Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThị trường TQ và những cái "bẫy'

Thị trường TQ và những cái “bẫy’

Với sức tăng nóng từ thị trường Trung Quốc, trong khi chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch, nhiều bất ổn về kiểm soát an toàn thực phẩm, lẫn nguy cơ phá giá.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, xuất khẩu cá tra 11 tháng đầu năm 2018 đạt trên 2 tỷ USDvà dự kiến hết năm nay sẽ cán đích khoảng 2,2-2,3 tỷ USD.

Ở trong nước, giá cá tra thương phẩm cũng “lên đồng”, có thời điểm tới 36.000-37.000 đồng/kg, là mức giá “đỉnh” từ trước tới nay. “Đây đều là những con số kỷ lục trong hơn 20 năm qua với ngành cá tra”- ông Quốc nói.

Nhiều thuận lợi

Theo ông Quốc, ngành hàng cá tra đã có nhiều chuyển biến để có được kỳ tích trên. Các DN đã đầu tư sản xuất theo chuỗi, đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường khó tính, cả về chất lượng, quy cách, mẫu mã…từ đó tăng giá trị xuất khẩu.

Đặc biệt, hai năm qua, thị trường cá tra chứng kiến sự “bùng nổ” của thị trường Trung Quốc, (vượt cả Mỹ) trở thành nước tiêu thụ lớn nhất cá tra của Việt Nam. Cá tra vào thị trường Trung Quốc không chỉ ở các tỉnh giáp với Việt Nam mà đi sâu vào các tỉnh nội địa, vào các siêu thị, nhà hàng, khách sạn…

Trong khi đó, phía Mỹ đã “hạ nhiệt” thuế chống bán phá giá, đồng thời đề xuất công nhận điều kiện sản xuất cá tra, basa của Việt Nam đáp ứng yêu cầu xuất vào thị trường này, khiến cơ hội của cá tra Việt Nam thêm thuận lợi.

Con số từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã soán ngôi trở lại từ Trung Quốc, trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất của cá tra Việt Nam từ đầu năm tới nay.

Trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch cá tra sang thị trường Mỹ đạt gần 495 triệu USD, tăng gần 55% so với cùng kỳ, và chiếm 24,2% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trong khi đó, con số tương tự với thị trường Trung Quốc – Hong Kong gần 485 triệu USD, tăng gần 30% và chiếm 23,7% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.

Ngoài ra, các thị trường lớn khác của cá tra Việt Nam là EU, ASEAN… cũng tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, thị trường EU sau một thời gian dài sụt giảm, tính đến 11 tháng đầu năm nay cũng đạt kim ngạch gần 220 triệu USD, tăng trên 17% so cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của Vasep, năm 2019, ngành cá tra vẫn có nhiều thuận lợi ở các thị trường, đặc biệt ở ba thị trường lớn nhất là Mỹ, EU, Trung Quốc…Nhiều DN cũng cho rằng thị trường Trung Quốc rất nhiều tiềm năng, đặc biệt trong 2 năm tới, do nhu cầu lớn, địa lý gần và giao thương thuận lợi.

Bất ổn từ thị trường Trung Quốc

Năm 2018, do giá cá tra nguyên liệu lãi chưa từng có, khiến nhiều địa phương, đặc biệt là vùng Đồng Tháp Mười… đổ xô đào ao thả cá. Bộ NN&PTNT và các hiệp hội đã khuyến cáo, tình trạng “ào ào” trên sẽ dẫn đến nguy cơ “vỡ” khi cá tra lao dốc, nhất là thời điểm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc “tăng chóng mặt”, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam lo lắng, khi thông tin giá cá tra khoảng hơn 10 ngày qua giảm hơn 10.000 đồng/kg, còn 26.000-27.000 nghìn đồng/kg.

“Việc tăng giảm của thị tường là bình thường, nhưng tăng giảm kiểu trên là bất thường. Có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, hiện tượng mua hàng giá thấp, rồi bán phá giá qua đường tiểu ngạch với Trung Quốc… Chúng tôi sẽ có báo cáo, kiến nghị với Bộ NN&PTNT chỉ đạo kiểm soát về chất lượng và hoạt động biên mậu”- ông Quốc nói.

Ông Quốc phân tích tiếp: “Chúng ta nói quy hoạch, nhưng cũng không có gì cụ thể. Do vậy, nếu không quản lý tốt, khi phát triển nóng, kể cả diện tích ươm giống, lẫn cá thương phẩm… khi gặp đợt “sập” giá sẽ khiến người nuôi thua lỗ”.

Liên quan đến thị trường Trung Quốc, mới đây Vasep cũng cho biết lâu nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chủ yếu đi đường bộ, gần 84% qua cửa khẩu Lạng Sơn, còn lại đi qua cửa khẩu Quảng Ninh, Điện Biên, Cao Bằng.

Theo Vasep, hiện mặt hàng cá tra xuất qua đường biên mậu không phải chịu 17% thuế VAT. Do vậy, việc dẫn đến “phá giá là rất lớn so với các sản phẩm nhập chính ngạch qua đường biển.

Vasep cũng cho biết gần đây phía Trung Quốc có thay đổi liên quan đến đơn vị kiểm nghiệm, kiểm dịch, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra sang thị trường này.

Cụ thể, trong khi quy định dư lượng photphat trong cá tra của châu Âu là không vượt quá 4%, tuy nhiên, phía Trung Quốc khi kiểm tra sản phẩm cá tra Việt Nam lại nhận định sản phẩm có dư lượng, không đạt tiêu chuẩn của nước họ.

Ngoài ra, hiện nhiều DN của Trung Quốc lợi dụng chính sách nhập tái xuất, thu mua nguyên liệu thủy sản nhập khẩu (từ nước ngoài) vào cảng Hải Phòng; sau đó vận chuyển đường bộ sang Trung Quốc để lách thuế, đồng thời “chèn” lối đi của thủy sản Việt Nam sang nước này.

Tránh thả nổi chất lượng

Để giúp ngành cá tra phát triển bền vững, tránh “thả nổi” chất lượng ở thị trường Trung Quốc, Vasep kiến nghị Bộ NN&PTNT cần áp dụng quản lý chất lượng thông qua việc cấp và kiểm tra chứng thư chất lượng trước khi xuất khẩu sang nước này. Đồng thời, có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động xuất khẩu cá tra nói riêng và thủy sản nói chung qua đường biên mậu, nhất là cửa khẩu phụ, lối mở, trong đó có việc buôn bán, trao đổi cá tra giống qua biên giới.

Còn bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty CP Vĩnh Hoàn, DN xuất khẩu cá tra lớn nhất, cũng cho rằng để ngành cá tra phát triển bền vững, tránh rơi vào những xoáy rớt giá, việc sản xuất theo cầu của từng thị trường phải làm ngay từ khâu nuôi. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc, cần hiểu thật rõ để có chiến lược riêng.

Bà cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần có cơ chế quỹ phát triển thị trường có thể vận hành, từ đó có chiến lược dài hơi để xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam. Cùng đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê sản lượng nuôi cá tra, có dự báo cho người dân, doanh nghiệp… có chương trình kiểm soát xử lý nhanh, giải quyết vấn đề tận gốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới