Hôm 2/1, trong lễ kỷ niệm 40 năm Ấn phẩm “Đồng bào Đài Loan”, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu dài hơn 4.200 từ, trong đó nhắc đến từ “Thống nhất” 46 lần, “Một Trung Quốc” 12 lần, “Một quốc gia, Hai chế độ” 6 lần.
Theo tờ Tân Đường Nhân tiếng Trung (NTD), tuy ông Tập một lần nữa kêu gọi thống nhất eo biển Đài Loan, nhưng lại không đưa ra thời gian tiến hành hay thời hạn. Việc thống nhất dường như chỉ là một mục tiêu đơn phương của Trung Quốc?
Đây là lần đầu tiên Tập Cận Bình lấy mục tiêu thống nhất quốc gia và phục hưng dân tộc kết nối với nhau trong bài phát biểu của mình, tờ United Daily News đưa tin.
Ông Tập nhận định các vấn đề xuyên eo biển là chuyện trong gia đình, biểu đạt “người Trung Quốc không đánh lại người Trung Quốc”, nhưng ông lại nhấn mạnh rằng Đảng cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “sẽ không từ bỏ quyền sử dụng vũ lực”.
Theo tờ Bloomberg, mục đích bài phát biểu của ông Tập thực chất là ám chỉ rằng Bắc Kinh muốn gia tăng thêm áp lực đối với Đài Loan. Ông Tập hy vọng giải quyết vấn đề thống nhất eo biển trong nhiệm kỳ của mình.
Theo tờ The New York Times, trong bài phát biểu của mình, ông Tập hứa hẹn rằng tài sản tư nhân, tín ngưỡng tôn giáo và quyền lợi hợp pháp của “đồng bào Đài Loan”, sẽ được đảm bảo đầy đủ.
Vì sao Trung Quốc cứ muốn ‘thống nhất’ Đài Loan? (Ảnh:Mark Schiefelbein-Pool/Getty Images)
Ông Yun Sun, chuyên gia nghiên cứu chính sách Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Stingson, Washington nhận xét, sự khác biệt giữa 2 hệ thống chính trị bên eo biển là gốc rễ của vấn đề, và “Một quốc gia, Hai chế độ” không phải là câu trả lời mà Đài Loan mong muốn.
Còn ông Bonnie S. Glaser – chuyên gia chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng bài phát biểu của ông Tập cũng ám chỉ rằng, Bắc Kinh sẽ sử dụng vũ lực, nhưng đó chỉ là lựa chọn cuối cùng, không phải là lựa chọn mà ông Tập mong muốn.
Theo tờ NTD, bài phát biểu của ông Tập được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng trở nên khốc liệt hơn, cùng những yếu tố bên ngoài bao vây Trung Quốc và ngày càng trở nên phức tạp, điển hình là liên minh tình báo ‘Ngũ Nhãn’ (Five Eyes) (bao gồm Mỹ, Úc, Anh, Canada và New Zealand).
Tờ Asia Week năm ngoái đưa tin, sau Đại hội toàn quốc của ĐCSTQ lần thứ 19, nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình đã được kéo dài thêm 5 năm, và việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực đã trở thành một chương trình nghị sự của Bắc Kinh.
Chuyên gia về Trung Quốc Ian Easton, một nhà nghiên cứu tại Viện Dự án 2049, cũng tiết lộ rằng ĐCSTQ đã phác thảo một kế hoạch quân sự bí mật để tấn công Đài Loan vào năm 2020, mang tên “Liên kết tấn công quần đảo”, bao gồm 3 giai đoạn: Phong tỏa và ném bom, Đổ bộ và Tác chiến trên mặt đất.
Tuy nhiên, ông Ian Easton nhận xét, kế hoạch xâm lược Đài Loan của Bắc Kinh gần như chắc chắn thất bại, vì Đài Loan có địa hình đồi núi, hiệu ứng đường hầm gió của eo biển Đài Loan tạo ra thời tiết rất bất lợi cho việc vận chuyển quân đội và vận chuyển vũ khí.