Người Mỹ gốc Việt khắp nơi đang rúng động trước tin của tờ The Atlantic rằng chính phủ Trump lại một lần nữa muốn trục xuất những người Việt tị nạn vốn là nạn nhân, hay là người lính từng tham chiến cuộc chiến Việt Nam, ra khỏi Hoa Kỳ.
Tin này đặc biệt tạo nhiều hoang mang khi chỉ trước đó ba tuần The New York Times đưa tin nội các Trump đã âm thầm từ bỏ nỗ lực trục xuất một số người trong cộng đồng này.
Đây là những người Việt tị nạn đã đến Hoa Kỳ trước 12/7/1995 hiện chưa là công dân Mỹ, từng phạm pháp, và đã nhận được lệnh trục xuất, nhưng chưa rời khỏi nước Mỹ, vì theo một thoả thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ký năm 2008, không bị trục xuất bất kể có lệnh của Toà Di Trú.
Trích lời một phát ngôn viên xin được dấu tên của Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, The Atlantic cho biết Nhà Trắng một lần nữa đang tìm cách dẫn giải lại một thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam năm 2008 để nhất định trục xuất khoảng 8.000 người Việt có tiền án hình sự đã có lệnh trục xuất của Tòa Di Trú.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Người Mỹ gốc Việt đang hoang mang trước tin chính phủ Trump lại một lần nữa muốn trục xuất những người Việt tị nạn vốn là nạn nhân, hay là người lính từng tham chiến cuộc chiến Việt Nam ra khỏi Hoa Kỳ
Kế hoạch trục xuất… chưa thành
Đây không phải lần đầu tiên tin chính phủ Trump quyết định trục xuất người Việt tị nạn đến Mỹ trước năm 1995 gây xôn xao dư luận.
Tháng 3/2017, cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng như các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền, dân quyền khắp nơi cũng hoang mang khi chính quyền Trump có một nỗ lực tương tự, đơn phương lý giải rằng những người nói trên không được bảo vệ theo thỏa thuận 2008, và bắt nhốt một số người Việt tị nạn có tiền án vào các trại giam của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE), trong khi chờ thủ tục trục xuất.
Việt Nam thoạt đầu chấp nhận một số người bị trục xuất, dù họ đáng lẽ không, theo thoả thuận 2008, nhưng sau đó không đồng ý tiếp nhận nữa, và cuối cùng thì Mỹ chỉ trục xuất được 11 người về Việt Nam, số người còn lại tiếp tục bị giam cầm trong những trung tâm của ICE.
Ít lâu sau, các chi nhánh của tổ chức Văn phòng Tư Pháp Người Mỹ Gốc Á (AAAJ) nộp đơn kiện chính quyền Trump với một vụ kiện tập thể (class-action lawsuit), đòi trả tự do cho họ, vì theo án lệ Zadvydas v. Davis 2001, thì ICE không được giữ người chờ bị trục xuất quá 180 ngày, và nếu trong thời gian 180 ngày giam giữ không có quốc gia nào nhận thì phải thả họ ra.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Một người đàn ông thắp hương tại tượng đài tưởng niệm những người lính Việt Nam và Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam tại khu phố Little Saigon, ở Westminster, California hồi 2005.
Trong quyết định xác nhận vụ kiện tập thể, Thẩm phán Cormac J. Carney của Tòa Án Liên bang Hoa Kỳ phụ trách khu vực California cho biết chính phủ Trump nói đã đạt một thỏa thuận với Việt Nam trong tháng 8, theo đó “việc trục xuất người Việt đến Mỹ trước 1995 có vẻ khó thành” và sẽ dần dần thả những người này.
Thế nhưng bài báo của The Atlantic hôm 12/12 cho thấy chính quyền Trump đã thay đổi quyết định một lần nữa, và lại tìm cách trục xuất những người Việt có tiền án đã nhận được lệnh trục xuất này.
Thoả thuận năm 2008 nói gì?
Sở dĩ chính phủ Trump loay hoay tìm cách mãi mà vẫn chưa trục xuất những người Việt tị nạn này là vì rào cản có tên là thoả thuận năm 2008.
Vậy thỏa thuận đó nói gì?
