Saturday, April 20, 2024
Trang chủĐàm luậnNhững nỗ lực tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông của...

Những nỗ lực tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông của các nước trong năm 2018 (kỳ II)

Năm 2018, cộng đồng quốc tế và khu vực đã chứng kiến việc Trung Quốc tiếp tục hành động đơn phương nhằm theo đuổi những yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Bên cạnh đó, dư luận cũng ghi những nỗ lực và sự tham gia tích cực của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các tranh chấp, góp phần duy trì hòa bình, ổn định của khu vực.

Liệu ông Trump có để Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông?

Sự tham gia tích cực của Australia và Anh

Anh dự kiến sẽ đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông để tham gia một cuộc tuần tra tự do hàng hải, nhằm đối phó vớicác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết, dự kiến hoạt động này sẽ được thực hiện trong vài năm tới, khi tàu HMS Queen Elizabeth được trang bị đầy đủ vũ khí, cũng như được thử nghiệm xong. Theo Bộ Quốc phòng Anh, HMS Queen Elizabeth là tàu sân bay lớn nhất, mạnh mẽ nhất do Anh chế tạo, trị giá 3,1 tỉ bảng Anh (4,1 tỉ USD) và chính thức được biên chế vào Hạm đội Hải quân Hoàng gia Anh từ Tháng 12/2017. Tàu HMS Queen Elizabeth có tải trọng lên đến 65.000 tấn, dài 280 m và vận tốc tối đa khoảng 46,3 km/giờ, có khả năng triển khai nhiều máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và cả trực thăng săn ngầm. Anh và Australia cũng tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, nhất là trong hoạt động hải quân.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbul (29/6/2018) cho biết, Tập đoàn công nghiệp quốc phòng BAE của Anh đã được chọn để cung cấp 9 tàu chiến mới thuộc lớp Hunter, trong chương trình trị giá 35 tỷ AUD (khoảng 25,74 tỷ USD) cho Hải quân Hoàng gia Australia. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết Anh và Australia sẽ hợp tác để triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Thái Bình Dương và sẽ có những cuộc tuần tra chung với các tàu chiến của Australia. Trước đó (2017), Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch cho biết Tàu sân bay mới của Anh (HMS Queen Elizabeth) sẽ tới Thái Bình Dương để “bảo vệ quyền tự do hàng hải và các tuyến vận tải tự do đường biển và đường không theo luật pháp quốc tế”.

Vào tháng 3/2018, tàu khu trục HMS Sutherland và Type 23 của Hải quân Hoàng gia Anh đã tiến hành tuần qua hàng hải ở Biển Đông, sau khi tham gia huấn luyện với Hải quân Australia. Đây là lần thứ 3 kể từ năm 2013, Anh triển khai tàu chiến đến Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson lúc đó cho biết Mỹ, Anh, Australia và các nước khác đang “khẳng định giá trị của mình” ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh nói rằng, việc Anh điều tàu đến Biển Đông để góp phần duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cho thấy sự ủng hộ của họ đối với quy tắc dựa trên luật pháp quốc tế. Bộ Quốc phòng Anh (01/7/2018) cho biết sau khi rút ra khỏi EU (Brexit), Quân đội Anh cần bảo vệ các tuyến đường thương mại trên biển chủ yếu, đặc biệt là lo ngại sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Sự tham gia hiệu quả của Nhật Bản

Năm 2018, Nhật Bản tăng cường hợp tác với ASEAN trên cả phương diện song phương và đa phương. Nhật Bản tương đối thành công trong việc tiếp cận về mặt kinh tế với nước ASEAN và đang có xu hướng tăng cường hỗ trợ an ninh cho khu vực này. Có thế nói hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và ASEAN ngày càng hiệu quả. Với Việt Nam, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác thực chất về an ninh quốc phòng, trong có nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. Nhật Bản đã quyết định cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra mới, hỗ trợ nâng cao năng lực của cảnh sát biển Việt Nam. Với Philippines, Nhật Bản cam kết cung cấp ODA và các khoản đầu tư vào Philippines trị giá 8,7 tỉ USD trong 5 năm (2017-2022), cùng những hỗ trợ về an ninh hàng hải, trong đó 5 triệu USD giúp Philippines mua tàu tuần duyên và các khí tài giúp chống khủng bố. Nhật Bản cũng sẽ sớm cho Philippines mượn các máy bay huấn luyện và 10 tàu tuần duyên.

