điện cho các đảo, bãi đá ở biển Nam Trung Quốc (tức Biển Đông) – nơi dễ xuất hiện các cơn bão lốc. Kế hoạch này sẽ được triển khai trước năm 2020”. Theo Reuter đưa tin: “tờ Tạp chí An ninh Trung Quốc cho hay Bắc Kinh có thể xây đến 20 trạm phát điện hạt nhân di động để “đẩy mạnh kế hoạch phát triển thương mại” ở Biển Đông.

Với kế hoạch này, Trung Quốc đang gây lên một mối quan ngại sâu sắc và sự phản đối mạnh mẽ từ các nước láng giềng trên khu vực Biển Đông và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Nhà máy điện hạt nhân nổi này có thực sự được xây dựng, phát triển trước năm 2020 và có được sức mạnh để phục vụ cho tham vọng “độc chiếm Biển Đông” hay không? Hay đơn giản đó chỉ là “đòn gió” nhằm phô trương thanh thế cho quân đội Trung Quốc (PLA) và răn đe, dọa nạt các nước láng giềng hoặc nắn gân các nước lớn đang có lợi ích hiện diện đan xen tại Biển Đông như Mỹ, Nga, Ấn Độ… Câu trả lời cho vấn đề này nằm ở toan tính khi Trung Quốc tiến hành kéo nhà máy điện hạt nhân nổi tới Biển Đông và tính khả thi của Trung Quốc khi thực hiện nó.

Những hiểu biết chung về nhà máy điện hạt nhân nổi?

Các nhà máy điện hạt nhân nổi đã được phát triển từ nhiều thập kỷ qua. Lịch sử phát triển FNPP bắt nguồn từ sự phát triển của các lò phản ứng công suất nhỏ được sử dụng trên các tàu phá băng hạt nhân và các tàu ngầm hạt nhân. Các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi được thực hiện dựa trên những kinh nghiệm này. Hiện nay, Nga là nước duy nhất trên thế giới sở hữu nhà máy điện hạt nhân nổi (di động) có tên là Akademik Lomonosov do tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom (Nga) làm chủ đầu tư. Qua quá trình thử nghiệm, Tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom (Nga) nhận thấy, các lò phản ứng công suất nhỏ trên được vận hành rất an toàn trong nhiều năm nên đã khởi công các nhà máy điện hạt nhân nổi và tiếp tục tối ưu nó để sử dụng tại các khu vực xa xôi như Bắc Cực. Họ nhận thấy, trong tương lai, FNPP sẽ là những đơn vị năng lượng di động có khả năng cung cấp năng lượng cho những cơ sở ở xa và những cơ sở công nghiệp lớn, những hải cảng, những cơ sở sản xuất dầu khí những giàn khoan và các tổ hợp lọc dầu.

Rosatom mới thông báo, kế hoạch về việc xây dựng một FNPP thương mại sẽ bắt đầu trở thành hiện thực vào tháng 10/2017 (Trên thực tế, công việc của Rosatom chuẩn bị cho kế hoạch này bắt đầu vào năm 1950). Hiện Rosatom đã bắt đầu tiến hành khảo sát và xây dựng các hạ tầng cơ sở bờ biển và các cấu trúc thủy động (coastal infrastructure and hydraulic structures) cho FNPP này tại thành phố Pevek, phía đông nước Nga. Rosatom có kế hoạch xây dựng đơn vị đầu tiên hoàn chỉnh vào tháng 9/2019 và dự định phát điện vào tháng 11/2019.

FNPP được đặt trên một hệ thống nổi trên biển. Hiện nay, FNPP đầu tiên trên thế giới có tên là Akademik Lomonossov của Nga (Akademik Lomonosso được thiết kế tại nhà máy đóng tàu ngầm hạt nhân ở Severodnik rồi sau đó chuyển đến Baltic Shipyard ở Saint Peterburg). Công nghệ cơ bản của FNPP nguyên là công nghệ các lò phản ứng dân sự và quân sự với  những lò có ký hiệu KLT-40 và OK-150. Nhiều tàu phá băng sử dụng OK-150 và KLT-40.

Đó là những lò phản ứng PWR (Pressurized Water Reactor-Lò phản ứng nước áp lực), nhiên liệu là U235 làm giàu đến 30 – 40% hoặc 90%. Công suất từ 135 đến 171 MW nhiệt (~52 MWe). FNPP Akademik Lomonosov sử dụng loại lò ký hiệu KLT-40.