Thỏa thuận năm 2008 được ký giữa cơ quan di trú Mỹ và đại diện của chính phủ Việt Nam, tại Hà Nội vào ngày 22 tháng Giêng, 2008, qua đó, Việt Nam bằng lòng nhận những người Việt di dân bị Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất, nhiều người trong số đó có tiền án, theo những điều kiện được ghi rõ trong biên bản.
Bản quyền hình ảnh Www.state.gov Image caption Khoản 2, Điều 2 trong Biên bản Ghi nhớ năm 2008 ghi người Việt đến Hoa Kỳ trước 12/7/1995 không nằm trong diện bị trục xuất
Theo bà Kelly Nantel, phát ngôn viên của ICE, thoả thuận có mục đích bàn về việc trục xuất người Việt về Việt Nam, là kết quả đàm phán 10 năm của hai bên.
Trước đó, Mỹ không thể trục xuất người Việt nào, vì Việt Nam thường từ chối cấp giấy thông hành cho những người Việt di dân bị Mỹ trục xuất.
Toàn thể thoả thuận ảnh hưởng số phận của hàng ngàn người này được tóm gọn trong một bản ghi nhớ dài chưa đến 6 trang, gồm chín điều.
Ngoài những thủ tục hành chánh hai bên phải theo, điểm then chốt của thoả thuận 2008 là những người Việt đến Mỹ trước 12/7/1995 sẽ không bị trục xuất, được ghi rõ trong Khoản 2, Điều 2:
”Công dân Việt Nam sẽ không bị trả về Việt Nam theo thỏa thuận này, nếu họ đến Hoa Kỳ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995, ngày mà quan hệ ngoại giao được tái thiết giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam duy trì vị trí pháp lý tương ứng của họ với công dân Việt đến Hoa Kỳ trước ngày đó.”
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Những người tị nạn Việt Nam, đa số là người thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa, phải bỏ nước ra đi sau cuộc chiến, và đã sinh sống ở Mỹ trong biết bao thập niên, và con cháu họ, có khi chưa bao giờ sinh sống ở Việt Nam.
Giải thích về tính cách pháp lý và sự ràng buộc của thoả thuận này, Luật sư Trần Thái Văn, cựu dân biểu tiểu bang California nói với BBC hôm 14/12:
”Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, được ký vào đầu năm 2008 có thể diễn tả một cách dễ hiểu. Đây là một ‘hợp đồng’ hoặc ‘giao kèo hành chánh’ giữa hai chính phủ, đại diện Bộ Nội An từ phía Hoa Kỳ (của Tổng thống George W. Bush), và Bộ Ngoại Giao của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.”
“Văn kiện này không phải là một hiệp định được phê chuẩn bởi Quốc hội của hai quốc gia, hoặc sắc lệnh của một chính quyền áp đặt lên một chính quyền khác. Văn kiện này liên hệ đến, và giải quyết cho, nhiều vấn đề di trú và di dân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
“Nội dung của văn kiện này ấn định một điều khoản bãi miễn quyền phía Hoa Kỳ thi hành thủ tục trục xuất những người Việt Nam có tiền án hình sự, nhưng đã sinh sống tại Hoa Kỳ trước khi hai quốc gia thiết lập bang giao, đó là ngày 12 tháng 7 năm 1995.”
Xem kỹ hơn những điều khoản của thỏa thuận 2008 chúng ta thấy thoả thuận này có hiệu lực trong vòng 5 năm, và sau đó sẽ tự động gia hạn thêm ba năm, trừ khi một bên quyết định không muốn gia hạn.
Nếu không muốn gia hạn, bên này phải báo cho bên kia tối thiểu trước 6 tháng. Còn nếu muốn tạm ngừng hay hủy bỏ thỏa thuận, bên này phải cho bên kia biết trước 1 tháng.
Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption Ông Phạm Chí Cường va Bùi Thanh Hưng, bị Mỹ trục xuất cuối năm 2017, nay không nhà, không việc làm, không người thân ở Việt Nam. Họ đang trao đổi với luật sư Tín Nguyễn ngày 19/4 tại TP Hồ Chí Minh
Vì thoả thuận hết hiệu lực lần đầu tiên vào năm 2013, nên đã được gia hạn tự động năm 2016, và sắp được tự động gia hạn một lần nữa, vào tháng Giêng năm 2019.