Trong khi tăng cường quan hệ với ASEAN, Nhật Bản cũng chú trọng mở rộng hợp tác với các nước như Mỹ, Ấn Độ và EU tại khu vực Đông Nam Á và Biển Đông. Nhật Bản đã triển khai 3 tàu khu trục đến Biển Đông và Ấn Độ Dương từ ngày 26/9 đến cuối tháng 10/2018. Ba chiến hạm nói trên, bao gồm tàu khu trục chở máy bay trực thăng Kaga đang neo đậu tại căn cứ Kure của MSDF ở tỉnh Hiroshima, sẽ viếng thăm Ấn Độ, Sri Lanka, Singapore, Indonesia và Philippines. Tờ Japan Times (Nhật Bản) mới đây dẫn nguồn tin chính phủ tuyên bố việc triển khai 3 tàu khu trục nói trên nằm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “mở và tự do” của Thủ tướng Shinzo Abe, vốn nhằm đảm bảo an ninh và ổn định khu vực. Gần đây nhất hôm 17/9/2018, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đã triển khai 01 tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã tham gia cuộc tập trận hải quân lần đầu tiên ở Biển Đông. Theo Reuters, tàu ngầm Kuroshio của MSDF đã tham gia cuộc tập trận hải quân cùng với các tàu chiến khác, bao gồm tàu sân bay trực thăng Kaga hôm 13/9.

TQ tiếp tục hành động đơn phương bất chấp công luận

Năm 2018, Trung Quốc tiếp tục hoạt động cải tạo, quân sự hóa đảo nhân tạo ở Biển Đông, tiến hành hàng loạt cuộc tập trận. Tháng 2/2018, Biên đội Huấn luyện thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã tiến hành tập trận tại các khu vực Biển Đông, Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương với các tình huống giả định về phòng không, bảo vệ hàng hải và tác chiến trên biển. Cùng thời gian này, Trung Quốc đã triển khai 04 tàu hải cảnh và 02 tàu cá dân binh tại bãi cạn Scarborough và 01 tàu hộ vệ tên lửa để theo dõi, giám sát hoạt động của Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ khi đang trên đường tới thăm hữu nghị Việt Nam và Philippines. Tháng 3/2018, Trung Quốc triển khai 02 tàu hộ vệ tên lửa là “Lục Bàn Thủy” (514) và “Hoàng Sơn” (570) ra Biển Đông để ngăn cản tàu khu trục Mustin của Mỹ đang tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý của đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa.

Cùng với đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra tuyên bố phản đối việc “Mỹ gây tổn hại an ninh, chủ quyền của Trung Quốc và đe dọa hòa bình, ổn định khu vực”. Ngày 25/3, Trung Quốc tiếp tục tổ chức tập trận ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Trong đó, phía truyền thông Trung Quốc cho biết cuộc tập trận này nhằm nâng cao khả năng kiểm soát thực địa các vùng biển tranh chấp, trong đó đã huy động cả các máy bay ném bom H-6K, máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35.

Từ ngày 24/3 đến ngày 05/4, Trung Quốc tổ chức tập trận trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Vi Châu 24 hải lý về phía Đông Bắc và 11 hải lý về phía Đông Nam. Trong đó, ngày 26/3, tàu sân bay Liêu Ninh và khoảng 40 tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã đi vào khu vực phía Nam đảo Hải Nam để tiến hành tập trận. Tại buổi họp báo hôm 29/3, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường đã xác nhận Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận theo kế hoạch hàng năm nhằm kiểm tra năng lực tác chiến của quân đội nước này, song từ chối bình luận về các thông tin liên quan sự tham gia của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh.

Ngày 27/3, Trung Quốc đã điều 12 máy bay ném bom H-6K xuất phát từ tỉnh Thiểm Tây đến “một địa điểm ở Biển Đông” để tiến hành huấn luyện và diễn tập chiến đấu tầm xa. Tháng 4/2018, Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật kéo dài 07 ngày tại khu vực phía Đông Nam đảo Hải Nam, với sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh và 48 tàu chiến các loại, 76 máy bay chiến đấu và hơn 10.000 binh sỹ và nhiều tàu ngầm thuộc hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải từ ngày 04/4 đến ngày 12/4.

Đây là cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc, trong đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/4) đã trực tiếp thị sát cuộc tập trận này. Cùng thời gian nay, Hải quân Trung Quốc cũng thông báo tiến hành tập trận trong khu vực rộng khoảng 950 km2 tại cảng Quỳnh Hải, phía Đông đảo Hải Nam. Hải quân Trung Quốc tiếp tục tiến hành tập trận ở 7 điểm khác nhau trên Biển Đông, tại khu vực rộng khoảng 8.500 km2 phía Nam đảo Hải Nam từ ngày 11/4-13/4, trong đó đã triển khai khoảng 60 tàu cá dân binh và 10 tàu chấp pháp để bảo vệ vòng ngoài cho các cuộc tập trận này. Từ ngày 9/5 đến 12/5, Trung Quốc tiếp tục tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cùng thời gian này, Đài Loan cũng tiến hành tập trận bắn đạn thật ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa cuộc Việt Nam từ ngày 23/5 đến ngày 25/5.

RELATED ARTICLES

Tin mới