Friday, July 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ và Mỹ trong cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng tại khu...

TQ và Mỹ trong cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực châu Á

Trong những năm gần đây, châu Á trở thành khu vực phát triển năng động, có vị trí địa – chính trị, địa – kinh tế, an ninh quan trọng hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, sự cạnh tranh, điều chỉnh chiến lược, gia tăng sự tập hợp lực lượng giữa các nước lớn, nhất là Trung Quốc và Mỹ tại khu vực khiến hình thái cạnh tranh, hợp tác giữa các nước này ngày càng quyết liệt hơn.

Lợi thế của Mỹ và Trung Quốc ở khu vực là châu Á

Trước hết, Mỹ có nhiều đồng minh và đối tác trong khu vực, bao gồm Nhật Ban, Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Thái Lan… Đây là điều quan trọng do các nước này đều hướng tới Mỹ để tìm kiếm trợ giúp về mặt an ninh nếu có điều gì xấu xảy ra. Hệ thống đồng minh của Mỹ là một lợi thế lớn cho nước này trong bối cảnh Trung Quốc không có một đồng minh chính thức nào trong vùng và ít có khả năng tìm được một đồng minh như thế trong tương lai gần.

Thứ hai, một số nước trong khu vực vẫn nghi kỵ Trung Quốc, ở các mức độ khác nhau, do các lý do lịch sử, kinh tế hoặc chiến lược. Các nước này hưởng lợi từ việc làm ăn với Trung Quốc nhưng họ cũng muốn giữ khoảng cách an toàn với Trung Quốc – đất nước có thể trở thành một thế lực ngự trị châu Á-Thái Bình Dương vào một ngày “đẹp trời” nào đó.

Thứ ba, các “giá trị Mỹ” vẫn phổ biến ở khu vực này dẫu cho sức mạnh mềm của Mỹ đã sụt giảm ở một mức độ nhất định kể từ đầu nhiệm kỳ của chính quyền Donald Trump. Cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump đã không mang lại cho Mỹ thêm người bạn nào ở châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhìn chung châu Á-Thái Bình Dương vẫn sẽ hướng sang Mỹ trong việc xem xét một phương thức quản trị hiệu quả, dù cho bản thân Mỹ đang đối mặt với các thách thức lớn ở trong nước.

Trong khi đó, các lợi thế của Trung Quốc lại nằm ở chính những điểm mà Mỹ thiếu ở châu Á-Thái Bình Dương, đó là sự gần gũi về kinh tế và địa lý. Điều này càng rõ hơn nữa trên nền cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Không những vậy, mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với ASEAN là mạnh và đang phát triển. Năm 2017, thương mại song phương giữa Trung Quốc và ASEAN đã đạt tới mức độ cao kỷ lục, lên tới 514 tỷ USD. Đã vậy mối quan hệ thương mại này lại tương đối lành mạnh khi mà thặng dư thương mại tổng thể của Trung Quốc với ASEAN chỉ dừng ở mức 43 tỷ USD. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất ASEAN trong khi Mỹ chỉ là đối tác lớn thứ 4 của ASEAN. Điều này mang lại cho Trung Quốc một lợi thế lớn trong việc giao dịch với ASEAN. Thêm nữa, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh sáng kiến Sáng kiến Vanh đai và Con đường trong toàn khối ASEAN, bất chấp một số bước thụt lùi trong các dự án ở Malaysia và nơi khác. Cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc tạo thêm xung lực mới cho việc đạt được thỏa thuận thương mại “Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực” bao gồm hầu hết các nền kinh tế châu Á và loại trừ Mỹ. Trong bối cảnh đó, cam kết 113 triệu USD của Mỹ chỉ như “chú lùn” trước các siêu dự án của Trung Quốc ở ASEAN. Ngoài ra, Trung Quốc chú ý đến ASEAN và khu vực này nhiều hơn so với mức độ quan tâm của Mỹ đối với khu vực. Vì các lý do địa lý và chiến lược, Trung Quốc phải xây dựng một quan hệ tốt và hiệu quả với Đông Nam Á nếu Bắc Kinh muốn gia tăng sức nặng của mình trên toàn cầu. Đối với Trung Quốc, không khu vực nào khác gần bằng và về mặt chiến lược quan trọng bằng ASEAN. Đối với họ, khu vực Đông Bắc Á cũng không sánh bằng. Cuối cùng, Trung Quốc có một lợi thế tự nhiên do nằm sát nách khu vực ASEAN. Bên cạnh các tương tác thương mại hàng ngày giữa Trung Quốc và ASEAN, các cuộc trao đổi giữa người dân hai bên cũng gia tăng nhanh chóng. Con số này lên tới 50 triệu người vào năm 2018. Số sinh viên trong diện trao đổi cũng tăng lên con số 200.000, phản ánh một cột trụ mạnh đang ngày càng phát triển trong hợp tác Trung Quốc – ASEAN.