Đây có lẽ là lý do tại sao chính phủ Trump đã có những cuộc thảo luận với Bộ Ngoại giao Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Phản ứng từ mọi giới
Không chỉ cộng đồng người Mỹ gốc Việt mới có những phản ứng gay gắt.
Tính đến hôm 14/12, ít nhất 27 dân biểu liên bang Hoa Kỳ ở những địa phương có nhiều cử tri gốc Việt, đã gửi thư bày tỏ quan ngại, và yêu cầu chính quyền Donald Trump tôn trọng thỏa thuận năm 2008 như hai bên đã ký kết.
Người phản đối nêu lên tính cách thiếu nhân bản trong việc muốn trục xuất những người tị nạn Việt Nam, đa số là người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa, phải bỏ nước ra đi sau cuộc chiến, và đã sinh sống ở Mỹ trong biết bao thập niên, và con cháu họ, có khi chưa bao giờ sinh sống ở Việt Nam.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Chính phủ Trump đang quay lưng lại với những người phải chạy trốn khỏi Việt Nam, nhiều người từng chiến đấu bên cạnh người lính Mỹ?
Ngoại trưởng John Kerry đăng trên Twitter:
“Thật đáng khinh. Sau khi rất nhiều người – từ George H.W. Bush đến John McCain và Bill Clinton – đã làm việc trong nhiều năm để chữa lành vết thương này và quên đi cuộc chiến – họ (chính phủ Trump) đã quay lưng lại với những người phải chạy trốn khỏi đất nước, nhiều người trong số đó từng chiến đấu bên cạnh chúng ta. Trump làm thế để đạt được mục đích gì cơ chứ?”
Ông Bảo Nguyễn, cựu thị trưởng thành phố Garden Grove, nói với BBC hôm 13/12 ông cảm thấy rất buồn vì hành động mà ông cho là ‘vô nhân đạo’:
“Sau khi những người tị nạn bị kết tội này đã chịu hình phạt, đã thụ án theo bản án của toà, trục xuất họ là kết án họ lần thứ hai, và là một hành động vi hiến. Thật là bất công và vô nhân đạo khi những cá nhân này bị tách khỏi gia đình, con cái họ và bị gửi đến một đất nước nơi họ không có tương lai.”
Luật sư Trần Thái Văn nhận định:
“Với chính sách khe khắt về di dân, di trú nói chung, và đối với các thường trú nhân có tiền án phạm pháp nói riêng, chính phủ Donald Trump bây giờ đơn phương muốn vô hiệu hoá điều khoản bãi miễn trục xuất người Việt Nam đến Mỹ trước ngày 12 tháng 7, năm 1995 của thoả thuận 2008, với lập luận rằng phía Hoa Kỳ không phân biệt những người đến trước hoặc đến sau, và chính sách trục xuất sẽ được thi hành đồng đều với tất cả thường trú nhân có tiền án, một khi đã có lệnh truc xuất từ Tòa án Di trú Hoa Kỳ.”
“Tôi không biết có nên gọi động thái này là ‘chính sách’ hay chỉ mới là một ‘dự định đổi ý’ của chính phủ Trump đang gây nhiều phức tạp và lo âu từ nhiều giới khác nhau, nhất là từ cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ.”
“Tôi gọi đây là một ‘dự định đổi ý” vì vào mùa Hè năm nay, chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý tiếp tục tuân theo chính sách được thoả thuận giữa hai quốc gia từ năm 2008, là không trục xuất những người tỵ nạn Việt Nam, đã có tiền án hình sự, nhưng đến trước Hoa Kỳ trước ngày 12 tháng 7, năm 1995, trước khi Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức lập bang giao. Đây là chính sách được thoả thuận từ các đời tổng thống George W. Bush và Barack Obama.”
“Trên thực tế, có gọi đây là một ‘chính sách’ một ‘dự định đổi ý” cũng không phân biệt được gì, vì quyết định mới đây từ phía Hoa Kỳ đã không được công khai và giải thích rõ ràng, hậu quả là đã gây ra rất nhiều hoang mang và sự phản đối từ nhiều giới khác nhau.”
