Friday, November 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSự phối hợp giữa Mỹ và Canada trong vụ bắt giám đốc...

Sự phối hợp giữa Mỹ và Canada trong vụ bắt giám đốc Huawei

Bộ Tư pháp Mỹ phát hiện cơ hội hiếm hoi để bắt Mạnh Vãn Chu hôm 1/12 và họ phải trông cậy hoàn toàn vào sự hợp tác của Canada.

Việc bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei, Trung Quốc bị bắt ở sân bay Vancouver hôm 1/12 được coi là kết quả của cuộc điều tra do Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng thực thi pháp luật nước này với đồng minh Canada, theo CNN.

Bộ Tư pháp Mỹ được cho là vào cuộc điều tra bà Mạnh Vãn Chu và một số nhân viên tập đoàn Huawei từ đầu năm 2017, sau khi giám sát viên thuộc công ty tư vấn Exiger được họ cử tới ngân hàng HSBC phát hiện một số giao dịch bất thường giữa Huawei với Iran và lập tức báo cáo với nhà chức trách Mỹ.

Các điều tra viên kết luận bà Mạnh đã cố tình lừa dối các ngân hàng quốc tế như HSBC và Standard Charter nhằm sử dụng công ty con Skycom của Huawei để bán nhiều thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran trong giai đoạn 2009-2014, vi phạm trực tiếp lệnh cấm vận thương mại mà Mỹ áp đặt với Iran.

Thẩm phán tòa án quận Đông New York, Mỹ ký lệnh bắt bà Mạnh từ hôm 22/8 với tội danh vi phạm đạo luật kiểm soát xuất khẩu và các lệnh cấm vận của Mỹ với Iran, sau khi có bằng chứng cho thấy bà đã nói với các ngân hàng quốc tế rằng Skycom là công ty hoàn toàn tách biệt với Huawei, nhằm sử dụng dịch vụ tài chính của họ để xuất khẩu thiết bị do Mỹ sản xuất tới Iran.

“Bà Mạnh và các nhân viên khác của Huawei nhiều lần nói dối về bản chất mối quan hệ giữa Huawei và Skycom cũng như thực tế rằng Skycom hoạt động như một chi nhánh ở Iran của Huawei nhằm tiếp tục sử dụng các dịch vụ ngân hàng”, lệnh bắt của tòa án Mỹ có đoạn.

Phòng công tố quận Đông New York là nơi chuyên truy tố những người nước ngoài “có máu mặt” vi phạm luật pháp Mỹ, trong đó có trùm ma túy El Chapo hay các quan chức FIFA. Trong những vụ như bà Mạnh, phòng công tố này sẽ phối hợp và nhận sự tư vấn từ Phòng Các vấn đề Quốc tế thuộc Cục Hình sự Bộ Tư pháp Mỹ.

Trong nhiều tháng tiếp theo, lực lượng hành pháp Mỹ rất muốn bắt bà Mạnh, nhưng dường như phát hiện mình đang là mục tiêu của cuộc điều tra, giám đốc tài chính Huawei từ tháng 4/2017 đã không còn đến Mỹ thăm con như trước đây nữa. Trung Quốc và Mỹ chưa ký hiệp ước dẫn độ, nên việc yêu cầu Bắc Kinh giao nộp bà Mạnh là bất khả thi.

Điều này buộc Bộ Tư pháp Mỹ xem xét các phương án khác, chẳng hạn như bắt bà ở một nước thứ ba có hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Mỹ cũng có thể yêu cầu Interpol phát “thông báo đỏ” đối với bà Mạnh và chờ đợi các diễn biến tiếp theo.

Thời cơ đến với Bộ Tư pháp Mỹ vào cuối tháng 11, khi họ phát hiện bà Mạnh có tên trong danh sách hành khách lên chuyến bay ngày 30/11 của hãng hàng không Cathay Pacific xuất phát từ Hong Kong tới Mexico. Điều đáng chú ý là bà sẽ phải chờ quá cảnh ở sân bay Vancouver, Canada trong 12 tiếng, nơi bà có thể bị cảnh sát Canada bắt và tạo cơ hội để các công tố viên Mỹ dẫn độ bà về nước này xét xử.

Đề nghị bắt người lập tức được Bộ Tư pháp Mỹ chuyển tới Bộ Tư pháp Canada. “Nếu Mạnh không bị bắt ở Canada trong khi chờ quá cảnh, sẽ là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi, trong việc đưa bà tới Mỹ để truy tố”, các quan chức Mỹ nhấn mạnh trong đề nghị bắt người gửi tới Canada.

Các chuyên gia cho biết đề nghị này được gửi đi theo điều khoản “trường hợp khẩn cấp” được quy định trong hiệp ước dẫn độ giữa Mỹ và Canada, cho phép cảnh sát Canada nhanh chóng bắt bà Mạnh trên lãnh thổ của mình theo yêu cầu từ phía Mỹ.

Tờ National Post của Canada cho rằng đề nghị bắt người này của Washington đẩy Ottawa vào tình thế khó xử, vì việc bắt một người nổi tiếng như bà Mạnh nhiều khả năng sẽ khiến Canada hứng chịu các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Bắc Kinh cũng có thể bắt các doanh nhân, cựu quan chức của Ottawa để đáp trả, gây nên những cuộc khủng hoảng ngoại giao với Canada.

Tuy nhiên, tờ báo này khẳng định Bộ Tư pháp Canada đã hành động đúng đắn khi quyết định hợp tác với phía Mỹ và ra lệnh bắt bà Mạnh, bởi Mỹ và Canada đều là hai quốc gia thượng tôn pháp luật và luôn hợp tác chặt chẽ, liên tục trong lĩnh vực hành pháp xuyên biên giới. Hai nước cũng thường hỗ trợ nhau trong việc bắt và dẫn độ nghi phạm theo hiệp ước được ký từ lâu.

Hoa kiều tập trung đòi thả tự do cho bà Mạnh bên ngoài tòa án ở Vancouver hôm 7/12. Ảnh: Canadian Press.

Hoa kiều tập trung đòi thả tự do cho bà Mạnh bên ngoài tòa án ở Vancouver hôm 7/12. Ảnh: Canadian Press.

National Post cho rằng nhà chức trách Canada không có cơ sở nào để từ chối lời đề nghị từ phía Mỹ, bởi nước này phải thực hiện đúng nghĩa vụ pháp lý của mình với đồng minh mà không có ngoại lệ. Điều này được thể hiện rõ trong tuyên bố của Thủ tướng Justin Trudeau, trong đó khẳng định không có yếu tố chính trị trong quyết định bắt bà Mạnh bởi Canada “tôn trọng sự độc lập của các tiến trình tư pháp”.

Thẩm phán Canada phê chuẩn lệnh bắt bà Mạnh ngay sau khi nhận được yêu cầu từ phía Mỹ. Giám đốc tài chính Huawei bị bắt khi đặt chân xuống sân bay Vancouver vào trưa 1/12 và thông tin về vụ bắt được đưa ra vài ngày sau đó.

Các chuyên gia pháp lý Canada cho rằng tòa án nước này sẽ làm rõ các cáo buộc đối với bà Mạnh và xem chúng có đủ vững chắc để dẫn độ bà về Mỹ xét xử hay không. Trong thời gian đó, Canada vẫn sẽ tôn trọng nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế và hợp tác với đồng minh thân cận nhất là Mỹ.

Sau ba phiên điều trần, tòa án tỉnh British Columbia của Canada hôm qua đồng ý cho bà Mạnh được tại ngoại với khoản tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD và bà phải chịu sự giám sát liên tục để đảm bảo không bỏ trốn về Trung Quốc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu cho tiến trình pháp lý chống lại bà, khi các phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra và xem xét những cáo buộc chống lại bà. Bộ Tư pháp Mỹ cũng sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao nước này soạn thảo yêu cầu dẫn độ đầy đủ và gửi qua kênh ngoại giao tới Canada trong vòng 45 ngày kể từ ngày bà Mạnh bị bắt.

Nếu nhận thấy các bằng chứng do phía Mỹ cung cấp đủ sức thuyết phục, tòa án Canada có thể đồng ý dẫn độ bà về Mỹ. Bà Mạnh và các luật sư được quyền kháng cáo phán quyết này, khiến tiến trình dẫn độ có thể kéo dài tới vài năm trước khi bà bị đưa về xét xử ở tòa án quận Đông New York.

Trong quá trình này, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến số phận pháp lý của bà Mạnh. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua khẳng định ông sẽ “làm bất cứ điều gì” để can thiệp vào vụ Mạnh Vãn Chu nếu “nó đem lại lợi ích cho quốc gia” hoặc “giúp ích cho việc hiện thực hóa một thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử”.

RELATED ARTICLES

Tin mới