Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMỹ - Trung tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực...

Mỹ – Trung tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Trong những năm gần đây, châu Á – Thái Bình Dương trở thành khu vực phát triển năng động, có vị trí địa – chính trị, địa – kinh tế, an ninh quan trọng hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, sự cạnh tranh, điều chỉnh chiến lược, gia tăng sự tập hợp lực lượng giữa các nước lớn, nhất là Trung Quốc và Mỹ tại khu vực khiến hình thái cạnh tranh, hợp tác giữa các nước này ngày càng quyết liệt hơn. Tất cả các điểm nóng gồm bán đảo Triển Tiên, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và Biển Đông đều liên quan trực tiếp đến mâu thuẫn lợi ích chiến lược Mỹ – Trung. Đây đều là những vấn đề mà Trung Quốc coi là lợi ích cốt lõi, sát sườn, còn Mỹ xác định như “hàn thử biểu” đối với vài trò lãnh đạo của mình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nhìn bề mặt, biển Hoa Đông và Biển Đông là các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo giữa các bên liên quan trực tiếp, nhưng ẩn sâu sau đó là cuộc tranh giành quyền kiểm soát giữa Mỹ và Trung Quốc để xác định ngôi vị bá chủ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chỉ cần Mỹ có dấu hiệu lung lay trong cam kết an ninh đối với các đồng minh và đối tác khu vực về các vấn đề nói trên, thì tập hợp lực lượng tại đây sẽ chuyển động theo một hoặc hai hướng: Các nước buộc phải đi với Trung Quốc, chấp nhận địa vị “bá chủ” của Trung Quốc ở khu vực; Hoặc là tìm cách gia tăng tiềm lực quốc phòng của mình và liên kết với nước khác để chống lại sự bá chủ của Trung Quốc. Trong giai đoạn hiện nay, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương diễn ra gay gắt trên tất cả các lĩnh vực, tập trung trên một số nội dung chính sau:

Vấn đề Triều Tiên: Khi Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, Trung Quốc trả đũa quyết liệt về kinh tế khiến Hàn Quốc thiệt hại hàng tỉ USD. Cách tiếp cận thực dụng kiểu “con buôn” của Tổng thống Trump cũng khiến các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan lo ngại khả năng sẽ đến lúc bị đem ra làm con bài mặc cả trong quan hệ Mỹ – Trung. Thêm vào đó, cá tính bốc đồng, hiếu thắng của ông Trump cũng có thể khiến nguy cơ xung đột nổ ra dễ dàng hơn, đặc biệt trong vấn đề Triền Tiên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Hàn Quốc và Nhật Bản. Trên thực tế, khác với chính quyền tiền nhiệm, Chính quyền Trump yêu cầu Trung Quốc phải hợp tác ráo riết để cùng giải quyết. Trước sức ép của Mỹ, bước đầu Trung Quốc phải có hành động hợp tác cụ thể như bỏ phiếu thuận đối với các nghị quyết siết chặt cấm vận Triều Tiên do Mỹ đề xướng tại Hội đồng Bảo an LHQ. Nhưng Trung Quốc cũng đặc biệt lo ngại trừng phạt khắt khe dẫn đến khả năng chính quyền Triều Tiên sụp đổ, làm đảo lộn cục diện hiện nay tại bán đảo Triều Tiên.

Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng, thúc đẩy quan hệ song phương với Triều Tiên là cách duy nhất để Trung Quốc duy trì ảnh hưởng đối với vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là sau cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận lời mời tổ chức cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhiều nhà quan sát của Trung Quốc bày tỏ lo ngại Bắc Kinh có thể mất đi vai trò của mình trong giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên khi mà Mỹ và Hàn Quốc thiết lập đối thoại trực tiếp.

Trong khi đó, Triều Tiên từ một nước bị mắc kẹt trong sự cô lập gần như hoàn toàn của cộng đồng quốc tế vì những vụ thử tên lửa và hạt nhân thường xuyên, đến thay đổi thành một “người mới” đầy hấp dẫn trên sân khấu quốc tế mà các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau để giành ảnh hưởng trong năm nay, ông Kim Jong-un có vẻ như đã thành công với chiến lược ngoại giao của mình. Theo các nhà phân tích chính trị, mặc dù Triều Tiên vẫn chưa từ bỏ bất cứ thứ gì trong kho hạt nhân của mình, Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục “cạnh tranh” với nhau để giành ảnh hưởng lớn hơn đối với Bình Nhưỡng, điều mà tới nay mới chỉ làm nên được một cam kết phi hạt nhân hóa. Ông Kim Jong-un đã tận dụng lợi thế về căng thẳng các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc và đã sử dụng chiến lược “ngoại giao cân bằng” với cả 2 cường quốc một cách hoàn hảo.

