Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ là một mô hình đầu tư hoàn toàn khác so với Trung Quốc, đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink trả lời Tuổi Trẻ.
Tại hội thảo Đối thoại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 2018 do Diễn đàn kinh tế châu Á tổ chức tại TP.HCM sáng 7-12, các nhà ngoại giao Mỹ như đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink lẫn tổng lãnh sự Mary Tarnowka, như thường lệ, vẫn ra sức “quảng bá” cho chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Nhưng có nhiều điểm khiến người quan sát sẽ hiểu khác đi.
Indo-Pacific không hề “nhỏ”
Cho đến trước khi hội thảo này diễn ra, nhiều nhà quan sát – trong đó có những người tại Việt Nam – vẫn nghi ngờ mức độ cam kết của Mỹ. Hoài nghi ấy xuất hiện trực tiếp trong những so sánh về kế hoạch đầu tư 113 triệu USD của Mỹ cho việc hỗ trợ các sáng kiến phát triển ở khu vực Indo-Pacific, được Ngoại trưởng Mike Pompeo công bố hồi giữa năm nay.
Khi nghiễm nhiên bị đặt vào so sánh với sáng kiến Vành đai – con đường của Trung Quốc, rõ ràng 113 triệu USD ấy, dẫu cộng thêm vài chục triệu USD nữa cho dự án năng lượng, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số, vẫn tỏ ra khiêm tốn.
Tuy nhiên trên thực tế, theo lời đại sứ Kritenbrink, cam kết của Mỹ đối với Indo-Pacific “chưa bao giờ mạnh mẽ như thế”.
“Mỹ đã cung cấp hơn nửa tỉ USD hỗ trợ an ninh cho khu vực Indo-Pacific năm 2018. Nó bao gồm 385 triệu USD cho tài chính quân sự nước ngoài, cao hơn so với ba năm trở lại đây. Trong khoảng hai năm gần nhất, các doanh nghiệp Mỹ đã công bố hơn 1.500 dự án mới và hơn 61 tỉ USD đầu tư mới trong khu vực này” – ông Kritenbrink phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo Đối thoại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 2018.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nước phát triển trong khu vực Indo-Pacific hiện cần 1.700 tỉ USD đầu tư hạ tầng mỗi năm, nói cách khác, tới năm 2030 thì nhu cầu này đạt mốc 26.000 tỉ.
Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ, ông Kritenbrink cho rằng khu vực tư nhân mới là tâm điểm trong kế hoạch của Mỹ: “Đầu tư của Mỹ vào Indo-Pacific thực tế rất lớn. Nhu cầu về hạ tầng tại khu vực đang rất nhiều, trải rộng trên nhiều lĩnh vực mà không quốc gia nào có thể tự đáp ứng hết tất cả. Vì vậy nguồn hỗ trợ vốn hiệu quả có thể giúp giải quyết vấn đề này phải xuất hiện từ khu vực vốn tư nhân”.
Cách thức đầu tư khác biệt
Trong khi các khoản đầu tư trong sáng kiến Vành đai – con đường của Trung Quốc hứa hẹn đạt những con số khổng lồ, nó cũng bị nhiều quốc gia lên án là “bẫy nợ”.
Theo ông Kritenbrink, Chính phủ Mỹ sẽ không “buộc các quốc gia phải gánh món nợ xấu”, không “đổ hàng ngàn tỉ vào đầu tư”, mặc dù thực tế đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực tư nhân đã đạt hàng ngàn tỉ USD.
Khi nói về việc có những so sánh về đầu tư Mỹ với đầu tư Trung Quốc, đại sứ Kritenbrink ví von rằng đó chỉ là cách lấy quả táo so với quả cam. Bởi thực chất nếu Trung Quốc rót tiền vào các dự án hạ tầng của chính phủ các nơi, thì Mỹ đang dùng lĩnh vực tư nhân làm đòn bẩy.
“Tôi sẽ chỉ so sánh mức độ hiệu quả của đầu tư từ Mỹ vào kinh tế mà thôi. Các quốc gia đều có quyết định của riêng họ, nơi nào họ cần đầu tư, liệu họ có chấp nhận mang nợ hay không. Chúng tôi sẽ không theo đuổi mô hình của Trung Quốc, không buộc Việt Nam và các quốc gia khác gánh nợ của Mỹ. Cái chúng tôi đang cố gắng là đảm bảo các công ty đẳng cấp quốc tế của Mỹ đến và đầu tư nơi đây. Tôi cho rằng đó là tương lai tốt hơn so với gánh nợ từ Mỹ” – ông Kritenbrink khẳng định với phóng viên Tuổi Trẻ.
Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong Indo-Pacific
Tại hội thảo Đối thoại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đại sứ Mỹ Kritenbrink nêu bật vai trò của Việt Nam trong chiến lược của Mỹ, khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Washington trong khu vực: “Việt Nam là trung tâm, tiêu biểu như một trong những thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất của chúng tôi trên toàn cầu, một đối tác mạnh trên mọi lĩnh vực từ an ninh, kinh tế và quan hệ giữa con người với con người”.
Trả lời Tuổi Trẻ về vai trò địa chính trị của Việt Nam tại Biển Đông, ông Kritenbrink nói Mỹ “không cố gắng lợi dụng mối quan hệ này để chống lại ai khác hay làm những điều tương tự”, và rằng “Việt Nam quan trọng vì Việt Nam phát triển nhanh, mạnh mẽ, cũng như có dân số trẻ, thông minh và được giáo dục tốt. Vai trò của Việt Nam ngày càng lớn trong khu vực và trên trường quốc tế”.
“Một điều khác là, chúng ta đều muốn Việt Nam thành công. Chúng tôi ở đây để hỗ trợ sự phát triển của một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập. Thành công của Việt Nam là lợi ích quốc gia của Mỹ và chúng tôi nghĩ sự thành công của đôi bên sẽ có lợi cho cả hai”.
1.400 tỉ USD
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink khẳng định tổng số tiền Mỹ đầu tư vào khu vực Indo-Pacific hiện đã hơn 1.400 tỉ USD, tức cao hơn cả đầu tư của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.