Quyết định của Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục không chỉ nhằm mục đích xoa dịu Mỹ mà còn giúp Tokyo đối phó với Trung Quốc.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành duyệt binh. Ảnh: Cankao.
Chính phủ Nhật Bản vừa phê chuẩn cẩm nang phòng thủ quốc gia mới, trong đó tăng ngân sách quốc phòng lên đến mức kỷ lục 5,26 nghìn tỷ yên (48 tỷ USD) cho năm tài chính 2019. Cẩm nang phòng thủ mới bày tỏ những lo ngại về “tình hình an ninh dễ biến động” do sự mở rộng các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên các vùng biển trong khu vực.
Đây là một phần trong kế hoạch phòng thủ 5 năm của Nhật Bản, dự kiến chi 240 tỷ USD cho quốc phòng, bắt đầu từ năm tài chính 2019 đến năm tài chính 2024, mở đường cho việc phát triển kho vũ khí và trang thiết bị quốc phòng. Ưu tiên của quân đội Nhật Bản là nâng cấp hai tàu hải quân thành tàu sân bay tấn công, chủ yếu chở máy bay chiến đấu tàng hình F-35B.
Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên nắm quyền vào năm 2013, cẩm nang phòng thủ của Nhật Bản được soạn thảo theo kế hoạch 10 năm, song chính quyền của ông Abe đã cải tổ hệ thống phòng thủ trên không, trên biển và trên đất liền trước thời hạn để đối phó với mối đe dọa về an ninh mạng và mở rộng hoạt động trong lĩnh vực không gian vũ trụ đầy tính cạnh tranh.
Cẩm nang phòng thủ mới đã đưa ra khái niệm “lực lượng phòng thủ chung đa chiều”, nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào các lĩnh vực chiến tranh sử dụng công nghệ hiện đại.
Trong một động thái nhằm trấn an công chúng, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, các biện pháp nêu trên nhằm tái củng cố hệ thống phòng thủ trong phạm vi cho phép của hiến pháp hòa bình.
Vậy đâu là lý do chính khiến Nhật Bản chi khủng cho quốc phòng? Ông Akira Kato, giáo sư chính trị quốc tế và an ninh khu vực tại Đại học Tokyo cho rằng:
“Ngân sách quốc phòng gia tăng của Nhật Bản là trực tiếp nhắm vào việc đối phó với mối đe dọa quân sự của Trung Quốc. Khoản tăng ngân sách này cũng là một phần nỗ lực của Nhật Bản để mua thêm thiết bị quân sự của Mỹ nhằm tránh xảy ra chiến tranh thương mại với Washington”.
Xoa dịu Mỹ
Kế hoạch mới của Nhật Bản được công bố sau khi nước này cam kết mua thêm thiết bị quân sự của Mỹ. Hiện tại, Nhật Bản đang đối mặt với sức ép gia tăng từ chính quyền ông Trump về việc chia sẻ gánh nặng quốc phòng cũng như giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước.
Do vậy việc mua thiết bị quân sự của Mỹ được coi là cách để xoa dịu Tổng thống Trump, tránh làm tổn hại quan hệ kinh tế song phương cũng như tranh nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại mới.
Nhật Bản đã đặt mua hai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore, mỗi hệ thống có giá 1,2 tỷ USD để bảo vệ các hòn đảo xa xôi của nước này cùng với 9 máy bay cảnh báo sớm có giá 3,13 tỷ USD.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya khẳng định những loại vũ khí mới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh Nhật Bản, đồng thời cho biết các cuộc đàm phán về chi phí mua vũ khí giữa hai bên vẫn đang tiến hành.
Quyết định mua vũ khí vội vã đã làm dấy lên những lời chỉ trích đối với liên minh cầm quyền tại Nhật Bản.
Trong khi đó, việc nâng cấp tàu hải quân thành tàu sân bay – động thái chưa từng diễn ra kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhiều khả năng sẽ bị các đảng đối lập phản đối với lý do không phù hợp với điều 9 của Hiến pháp khi Quốc hội triệu tập phiên họp vào đầu năm 2019.
Đối phó với Trung Quốc
Chính phủ Nhật Bản khẳng định rằng, việc tăng cường năng lực phòng thủ là cần thiết nhằm chống lại những thách thức an ninh gia tăng trong khu vực, trong đó có căng thẳng với Triều Tiên và đặc biệt là sự mở rộng các hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Trung Quốc đã đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng và mở rộng sự hiện diện quân sự tại Biển Đông, nơi Nhật Bản tiến hành các hoạt động giao thương với các thị trường lớn trong đó có Châu Âu và Trung Đông.
Hiện tại các chuyên gia quân sự Nhật Bản đang lo ngại Bắc Kinh có thể mở lối tiếp cận với Thái Bình Dương bằng cách chọc thủng chuỗi đảo của Nhật Bản. Chuỗi đảo này đã hạn chế vai trò ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc suốt thời gian qua.
Đối với Trung Quốc, việc tiếp cận Thái Bình Dương trở thành một phần trong chiến lược vươn lên vị trí siêu cường. Tuy nhiên, Tokyo cho rằng tàu chiến và máy bay chiến đấu Trung Quốc tự do vượt qua chuỗi đảo Okinawa là một mối đe dọa đối với các tuyến đường biển quan trọng.
Trung Quốc đang đẩy mạnh chi tiêu quân sự để xây dựng lực lượng chiến đấu tầm cỡ thế giới vào năm 2050 với nhiều trang thiết bị hiện đại, trong đó có cả máy bay chiến đấu tàng hình. Năm 2018, Bắc Kinh có kế hoạch chi 1,11 nghìn tỷ nhân dân tệ (175 tỷ USD) cho các lực lượng vũ trang của nước này, gấp ba lần so với Nhật Bản.
Hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết, để đối phó với Trung Quốc, Nhật Bản cần thêm nhiều loại vũ khí hiện đại để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa hơn. Ngoài ra, Nhật Bản có thể xem xét thành lập trụ sở chỉ huy chung để điều phối các lực lượng trên không, bộ và biển, cũng như tăng cường hợp tác quân sự với Washington.
Những trang thiết bị quốc phòng mới có thể bao gồm tàu đổ bộ và máy bay không người lái dùng để theo dõi các hoạt động của Trung Quốc và tiến hành đánh chặn tên lửa.