Vấn đề Đài Loan: Vấn đề Đài Loan luôn được coi là thách thức trong quan hệ Mỹ – Trung cũng là một trong những điểm nóng của an ninh Đông Á, đặc biệt trong bối cảnh tương quan sức mạnh Mỹ so với Trung Quốc đang bị giảm sút như hiện nay.

Đối với Trung Quốc và Đài Loan là một thách thức nhức nhối từ sau nội chiến Trung Quốc và là một chủ đề dân tộc chủ nghĩa nhạy cảm. Đối với một cường quốc đang lên, ngày càng tự tin, quyết đoán và đề cao tinh thần dân tộc như Trung Quốc, việc hợp nhất Đài Loan vào đại lục là một ưu tiên hàng đầu và không thể thương lượng. Trung Quốc luôn khẳng định Đài Loan là vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và là vấn đề tối quan trọng và nhạy cảm nhất đối với quan hệ Mỹ – Trung; đề nghị Mỹ tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” của nước này và đây được coi là nền tảng của quan hệ Mỹ – Trung. Chính vì vậy Trung Quốc luôn gây sức ép, đưa ra các khả năng tăng cường các biện pháp trừng phát Đài Loan nếu chính quyền vùng lãnh thổ này không tuân thủ “Đồng thuận 1992” và nguyên tắc “Một Trung Quốc”; phản đối quyết liệt các hành động của Mỹ, Đài Loan và các nước khác khi vi phạm vấn đề này. Máy bay Trung Quốc đã tiến hành tập trận tầm xa (10/12/2016) qua vùng biển gần Đài Loan trong vòng 4 giờ khi Tổng thống Mỹ Trump điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn; điều tày sân bay Liêu Ninh (12/01/2017) vào hoạt động tại eo biển Đài Loan để phô trương sức mạnh, gia tăng răn đe của Trung Quốc đối với Đài Loan khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ không nhất thiết phải bị trói buộc bởi chính sách “Một Trung Quốc”.

Đối với Mỹ, Đài Loan ngày càng đóng vai trò quan trọng về mặt chiến lược trong bối cảnh mâu thuẫn Mỹ – Trung không ngừng leo thang, Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và thách thức địa vị bá chủ của ở Đông Á. Mỹ một mặt tuyên bố tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”, mặt khác Mỹ vẫn kiên định thực hiện các điều khoản đã quy định trong “Đạo luật quân hệ Đài Loan”, nhất là việc không ngừng gia tăng bán vũ khí cho Đài Loan nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, năng lực tự vệ cho Đài Bắc trước sự răn đe của Trung Quốc. Mỹ nhận thức được rằng, nếu Trung Quốc kiểm soát được Đài Loan sẽ làm thay đổi đáng kế hiện trạng và cán cân thăng bằng trong khu vực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và vai trò chi phối của Mỹ ở khu vực.