“Cái gọi là chính sách của chính phủ Trump về vấn đề trục xuất các di dân phạm pháp Việt Nam đã sinh sống tại Hoa Kỳ trước khi hai quốc gia có bang giao chính thức có phần phản ảnh sự lúng túng, lưỡng lự của các viên chức Hoa Kỳ, vì họ không có một câu trả lời rõ ràng cho những người và gia đình bị lọt vào tình trạng này.”
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Cuộc sống của người Việt gốc Mỹ pha trộn văn hóa và lịch sử Việt Nam và Hoa Kỳ
Cựu nhà báo Vũ Qúy Hạo Nhiên, hiện là giáo sư toán ở Nam California, xoáy vào tinh thần của thoả thuận 2008. Ông viết trên trang Facebook cá nhân:
“Thoả thuận 2008 có ý nghĩa sâu sắc chứ không phải chỉ về việc trục xuất tội phạm.”
“Điều khoản này có nghĩa là tuy tái lập ngoại giao, nhưng Hoa Kỳ không công nhận bất cứ quyền hạn nào của Cộng sản Việt Nam đối với người tỵ nạn Việt Nam trên đất Mỹ lúc đó. Mỹ sẽ không giao người tỵ nạn Việt Nam cho CSVN, và CSVN sẽ không đòi được Mỹ giao người tỵ nạn Việt Nam cho CSVN.”
“Đơn phương xoá bỏ điều khoản này, là một sự bắt tay rất nồng thắm giữa chính quyền Trump với CSVN. Tất nhiên cá nhân người bị trục xuất thì phải thế nào mới bị trục xuất, nhưng đó chỉ là bề nổi. Từ nay trở đi bất cứ người Việt nào cũng có thể bị đem ra trao đổi với CSVN. Và ý nghĩa thật sự của việc này là Hoa Kỳ chính thức công nhận khúc ruột nối dài liên kết người tỵ nạn với Đảng CSVN. Đó là điều hai tổng thống Bush và Clinton không muốn làm, nhưng Trump thì sẵn sàng làm.|”
“Khi làm ngơ điều khoản đặc biệt này, chính quyền Trump nâng tầm quan hệ với Việt Nam lên ngang với các quốc gia văn minh không cộng sản như Pháp, Anh, Úc, v.v.”
“Đó mới là ý nghĩa của của việc làm này, và cũng là lý do các cựu đại sứ Hoa Kỳ phản đối.”
Tại sao cứ đòi phải trục xuất?
Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Qúy Hạo Nhiên nói với BBC hôm 13/12:
“Ông Trump không ghét chế độ cộng sản ở Việt Nam, ông chỉ ghét chế độ cộng sản ở Cuba và đồng minh Cuba là Venezuela thôi. Thái độ của Trump đối với Việt Nam vồn vã như một người bán địa ốc vồn vã với khách hàng. Ta có thể thấy điều này khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, Toà Bạch Ốc gửi lời chia buồn và ca ngợi ‘những đóng góp của ông cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như tiếng nói của ông cho một Việt Nam tự hào và độc lập trên trường quốc tế’.”
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Ông Trump không ghét chế độ cộng sản ở Việt Nam?
“Ông Trump chỉ muốn được toàn quyền trục xuất bất cứ ai Trump có quyền trục xuất, và vì không ghét CSVN nên Trump không thấy có lý do gì mà CSVN lại bị ngoại lệ như vậy, so với các nước khác.”
Trả lời phỏng vấn của BBC từ Texas, Luật sư Hoàng Duy Hùng nhận xét:
“Ông Donald Trump là ổng tháu cáy. Ổng biết là Việt Nam không muốn nhận những người này về, và ổng là một thương gia, nên dùng cái chiêu bài này để thương thảo đòi hỏi Việt Nam phải nhượng bộ cái gì đó. Ổng cứ đưa ra hết điều này điều kia để ổng tháu cáy. Ổng nói vậy thôi chứ không làm gì được đâu, nếu bên kia cứ nhất định không chịu nhận về thì ổng làm sao mà trục xuất?”