Một FNPP cần thay nhiên liệu ba năm một lần, tương tự các nhà máy điện hạt nhân khác nhưng vòng đời của nó chỉ khoảng 40 năm, thấp hơn nhiều so với các “anh em” nó trên đất liền (hiện tại vòng đời của nhà máy điện hạt nhân theo công nghệ mới có thể trên 60 năm).

Ngoài mục đích sản xuất ra điện năng phục vụ nhu cầu của con người, Rosatom còn hướng tới việc sử dụng FNPP như một công cụ hữu hiệu để sản xuất nước ngọt tinh khiết. Vì vậy, một FNPP bao gồm ngoài các đơn vị sản xuất điện năng một đơn vị khử mặn để sản xuất nước ngọt bằng phương pháp hồi thẩm thấu (remorse osmosis) hoặc phương pháp chưng cất nhiều lần (multi-stage evaporating). Đơn vị sản xuất nước ngọt có công suất vào khoảng 240.000 m3/ngày. 

Trung Quốc muốn phát triển FNPP thì cơ bản dựa trên những nguyên lý của Akademik Lomonosov đã nêu ở trên.

Toan tính của Trung Quốc khi kéo nhà máy điện hạt nhân nổi tới Biển Đông

Theo công bố của Trung Quốc, từ năm 2020, cuộc chơi trên Biển Đông có thể sẽ rất khác, với việc Trung Quốc đưa vào vận hành các nhà máy điện hạt nhân di động đầu tiên của họ. Chương trình này được cho là sẽ đóng vai trò to lớn trong kế hoạch bành trướng của nước này trên Biển Đông.

Đầu tiên, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi mang lại những lợi ích lớn cho kinh tế Trung Quốc. Cụ thể: những chi phí ban đầu bỏ ra đối với dự án này tuy rất lớn nhưng sau khi đi vào hoạt động thì nó sẽ chỉ tốn chi phí bảo dưỡng lò phản ứng hạt nhân, hiểu theo một cách khác thì việc sử dụng điện hạt nhân sẽ đỡ tốn chi phí hơn so với các nhiên liệu khác như than, diezen; các nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ cung cấp một lượng lớn năng lượng lâu dài đối với nền kinh tế của Trung Quốc. Đặc biệt là cung cấp năng lượng cho các đảo tranh chấp và các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang tiến hành xâm chiếm, bồi đắp trên Biển Đông; là sự bổ sung, kết nối năng lượng trên biển và các vùng phụ cận khác trong khu vực.

Về mặt chính trị – quân sự, các nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển là thành tự khoa học vĩ đại của nhân loại mà Trung Quốc muốn kế thừa. Bên cạnh đó, họ còn muốn sử dụng nó để phô trương thanh thế của một cường quốc với đầy đủ sức mạnh về kinh tế, quân sự trong đó năng lượng hạt nhân đóng một vai trò then chốt cho sự phát triển bền vững năng lượng trong tương lai. Đồng thời Trung Quốc muốn thoát khỏi cái bóng về quân sự của hai cường quốc hàng đầu trên thế giới là Nga và Mỹ và không muốn bị mang tiếng là nước đông dân nhất thế giới và sở hữu diện tích đứng thứ 4 trên thế giới mà nền quân sự lại yếu kém. Bởi lẽ, âm mưu của chính phủ Trung Quốc đi đến đâu sẽ đánh dấu lãnh thổ đến đó nên sau khi lấn chiếm và tiến hành bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông, họ sẽ tiến hành xây dựng các căn cứ quân sự, các đường băng và các khu du lịch. Trong một tương lai gần, họ sẽ đưa dân cư đến đó sinh sống để xác lập chủ quyền. Nên việc đưa nhà máy điện hạt nhân nổi đến đây giúp tăng cường năng lực phòng thủ quân sự ở Biển Đông; tạo ra sức mạnh thị uy, răn đe với các nước láng giềng trong khu vực tranh chấp và phục vụ các nhu cầu năng lượng cuộc sống tại đây. Cụ thể:

+ Các nhà máy điện hạt nhân di động FNPP từ năm 2020 trở đi có khả năng cao sẽ trở thành một trong những lá bài chiến lược của Trung Quốc, giúp nước này duy trì một nguồn cung cấp năng lượng ổn định cho các hoạt động xây đắp và bảo vệ các đảo nhân tạo trên khu vực Biển Đông và cung cấp năng lượng cho các phương tiện quân sự. Theo nhận xét của tạp chí Popular Science “các FNPP sẽ cần các đoàn thủy thủ đông đảo và cần các lực lượng vũ trang bảo vệ an ninh nghiêm ngặt. Đây có thể trở thành một cái cớ cho Trung Quốc nâng cao mức độ hiện diện của các lực lượng vũ trang trên biển của họ trong các vùng tranh chấp”.