Trên thực tế, Đài Loan đang bị “mắc kẹt” trong cạnh tranh chiến lược giữa. Về vấn đề thương mại, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đe dọa nền kinh tế xuất khẩu và phát triển công nghệ của Đài Loan, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các chuỗi cung ứng của Trung Quốc trong việc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và thâm nhập thị trường, nhất là đối với ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn (đang chi phối 25% tổng sản phẩm quốc nội của Đài loan). Một khó khăn nữa là chiến lược song song hai hướng của Trung Quốc nhằm cô lập hòn đảo này về ngoại giao, đồng thời mua chuộc các công ty cũng như những nhân tài Đài Loan nhằm đưa hòn đảo này trở lại là một phần của Trung Quốc. Suốt 2 thập kỷ qua, tranh chấp về chủ quyền đã khiến mối quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Đài Loan luôn đầy “sóng gió”, nhưng đổi lại quan hệ thương mại đầu tư lại phát triển liên tục. Đầu tư của Đài Loan vào Trung Quốc tăng ổn định kể từ khi Trung Quốc mở cửa vào đầu những năm 1990. Với sự tương đồng sẵn có về văn hóa và ngôn ngữ, tiềm năng thị trường của Trung Quốc lớn và nhân công rẻ khiến nhiều công ty trường vốn của Đài Loan đã chuyển hướng sang Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc hiện tiêu thụ 40% lượng hàng xuất khẩu của Đài Loan, trong đó 80% lượng hàng này được lắp ráp ở chính Trung Quốc trước khi bán ra thị trường hoặc xuất khẩu. Sự phát triển làm ăn kinh tế với Đài Loan đã góp phần nuôi dưỡng nền kinh tế Trung Quốc trong thời kỳ đổi mới và chuyển hóa. Các doanh nghiệp Đài Loan không chỉ là nguồn đầu tư dồi dào nhất đối với một Trung Quốc khát vốn lúc bấy giờ, mà còn là phương tiện quan trọng để Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng cũng như củng cố quan hệ với Đài Loan. Trung Quốc cũng luôn là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Đài Loan. Những căng thẳng chính trị trong quan hệ hai bờ eo biển kể từ năm 2016 đã làm giảm đầu tư của Đài Loan vào đại lục và đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Đài Loan.

Vấn đề Biển Đông: Đây có lẽ là ván đề căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ – Trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ và Trung Quốc luôn tiến hành tranh giành ảnh hưởng và quyền kiểm soát khu vực Biển Đông, biến khu vực này thành bàn đạp để giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Từ trước đến nay, Mỹ luôn có quan điểm cho rằng lợi ích của Mỹ tại Biển Đông nằm trong lợi ích đa dạng và trải rộng của Mỹ tại Đông Á/Tây Thái Bình Dương với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu. Trong đó, lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ bao gồm: (1) Bảo vệ lãnh thổ Mỹ, người dân Mỹ, đồng minh và lợi ích của Mỹ; (2) Ổn định khu vực và loại bỏ bất kỳ cường quốc vượt trội hay nhóm cường quốc nào sẽ đe dọa hay cản trở cơ hội hay lợi ích của Mỹ; (3) Phát triển khu vực và thúc đẩy tự do thương mại và mở cửa thị trường; (4) Đảm bảo một thế giới ổn định, an toàn và phi hạt nhân; (5) Thúc đẩy các giá trị toàn cầu, như quản lý tốt, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo; (6) Đảm bảo tự do hàng hải, điều kiện tiên quyết để ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích của Mỹ. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump (18/12/2017) đã công bố Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017. Chiến lược mới là sự kết hợp chặt chẽ 4 lợi ích quốc gia cốt lõi, bao gồm: bảo vệ đất nước và người dân Mỹ; thúc đẩy phát triển thịnh vượng; thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ. Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng tái khẳng định “Mỹ có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, trong phát triển kinh tế và thương mại ở Biển Đông”. Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông xuất phát từ chiến lược quyền lực biển truyền thống của nước này. Trong 16 tuyến đường thủy chiến lược toàn cầu mà Mỹ công khai tuyên bố phải kiểm soát, có 03 tuyến nằm ở khu vực Biển Đông, đó là eo biển Lombok, eo biển Sunda và eo biển Malacca. Trong khi đó, ở khía cạnh địa chiến lược, Biển Đông có vai trò mang tính quyết định đối với tương lai của Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả việc kiểm soát tuyền đường hàng hải chiến lược giữa Đông Á và mỏ dầu Trung Đông. Vì vậy, Mỹ muốn duy trì vai trò chủ đạo và ảnh hưởng của mình ở khu vực Biển Đông. Mỹ muốn thông qua việc can dự vào vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc nhằm đảm bảo lợi ích và an ninh cho Mỹ. Tính đến nay, Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp để kiềm chế, bao vây, làm tiêu hao nguồn lực chiến lược của Trung Quốc, thu hẹp không gian phát triển của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ luôn coi Trung Quốc là nguyên nhân chính gây căng thẳng an ninh trong khu vực. Mỹ cho rằng, vấn đề Biển Đông khiến cho cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ đối với các đồng minh khu vực này gặp phải thách thức. Vấn đề này được thể hiện đậm nét qua những hành động cụ thể như tuần tra trên Biển Đông, tăng cường diễn tập với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tăng cường bố trí lực lượng quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương…