Luật sư Trần Thái Văn nhận định:
“Đây không phải là một vấn đề đơn giản chút nào.”
“Hai nan giải trước mặt là nếu Việt Nam nhận hàng ngàn những người này sau khi Hoa Kỳ hoàn tất lệnh trục xuất, thì họ sẽ ở đâu, và có công việc gì để sinh sống hàng ngày. Đó là chưa nói đến vấn đề xáo trộn gia đình và sự khó khăn hội nhập vào xã hội địa phương xa lạ.”
“Đối với hàng ngàn các người Việt Nam tại Hoa Kỳ lọt vào hoàn cảnh này, phần đông họ đã có công ăn việc làm, gia đình ổn định, và đã sanh con đẻ cái, sinh sống êm đềm tại Mỹ, thì ai sẽ chịu trách nhiệm với những hậu quả gia đình phân ly, ảnh hưởng tệ hại đến thân nhân của họ?”
“Theo tôi, chính phủ Trump không thông báo rõ ràng hoặc công khai về ý định thay đổi thoả thuận 2008 với công chúng vì họ có hai vấn đề phải đối diện.”
“Thứ nhất, các viên chức biết rằng sự rút lời hoặc đổi ý định của phía Hoa Kỳ khi đã có sự đồng thuận với Việt Nam về vấn đề này hồi mùa hè năm nay sẽ gây nhiều phẫn nộ và chống đối từ mọi phía.”
“Vấn đề trục xuất người Việt Nam trước năm 1995 không đơn giản như trục xuất thường trú nhân từ các quốc gia khác. Đại đa số người Việt lọt vào hoàn cảnh này là dân tỵ nạn cộng sản, đến Hoa Kỳ với căn cước quốc gia, và là một đồng minh trốn tránh sự áp bức của bạo quyền Việt Nam trong lúc hai quốc gia không chính thức nhìn nhận nhau.”
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Diễu hành mừng Tết Nguyên Đán 2016 tại Westminster, California.
“Thứ nhì, việc thông báo mơ hồ về sự đổi ý này là một cách ”thả bong bóng” từ phía Hoa Kỳ để thăm dò dư luận quốc nội, song song với dự định muốn điều đình lại với Việt Nam về việc chấp nhận những người Việt lọt trong quy chế này.”
“Trên thực tế, nếu phía Việt Nam không chấp thuận, thì Hoa Kỳ có muốn trục xuất một người cũng không được. Thủ tục trục xuất chỉ có hiệu lực khi hai cửa phải được mở ra cùng một lúc. Một phía đưa mà đối tượng không nhận thì cũng hỏng việc.”
“Câu hỏi chúng ta cần đặt ra là phía Hoa Kỳ sẽ chuyển nhượng những thuận lợi gì nếu Việt Nam đồng ý sửa đổi điều khoản bãi miễn trục xuất những người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ trước năm 1995? Hoặc ngược lại, Hoa Kỳ sẽ dùng những biện pháp và áp lực gì để buộc Việt Nam đồng ý nhận những người Việt trước năm 1995?”
“Cuộc điều đình này đang xảy ra trong bí mật, với một hậu quả trầm trọng có thể ảnh hưởng đến cả hàng ngàn người dân Việt đang sinh sống tại cả hai nước, kể cả biết bao nhiêu thân nhân, gia đình của họ, và tại địa phương họ đang sinh sống.”
“Cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ là một cộng đồng tỵ nạn chính trị với nhiều làn sóng di dân và di trú trong 43 năm qua. Đây là một cộng đồng người Mỹ gốc Á có dân số lớn thứ tư tại Hoa Kỳ.”
”Cộng đồng chúng ta ủng hộ một chính sách di trú bảo vệ quyền hiện hữu và anh ninh quốc gia đầy nhân bản, khoan dung và hợp lý, theo đúng tinh thần và truyền thống di dân của nước Mỹ. Tuy nhiên chúng ta sẽ không thể chấp nhận được một chính sách di trú khắt khe vô cớ, có tính chất phân biệt và mỵ dân, vừa không hợp lý mà cũng chẳng hợp tình.”