+ Không loại trừ, các nhà máy điện hạt nhân nổi cũng là những bước thử nghiệm đầu tiên và là vỏ bọc hoàn hảo để Trung Quốc nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và nâng tầm công nghệ của tàu ngầm hạt nhân (vũ khí uy lực, chiến lược trên biển) trong tương lai gần.

+ Theo Tiến sĩ Patrick M. Cronin – Giám đốc Cấp cao của Chương trình Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương của Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết: “các nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ giúp quân đội Trung Quốc có nguồn năng lượng bền vững để thực hiện đầy đủ các hoạt động, từ cảnh báo sớm trên không tới các hệ thống điều khiển hỏa lực tấn công và phòng thủ, hay chống ngầm và nhiều hơn nữa. Đặc biệt, các hệ thống radar phòng không có thể hưởng lợi lớn từ việc có thêm nguồn điện, bởi khi đó tầm bao phủ của radar sẽ mở rộng. Việc triển khai lò phản ứng hạt nhân nổi cũng có thể giúp Trung Quốc có thêm biện pháp để bảo vệ trước bất kỳ cuộc tấn công nào có thể xảy ra, từ phía Mỹ hay quân đội các nước khác trong khu vực, vì nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân trên biển”. Đây là điều đặc biệt đáng báo động, bởi nhiều chuyên gia lo ngại Bắc Kinh sẽ cố gắng áp đặt một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) quanh các thực thể nước này chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, giống như cách nước này tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông năm 2013.

+ Với việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ giúp lực lượng quân đội Trung Quốc ngày càng lớn mạnh hơn, họ sẽ tự chủ một cách nhanh chóng về năng lượng, thay vì phụ thuộc vào các nguồn năng lượng dầu mỏ, diezen, than…trước đây. Lực lượng quân đội Trung Quốc sẽ có tính chiến đấu, cơ động cao hơn, đủ sức hiện diện và phong tỏa các khu vực chiếm đóng, xác lập chủ quyền trên Biển Đông. Điều này đã gián tiếp gửi đến thông điệp răn đe đối với các cường quốc quân sự và các quốc gia khác như Nga, Mỹ, Ấn Độ… đặc biệt là các quốc gia có lợi ích đan xen với các quốc gia đang trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông khiến cho các nước này quan ngại, dè dặt hơn trong việc lên tiếng chỉ trích Trung Quốc và hiện diện lợi ích trên Biển Đông.

+ Song song với đó, việc duy trì năng lượng cung cấp cho các đảo nhân tạo và dân cư sinh hoạt ở các khu vực tranh chấp sẽ giúp Trung Quốc có điều kiện đưa nhiều dân cư đến sinh sống, tiến tới xây dựng bộ máy chính quyền sở tại và tổ chức nhiều tour du lịch tới đây. Mục tiêu của việc này là nhằm tuyên truyền để thế giới về sự hiện diện lâu dài, liên tục của cư dân Trung Quốc và sự xác lập, bảo vệ chủ quyền đối các đảo nhân tạo và các khu vực tranh chấp của họ.

Tính khả thi của nhà máy điện hạt nhân nổi

Mặc dù, dự án nhà máy điện hạt nhân nổi mang lại những lợi ích kinh tế, chính trị to lớn và phục vụ cho nhiều toan tính của Trung Quốc nhưng tính khả thi của dự án này vẫn đang là một dấu hỏi lớn đối với Trung Quốc. Nhiều học giả và chuyên gia khoa học, công nghệ hạt nhân khẳng định rằng dự án này khó có khả năng thực hiện vào năm 2020.

Đầu tiên, trên thế giới hiện nay mới chỉ có Nga là nước duy nhất sở hữu nhà máy điện hạt nhân nổi nhưng cũng phải đến năm 2019 mới đi vào vận hành nên toàn bộ công nghệ về nhà máy điện hạt nhân nổi đến nay vẫn đang là vấn đề bí mật đối với Trung Quốc, dù rằng giữa Nga và Trung Quốc có sự hợp tác chế tạo nhà máy điện hạt nhân nổi nhưng việc chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm vận hành của Nga với Trung Quốc vẫn còn là vấn đề “để ngỏ” và không ai dám chắc rằng: Nga sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ cho phía Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và người Nga luôn đề phòng vấn nạn “đạo chích công nghệ” của Trung Quốc.