Chính sách Biển Đông của Mỹ ngày càng có xu hướng cứng rắn hơn và mức độ can dự vào vấn đề Biển Đông ngày càng sâu hơn. Nếu căng thẳng Mỹ Trung gia tăng liên quan đến các vấn đề thương mại đồng nhân dân tệ, an ninh mạng, thông tin tình báo… Mỹ sẽ phải sử dụng các hoạt động trên Biển Đông, Đài Loan để ép Trung Quốc phải thỏa hiệp. Để thực hiện được các mục tiêu chiến lược trên, Thượng viện Mỹ có khả năng sẽ xem xét phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 để tạo cơ sở vững chắc ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đây, Thượng viện Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS do lo ngại Công ước sẽ gây rủi ro cho lợi ích của Mỹ, liên quan đến các thỏa thuận xung đột, quyền khai thác tài nguyên tại vùng nước sâu, và quyền hành hợp pháp của bộ máy quan chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc. Mỹ cũng sẽ tiếp tục kêu gọi tất cả các bên liên quan cần tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Không những vậy, Mỹ sẽ chủ động tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, nhất là các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các nước, nhất là những nước đồng minh như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia… để can thiệp vào tình hình Biển Đông, qua đó bảo vệ lợi ích của đồng minh trong khu vực. Về khía cạnh quân sự, Mỹ sẽ thúc đẩy các cuộc diễn tập quân sự tại khu vực mang tính thường niên, với quy mô ngày càng lớn hơn; gia tăng bố trí lực lượng hải quân tại khu vực và đẩy mạnh về tần suất và quy mô của các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Về khía cạnh hợp tác kinh tế và thương mại, Mỹ sẽ thể hiện sự ủng hộ và có biện pháp thiết thực bảo vệ các công ty dầu mỏ (của Mỹ) hợp tác khai thác dầu khí với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông và thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, năng lượng với các nước ASEAN để tăng cường ảnh hưởng đối với những nước này.

Trong khi đó, Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng để Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc biển và cường quốc thế giới. Tuy nhiên, không gian sinh tồn của Trung Quốc đang bị “kìm hãm” bởi các nước láng giềng. Nếu phát triển về phía Bắc, Trung Quốc phải đối mặt với vùng khí hậu khắc nghiệt và bị Nga chặn đường; phát triển sang phía Tây và Tây Nam, là vùng rừng núi hiểm trở, không thuận tiện cho việc giao thương; hướng sang phía Đông là Nhật Bản, Đài Loan, không thuận tiện cho quá trình lưu thông thương mại đối với khu vực và thế giới. Trong khi đó, ở phía Nam là các quốc gia nhỏ, không có mối quan hệ bền chặt với các siêu cường trên thế giới. Vì vậy, yêu tiên chiến lược duy nhất của Trung Quốc là tìm mọi cách đột phá xuống phía Nam, giành quyền kiểm soát Biển Đông để mở rộng “không gian sinh tồn” của Trung Quốc. Nếu giành quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ giành được nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng và dồi dào, đặc biệt là dầu khí và hải sản. Đối với Trung Quốc, đây là một thứ tài sản vô cùng quý giá để đáp ứng “cơn khát” năng lượng của mình. Biển Đông được đánh giá là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 – 20 năm tới. Tuy Biển Đông chiếm diện tích 2,5% bề mặt Trái đất, song nó là một trong những khu vực có trữ lượng hải sản rất dồi dào trên thế giới và cũng là một trong năm khu vực đánh bắt cá năng suất cao nhất trên thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lượng đánh bắt cá toàn cầu trong năm 2015, mang về giá trị tới 21,8 tỷ USD. Tại thời điểm hiện tại, hơn một nửa tàu cá trên thế giới hoạt động trong vùng biển này, cung cấp công ăn việc làm cho khoảng 4 triệu người. Ngoài ra, giành quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ kiểm soát được nhiều tuyến giao thông hàng hải quốc tế quan trọng nhất thế giới, kiểm soát được tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á, kiểm soát được con đường vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nếu kiểm soát được Biển Đông, làm chủ được các tuyến đường thương mại trên Biển Đông, Trung Quốc vừa có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đoàn vận chuyển dầu của mình từ Trung Đông, Bắc Phi về, mà còn áp đặt được ý chí chính trị của mình đối với các nước trong và ngoài khu vực có các hoạt động giao thương, vận chuyển liên quan đến các tuyến hàng hải trên Biển Đông, khống chế được Nhật Bản, Hàn Quốc, làm thất bại chiến lược “xoay trục” châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, đồng thời tăng cường và mở rộng tầm ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực đối với các nước ASEAN. Theo số liệu thống kê, Biển Đông là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 – 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên.