Cạnh tranh chiến lược Trung Quốc – Mỹ tại khu vực hiện nay

Trong giai đoạn hiện nay, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực châu Á diễn ra gay gắt trên tất cả các lĩnh vực, tập trung trên một số nội dung chính sau:

Cạnh tranh về quyền lực: Đó là cạnh tranh giữa một siêu cường đang tại vị (Mỹ) với một cường quốc đang lên (Trung Quốc) có nguy cơ làm thay đổi cấu trúc quyền lực tại khu vực mà Mỹ đang chiếm ưu thế. Mặc dù về công khai, cả hai bên đều không muốn điều này xảy ra, nhưng trên thực tế, lo ngại xung đột quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một hiện hữu.

Cạnh tranh vị thế địa – chính trị: Với việc nhấn mạnh khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” thay cho “châu Á – Thái Bình Dương” trong công bố của Tổng thống Mỹ Donld Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 đã hé lộ phần nào chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Á theo hướng “cân bằng cứng”. Mặt khác, điều đó còn thể hiện cam kết về sự hiện diện của Mỹ – cả trên bình diện ngoại giao và quân sự ở khu vực – đồng thời làm rõ tầm quan trọng của một đồng minh như Ấn Độ. Trong không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, 4 nước gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ có ý tưởng phối hợp trên các lĩnh vực có liên quan, như tập trận chung, hợp tác an ninh, xây dựng cấu trúc an ninh khu vực lấy Nhật Bản là điểm tựa ở phía Đông, Ấn Độ ở phía Tây, Australia ở phía Nam, do Mỹ giữ vai trò chủ đạo. 

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh và thương mại thế giới trong thế kỷ 21 bởi nhiều lý do, trong đó đặc biệt là kinh tế, quân sự và chính trị quốc tế. Tuyến đường biển từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng cho dòng chảy dầu mỏ, khí đốt và hàng hóa trên thế giới. Đây cũng là nơi có hai eo biển quan trọng nhất với tuyến vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông tới Australia và Đông Á. Trung bình mỗi ngày có 17 triệu thùng dầu mỏ được vận chuyển qua eo biển Ho-mút và 15,2 triệu thùng qua eo biển Malacca. Mặt khác, đây cũng là vùng biển nổi tiếng thiếu ổn định với nạn cướp biển và khủng bố. Trong khi đó, năng lực hàng hải của các nước trong khu vực vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, việc bảo đảm an ninh cho tuyến huyết mạch của kinh tế thế giới được Mỹ và các nước đặc biệt quan tâm. Bên cạnh các yếu tố về chống cướp biển, khủng bố, hỗ trợ cứu hộ cứu nạn, còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn tới sự ra đời của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đó là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến “Vành đai, Con đường” nhằm đối trọng lại Mỹ. Sáng kiến này do Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng, được coi là một kế hoạch dài hơi để ứng phó với chiến lược “xoay trục” và chính sách “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ. Sáng kiến “Vành đai, Con đường” ra đời đã đẩy cạnh tranh Trung Quốc – Mỹ lên một nấc thang mới và nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực thì sẽ là một bước chuyển tiếp mềm cho quá trình chuyển giao quyền lực để sắp xếp lại bàn cờ chính trị thế giới. Để triển khai sáng kiến này, thời gian qua Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển ở các nước Trung Á, Nam Á và châu Phi để mở rộng ảnh hưởng của mình. Không những tăng cường mở rộng ảnh hưởng kinh tế, Trung Quốc còn tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương với căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở Djibouti phía Đông châu Phi và đang xúc tiến mở thêm các căn cứ không quân, hải quân khác. Trước nguy cơ lợi ích địa – chính trị, kinh tế và các lợi ích của mình trong khu vực có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Mỹ đã tập hợp các cường quốc có liên quan trong chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để làm đối trọng với Trung Quốc. Một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở đã thể hiện rõ tầm nhìn đó.