Thứ hai, dù rằng vào năm 2016, hai nhà cung cấp hạt nhân chính thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc là Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) và Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) đã công bố kế hoạch cùng phát triển xà lan điện hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc để triển khai trên Biển Đông vào năm 2020, lò phản ứng đầu tiên trong số 20 lò phản ứng như vậy theo kế hoạch nhưng đến nay kế hoạch đó tiến triển tới đâu, khả năng thành công đến đâu thì vẫn là một dấu hỏi lớn.

Thứ ba, tuy Trung Quốc là một trong số hơn hai mươi quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân nhưng trên thế giới hiện nay, công nghệ hạt nhân được cộng đồng quốc tế quản lý rất chặt chẽ và không muốn phổ biến rộng rãi. Bên cạnh đó, dự án tàu hạt nhân nổi mà Trung Quốc đang lên kế hoạch triển khai tại Biển Đông còn vô cùng nguy hiểm. Cụ thể, nó xuất hiện trong một khu vực mà hầu hết các quốc gia láng giềng ở đây đều lên tiếng mong muốn phi hạt nhân hóa trong khu vực; luật quốc tế và dư luận cộng đồng quốc tế, không cho phép và cũng không mong muốn phổ biến chương trình hạt nhân, đặc biệt là vũ khí hạt nhân trong khu vực này nên Trung Quốc cũng phải cân nhắc trong việc hành xử vấn đề này và không để nó đi quá xa, vượt ra khỏi tầm kiểm soát; những rủi ro và hiểm họa của dự án này mang lại vô cùng lớn gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.

Thứ tư, dù trong những năm gần đây Trung Quốc có những bước phát triển nhảy vọt về công nghệ nhưng Trung Quốc vẫn chưa phải là cường quốc hạt nhân như Nga và Mỹ. Công nghệ hạt nhân của Trung Quốc chưa hoàn thiện để cho ra đời các thanh nhiên liệu đạt chất lượng cao nên Trung Quốc vẫn còn phải đi nhập các thanh nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân. Hệ thống lò phản ứng cũng chưa tối ưu hóa dẫn đến hệ thống nhiệt trong lò chưa đạt và có thể rò rỉ ra bên ngoài, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đồng thời, việc xử lý, tiêu thụ các thanh nhiên liệu sau khi sử dụng xong nhằm đảm bảo an toàn vẫn còn là một vấn đề đối với Trung Quốc. Các vấn đề của một nhà máy điện hạt nhân này sẽ càng khó khăn hơn khi nó được triển khai di động trên biển trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt và các cơn bão mạnh thường xuyên xảy ra.

Bên cạnh đó, các chuyên gia điện hạt nhân cho biết vẫn còn một số trở ngại về công nghệ để chuyển đổi các thiết bị hạt nhân hải quân, thành các nhà máy phát điện cố định. Theo ông Rod Adams, cựu kỹ thuật viên trên một tàu ngầm hạt nhân Mỹ cho biết: Trung Quốc đã vận hành các tàu ngầm năng lượng hạt nhân trong vài năm, nên đây không phải bước nhảy vọt khi họ biến những thiết bị đó thành các máy phát điện; sẽ còn “những thách thức rất lớn” trong việc triển khai những lò phản ứng đó trước năm 2020.

Thứ năm, các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc là một hiểm họa môi trường và an ninh hạt nhân đối với khu vực, toàn cầu và với chính bản thân Trung Quốc.

+ Đầu tiên phải kể đến là việc dự án nhà máy điện hạt nhân nổi này do Tổng công ty Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC) xây dựng. Đây là đơn vị đóng tàu hải quân lớn nhất của nước này, bao gồm cả các tàu ngầm hạt nhân. Công ty này bên ngoài được quản lý bởi một cơ quan bình phong dân sự nhưng về bản chất nó sẽ được quản lý bởi các cơ quan đặc trách của quân đội Trung Quốc nên toàn bộ quy trình xây dựng, vận hành, bảo trì của nó sẽ được bảo mật, không được công khai, giải trình, không được thanh tra độc lập và không có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan dân sự. Trong trường hợp ngược lại thì sẽ là việc kiểm tra, giám sát sẽ trở nên khó khăn hơn với các cơ quan, tổ chức quốc tế (cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)) do nhà máy điện hạt nhân nổi nằm ở ngoài khơi. Như vậy, việc phát triển dự án nhà máy điện hạt nhân nổi không đảm bảo yếu tố an an toàn.