Về Cạnh tranh về quyền lực. Đó là cạnh tranh giữa một siêu cường đang tại vị (Mỹ) với một cường quốc đang lên (Trung Quốc) có nguy cơ làm thay đổi cấu trúc quyền lực tại khu vực mà Mỹ đang chiếm ưu thế. Mặc dù về công khai, cả hai bên đều không muốn điều này xảy ra, nhưng trên thực tế, lo ngại xung đột quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một hiện hữu. Dễ nhận thấy nhất là, trong Chiến lược An ninh quốc gia mà Tổng thống Donald Trump công bố cuối năm 2017, đã nêu đích danh Trung Quốc (cùng với Nga) là hai quốc gia “xét lại” đang mong muốn thay đổi trật tự thế giới và vị trí số một của nước Mỹ. Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Mỹ luôn để ý ai sẽ thách thức vị trí số một của mình, dù là quân sự, kinh tế hay ảnh hưởng quốc tế. Do đó, việc Tổng thống Donald Trump sau hơn một năm cầm quyền với mục tiêu làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại” đã liên tục ban hành và điều chỉnh hàng loạt chính sách nhằm củng cố và tìm lại vị trí hàng đầu cho nước này.

Về cạnh tranh vị thế địa – chính trị. Với việc nhấn mạnh khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” thay cho “châu Á – Thái Bình Dương” trong công bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 đã hé lộ phần nào chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Á theo hướng “cân bằng cứng”. Mặt khác, điều đó còn thể hiện cam kết về sự hiện diện của Mỹ – cả trên bình diện ngoại giao và quân sự ở khu vực – đồng thời làm rõ tầm quan trọng của một đồng minh như Ấn Độ. Trong không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, 4 nước gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ có ý tưởng phối hợp trên các lĩnh vực có liên quan, như tập trận chung, hợp tác an ninh, xây dựng cấu trúc an ninh khu vực lấy Nhật Bản là điểm tựa ở phía Đông, Ấn Độ ở phía Tây, Australia ở phía Nam, do Mỹ giữ vai trò chủ đạo. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh và thương mại thế giới trong thế kỷ XXI bởi nhiều lý do, trong đó đặc biệt là kinh tế, quân sự và chính trị quốc tế. Tuyến đường biển từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng cho dòng chảy dầu mỏ, khí đốt và hàng hóa trên thế giới. Đây cũng là nơi có hai eo biển quan trọng nhất với tuyến vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông tới Australia và Đông Á. Trong khi đó, năng lực hàng hải của các nước trong khu vực vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, việc bảo đảm an ninh cho tuyến huyết mạch của kinh tế thế giới được Mỹ và các nước đặc biệt quan tâm. Bên cạnh các yếu tố về chống cướp biển, khủng bố, hỗ trợ cứu hộ cứu nạn, còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn tới sự ra đời của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đó là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Năm 2014, Trung Quốc công bố sáng kiến “Vành đai, Con đường”, bắt nguồn từ ý tưởng xây dựng “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ”(SREB) và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”(MSR) (gọi tắt là “Vành đai, Con đường” (BRI). Sáng kiến này do Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng, được coi là một kế hoạch dài hơi để ứng phó với chiến lược “xoay trục” và chính sách “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”của Mỹ. Sáng kiến “Vành đai, Con đường” ra đời đã đẩy cạnh tranh Trung Quốc – Mỹ lên một nấc thang mới và nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực thì sẽ là một bước chuyển tiếp mềm cho quá trình chuyển giao quyền lực để sắp xếp lại bàn cờ chính trị thế giới. Để triển khai sáng kiến này, thời gian qua Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển ở các nước Trung Á, Nam Á và châu Phi để mở rộng ảnh hưởng của mình. Từ cuối năm 2013 trong khuôn khổ của sáng kiến “Vành đai, Con đường”, Trung Quốc đề xướng thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB). AIIB được coi là một định chế tài chính, mang tính cạnh tranh với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB), trong lĩnh vực hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cho các quốc gia châu Á. Bất chấp sự quay lưng và phản ứng trái chiều của Mỹ, các nước cơ bản đều ủng hộ và tích cực tham gia AIIB do sức quyến rũ về lợi ích mà Ngân hàng này đem lại. Trong bối cảnh ADB và WB không có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng của các quốc gia trong khu vực, thì sự ra đời của AIIB như một nút gỡ, một điểm tựa đáng kể. Thắng lợi ban đầu của AIIB là với 57 thành viên tham gia, đã khiến thái độ của Mỹ trở nên mềm mỏng hơn, cho dù Mỹ vẫn không ngừng tỏ ra nghi ngại về tính chuyên nghiệp và độ minh bạch của AIIB. Mỹ và phương Tây cũng không ngừng chỉ trích việc triển khai BRI của Trung Quốc là thiếu minh bạch, chất lượng thấp, xâm phạm lãnh thổ và làm nhiều nước nghèo ngập trong nợ nần. Tuy nhiên, sự tham gia BRI ở mức độ khác nhau của nhiều nước trong khu vực vào sáng kiến này cho thấy sức ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc. Đây là điều quan trọng nhất khiến phía Mỹ lo ngại.

