Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Maldives cho thấy sức mạnh tài chính có thể xóa nhòa sự gần gũi về khoảng cách địa lý lẫn quan hệ đồng minh lâu năm.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên phải) và tân Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih trước thềm cuộc họp ở New Delhi ngày 17-12-2018. Ảnh: REUTERS
Sự thay đổi trong chính trường Maldives chính là lý do khiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi quyết định lần đầu tiên đặt chân đến quốc đảo nằm tại Ấn Độ Dương này hồi tháng 11-2018. Trước đó, Maldives là thành viên duy nhất trong Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) mà nhà lãnh đạo này chưa ghé thăm sau hơn 4 năm cầm quyền.
Dưới thời Tổng thống Abdulla Yameen thân Trung Quốc, Maldives không có được mối quan hệ gần gũi với Ấn Độ. Khi đó, Maldives đón nhận “cơn mưa đầu tư” cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc, bao gồm dự án 830 triệu USD nâng cấp sân bay và dự án 400 triệu USD xây cầu kết nối sân bay này với thủ đô Male. Song song với đó là việc các công ty và nhân công Ấn Độ bị Maldives quay lưng.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi sau khi ông Yameen thất bại trong cuộc bầu cử hồi tháng 9-2018 trước ứng viên đảng đối lập Ibrahim Mohamed Solih. Sau khi ông Solih tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Modi quyết định đến Maldives – quốc gia vẫn đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch duy trì ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương của New Delhi.
Hải quân Ấn Độ “trông coi” vùng biển giữa Qatar và eo biển Malacca. Mỗi năm, hơn 100.000 tàu thuyền chở dầu, khoáng sản và hàng hóa qua lại các tuyến vận tải biển quốc tế ở phía Bắc Ấn Độ Dương. Hải quân Ấn Độ thống trị những vùng biển này nhờ 2 quần đảo: Lakshadweep ở phía Tây cùng với Andaman và Nicobar ở phía Đông Ấn Độ Dương.
Sự thống trị này có thể bị thách thức nếu Trung Quốc thiết lập được căn cứ quân sự tại Maldives.
New Delhi đang lo ngại việc Bắc Kinh sử dụng sức mạnh tài chính để đạt được nhiều mục tiêu, trong đó có thiết lập căn cứ quân sự không chỉ tại Maldives mà còn ở Myanmar, Bangladesh và Sri Lanka. Những căn cứ này có thể trở thành một “chuỗi ngọc trai” của Bắc Kinh và được sử dụng để kiềm chế hoạt động hàng hải của Ấn Độ.
Ấn Độ không ngần ngại công khai ủng hộ những diễn biến chính trị ở Maldives, chẳng hạn hoan nghênh việc ông Yameen thất bại trong cuộc bầu cử mới đây.
Điều này được thể hiện rõ trong tuyên bố chung mới nhất của 2 nhà lãnh đạo Maldives và Ấn Độ, theo đó bày tỏ sự tin tưởng trong việc làm mới các mối quan hệ hợp tác và đồng minh thân thiết khi ông Solih trở thành tân Tổng thống Maldives, đồng thời nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và an ninh ở Ấn Độ Dương”.
Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Maldives cho thấy sức mạnh tài chính có thể xóa nhòa sự gần gũi về khoảng cách địa lý (Maldives cách mũi Nam quần đảo Lakshadweep chưa đến 160 km) lẫn quan hệ đồng minh lâu năm. Lâu nay, Ấn Độ bảo đảm an ninh cho các quốc đảo trên Ấn Độ Dương – không chỉ Maldives mà còn Seychelles và Mauritius.
Vào năm 2012, Trung Quốc thậm chí còn không có đại sứ quán tại Male. Thế nhưng, trong năm đó, công ty GMR (Ấn Độ) phụ trách dự án xây dựng sân bay trên đảo Hulhule – Maldives bị hủy hợp đồng và nhân viên của họ bị yêu cầu rời đi.
Dự án này sau đó được Maldives giao lại cho các công ty Trung Quốc. Đến đầu năm 2018, ảnh hưởng của Ấn Độ tại Maldives bị vô hiệu hóa bởi một loạt bước đi của ông Yameen.
Nếu tình hình ở Maldives được cải thiện theo hướng có lợi cho New Delhi, đó không phải là nhờ chính quyền Thủ tướng Modi mà bởi chính Trung Quốc. Sự theo đuổi vụng về của Bắc Kinh đối với các mục tiêu kinh tế chiến lược tại Ấn Độ Dương đã khiến cán cân thay đổi. Điều này cũng xảy ra ở Myanmar, Pakistan và Sri Lanka.
Sri Lanka đã không thể “cưỡng lại” lời đề nghị xây dựng cảng container 500 triệu USD tại Colombo để rồi giờ đây, Công ty Merchants Holdings International (Trung Quốc) đang sở hữu 85% cảng này.
Sự đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào TP Hambantota – bao gồm một cảng, sân bay, khu kinh tế và mạng lưới đường cao tốc – được mong đợi là sẽ “vực dậy” kinh tế của một trong những khu vực kém phát triển nhất Sri Lanka.
Thế nhưng, với quá ít hoạt động vận tải và kinh tế để thu về hàng tỉ USD đã chi ra, Colombo buộc phải để Trung Quốc thuê cảng cùng với 6.070 ha đất quanh đó trong 99 năm.
Tân Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena, một người thân với Ấn Độ hơn, khẳng định Hambantota sẽ không bao giờ được sử dụng cho các hoạt động chống Ấn Độ. Tuy nhiên, thực tế là Trung Quốc đang kiểm soát một cảng quan trọng ở gần Ấn Độ.
Ngay cả Pakistan, quốc gia có “tình anh em sắt đá” với Trung Quốc, cũng không khác mấy. Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) ban đầu được xem là một món quà mà Trung Quốc dành tặng cho sự phát triển của Pakistan.
Tuy nhiên, sau khi phân tích kỹ càng, Islamabad nhận ra những khoản nợ với lãi suất lớn đến từ dự án này mang lại nhiều lợi ích cho Bắc Kinh hơn là cho họ. Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 11-2018, tân Thủ tướng Pakistan Imran Khan được cho là đã kêu gọi cắt giảm số lượng dự án thuộc CPEC.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Shyam Saran khẳng định những quốc gia vay mượn nợ từ Trung Quốc cần phải rút ra được những bài học tương tự.
Trong chuyến viếng thăm Maldives của Thủ tướng Modi, Tổng thống Solih có nhắc đến tình hình kinh tế nước nhà nguy cấp, đồng thời kêu gọi Ấn Độ hỗ trợ xây nhà cũng như thiết lập hệ thống cấp thoát nước. Những dự án này hoàn toàn nằm trong khả năng của Ấn Độ dù không hoành tráng như những dự án hạ tầng của Trung Quốc.