Cạnh tranh trong kinh tế – thương mại: Từ đầu năm 2018, những động thái cạnh tranh trên lĩnh vực thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng nhanh và làm nóng bầu không khí quan hệ giữa hai nước vốn đang tốt đẹp hồi cuối năm 2017. Mỹ đẩy nhanh các cuộc điều tra thương mại thường kỳ, như chống trợ cấp, chống bán phá giá và áp đặt mức thuế mới đối với 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị 60 tỷ USD. Chính phủ Mỹ cũng áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào đầu tháng 3/2018. Giới phân tích cho rằng, nếu cuộc chiến thương mại leo thang, bên tổn thất lớn hơn có thể là Trung Quốc. Trước hết, xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 1% GDP và 8% tổng xuất khẩu của Mỹ. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm gần 4% GDP và 20% tổng xuất khẩu của quốc gia này. Giá trị gia tăng từ xuất khẩu sang Mỹ chiếm 3% GDP của Trung Quốc. Mặc dù nhiều công ty Mỹ đang đầu tư ở Trung Quốc, nhưng nếu các căng thẳng thương mại không được giải quyết, Trung Quốc sẽ chịu tác động kinh tế trực tiếp lớn hơn Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã đưa ra các biện pháp đáp trả. Việc Trung Quốc gây khó dễ cho những công ty lớn, như Apple, Boeing, Intel… trên thị trường Trung Quốc sẽ là áp lực lớn đối với Mỹ. Các số liệu cho thấy, trong quý IV-2017, doanh thu của Apple từ Trung Quốc là 18 tỷ USD, chiếm tới 20% doanh thu của hãng. Hãng Boeing trong năm 2017 cũng xuất khẩu sang Trung Quốc 12 tỷ USD, chiếm 13% tổng doanh thu. Không chỉ các hãng công nghệ, các công ty hàng tiêu dùng lớn của Mỹ cũng có thể chịu tác động tiêu cực. Quý IV-2017, doanh thu của Nike từ thị trường Trung Quốc là 1,2 tỷ USD, chiếm 15% doanh thu của công ty. Liên doanh với Trung Quốc của công ty ô-tô GM năm ngoái tiêu thụ được 400.000 chiếc – mức cao kỷ lục. Trong khi đó, các khách hàng Trung Quốc đem lại cho Starbucks 14% doanh thu mỗi năm(2).

Hiện nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ phần lớn là hàng hóa tiêu dùng, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chủ yếu là vốn và công nghệ. Không dễ dàng cho Trung Quốc và Mỹ để chiến thắng bằng một cuộc chiến tranh thương mại mà không làm tổn thương đến lợi ích quốc gia và cũng không thực tế khi tin rằng sự mất cân bằng thương mại song phương có thể bị loại trừ bằng một cuộc chiến tranh thương mại. Trên thực tế, những mâu thuẫn căn bản tiềm tàng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục diễn ra và ngày càng nổi trội. Thặng dư thương mại của Trung Quốc và Mỹ không chỉ tồn tại trong thị trường sản phẩm cần nhiều lao động, mà còn cả về thị trường sản phẩm có vốn và công nghệ cao. Với sự khởi đầu của một cuộc chạy đua công nghệ cao, sự va chạm thương mại trong các ngành công nghiệp cần vốn và công nghệ cao sẽ trở nên phổ biến. Sự leo thang trong cạnh tranh thương mại Trung Quốc – Mỹ sẽ làm cho hợp tác giữa hai cường quốc này ở vào tình trạng khó khăn chưa từng có. Kinh tế và quan hệ thương mại Trung Quốc – Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới và sẽ phát triển theo hướng cạnh tranh ngày càng nhiều. Điều nguy hiểm hơn là việc “trả đũa” về kinh tế giữa hai nước nếu cứ tiếp diễn sẽ kéo toàn bộ hệ thống thương mại của thế giới đi xuống, trong khi nền kinh tế toàn cầu hiện nay vốn đã không khỏe mạnh.

Tác động của cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ

Đối với Mỹ, đòn phản công của Trung Quốc đã bắt đầu ảnh hưởng xấu đến các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, chẳng hạn như như Apple hay GM. Chuyên gia Alexander Salitsky từ Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO) cho rằng: “Thật không may, kịch bản về việc Trung Quốc và Mỹ sẽ giải quyết các mâu thuẫn và giảm căng thẳng, ít nhất là nới lỏng rào cản về mặt thuế quan đã không thành sự thật”. Theo ông Alexander Salitsky, động thái gia tăng sức ép từ Washington đã khiến Trung Quốc phải tung đòn đáp trả và các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc trở thành nạn nhân bị tổn thương nhiều nhất do có quan hệ gắn kết chặt chẽ với thị trường nội địa. Trước đó Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (5/8) đã thông báo về “những biện pháp trực diện” nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc. Theo tờ báo này, một số công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn và các quy định giám sát ngặt nghèo hơn liên quan đến căng thẳng thương mại gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Mặc dù Trung Quốc khó có khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến áp đặt rào cản thuế quan, bởi lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc ít hơn lượng hàng hóa nước này xuất khẩu sang Mỹ, song Trung Quốc có thể tính đến các biện pháp “thực chất” như thắt chặt thủ tục hải quan nhằm tạo ra “nút thắt cổ chai” trong việc tiếp nhận hàng Mỹ, kéo dài thời gian kiểm định tại các sân bay hay đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản phẩm để thay thế hàng Mỹ.

Đối với Trung Quốc, các biện pháp đáp trả có thể giúp Trung Quốc đối phó với Mỹ song cũng khó tránh khỏi việc gây tác dụng ngược lại đối với chính nước này, chẳng hạn như khiến người lao động Trung Quốc mất việc hay khiến một số công ty Trung Quốc phụ thuộc vào đối tác Mỹ phá sản. Ông Tom Holland, thuộc công ty nghiên cứu thị trường Gavekal cho biết: “Tẩy chay hàng hóa do các công ty Mỹ sản xuất sẽ ảnh hưởng tới thị trường lao động của Trung Quốc”. Ông chỉ ra rằng một số công ty hàng đầu của Mỹ như Apple đã đặt các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc và sử dụng đông đảo lao động địa phương. Trong một số trường hợp, nhiều công ty Trung Quốc đang đầu tư mạnh tay vào những thương hiệu hàng đầu của Mỹ.  

Đối với các nước Đông Nam Á, những quốc gia như Malaysia, Singapore, Philippines, Thailand, Việt Nam và  Indonesia, vốn có quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc cũng đã chuẩn bị các biện pháp cho riêng mình. Tuy nhiên, ông Zhang Ningm, chuyên gia chiến lược tài chính tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ giúp nhiều nước Đông Nam Á được hưởng lợi. Điều duy nhất mà các quốc gia trong khối ASEAN lo ngại là khả năng Washington mở rộng chính sách bảo hộ thương mại tới Đông Nam Á. Cùng quan điểm trên, ông Matthew Pottinger, Giám đốc cấp cao phụ trách khu vực châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết, cuộc chiến này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho ASEAN để mở rộng giao thương quốc tế. “Sẽ có một sự gián đoạn trong quá trình điều chỉnh quan hệ kinh tế của Mỹ với Trung Quốc. Trước mắt, điều này sẽ mở ra các cơ hội mới cho những nước thành viên ASEAN để đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Mỹ. ASEAN sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao”. Trong khi đó, theo nghiên cứu của công ty môi giới chứng khoán CGS-CIBM, các loại sản phẩm mà những nước Đông Nam Á đang cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ như thiết bị điện tử, máy móc, hóa chất, phụ kiện máy bay, lốp cao su và thiết bị y tế, có thể hưởng lợi từ việc chuyển đổi nhu cầu tiêu dùng tại hai thị trường lớn của thế giới.

Đối với Việt Nam, Việt Nam có một vị trí địa – chính trị rất quan trọng trong cạnh tranh chiến lược Trung Quốc – Mỹ tại khu vực, nên chính sách mới của Mỹ và Trung Quốc về châu Á bao hàm sự ghi nhận tầm quan trọng của Việt Nam cùng khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi và thách thức không nhỏ. Về thuận lợi, đó là khả năng hợp tác giữa chính quyền của Tổng thống Donld Trump với Việt Nam theo tinh thần hợp tác cùng có lợi là rất lớn. Triển vọng hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng với Mỹ sẽ tiếp tục phát triển, thậm chí Việt Nam có thể sẽ là một “tiêu điểm” trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực, đặc biệt là trong các chính sách của Mỹ ở Biển Đông. Về khó khăn, trong quan hệ thương mại Việt Nam – Mỹ, Việt Nam trong những năm qua đã xuất khẩu nhiều qua Mỹ, vì vậy Việt Nam cũng phải chuẩn bị trước khả năng Mỹ sẽ áp đặt các chính sách bảo hộ, đặt ra các rào cản thương mại đối với Việt Nam để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng Mỹ.

Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam, nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, củng cố và tăng cường tốt nhất các lợi ích cho mình ở khu vực và thế giới, Việt Nam cần: (1) Thực hiện cân bằng về lợi ích trong quan hệ với các nước lớn; cần tạo ra nhiều sự hợp tác, đan xen, ràng buộc lợi ích với các cường quốc này để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời tránh trở thành “con bài” để các nước lớn mặc cả lợi ích với nhau. (2) Tiếp tục chú trọng duy trì đường lối đối ngoại đa phương hiện nay. Tích cực thúc đẩy quá trình hội nhập, xây dựng và phát huy vai trò Cộng đồng ASEAN hơn nữa. (3) Tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã thỏa thuận; nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế; chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi; củng cố và nâng cao vai trò trong cộng đồng khu vực và quốc tế. (4) Tiếp tục thực hiện chính sách nhất quán hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, nhất là về kinh tế, tôn trọng và ổn định về chính trị và hợp tác về an ninh, đôi bên cùng có lợi.

RELATED ARTICLES

Tin mới