+ Thứ hai, Biển Đông là khu vực thường xuyên xuất hiện những cơn bão lớn, với sức gió mạnh và sóng biển thường dâng cao. Hiện chưa rõ những lò phản ứng nổi này sẽ có độ cơ động ra sao, có chịu nổi những điều kiện khắc nghiệt mà Biển Đông đem đến hay không. Rủi ro xảy ra tan chảy hạt nhân trên biển, cho dù ở những nơi hẻo lánh, vẫn có thể để lại những hậu quả khó lường. Việc lõi của lò phản ứng bị hư hại không bao giờ là điều tốt lành, cho dù với lò phản ứng trên biển hay trên đất liền. Nếu một vụ tan chảy hạt nhân khiến những nhiên liệu phóng xạ nóng chảy tràn ra khỏi vỏ tàu xuống biển sẽ đặc biệt đáng ngại.

+ Bên cạnh đó, các nhà máy điện hạt nhân nổi luôn có rủi ro bị khủng bố quốc tế tấn công (để cướp nguồn nguyên liệu uranium làm vũ khí) và rủi ro trục trặc kỹ thuật gây ra thảm họa hạt nhân làm hại người dân và hủy hoại môi trường (như đã từng xảy ra tại Nga trong thảm họa Chernobyl tháng 4/1986). Một tưởng tượng có thể thấy rõ nhất như đã từng xảy ra với Chernobyl khi thảm họa xảy ra là: toàn bộ khu vực Biển Đông sẽ trở thành khu vực chết; môi trường và đa dạng sinh học ở khu vực sẽ bị thay đổi; hệ động, thực vất sẽ biến đổi gene và phát triển một cách bất thường; một khối lượng lớn nước biển sẽ bị nhiễm phóng xạ và cuốn theo dòng hải lưu trôi dạt đến hầu hết các quốc gia trong khu vực Biển Đông, kể cả bờ biển của Trung Quốc hiện nay.

+ Cuối cùng các lợi thế an toàn của nhà máy điện hạt nhân nổi cũng chỉ ở mức tương đối. Theo ông Julius Trajano – một chuyên gia về năng lượng hạt nhân của trường Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore): khi xảy ra sự cố, nguồn nước làm nguội thì có nhưng nhà máy vẫn sẽ gặp vấn đề vì không có sẵn các nguồn điện dự phòng như các nhà máy điện hạt nhân trong đất liền. Việc xử lý sự cố cũng sẽ gặp trở ngại vì vị trí xa xôi của các “nhà máy nổi”. Đồng thời, các chất thải phóng xạ từ sự cố hoàn toàn có thể trôi theo dòng nước biển vào bờ làm hại các khu dân cư. Như vậy, nhà máy điện hạt nhân nổi có thể làm giảm rủi ro ô nhiễm đất liền nhưng làm tăng rủi ro ô nhiễm môi trường biển, và vẫn có rủi ro đe dọa con người.

Một ví dụ thực tế gần đây nhất là thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau trận động đất và sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản.  Lõi lò phản ứng tan chảy, sóng thần gây ngập nước các máy phát điện cho các hệ thống an toàn khiến nó không hoạt động dẫn đến lan tràn các chất phóng xạ ra bên ngoài. Đến nay, sau 7 năm xảy ra thảm họa Nhật Bản vẫn lung túng dọn dẹp hậu quả; thất bại trong việc giải quyết 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ, tái định cư cho hơn 55.000 dân và đo mức phóng xạ ở 3 lò phản ứng hạt nhân cuối cùng.

Tuy nhà máy điện hạt nhân nổi đến nay mới chỉ là tham vọng của Trung Quốc và là công cụ hữu hiệu trong việc tuyên truyền, quảng bá, khẳng định sức mạnh của Trung Quốc trong giai đoạn này nhưng không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ biến tham vọng đó trở thành sự thật. Tham vọng của Trung Quốc là có cơ sở khi họ sở hữu một nguồn ngân sách khổng lồ cùng các trang thiết bị đang được hiện đại hóa; bên cạnh đó là các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đội lốt tư nhân nhưng hoạt động gián điệp ăn trộm công nghệ như Huawei, Super Micro và hệ thống mạng lưới tình báo của Trung Quốc có nhiệm vụ thu thập, lấy cắp công nghệ hạt nhân tiên tiến từ các cường quốc hạt nhân như: Mỹ, Nga (điều mà các chuyên gia của các nước này đã cảnh báo chính phủ của họ). Các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam cần hết sức cảnh giác.

RELATED ARTICLES

Tin mới