Trong năm 2018 đã xảy ra nhiều vụ bê bối tại Trung Quốc làm rung chuyển xã hội nước này, như vụ vắc xin giả hay là vụ tu sĩ Phật giáo ‘cấp cao nhất’ của Trung Quốc bị cáo buộc tấn công tình dục nhiều ni cô.
1. Nữ tài tử Phạm Băng Băng
Trong 3 tháng, Phạm Băng Băng, nữ diễn viên được trả lương cao nhất của Trung Quốc, đã biến mất khỏi công chúng và phương tiện truyền thông xã hội sau khi bị cáo buộc tội trốn thuế. Cơ quan thuế yêu cầu Băng Băng phải trả 884 triệu Nhân dân tệ (129 triệu USD) tiền thuế quá hạn, và tiền phạt.
Sau đó vào tháng 10/2018, Băng Băng đã xuất hiện trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc (tương tự như Google), với một lá thư gửi đến người hâm mộ, trong đó cô xin lỗi vì trốn thuế.
Tuy nhiên, theo tờ Epoch Times, Băng Băng không phải là người nổi tiếng duy nhất bị cáo buộc tội trốn thuế. Hơn 500 diễn viên Trung Quốc cũng nằm trong tầm ngắm của cơ quan thuế khi chính quyền Trung Quốc tìm cách tăng cường kho bạc của mình, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ.
2. Vụ chỉnh sửa gen em bé
Vào tháng 11/2018, nhà nghiên cứu Trung Quốc Hạ Kiến Khôi (He Jiankui), đã gây sốc cho cộng đồng khoa học và thế giới khi ông Hạ tuyên bố tạo ra cặp song sinh chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới.
Trong một loạt các video trên Youtube, ông Hạ, người trước đây làm việc tại Đại học Khoa học và Công nghệ miền nam Trung Quốc, tuyên bố đã thay đổi thành công DNA của 2 bé gái sinh đôi hồi đầu tháng, để giúp những đứa trẻ này kháng lại virus HIV.
Vài ngày sau đó, ông Hạ đã xuất hiện tại một hội nghị chỉnh sửa gen ở Hồng Kông, bày tỏ niềm tự hào về công việc của mình. Ông Hạ cũng tiết lộ một trường hợp thai nghén khác, liên quan đến một đứa trẻ chưa sinh bị chỉnh sửa gen, đang ở giai đoạn đầu.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc Hạ Kiến Khôi. (Ảnh: AP / Mark Schiefelbein)
Các nhà khoa học quốc tế đã bày tỏ sự giận dữ và nói rằng thí nghiệm này là “vi phạm đạo đức” và “không thể chấp nhận được”.
Sau hậu quả của cuộc tranh cãi, các quan chức y tế và bệnh viện nơi các đứa trẻ được sinh ra, nói rằng họ không biết gì về hành động của ông Hạ. Tuy nhiên, các câu hỏi đã được đặt ra về việc liệu ông Hạ có thực sự hành động một mình, hay hành động của ông ta được sự đồng ý từ những quan chức Trung Quốc cấp cao hơn.
3. Vắc xin giả
Vào tháng 7/2018, tin tức công ty dược phẩm Trung Quốc Changsheng Bio-Technology sản xuất hơn 250.000 vắc-xin giả, dùng trong tiêm chủng cho trẻ sơ sinh, đã tạo ra một làn sóng chỉ trích trong dư luận Trung Quốc.
Công ty Changsheng đã tạo ra vắc-xin DTP không đạt tiêu chuẩn, được sử dụng để tiêm cho trẻ sơ sinh chống bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà. Một cuộc điều tra sau đó cho thấy công ty này trên thực tế đã sản xuất gần 500.000 vắc-xin DTP giả.
Một em bé được tiêm vắc-xin tại một bệnh viện ở thành phố Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 26/7/2018. (Ảnh: AFP / Getty)
Công ty con ‘Changchun Changsheng’, cũng bị phát hiện vì giả mạo dữ liệu liên quan đến sản xuất vắc-xin bệnh dại tế bào Vero. Vài tuần sau, công ty dược phẩm “Viện Nghiên cứu Sản phẩm Sinh học Vũ Hán”, một công ty con của Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc, đã bị cuốn vào vụ bê bối, sau khi sản xuất 400.000 vắc-xin DPT giả.
Vụ bê bối đã khiến các bậc cha mẹ ở Trung Quốc rất lo lắng, khiến cho một số người phải đưa con sang tận Hồng Kông và Đài Loan để tiêm chủng an toàn.
4. Phong trào #MeToo
Phong trào #MeToo ở Trung Quốc nở rộ trong năm 2018, bắt đầu từ một bài viết trên Internet của một phụ nữ Trung Quốc, kể rằng cô đã bị tấn công tình dục bởi một cựu trợ lý giảng dạy tại trường đại học của mình.
Sau đó, nhiều phụ nữ Trung Quốc cũng lên tiếng trên các phương tiện truyền thông xã hội về việc họ đã từng là nạn nhân bị tấn công tình dục. Lời tố cáo đã liên quan đến các giáo sư đại học, cũng như những người đàn ông có danh tiếng trong xã hội Trung Quốc.
Bức ảnh chụp ông Học Thành đang cầu nguyện trong một buổi lễ hôm 3/12/2017 tại Tân Châu ở phía bắc Trung Quốc. (Ảnh: STR/AFP/Getty)
Ví dụ như ông Học Thành, 51 tuổi, một trong những tu sĩ Phật giáo cấp cao nhất của Trung Quốc, đã buộc phải từ bỏ chức chủ tịch hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, sau khi bị buộc tội tấn công tình dục nhiều ni cô.
Người sáng lập sàn giao dịch thương mại điện tử khổng lồ JD.com của Trung Quốc, ông Lưu Cường Đông, trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 8/2018, đã bị một nữ sinh viên đại học Minnesota cáo buộc tội hãm hiếp. Tuy nhiên, các công tố viên của Minnesota cuối cùng đã không buộc tội Lưu vào tháng 12/2018.
5. ZTE
Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE Corp đã bị đưa đến bờ vực sụp đổ, sau khi Mỹ cấm công ty này làm ăn kinh doanh với các nhà cung cấp Mỹ.
Lệnh cấm được áp dụng sau khi Bộ thương mại Mỹ phát hiện ra rằng công ty ZTE đã vi phạm các điều khoản của phán quyết tòa án 2017, yêu cầu công ty phải kỷ luật 35 nhân viên. Trong vụ kiện đó, ZTE đã nhận tội vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ, khi vận chuyển trái phép hàng hóa và công nghệ của Mỹ cho Iran.
Logo ZTE trên một tòa nhà văn phòng ở Thượng Hải vào ngày 3/5/2018. (Ảnh: Julian Eisele / AFP / Getty)
Vào tháng 6/2018, chính quyền Trump đã đạt được thỏa thuận với ZTE, yêu cầu nhà sản xuất thiết bị viễn thông số 2 của Trung Quốc này, phải trả 1 tỷ đô la tiền phạt, cộng thêm 400 triệu đô la vào tài khoản ký quỹ, để trả cho khoản tiền phạt lớn nhất trong tương lai, do Bộ Thương mại Mỹ ban hành. ZTE cũng được yêu cầu thay thế đội ngũ quản lý, điều hành hiện tại.
6. Bắt giữ CFO của tập đoàn Huawei
Giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu đã bị bắt tại Canada vào ngày 1/12/2018 theo yêu cầu của chính quyền Mỹ. Bà bị buộc tội vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran.
Giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu đang đi đến một tòa nhà văn phòng ở Vancouver, Canada vào ngày 12/12/2018. (Ảnh: Báo chí Canada / Darryl Dyck)
Vụ bắt giữ bà Mạnh đã tạo nên một cuộc chiến ngoại giao mạnh mẽ từ Bắc Kinh chống lại Canada và Mỹ. Chưa đầy 2 tuần sau vụ bắt giữ bà Mạnh, Trung Quốc đã bắt giữ 2 người Canada, với cáo buộc 2 người này gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc. Một người Canada thứ 3, cô Sarah McIver, cũng bị giam giữ vì việc làm bất hợp pháp. Cô McIver sau đó đã được thả tự do, và đã quay trở về Canada.
Vụ bắt giữ bà Mạnh đã làm lộ ra các hoạt động mờ ám của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc và mối quan hệ thân thiết giữa tập đoàn Huawei với chính quyền Bắc Kinh.