Trung Quốc trong thời gian dài đã chi cả “núi” tiền dành cho nghiên cứu, sản xuất tên lửa, chiến hạm, tàu ngầm, máy bay quân sự tiên tiến mới. Nhiều loại trong số những vũ khí này bắt đầu “nhập ngũ” trong năm 2019.
Ưu tiên Hải quân
Hãng Sputnik (Nga) đánh giá bắt nguồn từ tham vọng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tập trung phát triển lực lượng Hải quân. Trong năm 2019, dự kiến tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc mang tên Type 001A sẽ gia nhập hạm đội Hải quân PLA.
Hàng không mẫu hạm Type 001A là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất, có thể chở theo 32 chiến đấu cơ J-15. Tàu sân bay Type 001A sở hữu radar băng tần S cùng anten kích thước lớn và đường băng dạng uốn cong.
Hàng không mẫu hạm Type 001A, giống nhóm tàu sân bay của Mỹ, sẽ được hộ tống bởi các tàu ngầm, tàu khu trục nhằm thực hiện nhiệm vụ giám sát và tấn công mục tiêu trên bộ, trên không và trên đất liền.
Hải quân Trung Quốc có quy định rằng tàu sân bay mới khi đi vào hoạt động sẽ được đặt tên theo một tỉnh của nước này, như hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trước đó. Do vậy, tàu sân bay Type 001A dự kiến sẽ nhận tên chính thức khi “nhập ngũ”.
Một “tân binh” khác của Hải quân Trung Quốc là tàu khu trục Type 055, đã được thử nghiệm từ tháng 8/2018. Tàu khu trục 12.000 tấn trang bị tên lửa dẫn đường này được đánh giá là một trong những chiến hạm đáng gờm nhất trên thế giới, chỉ đứng sau “đồng nghiệp” Type Zumwalt của Hải quân Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc đã đóng được 3 tàu khu trục Type 055 và đang thi công chiếc thứ 4.
Bên cạnh đó, Hải quân Trung Quốc sắp tới sẽ “chào đón” tàu ngầm Type 095. Theo nhiều báo cáo, tàu ngầm này không tạo tiếng ồn như tiền nhiệm Type 093B. Chiếc tàu ngầm Type 095 đầu tiên đã được thi công vào đầu năm 2018 và dự kiến có tổng cộng 8 tàu sẽ được đóng. Tàu Type 095 sở hữu hệ thống đẩy không khí độc lập mới (AIP) tạo điều kiện để tàu ngầm này duy trì hoạt động dưới mặt nước trong nhiều tháng.
Tăng cường không quân
Trung Quốc đã thử nghiệm chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 FC-31 từ năm 2012. Nhiều khả năng FC-31 sẽ đi vào hoạt động chính thức từ năm 2019 hoặc 2020. FC-31 có thể thay thế dòng J-15 để hoạt động trên các tàu sân bay của nước này.
Chiến đấu cơ FC-31 của quân đội Trung Quốc. Ảnh: Daily Star
Ngoài ra, các tàu sân bay của Trung Quốc vẫn thiếu hụt máy bay quân sự đảm nhận nhiệm vụ cảnh báo sớm và trinh sát. Do vậy, nhiều khả năng máy bay trinh sát cảnh báo sớm thế hệ mới của Trung Quốc JK-600 sẽ sớm hoạt động trên bầu trời. JK-600 đã được trang bị hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) hiện đại.
Một “chiến binh” khác sắp được phiên chế cho Không quân Trung Quốc là máy bay ném bom chiến lược H-20. Đài Sputnik đưa tin, chiếc H-20 sẽ thay thế cho loạt chiến đấu cơ có tuổi H-6K. Có rất ít thông tin công khai về H-20, song dựa trên video do Tập đoàn sản xuất máy bay Xian (đơn vị sản xuất H-20) tung ra thì máy bay ném bom này có thiết kế khá tương đồng với chiếc B-2 Spirit của Mỹ.
H-20 sẽ gia nhập “nhóm 20” của Không quân Trung Quốc gồm tiêm kích J-20, máy bay vận tải cỡ lớn Y-20, trực thăng Z-20. Nhiều nhà quan sát cho rằng con số “20” đồng nghĩa với việc những máy bay quân sự này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020.
Tên lửa liên lục địa mới
Trong năm tới, quân đội Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ nhận tên lửa chiến lược phóng từ tàu ngầm JL-3. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết JL-3 có thể mang theo 10 phương tiện tấn công nhiều mục tiêu độc lập (MIRV) chứa đầu đạn hạt nhân.
JL-3 hiện trong quá trình thử nghiệm và có thể tấn công mục tiêu cách xa 12.000km. Với phạm vi hoạt động tầm xa như vậy, JL-3 có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ trong khi tàu ngầm chở tên lửa này vẫn nằm trong lãnh hải Trung Quốc.
JL-3 sử dụng nhiên liệu rắn và là phiên bản phóng từ tàu ngầm của tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 vốn đi vào hoạt động từ nửa đầu năm 2018.
Khi được hoàn thiện, JL-3 được coi có năng lực tương đương với tên lửa Trident II D-5 (Mỹ) và Bulava của Nga. Dự kiến, JL-3 được trang bị trên tàu ngầm năng lượng hạt nhân Type 096.