Không những tăng cường mở rộng ảnh hưởng kinh tế, Trung Quốc còn tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương với căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở Djibouti phía Đông châu Phi và đang xúc tiến mở thêm các căn cứ không quân, hải quân khác. Trước nguy cơ lợi ích địa – chính trị, kinh tế và các lợi ích của mình trong khu vực có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Mỹ đã tập hợp các cường quốc có liên quan trong chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để làm đối trọng với Trung Quốc. Một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở đã thể hiện rõ tầm nhìn đó. Như vậy, sáng kiến “Vành đai, Con đường” do Trung Quốc thúc đẩy và chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ sẽ là hình thái mới của sự cạnh tranh chiến lược giữa hai nước. Cuộc đọ sức chiến lược trên biển – đất liền truyền thống sẽ diễn ra ở ngã tư con đường: châu Á – châu Đại Dương – Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong thời gian tới. 

Về cạnh tranh trong kinh tế – thương mại. Trong suốt quá trình phát triển, nước Mỹ đều dựa rất lớn vào thương mại tự do và Mỹ cũng luôn tự coi mình là quốc gia đi đầu trong tự do thương mại quốc tế. Nhưng cũng chính họ, khi cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, hoặc khi rơi vào thế chịu thiệt, lại sử dụng những biện pháp bảo hộ và thậm chí là gây chiến thương mại. Ngay từ đầu năm 2018, những động thái cạnh tranh trên lĩnh vực thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng nhanh và làm nóng bầu không khí quan hệ giữa hai nước vốn đang tốt đẹp hồi cuối năm 2017. Mỹ đẩy nhanh các cuộc điều tra thương mại thường kỳ, như chống trợ cấp, chống bán phá giá và áp đặt mức thuế mới đối với 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị 60 tỷ USD. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn viết trên trang cá nhân Twitter của mình “Các cuộc chiến thương mại là tốt, và dễ thắng”, sau khi ký một văn bản được coi là khơi mào tranh chấp thương mại của Chính phủ Mỹ với mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào đầu tháng 3-2018. Giới phân tích cho rằng, nếu cuộc chiến thương mại leo thang, bên tổn thất lớn hơn có thể là Trung Quốc. Trước hết, xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 1% GDP và 8% tổng xuất khẩu của Mỹ. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm gần 4% GDP và 20% tổng xuất khẩu của quốc gia này. Giá trị gia tăng từ xuất khẩu sang Mỹ chiếm 3% GDP của Trung Quốc. Mặc dù nhiều công ty Mỹ đang đầu tư ở Trung Quốc, nhưng nếu các căng thẳng thương mại không được giải quyết, Trung Quốc sẽ chịu tác động kinh tế trực tiếp lớn hơn Mỹ.

Trong khi đó, khi Trung Quốc có thêm các biện pháp trả đũa, người tiêu dùng Mỹ có thể trở thành đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên do giá cả các hàng hóa nhập khẩu tăng lên. Tiếp theo, việc Trung Quốc gây khó dễ cho những công ty lớn, như Apple, Boeing, Intel… trên thị trường Trung Quốc sẽ là áp lực lớn đối với Mỹ. Các số liệu cho thấy, trong quý IV-2017, doanh thu của Apple từ Trung Quốc là 18 tỷ USD, chiếm tới 20% doanh thu của hãng. Hãng Boeing trong năm 2017 cũng xuất khẩu sang Trung Quốc 12 tỷ USD, chiếm 13% tổng doanh thu. Không chỉ các hãng công nghệ, các công ty hàng tiêu dùng lớn của Mỹ cũng có thể chịu tác động tiêu cực. Quý IV-2017, doanh thu của Nike từ thị trường Trung Quốc là 1,2 tỷ USD, chiếm 15% doanh thu của công ty. Liên doanh với Trung Quốc của công ty ô-tô GM năm ngoái tiêu thụ được 400.000 chiếc – mức cao kỷ lục. Trong khi đó, các khách hàng Trung Quốc đem lại cho Starbucks 14% doanh thu mỗi năm.

Sự leo thang trong cạnh tranh thương mại Trung Quốc – Mỹ sẽ làm cho hợp tác giữa hai cường quốc này ở vào tình trạng khó khăn chưa từng có. Kinh tế và quan hệ thương mại Trung Quốc – Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới và sẽ phát triển theo hướng cạnh tranh ngày càng nhiều. Điều nguy hiểm hơn là việc “trả đũa” về kinh tế giữa hai nước nếu cứ tiếp diễn sẽ kéo toàn bộ hệ thống thương mại của thế giới đi xuống, trong khi nền kinh tế toàn cầu hiện nay vốn đã không khỏe mạnh.

Xu hướng cạnh tranh Mỹ – Trung ở châu Á – Thái Bình Dương

Những tín hiệu mang tính đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm qua nhiều khả năng sẽ thúc đẩy cả hai nước tiếp tục thận trọng hơn trong mối quan hệ song phương và sẽ tìm những biện pháp kiềm chế nhau mạnh mẽ hơn. Theo đó, dự đoán năm 2019, cuộc cạnh tranh quyền lực Trung – Mỹ sẽ diễn ra gay gắt hơn và có thể tạo ra điểm khởi đầu cho tình trạng bất ổn trong quan hệ giữa hai nước. Trong đó có 4 vấn đề lớn có thể trở thành “ngòi nổ” khiến Mỹ – Trung gia tăng căng thẳng trong thời gian tới, gồm sự va chạm có chủ ý hoặc không có chủ ý giữa hai nước trong việc thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, vấn đề Đài Loan theo nguyên tắc “một nước Trung Quốc”, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ.

Trong đó, vấn đề Đài Loan mang nhiều yếu tố nhạy cảm nhất, vì hiện tại giữa Trung Quốc và Đài Loan đang bất đồng về nhận thức chung giữa hai bờ eo biển. Đài Loan – dưới sự lãnh đạo của bà Thái Anh Văn đã kiên quyết không chấp nhận nhận thức chung 1992 (chỉ có một nước Trung Quốc, tùy cách hiểu mỗi bên) và đang thể hiện rõ quan điểm về một Đài Loan độc lập. Trung Quốc lại thể hiện thái độ cực kỳ cứng rắn đối với bất kỳ động thái nào liên quan đến vấn đề Đài Loan đều vi phạm nguyên tắc “một nước Trung Quốc”. Trong khi đó, hiện tại Mỹ lại đang giữ vai trò “giám hộ” cho Đài Loan, khi tiếp tục bán vũ khí phòng thủ theo tinh thần Đạo luật quan hệ Đài Loan – điều mà Trung Quốc không bao giờ chấp nhận. Tuy nhiên, sẽ ít có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hoặc xung đột, vì cả Bắc Kinh và Washington đều phụ thuộc vào nhau trong lĩnh vực kinh tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới